QUAN ĐIỂM THẦN HỌC CỦA CÁC THƯ MỤC VỤ
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng 1, 2009 tại Đại Sảnh Phaolô VI. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và giáo huấn của Thánh Phaolô. Hôm nay ĐTC nói về các Thư Mục Vụ trong đó ngài đề cập đến Thánh Truyền và cơ cấu Hội Thánh.
* * *
Anh chị em thân mến:
Những Thư cuối cùng của bộ Thư của Thánh Phaolô, mà chúng ta sẽ nói đến hôm nay, được gọi là những Thư Mục Vụ, bởi vì các Thư này được gửi cho những khuôn mặc đặc biệt trong số những mục tử của Hội Thánh: hai Thư cho Thánh Timôthê và một Thư cho Thánh Titô, là những cộng sự viên thân cận của Thánh Phaolô.
Trong Thánh Timôthê, Thánh Tông Đồ hầu như thấy con người khác của mình; thực ra ngài đã trao phó cho Timôthê những sứ vụ quan trọng (ở Macêđônia: x. CV 19:22; ở Thêxalônica: x. 1 Timothy 3:6-7; ở Côrinthô: x. 1 Corinthians 4:17; 16:10-11), và sau đó ngài đã viết những lời khen ngợi Timôthê như sau: “Vì tôi không có ai khác đồng tâm nhất trí với tôi, là người sẽ thực tâm lo lắng cho tình trạng của anh em” (Phl 2:20).
Theo Sách Lịch Sử Hội Thánh của Êusibô thành Caesarê ở thế kỷ thứ tư thì sau này Thánh Timôthê làm giám mục tiên khởi của Êphêsô (x. 3,4).
Còn Thánh Titô phải được Thánh Tông Đồ quý yêu lắm, vì ngài gọi Titô cách thẳng thừng là “đầy hăng say… bạn đồng hành, vừa là cộng sự viên của tôi” (x 2 Corinthians 8:17,23), mà còn hơn nữa là “người con thực sự của cha trong một đức tin chung” (Titus 1:4). Titô đã được ngài trao phó một vài sứ vụ rất tế nhị ở Hội Thánh Côrinthô, mà kết quả làm cho Thánh Phaolô rất hài lòng (x. 2 Corinthians 7:6-7,13; 8:6). Ngay sau đó, từ những gì chúng ta biết, Titô theo kịp Thánh Phaolô ở Nicopolis thuộc Êpirô, trong nước Hy Lạp (x. Titus 3:12) và rồi được ngài sai đi Dalmatia (x. 2 Timothy 4:10). Theo Thư Thánh Phaolô gửi cho Titô, thì cuối cùng Titô làm giám mục ở Crêtê (x. Titus 1:5).
Các Thư hướng dẫn hai vị mục tử này chiếm một chỗ hoàn toàn đặc thù trong Tân Ước. Đối với hầu hết các nhà chú giải Thánh Kinh hiện nay thì dường như những Thư này không thể do chính Thánh Phaolô viết, và theo họ thì những Thư này bắt nguồn từ “trường phái Phaolô” cùng phản ảnh gia tài mà Thánh Nhân để lại cho thế hệ mới, có lẽ được ghép vào đó những đoạn văn ngắn hay những lời của chính Thánh Tông Đồ. Thí dụ có vài lời trong Thư thứ hai gửi Timôthê có vẻ rất chân thành đến nỗi những lời ấy chỉ có thể phát ra từ trái tim và miệng của Thánh Tông Đồ.
Điều chắc chắn là tình trạng Hội Thánh xảy ra như được diễn tả trong những Thư này là tình trạng khác với những năm chính của đời Thánh Phaolô. Giờ đây khi hồi tưởng lại, Thánh Nhân đã coi mình như là “sứ giả, tông đồ, và thầy” của Dân Ngoại trong Đức Tin và chân lý (x. 1 Timothy 2:7; 2 Timothy 1:11); ngài tự giới thiệu mình như một người đã được thương xót bởi vì – như ngài viết – là Đức Chúa Giêsu Kitô “muốn phơi bày tất cả lòng kiên nhẫn của Người nơi cha trước nhất, mà làm gương cho những ai sẽ tin vào Người sau đó, để được sự sống đời đời” (1 Timothy 1:16).
Cho nên điều chính yếu là chính Thánh Phaolô, kẻ bách hại đã được sự hiện diện của Đấng Phục Sinh hoán cải, đem lòng hào hiệp của Chúa ra để khuyến khích chúng ta, thúc đẩy chúng ta hy vọng và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, là Đấng có thể làm những việc trọng đại, bất chấp sự bé nhỏ của chúng ta. Ngoài những năm chính của cuộc đời Thánh Phaolô, các Thư này cũng ám chỉ những hoàn cảnh xã hội mới. Thực ra, trong các thư này có ám chỉ việc xuất hiện những giáo huấn được coi là hoàn toàn lầm lẫn hay sai lạc (x. 1 Timothy 4:1-2; 2 Timothy 3:1-5), như những giáo huấn dạy rằng việc hôn nhân không tốt (x. 1 Timothy 4:3a).
Chúng ta thấy lo ngại này vẫn còn hợp thời như thế nào, ngày nay người ta đôi khi cũng đọc Thánh Kinh như đối tượng của sự tò mò về lịch sử chứ không phải như Lời của Chúa Thánh Thần, mà trong đó chúng ta được nghe từng tiếng nói của Chúa và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử. Chúng ta phải nói rằng, với danh sách ngắn của những lỗi lầm được kể ra trong các Thư ấy, xuất hiện một nét phác họa cho thấy trước hướng đi sai lầm tiếp theo mà chúng ta biết tên là Ngộ Đạo (x. 1 Timothy 2:5-6; 2 Timothy 3:6-8).
Tác giả đương đầu với những giáo thuyết này bằng hai lời kêu gọi chính. Một lời kêu gọi gồm việc trở lại với cách đọc Thánh Kinh cách thiêng liêng (x. 2 Timothy 3:14-17), nghĩa là một cách đọc trong đó coi Thánh Kinh thật sự là được Thiên Chúa linh hứng và đến từ Chúa Thánh Thần, để nhờ Thánh Kinh, một người có thể được “dạy dỗ để được ơn Cứu Độ”. Thánh Kinh được đọc đúng bằng cách tự đặt mình vào cuộc đối thoại với Chúa Thánh Thần, ngõ hầu lấy ra từ Thánh Kinh ánh sáng “để giảng dạy, thuyết phục, răn bảo, giáo huấn trong sự công chính” (2 Timothy 3:16). Theo nghĩa này, Thư thêm rằng “để cho người thuộc về Thiên Chúa nên toàn thiện, và được trang bị đầy đủ mà làm mọi việc lành” (2 Timothy 3:17).
Lời kêu gọi thứ nhì nói về kho tàng Đức Tin (parathéke): Đây là một từ đặc biệt của các Thư Mục Vụ mà Thánh Nhân dùng để chỉ truyền thống Đức Tin của các Tông Đồ, một Đức Tin cần phải được bảo vệ cũng với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Điều được gọi là kho tàng ấy phải được kể là tổng số của Truyền Thống các Tông Đồ và là tiêu chuẩn của lòng trung thành với việc rao giảng Tin Mừng. Ở đây chúng ta cần ghi nhớ rằng trong các Thư Mục Vụ, cũng như trong toàn thể Tân Ước, từ “Thánh Kinh” có nghĩa rõ ràng là Cựu Ước, vì các tác phẩm Tân Ước khi ấy chưa có, hay chưa trở thành một phần của quy điển Thánh Kinh.
Như thế Truyền Thống trong việc rao giảng của các Tông Đồ, “kho tàng” này, là chìa khóa giúp chúng ta đọc để hiểu Thánh Kinh, Tân Ước. Theo nghĩa này, Thánh Kinh và Thánh Truyền, tức là Thánh Kinh và việc rao giảng của các Tông Đồ là chìa khóa để đọc, tiếp cận, và hầu như hợp lại để làm thành “một nền tảng vững chắc của Thiên Chúa” (2 Timothy 2:19). Việc rao giảng của các Tông Đồ, nghĩa là Thánh Truyền, cần thiết để làm quen với việc hiểu Thánh Kinh và tiếp nhận trong đó tiếng nói của Đức Kitô. Thật vậy, cần phải “nắm vững lời chân thật như đã được học” (Titus 1:9). Ở nền tảng của tất cả mọi sự chính là Đức Tin vào mạc khải lịch sử của lòng nhân lành Thiên Chúa, là Đấng đã tỏ lộ nơi Đức Chúa Giêsu Kitô “tình yêu của Ngài đối với nhân loại”, một tình yêu mà trong tiếng Ly Lạp gọi là ”filanthropía” (x. Titus 3:4; 2 Timothy 1:9-10): Thiên Chúa yêu thương nhân loại.
Nói chung thì người ta thấy rõ ràng là cộng đoàn Kitô hữu phải tự đào luyện theo những điều kiện thật rõ ràng, theo một căn tính không những tránh xa những giải thích không thích hợp, nhưng trên hết còn khẳng định việc gắn liền với các điểm thiết yếu của Đức Tin, mà ở đây đồng nghĩa với “chân lý” (1 Timothy 2:4,7; 6:5; 2 Timothy 2:15; 4:4; Titus 1:14).
Trong Đức Tin, là chân lý thiết yếu về chúng ta là ai, Thiên Chúa là ai, và chúng ta phải sống thế nào. Và từ chân lý này (chân lý của Đức Tin) mà Hội Thánh được định nghĩa là “cột trụ và nền tảng” (x. 1 Timothy 3:15). Dù trong trường hợp nào đi nữa, Hội Thánh vẫn là một cộng đồng rộng mở, có tầm phổ quát. Một công đồng cầu nguyện cho tất cả mọi ngươi thuộc mọi tầng lớp và điều kiện xã hội, để họ nhận ra chân lý. “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” bởi vì “Chúa Giêsu đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Timothy 2:4-5). Như vậy, dù các cộng đồng vẫn còn bé nhỏ, nhưng đã có ý thức phổ quát mạnh mẽ và xác quyết trong các Thư này. Hơn nữa, cộng đoàn Kitô hữu “không nói xấu ai” và “luôn luôn tỏ ra nhã nhặn với mọi người” (Titus 3:2). Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên của các Thư này: tính phổ quát của Đức Tin như là chân lý, như là chìa khóa để đọc Thánh Kinh, đọc Cựu Ước, và như thế mô tả một sự hợp nhất trong việc rao giảng Thánh Kinh và một Đức Tin sống động mở ra cho tất cả mọi người và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người.
Còn một yếu tố đặc thù khác của các thư này là một suy nghĩ về cấu trúc thừa tác của Hội Thánh. Chính các thư này đã trình bày lần đầu tiên việc phân chia các thừa tác vụ làm ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế (x. 1 Timothy 3:1-13; 4:13; 2 Timothy 1:6; Titus 1:5-9). Chúng ta có thể nhận thấy trong các thư mục vụ việc nối kết hai cơ cấu thừa tác lại, và như thế làm thành hình thức sau cùng của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Trong các Thư của Thánh Phaolô vào những năm chính của đời ngài, Thánh Nhân nói về “episcope” [các giám mục] (Phl 1:1) và “diaconi” [phó tế]: Đó là cấu trúc đặc thù của Hội Thánh, được thiết lập trong thời đại thế giới ngoại giáo. Cho nên khuôn mặt này của chính Thánh Tông Đồ vẫn còn nổi bật, và vì thế dần dần những thừa tác vụ khác đã phát triển.
Nếu như cha đã nói, trong những Giáo Hội được thành hình trong thế giới ngoại giáo chúng ta có các giám mục và phó tế, mà không có linh mục [tư tế], còn trong các Giáo Hội hình thành trong thế giới Do-thái-Kitô-giáo, các linh mục [tư tế] là cơ cấu chính. Ở cuối các Thư Mục Vụ, hai cơ cấu này hợp lại: Khi ấy xuất hiện chức “episcopo” (giám mục) (x. Tim 3:2; Titus 1:7), luôn luôn ở số ít, đi theo bằng một mạo từ chỉ định. Cùng với “episcopo” chúng ta thấy có các linh mục và các phó tế. Lúc đó, khuôn mặt của Thánh Tông Đồ vẫn còn nổi bật, nhưng ba Thư Mục Vụ, như cha đã nói, không nhằm đến các cộng đồng, mà đến hai người là Timôthê và Titô, một đàng xuất hiện như các giám mục, đàng khác, bắt đầu thế chỗ của Thánh Tông Đồ.
Như vậy người ta bắt đầu nhận ra thực tại mà sau này gọi là “việc kế vị Tông Đồ”. Thánh Phaolô nói với Timôthê bằng một giọng nghiêm trọng như sau: “Đừng thờ ơ với ân sủng đang ở trong con, là ơn đã được ban cho con nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên con.” (1 Timothy 4:14). Chúng ta có thể nói rằng trong các lời ấy bắt đầu xuất hiện tính chất bí tích của thừa tác vụ. Và như thế chúng ta có điều thiết yếu của cấu trúc công giáo: Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thánh Kinh và lời rao giảng, làm thành một tổng thể; nhưng phải thêm vào cấu trúc này, mà chúng ta gọi là cấu trúc giáo lý, cấu trúc nhân sự, là các người kế vị các Tông Đồ, như chứng nhân của lời rao giảng của các Tông Đồ.
Sau cùng cần phải ghi nhận rằng trong các Thư này, Hội Thánh hiểu mình theo nghĩa rất nhân bản, tương tự như là ngôi nhà và gia đình. Đặc biệt là trong Thư thứ nhất gửi Timôthê 3:2-7, Thánh Nhân đưa ra các chỉ dẫn chi tiết cho chức giám mục, như là “Một giám mục phải là người không thể chê trách được, là chồng của chỉ một vợ, tiết độ, điềm đạm, có tư cách, hiếu khách, có khả năng giảng dạy, không nghiện rượu, không hung bạo, nhưng hòa nhã, không lý sự, và không ham tiền, phải là người tề gia giỏi, biết dạy con cái phục tùng cách nghiêm chỉnh, vì nếu một người không biết điều khiển chính gia đình mình, thì làm sao có thể chăm sóc Hội Thánh của Thiên Chúa được? . . . . Người ấy cũng phải có uy tín đối với người ngoài”.
Chúng ta phải ghi nhận ở đây tất cả những khả năng cần thiết trong việc giảng dậy (x. 1 Timothy 5:17), mà trong đó chúng ta thấy những lời được thấy ở những đoạn khác (x. 1 Timothy 6:2; 2 Timothy 3:10; Titus 2:1), và rồi một đặc tính cá nhân đặc biệt, đặc tính của “hiền phụ.” Thật vậy, vị giám mục được coi như cha của cộng đoàn Kitô hữu (x. 1 Timothy 3:15). Hơn nữa, ý tưởng Hội Thánh như “nhà của Thiên Chúa” có nguồn gốc trong Cựu Ước (x. Ds 12:7), và được tái công thức hóa trong Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 3:2,6); trong khi ở nơi khác chúng ta đọc thấy rằng mọi Kitô hữu không còn là người xa lạ hay là khách, mà là đồng hương với các thánh và là phần tử của gia đình trong nhà của Thiên Chúa (x. Ephesians 2:19).
Vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa và Thánh Phaolô để ngày nay, là các Kitô hữu, trong tương quan với xã hội mà chúng ta đang sống, chúng ta cũng hơn bao giờ hết luôn luôn có đặc tính như là phần tử của “gia đình của Thiên Chúa”. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các mục tử của Hội Thánh để các ngài càng ngày càng có nhiều tâm tình hiền phụ, đồng thời cũng dịu dàng và mạnh mẽ trong việc đào tạo gia đình của Thiên Chúa, là cộng đoàn Hội Thánh.
+ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ