Bài Giáo Lý Mới XV của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

AĐAM VÀ ĐỨC KITÔ TRONG GIÁO HUẤN CỦA THÁNH PHAOLÔ

Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung tại Đại Sảnh Phaolô VI ngày Thứ Tư, mùng 3 tháng 12 năm 2008. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và giáo hu ấn c ủa Thánh Phaolô.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong bài Giáo Lý hôm nay chúng ta suy nghĩ về sự liên hệ giữa ông Ađam và Đức Kitô, mà Thánh Phaolô nói đến trong một trang nổi tiếng của Thư gửi tín hữu Rôma (5:12-21), trong đó ngài đã cung cấp cho Hội Thánh những câu căn bản của giáo thuyết về Tội Tổ Tông. Thực ra, trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, khi bàn về Đức Tin vào sự Phục Sinh, Thánh Phaolô đã đưa ra một cuộc chạm trán giữa nguyên tổ của chúng ta và Đức Kitô: như trong ông Ađam mà mọi người phải chết, thì trong Đức Kitô mà mọi người cũng được hồi sinh… ‘Con người đầu tiên là Ađam được dựng nên là một sinh vật,’ nhưng Ađam cuối cùng được dựng nên là thần khí ban sự sống” (1 Corinthians 15:22,45). Với Thư Roma 5:12-21 sự so sánh giữa Đức Kitô và ông Ađam thành rõ ràng và sáng sủa hơn: Thánh Phaolô ôn lại lịch sử cứu độ từ ông Ađam đến Lề Luật và từ đó đến Đức Kitô. Ở đây ngài không đặt ông Ađam với hậu quả tội lỗi trên nhân loại làm trung tâm của lịch sử, nhưng đặt Đức Kitô và ân sủng mà nhờ Người được đổ dồi dào trên nhân loại. Việc lập đi lập lại từ “còn hơn nhiều” về Đức Kitô nhấn mạnh rằng hồng ân mà chúng ta nhận được trong Người còn vượt xa tội Ađam và hậu quả của nó thế nào, do đó Thánh Phaolô kết luận: “ở đâu tội lỗi đã gia tăng, thì ở đó ân sủng càng thêm dồi dào” (Romans 5:20). Cho nên sự so sánh mà Thánh Phaolô vạch ra giữa ông Ađam với Đức Kitô nhấn mạnh đến sự thấp hèn của người trước và sự ưu vượt của người thứ hai.

Đằng khác, chính vì muốn nhấn mạnh đến món quá vô giá của ân sủng trong Đức Kitô mà Thánh Phaolô đã nhắc đến tội Ađam: có thể nói được rằng, nếu không phải là để chứng tỏ vai trò trọng tâm của ân sủng, thì ngài đã không ngần ngại nói đến tội mà: “vì một người,… đã xâm nhập vào thế gian, và bởi tội lỗi gây ra sự chết” (Romans 5:12). Vì chữ nếu này, mà trong Đưc Tin của Hội Thánh ý thức về tín điều Tội Tổ Tông được chín mùi, bởi vì nó liên kết một cách bất khả phân ly với tín điều khác, đó là ơn Cứu Độ và sự tự do trong Đức Kitô. Cho nên chúng ta không bao giờ được đề cập đến tội Ađam và tội của nhân loại một cách tách rời khỏi phạm vi của ơn Cứu Độ, nghĩa là không có sự hiểu biết về nó trong chân trời của ơn công chính hoá trong Đức Kitô.

Tuy nhiên, là con người thời nay, chúng ta phải tự hỏi: Tội Tổ Tông là gì? Thánh Phaolô dạy gì và Hội Thánh dạy gì? Chúng ta còn có thể đống ý với học thuyết này không? Nhiều người cho rằng trong ánh sáng của lịch sử tiến hóa, thì học thuyết về một tội đầu tiên mà sau đó truyền lại trong toàn thể lịch sử nhân loại không còn chỗ đứng nữa. Và theo đó thì vấn đề cứu độ và ngay cả Đấng Cứu Độ cũng mất hết nền tảng. Vậy có Tội Tổ Tông hay không? Để trả lời, chúng ta phải phân biệt hai bình diện của học thuyết về Tội Tổ Tông. Có một bình diện thực nghiệm, nghĩa là một thực tại cụ thể, hiển nhiên, mà chúng ta có thể nói rằng mọi người đều thấy rõ. Và một bình diện bí nhiệm về nền tảng bản thể học của sự kiện. Những dữ kiện thực nghiệm là có sự mâu thuẫn trong con người chúng ta. Một đàng thì mọi người đều biết phải làm việc thiện và trong lòng cũng muốn làm như thế. Nhưng đồng thời, người ta cũng cảm thấy một sự thúc đẩy khác để làm ngược lại, để làm theo tính ích kỷ, tính hung bạo, để chỉ làm điều mình thích thích nhất trong khi biết rằng làm như thế là trái với sự thiện, chống lại Thiên Chúa, và chống lại những người lân cận. Vì thế mà Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma, đã diễn tả mâu thuẫn này trong con người chúng ta: “Thực ra, điều vừa tầm tay là tôi có thể muốn làm điều tốt, nhưng tôi lại không làm. Điều tốt tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều ác tôi không muốn, thì tôi lại làm” (Romans 7:18-19). Sự mâu thuẫn nội tâm này của con người chúng ta không phải là một lý thuyết. Mỗi người chúng ta đều có bằng chứng về điều đó hằng ngày. Và trên hết, chúng ta luôn thấy chung quanh mình sự thắng thế của ý muốn thứ hai này. Chỉ cần nghĩ về những tin tức hằng ngày về những bất công, bạo động, gian dối, và khiêu dâm. Chúng ta thấy nó mỗi ngày: đó là một sự thật.

Hậu quả của quyền năng sự dữ này trong linh hồn chúng ta, đã phát triển trong lịch sử một dòng sông đầy bùn, làm ô nhiễm địa lý của lịch sử nhân loại. Tư tưởng gia người Pháp vĩ đại Blaire Pascal đã nói đến “một bản tính thứ hai”, chồng lên trên bản tính tốt lành nguyên thủy của chúng ta. “Bản tính thứ hai” này làm cho con người thấy sự dữ như là bình thường. Như vậy, cách nói thường tình: “đó là nhân bản” cũng có hai ý nghĩa. “Đó là nhân bản” có thể có ý muốn nói là: Người này tốt, người ấy thực ra phải hành động như một người. Nhưng “đó là nhân bản” cũng có thể có nghĩa sai lầm: sự dữ là bình thường, là bản tính con người. Sự dữ xem ra đã thành bản tính thứ hai. Chính sự mâu thuẫn của con người trong lịch sử nhân loại và cũng là của ngày nay đã làm nảy sinh ra ước muốn về cứu độ. Và, thật vậy, ước muốn rằng thế giới được biến đổi là lời hứa sẽ tạo nên một thế giới công bình, an lành và tốt lành được thấy khắp nơi: chẳng hạn như trong chính trị, mọi người đều nói đến việc cần phải thay đổi thế giới này để tạo nên một thế giới công bình hơn. Và điều đó chính là cách diễn tà ao ước được giải thoát khỏi sự mâu thuẫn mà chính chúng ta cảm nghiệm được.

Như thế sự thật về quyền năng của sự dữ trong tâm hồn và trong lịch sử nhân loại là điều không thể chối cãi được. Vấn đề là: làm sao có thể cắt nghĩa được sự dữ này? Trong lịch sử tư tưởng, ngoài Đức Tin Kitô giáo ra còn có một mô thức giải thích chính với nhiều biến thể. Mô thức này nói rằng: chính con người là sự mâu thuẫn, nó mang trong mình cả điều thiện lẫn điều ác. Ngày xưa tư tưởng này liên hệ với ý kiến cho rằng có hai nguyên lý đều có từ nguyên thủy: một nguyên lý thiện và một nguyên lý ác. Thuyết nhị nguyên này không thể vượt qua được; hai nguyên lý này ngang hàng với nhau, cho nên luôn luôn có sự mâu thuẫn này tận gốc của con người. Vì thế, sự mâu thuẫn của con người chúng ta chỉ phản ảnh một cách nào đó lập trường trái ngược nhau của hai nguyên lý thiêng liêng này. Lời giải thích của những người theo thuyết tiến hóa, vô thần, của thế gian trở lại với cùng một cái nhìn này. Ngay cả nếu trong quan niệm này, cái nhìn của của những người theo thuyết nhất nguyên, người ta cho rằng ngay từ đầu con người đã mang trong mình cả điều ác lẫn điều thiện. Con người không đơn thuần là tốt, nhưng mở ra cho cả điều thiện lẫn điều ác. Và điều ác cũng có từ nguyên thủy như điều thiện. Và lịch sử nhân loại sẽ chỉ phát huy theo mô thức đã có sẵn trong tất cả những sự phát triển trước. Điều mà các Kitô hữu gọi là Tội Tổ Tông trên thực tế chỉ là sự pha trộn, một hỗn hợp của điều thiện và ác, mà theo thuyết này, thuộc về tấm vải che thân của cùng một con người. Đây là một cái nhìn tuyệt vọng tự căn bản, vì nếu như thế thì chúng ta không thể thắng được sự dữ. Cuối cùng thì người ta chỉ còn biết đến quyền lợi của mình. Và mỗi sự tiến bộ cần phải được trả giá bằng một dòng sông sự dữ, và ai muốn phục vụ sự tiến bộ này đều phải bằng lòng trả giá ấy. Theo căn bản thì chính trị được dựa trên những tiền đề như thế: và chúng ta thấy những hậu quả của nó. Cuối cùng thì tư tưởng hiện đại này chỉ tạo nên đau buồn và vô luân.

Vậy chúng ta tự hỏi mình một lần nữa: chứng từ của Thánh Phaolô nói gì về Đức Tin? Như điểm thứ nhất, chứng từ này xác nhận sự thật về việc tranh chấp giữa hai bản tính, về sự thật là sự dữ mà bóng của nó che phủ trên mọi tạo vật. Chúng ta đã nghe Chương 7 của Thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta có thể thêm Chương 8. Đơn giản là có sự dữ. Như môt cách giải thích trái ngược với những người theo thuyết nhị nguyên và thuyết nhất nguyên mà chúng ta đã bàn đến cách vắn tắt ở trên và cảm thấy thất vọng, chúng ta nói về Đức Tin: có hai mầu nhiệm ánh sáng và một mầu nhiệm đêm tối, là mầu nhiệm bị vây bọc giữa các mầu nhiệm ánh sáng. Mầu nhiệm ánh sáng thứ nhất là thế này: Đức Tin dạy chúng ta rằng không có hai nguyên lý, một thiện và một ác, nhưng chỉ có một nguyên lý, là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và nguyên lý này tốt, chỉ có thiện mà thôi, không một chút bóng nào của sự ác. Và như thế con người cũng không phải là một hỗn hợp của cả thiện lẫn ác; vậy con người là tốt, và đó là lý do tại sao làm người là điều tốt, sống là điều tốt. Đó là lời loan báo hạnh phúc của Đức tin: có một nguồn mạch tốt lành, là Đấng Tạo Hóa. Và như thế sống là điều tốt, làm một người nam, một người nữ là tốt, đời sống là điều tốt. Tiếp theo là mầu nhiệm sự tối tăm, đêm tối. Sự dữ không đến từ một nguồn tự phát xuất, nó cũng không có từ nguyên thủy. Sự dữ chỉ được tạo ra bởi sự tự do, một sự tự do bị lạm dụng.

Làm sao có thể có chuyện ấy, làm sao chuyện ấy xảy ra? Điều này vẫn còn chưa rõ ràng. Sự dữ không phải là điều hợp lý. Chỉ có Thiên Chúa và sự tốt lành là hợp lý, là ánh sáng. Còn sự dữ vẫn bí nhiệm. Người ta trình bày nó bằng những hình ảnh lớn, như trong Chương 3 của Sách Sáng Thế, bằng thị kiến này với hai cây, Con Rắn và hai người mắc tội. Một hình ảnh lớn làm cho chúng ta phải đoán, chứ không giải thích được, bởi vì chính nó đã phi lý. Chúng ta có thể đoán mà không giải thích; chúng ta cũng không thể kể lại như một sự thật ở cạnh một sự thật khác, bởi vỉ nó là một sự thể quá sâu xa. Nó vẫn còn là một mầu nhiệm của sự tối tăm, của đêm tối. Nhưng thêm vào đó và ngay sau đó là một mầu nhiệm của ánh sáng khác. Sự dự đến từ một nguồn phụ thuộc. Thiên Chúa với ánh sáng của Ngài mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao sự dữ có thể bị khắc phục. Đó là lý do tại sao con người và tạo vật có thể được chữa lành. Những cái nhìn của những người theo thuyết nhị nguyên, và ngay cả nhất nguyên của thuyết tiến hóa, không thể nói rằng con người có thể được chữa lành; nhưng nếu sự dữ chỉ đến từ một nguồn phụ thuộc thì con người có thể được chữa lành. Và Sách Khôn Ngoan nói: “các tạo vật trên thế gian đều hữu ích” (Kn 1:14).

Và sau hết, điểm cuối cùng, con người không những có thể được chữa lành, nhưng thực ra đã được chữa lành. Thiên Chúa đã đưa sự chữa lành đến. Ngài đã tự mình đi vào lịch sử. Ngài đã chống lại nguồn mạch của sự dữ bằng một nguồn mạch tốt lành tinh tuyền. Đức Kitô chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, một Ađam mới, đã chống lại dòng sông nhơ bẩn của sự dữ bằng dòng sống ánh sáng. Và dòng sông này có mặt trong lịch sử: chúng ta thấy các Thánh, các Thánh vĩ đại và cả các Thánh khiêm nhu, đơn thành. Chúng ta thấy rằng dòng sông chảy ra từ Đức Kitô đang hiện diện và mãnh liệt.

Kính thưa anh chị em, đây là mùa Vọng. Theo ngôn ngữ của Hội Thánh, từ ngữ Mùa Vọng có hai nghĩa: hiện diện và đợi chờ. Hiện diện: ánh sáng đang có mặt, Đức Kitô, là Ađam mới, đang ở với chúng ta và ở giữa chúng ta. Ánh sáng đã chiếu tỏa, và chúng ta phải mở cặp mắt tâm hồn ra để thấy ánh sáng và bước vào dòng sông ánh sáng. Và trên hết, phải biết ơn vì Chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử như nguồn mạch mới của sự tốt lành. Nhưng Mùa Vọng cũng có nghĩa là mong chờ. Bóng đêm của sự dữ vẫn còn mạnh mẽ. Và đó là lý do tại sao chúng ta cùng với dân ngày xưa của Thiên Chúa cầu nguyện trong Mùa Vọng: “Rorate Caeli desuper (Trời cao hãy đổ sương xuống)”. Và chúng ta kiên tâm cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến, xin ban sức mạnh cho ánh sáng và sự tốt lành; xin đến nơi mà sự gian dối, sự không biết Thiên Chúa, bạo lực và bất công đang thống trị; lạy Chúa Giêsu xain hãy đến, xin ban sức mạnh cho sự tốt lành trên thế gian, và giúp chúng con trở thành những người mang ánh sáng của Chúa, tác nhân cho hòa bình, và nhân chứng cho chân lý. Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

1 Corinthians 15:22,45
View in: NAB
22And as in Adam all die, so also in Christ all shall be made alive.
45The first man Adam was made into a living soul; the last Adam into a quickening spirit.
Romans 5:20
View in: NAB
20Now the law entered in, that sin might abound. And where sin abounded, grace did more abound.
Romans 5:12
View in: NAB
12Wherefore as by one man sin entered into this world, and by sin death; and so death passed upon all men, in whom all have sinned.
Romans 7:18-19
View in: NAB
18For I know that there dwelleth not in me, that is to say, in my flesh, that which is good. For to will, is present with me; but to accomplish that which is good, I find not.
19For the good which I will, I do not; but the evil which I will not, that I do.