THÁNH PHAOLÔ VÀ CÁC BÍ TÍCH
Làm Thế nào để Chúa Giêsu có thể đi vào cuộc đời chúng ta
Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung tại Đại Sảnh Phaolô VI ngày Thứ Tư, mùng 10 tháng 12 năm 2008. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về khuôn mặt và giáo huấn của Thánh Phaolô. Ngài nói về giáo huấn của Thánh Phaolô về các Bí Tích.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong bài Giáo Lý thứ tư tuần trước chúng ta thấy rằng theo Thánh Phaolô thì có hai điều. Điều thứ nhất là lịch sử nhân loại của chúng ta ngay từ thủa ban đầu đã bị ô nhiễm do việc lạm dụng tự do gây ra, với ý định thoát ly khỏi Thánh Ý Thiên Chúa. Khi làm như thế, con người không tìm được sự tự do đích thực, nhưng chống lại chân lý và làm sai sự thật, mà hậu quả là thực trạng của nhân loại chúng ta. Đặc biệt là sự ô nhiễm này làm sai lạc các liên hệ căn bản: đối với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ, giữa con người và trái đất. Chúng ta đã nói rằng sự ô nhiễm này của lịch sử chúng ta đang lan rộng trên các cơ cấu của nhân loại, rằng khuyết điểm được di truyền này đang gia tăng, và ngày nay đang nhan nhản khắp nơi. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ nhì là: chúng ta học từ Thánh Phaolô rằng có một khởi đầu mới trong lịch sử, và lịch sử trong Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giêsu, Đấng đến từ Thiên Chúa, bắt đầu một lịch sử mới được tạo thành bởi tiếng xin vâng của Người với Thiên Chúa, cho nên lịch sử mới này không dựa trên sự kiêu căng của một thoát ly giả tạo, mà dựa trên tình yêu và chân lý.
Nhưng bây giờ câu hỏi được đặt ra: làm sao chúng ta có thể đi vào khởi đầu mới này, vào lịch sử mới này? Trong lịch sử thứ nhất bị ô nhiễm chúng ta không tránh khỏi việc liên hệ huyết thống như con cháu, tất cả chúng ta đều thuộc về tập thể nhân loại. Nhưng việc hiệp thông với Chúa Giêsu, việc tái sanh vào nhân loại mới, được thực hiện thế nào? Làm sao để được Chúa Giêsu vào cuộc đời tôi, vào con người tôi? Câu trả lời nền tảng của Thánh Phaolô và của toàn thể Tân Ước là: nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu lịch sử thứ nhất bắt đầu bằng huyết thống, thì lịch sử thứ nhì bằng Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh. Chúa Thánh Thần ấy trong ngày Lễ Ngũ Tuấn đã tạo ra sự khởi đầu của một nhân loại mới, một cộng đoàn mới, là Hội Thánh, Nhiệm Thể Đức Kitô.
Nhưng chúng ta phải cụ thể hơn nữa: Thần Khí này của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, làm thế nào để Ngài trở thành Thần Khí của tôi? Câu trả lời là điều ấy có thể xảy ra bằng ba cách có liên hệ mật thiết với nhau. Cách thứ nhất là: Thần Khí của Đức Kitô gõ cửa tâm hồn tôi, chạm đến nội tâm tôi. Nhưng nhân loại mới phài là một thân thể thật sự, vì Chúa Thánh Thần phải quy tụ chúng ta lại và thật sự làm ra một cộng đoàn, như là đặc tính của khởi đầu mới, để thắng vượt những chia rẽ và tập họp những người bị phân tán, Thần Khí của Đức Kitô dùng hai yếu tố kết hợp rõ ràng: Lời Chúa để rao giảng và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Tẩy và Thánh Thể.
Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói: “nếu miệng anh em tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và lòng anh em tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ” (Romans 10:9), nghĩa là, anh chị em đi vào lịch sử mới, lịch sử của sự sống chứ không phải sự chết. Thánh Phaolô tiếp: “Nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà họ rao giảng, trừ khi được sai đi?” (Romans 10:14-15). Trong một đoạn tiếp theo, Thánh Nhân nói thêm: “Đức Tin có được là nhờ lắng nghe” (Romans 10:17). Đức Tin không phải là sản phẩm của sự suy nghĩ, của suy tư của chúng ta, nhưng là một điều gì mới mẻ mà chúng ta không sáng chế ra được, nhưng chỉ nhận được như một hồng ân, một cái gì mới từ Thiên Chúa. Đức Tin không đến từ việc đọc mà từ việc lắng nghe [Lời Chúa]. Đức Tin không những chì là một cảm nghiệm trong lòng, mà còn là một sự liên hệ với một Người Nào Đó. Giả sử rằng đó là một cuộc gặp gỡ với lời loan báo, thì phải có sự hiện hữu của một người loan báo và tạo ra sự hiệp thông.
Cuối cùng là lời loan báo: những người loan báo không phải là những người nói cho mình, nhưng là những người được sai đi. Trong một sứ vụ được bắt đầu bằng việc Chúa Cha sai Chúa Giêsu, truyền qua các Tông Đồ – từ tông đồ (apostle) có nghĩa là “được sai đi” – và tiếp tục trong thừa tác vụ, sứ vụ được các Tông Đồ truyền lại. Cơ cấu mới của lịch sử ở trong cấu trúc này của sứ vụ mà trong đó sau cùng chúng ta được nghe chính Thiên Chúa, Lời cá nhân của Ngài, là Chúa Con, Đấng nói với chúng ta, đã xuống với chúng ta. Ngôi Lời đã làm người, là Chúa Giêsu, để thật sự tạo ra một nhân loại mới. Vậy Lời Chúa trở thành Bí Tích trong Bí Tích Thánh Tẩy, là việc tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần, như Thánh Gioan nói. Trong Chương 6 của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói chi tiết về Bí Tích Thánh Tẩy. Nhưng có lẽ nên nhắc lại ở đây: “Anh em không biết rằng, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta chịu phép rửa trong cái chết của Người sao? Như thế, chúng ta đã cùng được mai táng với Người bằng phép rửa trong cái chết của Người, để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (Romans 6:3-4).
Đương nhiên là trong bài Giáo Lý này, Cha không thể giải thích chi tiết về đoạn văn ấy, là việc không dễ dàng. Cha chỉ nhấn mạnh vắn tắt ba điều. Điều thứ nhất là “chúng ta đã chịu phép rửa” là một hành động thụ động. Không ai có thể tự mình rửa tội cho mình, mà cần người khác. Không ai có thể tự mình trở thành Kitô hữu. Việc trở thành một Kitô hữu là một tiến trình thụ động. Chúng ta chỉ có thể trở thành Kitô hữu qua người khác. Và người khác này làm cho chúng ta thành các Kitô hữu, là người ban cho chúng ta món quà Đức Tin, trước hết là một cộng đồng các tín hữu, là Hội Thánh. Chúng ta nhận được từ Hội Thánh Đức Tin, Bí Tích Rửa Tội. Nếu chúng ta không để cho cộng đồng này đào luyện, thì chúng ta không thể trở thành Kitô hữu. Một Kitô hữu tự trị, tự tạo, tự nó là một điều mâu thuẫn. Thứ nhất, người khác này là một cộng đồng tín hữu, la Hội Thánh, nhưng thứ nhì, cộng đồng này không tự mình hoạt động theo những tư tưởng và ý muốn riêng của mình. Cộng đồng này cũng sống trong cùng một tiến trình thụ động: chỉ có một mình Đức Kitô là có thể thiết lập Hội Thánh. Đức Kitô mới thật sự là Đấng ban các Bí Tích. Đây là điểm chính: không có ai tự rửa tội cho mình, không có ai tự làm cho mình thành Kitô hữu. Chúng ta trở thành Kitô hữu.
Điều thứ hai là: Bí Tích Thánh Tẩy còn hơn một sự tắm rửa. Bí Tích này là sự chết và sự sống lại. Chính Thánh Phaolô, khi nói trong Thư gửi tín hữu Galatê, về khúc quanh của cuộc đời ngài được tạo nên bởi cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, đã diễn tả bằng những từ ngữ sau: tôi chết. Ngay trong giây phút này một đời sống mới thật sự bắt đầu. Trở thành một Kitô hữu còn hơn là một cuộc giải phẫu thẩm mỹ, là điều thêm một cái gì đẹp đẽ vào một đời sống đã ít nhiều hoàn toàn. Nó là một khởi đầu mới, một cuộc tái sanh: chết và sống lại. Dĩ nhiên, trong cuộc phục sinh điều gì tốt lành trong cuộc đời cũ sẽ lại chỗi dậy.
Điều thứ ba là: vật chất là một phần của Bí Tích. Kitô giáo không phải là một thực thể thuần túy thiêng liêng. Nó bao hàm cả thân thể. Nó bao hàm cả vũ trụ. Nó trải rộng ra đến đất mới trời mới. Chúng ta hãy trở lại từ ngữ cuối cùng trong đoạn văn của Thánh Phaolô, ngài nói: như thế, chúng ta có thể “bước đi trong một đời sống mới”. Đây là một điều để xét mình cho tất cả chúng ta: đi trong một đời sống mới. Đó là Bí Tích Thánh Tẩy.
Bây giờ chúng ta hãy sang BÍ Tích Thánh Thể. Cha đã trình bày trong những bài Giáo Lý khác sự kính trọng sâu xa mà Thánh Phaolô có khi truyền lại truyền thống truyền khẩu về Bí Tích Thánh Thể mà ngài đã nhận được từ cùng những nhân chứng của đêm cuối cùng. Ngài truyền lại những lời này như một kho tàng quý giá được tín thác cho lòng trung tín của ngài. Như thế, trong những lời này, chúng ta thực sự nghe những lời của Thánh Tông Đồ: “Điều tôi đã nhận được từ Chúa, thì tôi truyền lại cho anh em, rằng Chúa Giêsu, trong đêm mà Người bị nộp, cầm lấy bánh, và sau khi đã dâng lời cảm tạ, Người bẻ ra và nói, ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, (sẽ bị nộp) vì các con; các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.’ Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người nâng chén và nói, ‘Chén này là Giao Ước mới trong Máu Thầy. Các con hãy làm việc này, mỗi khi các con uống, để nhớ đến Thầy’” (1 Corinthians 11:23-25). Điều này là một việc không bao giờ chấm dứt. Ở đây trong bài Giáo Lý, Cha sẽ đưa ra hai giải thích ngắn. Thánh Phaolô truyền lại những lời của Chúa trên chén rượu cách này: chén này là “giao ước mới trong Máu Thầy.” Trong những lời này ám chỉ hai bản văn căn bản của Cựu Ước. Ám chỉ thứ nhất về lời hứa về một giao ước mới trong sách Ngôn Sứ Gêrêmia. Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ và nói: bây giờ, trong giờ này, với Thầy và nhờ cái chết của Thầy giáo ước mới được thực hiện; từ Máu Thầy, lịch sử mới của nhân loại này được bắt đầu. Nhưng đồng thời những lời này cũng ám chỉ giây phút của giao ước Sinai, là lúc ông Môsê nói: “Đây là máu giao ước của Chúa đã lập cùng anh em theo tất cả những lời này của Ngài” (Xh 24:8). Ông nói về máu của xúc vật. Máu xúc vật chỉ có thể là một cách diễn tả lòng ước ao, sự mong đợi một hy lễ thật sự, một sự thờ phượng thật. Với món quà chén rượu, Chúa ban cho chúng ta một hy lễ thật. Hy lễ thật duy nhất là tình yêu của Chúa Con. Với món quà tình yêu này, tình yêu vĩnh cửu, thế gian được đi vào giao ước mới. Cử Hành Thánh Lễ có nghĩa là Đức Kitô tự hiến Mình, ban tình yêu của Người cho chúng ta, để làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, và cũng để tạo dựng một thế giới mới.
Bình diện quan trọng thứ nhì của giáo lý về Thánh Thể được thấy trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, trong đó Thánh Phaolô viết: “Chén hồng phúc mà chúng ta chúc tụng, không phải là sự dự phần vào Máu Đức Kitô sao? Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự dự phần vào Thân Thể Ðức Kitô sao? Vì chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này” (1 Corinthians 10:16-17). Trong những lời này chúng ta cũng thấy căn tính cá nhân và xã hội của Bí Tích Thánh Thể. Đức Kitô kết hợp cách riêng với mỗi người chúng ta, nhưng chính Đức Kitô cũng kết hợp với những anh chị em ở bên cạnh tôi. Và tấm bánh dành cho tôi nhưng cũng cho người khác. Như thế Đức Kitô hiệp nhất tất cả chúng ta với Ngài và với nhau. Chúng ta đón nhận Đức Kitô khi rước lễ. Nhưng Đức Kitô cũng kết hợp với những người lân cận tôi: cho nên Đức Kitô và những người lân cận không thể tách rời nhau được trong Bí Tích Thánh Thể. Và như thế, tất cả chúng ta chỉ làm thành một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất. Một Thánh Thể mà không có sự đoàn kết với tha nhân là một Thánh Thể bị lạm dụng. Và ở đây chúng ta cũng ở tận gốc và đồng thời cũng ở trung tâm của giáo lý về Hội Thánh như là Thân Mình của Đức Kitô, Đức Kitô Phục Sinh.
Chúng ta cũng thấy tất cả sự thật của giáo lý này. Đức Kitô ban cho chúng ta Mình Người trong Bí Tích Thánh Thể, Người ban chính mình trong Thân Thể Người và làm cho chúng ta trở nên Thân Thể Người, kết hợp chúng ta vào Thân Thể Phục Sinh của Người. Nếu người ta ăn bánh thường, thì trong tiến trình tiêu hóa bánh ấy trở thành một phần của thân thể người ấy, biến đổi thành chất bổ dưỡng cho sự sống con người. Nhưng trong việc rước Thánh Thể, thì tiến trình trái ngược lại xảy ra. Đức Kitô là Chúa, đồng hóa chúng ta với Người, đem chúng ta vào Thân Thể vinh quang của Người, và như thế, tất cả chúng ta trở thành Thân Thể của Người.
Người nào chỉ đọc chương 12 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô và chương 12 của Thư gửi tín hữu Rôma có thể nghĩ rằng lời đọc trên Thân Thể Đức Kitô như là một thân thể theo đặc sủng, chỉ là một loại dụ ngôn xã hội và thần học. Thực ra trong chính trị Rôma, dụ ngôn thân thể với nhiều phần tử tạo thành một đơn vị, được chính Nhà Nước dùng, để nói rằng quốc gia là một tổ chức mà trong đó mỗi người có một nhiệm vụ, việc có nhiều nhiệm vụ khác nhau tạo thành một thân thể mà mỗi người có một địa vị của mình. Nếu chỉ đọc chương 12 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, người ta có thể nghĩ rằng Thánh Phaolô chỉ tự giới hạn chuyển điều này cho Hội Thánh, mà ở đây, cũng chỉ là một môn xã hội học về Hội Thánh. Nhưng khi kể đến chương 10, chúng ta thấy rằng thực chất của Hội Thánh thì còn hơn nữa, sâu xa và thật hơn là một cơ quan Nhà Nước. Bởi vì Đức Kitô ban Thân Thể Người cho chúng ta và thật sự làm cho chúng ta trở nên Thân Thể Người. Chúng ta thật sự kết hợp với Thân Thể Phục Sinh của Đức Kitô, và như thế được kết hợp với nhau. Hội Thánh không chỉ là một tổ chức như Nhà Nước, nhưng là một thân thể. Đây không phải chỉ là một tổ chức nhưng là một cơ thể thật sự.
Cuối cùng, chỉ xin đưa ra vài suy tư ngắn về Bí Tích Hôn Phối. Trong Thư gửi tín hữu Côrinthô người ta chỉ tìm thấy một ít lời ám chì, trong khi đó Thư gửi tín hữu Êphêxô đã khai triển một thần học xâu sắc về hôn nhân. Thánh Phaolô định nghĩa hôn nhân như một “mầu nhiệm cao cả”. Ngài đã nói “về Ðức Kitô và Hội Thánh” (Ephesians 5:32). Cần phải nhấn mạnh trong đoạn này có sự hỗ tương được xắp đặt theo chiều dọc. Sự phục tùng lẫn nhau phải theo ngôn ngữ tình yêu, mà mẫu gương được tìm thấy trong tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh trước hết tạo nên bình diện thần học của tình yêu vợ chồng, liên hệ này nâng cao liên hệ tình cảm giữa các vợ chồng. Một hôn nhân chân chính sẽ tốt đẹp nếu trong sự phát triển không ngừng về nhân bản và tình cảm, nó luôn gắn liền với sự hữu hiệu của Lời Chúa và ý nghĩa của Bí Tích Thánh Tẩy: Đức Kitô đã thánh hóa Hội Thánh, bằng cách thanh tẩy Hội Thánh qua việc rửa bằng nước, kèm theo bằng Lời Chúa. Tham dự vào Mình và Máu Chúa làm cho sự liên kết không thể phân ly được nhờ ân sủng này được thêm chặt chẽ và rõ ràng.
Sau hết chúng ta hãy nghe những lời của Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê: “Chúa đã gần” (Philippians 4:5). Cha nghĩ rằng chúng ta hiểu rằng, qua Lời Chúa và các Bí Tích, trong suốt cả cuộc đời chúng ta lúc nào Chúa cũng ở gần. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta luôn được đánh động tận đáy lòng con người mình bởi sự gần gũi của Người, để phát sinh ra một niềm vui – niềm vui chỉ có khi Chúa Giêsu thật sự gần gũi chúng ta.
+ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ theo bản Tiếng Ý và Tiếng Pháp