Bài Giáo Lý Thứ 32 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện

Cầu Nguyện và Lắng Nghe Lời Chúa

Lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bởi việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 32 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 2 tháng 5 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Lần này ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện trong Sách Tông Đồ Công Vụ, bàn về chứng từ của Thánh Thánh Têphanô, vị tử đạo đầu tiên của Hội Thánh . Đó là “mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa qua Thánh Kinh.” Thánh Têphanô đã tìm được sức mạnh để “hiến cuộc sống của mình cho Đức Kitô.”

* * *  

Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý gần đây, chúng ta đã thấy trong cầu nguyện cá nhân và cộng đồng, việc đọc và suy niệm Thánh Kinh mở lòng chúng ta ra để nghe Thiên Chúa và truyền cho chúng ta ánh sáng để hiểu hiện trạng như thế nào.  Hôm nay tôi muốn nói về lời lời cầu nguyện của vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh, là Thánh Têphanô, một trong bảy vị được chọn để phục vụ bác ái cho những người túng thiếu. Vào giây phút tử vì đạo của ngài, như được kể lại trong Sách Tông Đồ Công Vụ, một lần nữa mối liên hệ có hiệu quả giữa Lời Chúa và cầu nguyện được biểu lộ.

Thánh Têphanô bị đưa ra tòa trước Công Nghị, ở đó ngài bị tố cáo là đã nói rằng “… Chúa Giêsu sẽ phá hủy nơi này [Đền Thờ] và thay đổi tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6;14). Trong cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu thực sự đã công bố về việc phá hủy Đền Thờ Giêrusalem: “Hãy phá hủy Đền Thờ này đi và trong ba ngày Ta dựng lại” (Galatians 2:19). Tuy nhiên, như Thánh sử Gioan ghi chú là Người đã nói về Ðền Thờ là chính thân thể Người. Cho nên khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều ấy, nên các ông tin vào Kinh Thánh và lời Chúa Giêsu đã nói. (Ga 2, 21-22).

Bài thuyết giảng của Thánh Têphanô ở tòa án, là bài dài nhất trong Sách Tông Đồ Công Vụ, khai triển cách chính xác lời tiên tri này của Chúa Giêsu, Đấng là Đền Thờ Mới, Đấng khai trương việc thờ phượng mới và thay thế hy lễ xưa bằng việc tự hiến trên Thánh Giá. Thánh Têphanô muốn chứng minh tại sao lời tố cáo rằng Chúa Giêsu muốn làm đảo ngược luật Môsê là vô căn cứ, và trình bày cái nhìn của ngài về lịch sử cứu độ, và về giao ước của Thiên Chúa với loài người. Như thế ngài giải thích lại toàn thể tường thuật Thánh Kinh, con đường được hàm chứa trong Thánh Kinh, để cho thấy rằng con đường ấy dẫn đến “nơi” có sự hiện diện dứt khoát của Thiên Chúa, là Đức Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là Cuộc Khổ Nạn, cái Chết và sự Phục Sinh của Người. Chính theo quan điểm này mà Thánh Têphanô cũng giải thích căn tính của mình như một môn đệ Chúa Giêsu, là theo Người đến tử vì đạo. Việc suy niệm về Thánh Kinh cho phép ngài hiểu sứ mệnh của ngài, cuộc sống của ngài, sự hiện diện của ngài. Trong đó, ngài được hướng dẫn bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, bởi mối liên hệ mật thiết với Chúa, đến nỗi các thành viên của Công Nghị thấy khuôn mặt ngài “giống như của một thiên thần” (Cv 6:15). Dấu chỉ về sự trợ giúp của Thiên Chúa này nhắc lại gương mặt rạng ngời của ông Môsê khi xuống núi Sinai sau khi gặp gỡ Thiên Chúa (x. Xh 34: 29-35; 2 Cr 3: 7-8).

Trong bài thuyết giảng của ngài, Thánh Têphanô mở đầu vời ơn gọi của ông Abraham, một lữ khách đi đến vùng đất được Thiên Chúa chỉ định, là vùng đất mà ông đã chỉ sở hữu như một lời hứa; sau đó ngài nhắc đến ông Giuse, người bị anh em của ông bán đi, nhưng đã được Thiên Chúa trợ giúp và giải thoát, sau cùng đến ông Môsê, người trở thành công cụ của Thiên Chúa để giải phóng dân Ngài, nhưng cũng phải đối đầu nhiều lần với sự chối từ của dân ông. Điều phát xuất từ những biến cố được kể trong Thánh Kinh này, là điều cho thấy Thánh Têphanô lắng nghe, là Thiên Chúa đi ra để gặp con người mà không bao giờ biết mệt, mặc dù Ngài thường gặp sự phản đối bướng bỉnh của họ. Điều này đúng trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, Thánh Têphanô thấy qua toàn thể Cựu Ước việc nói trước thảm kịch của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, như các Tổ Phụ, gặp những trở ngại, chối từ và cái chết.  Cho nên Thánh Têphanô đề cập đến ông Giôsua, vua Đavid và vua Salômon, là những vị đã liên hệ với việc xây dựng Đền Thờ Giêrusalem, và ngài kết luận bằng những lời của ngôn sứ Isaia (66:1-2): “Trời là ngai của Ta, còn đất là bệ dưới chân Ta. Loại nhà nào các ngươi sẽ xây cho Ta? Ðâu sẽ là nơi Ta nghỉ ngơi? Không phải tay Ta đã làm tất cả những sự ấy sao?” (Cv 7: 49-50).

Trong suy niệm của ngài về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, bằng cách nhấn mạnh đến sự cám dỗ liên tục để từ chối Thiên Chúa và hành động của Chúa, ngài khẳng định rằng Chúa Giêsu là Người Công Chính được các ngôn sứ công bố. Trong Người, Chính Thiên Chúa đã hiện diện một cách duy nhất và dứt khoát: Chúa Giêsu là “nơi” thờ phượng chân chính. Thánh Têphanô không phủ nhận tầm quan trọng của Đền Thờ trong một thời gian nhất định, nhưng ngài nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa không ngự trong những ngôi nhà do tay con người làm ra” (Cv 7:48). Đền Thờ mới và chân thật mà Thiên Chúa ngự là Con Một của Ngài, Đấng đã làm người; chính nhân tính của Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, Đấng quy tụ mọi dân tộc và kết hợp họ lại trong bí tích Mình và Máu Người. Việc diễn tả về đề tài Đền Thờ “không do tay con người làm ra” cũng được tìm thấy trong thần học của Thánh Phaolô và Thư Do Thái: thân thể của Chúa Giêsu, mà Người mặc lấy để tự hiến làm hy lễ để chuộc tội, là Đền Thờ mới của Thiên Chúa, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống; trong Người, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Thiên Chúa và thế giới thực sự liên lạc được với nhau: Chúa Giêsu tự mình gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại để đem nó vào tình yêu của Thiên Chúa và “đốt cháy nó” trong tình yêu này. Đến gần Thánh Giá, là đi vào sự hiệp thông với Đức Kitô, nghĩa là đi vào sự biến đổi này. Điều này có nghĩa là được liên lạc với Thiên Chúa, là vào Đền Thờ thật.

Sự sống và bài giảng của Thánh Têphanô đã bất ngờ bị gián đoạn bởi việc ném đá, nhưng việc tử vì đạo của ngài chính là thể hiện cuộc sống và sứ điệp của ngài: ngài trở nên một với Đức Kitô. Như vậy, bài suy niệm của ngài về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, về Lời Chúa, là điều đã được hoàn tất trong Chúa Giêsu, trở thành một việc tham gia vào cùng một lời cầu nguyện của Thánh Giá. Thực ra, trước khi chết ngài kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy thần trí con (Cv 7:59), là nhận những lời của Thánh Vịnh 31 (câu 6) làm của mình và dùng cùng một lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên đồi Canvariô “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Cuối cùng, như Chúa Giêsu, ngài nói lớn tiếng trước những kẻ đang ném đá ngài là Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này (Cv 7:60). Chúng ta nên lưu ý rằng nếu một đàng lời cầu nguyện của của Thánh Têphanô vang lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, nhưng Đấng nhận lời này là Đấng khác, bởi vì lời cầu khẩn này được thưa cùng Chúa, nghĩa là cùng Chúa Giêsu, Đấng mà ngài chiêm ngắm được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa Cha: Này, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” (Cv 7:55).

Anh chị em thân mến, chứng từ của Thánh Têphanô cung cấp một số gợi ý cho lời cầu nguyện và cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Vị Kitô hữu tử vì đạo tiên khởi này tìm được sức mạnh ở đâu để đối diện với những kẻ bách hại ngài, và cuối cùng nhận được hồng ân tự hiến? Câu trả lời thật là đơn giản: từ mối liên hệ của ngài với Thiên Chúa, từ sự hiệp thông của ngài với Đức Kitô, từ việc suy niệm về lịch sử cứu độ, từ việc nhìn ngắm hành động của Thiên Chúa, là điều đạt đến cao điểm nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải được nuôi dưỡng bởi việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.

Có một yếu tố thứ hai: Thánh Thánh Têphanô nhìn thấy nhân vật và sứ vụ của Chúa Giêsu được nói trước trong lịch sử của mối liên hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là một Đền Thờ “không do bàn tay con người làm ra” ở đó sự hiện diện của Thiên Chúa Cha trở nên rất gần gũi đến nỗi sự hiện diện ấy đi vào thân xác nhân loại chúng ta, để đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa, để mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Như thế, lời cầu nguyện của chúng ta phải là việc chiêm ngắm Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Chúa của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, của tôi. Trong Người, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng có thể thưa cùng Thiên Chúa, có thể thật sự liên lạc với Thiên Chúa, trong niềm tin tưởng và phó thác của những trẻ em, là những người đến với một Cha, Đấng yêu thương chúng vô hạn. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.

Galatians 2:19
View in: NAB
19For I, through the law, am dead to the law, that I may live to God: with Christ I am nailed to the cross.