Lời Cầu Nguyện của Ông Abraham
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý Thứ Ba của ĐTC Bênêđictô về Cầu Nguyện được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày Thứ Tư 18 tháng 5, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, suy niệm về cầu nguyện trong Thánh Kinh, đặc biệt là trong cuộc đời ông Abraham.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong hai bài giáo lý trước đây chúng ta đã suy niệm về cầu nguyện như một hiện tượng phổ quát, mặc dù có nhiều hình thức khác nhau, nhưng hiện diện trong các nền văn hóa của mọi thời đại. Hôm nay, tôi muốn bắt đầu ôn lại Thánh Kinh về chủ đề này, là điều sẽ dẫn chúng ta đến việc đi sâu vào cuộc đối thoại giao ước giữa Thiên Chúa và con người, và làm sống động lịch sử cứu độ, cho đến tột đỉnh trong Lời dứt khoát của Đức Chúa Giêsu Kitô. Cuộc hành trình này sẽ dẫn chúng ta đến việc dừng lại ở một vài đoạn văn quan trọng và nhân vật mô phạm của Cựu Ước và Tân Ước.
Ông Abraham, vị Tổ Phụ vĩ đai, người cha của tất cả các tín hữu (x. Romans 4:11-12:16-17), cung cấp cho chúng ta một mẫu gương đầu tiên về cầu nguyện trong đoạn Thánh Kinh nói về việc ông cầu bầu cho hai thành Sôđôma và Gômôra. Tôi cũng muốn mời gọi anh chị em nhân cuộc hành trình mà chúng ta sẽ đi trong những bài giáo lý tới để học biết thêm về Thánh Kinh, là quyển sách mà tôi hy vọng anh chị em đang có trong nhà mình, và trong tuần, ngừng lại để đọc và suy niệm trong cầu nguyện, để biết lịch sử tuyệt vời về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Thiên Chúa là Đấng truyền thông với chúng ta và con người là kẻ đáp lời bằng cầu nguyện.
Đoạn văn đầu tiên mà chúng ta muốn suy niệm được tìm thấy trong Chương 18 của Sách Sáng Thế Ký, chuyện kể lại rằng tội ác của dân thành Sôđôma và Gômôra đã lến đến tột cùng, đến nỗi cần sự can thiệp của Thiên Chúa để thi hành công lý và ngăn chặn tội ác bằng cách hủy diệt hai thành ấy. Chính ở đây mà ông Abraham đã nhập cuộc với lời cầu xin của ông. Thiên Chúa quyết định tỏ ra cho ông những gì sẽ xảy ra, và cho ông biết mức độ trầm trọng của tội ác và hậu quả khủng khiếp của nó, bởi vì Ông Abraham là người được Chúa chọn, được chọn để trở thành một dân vĩ đại, để làm cho các phúc lành của Ngài lan ra toàn thể thế giới. Ông có một sứ mệnh cứu độ, phải đáp ứng lại tội lỗi đang xâm chiếm thực trạng của con người; qua ông Chúa muốn đưa nhân loại trở về với đức tin, đức vâng phục và đức công chính. Giờ đây, người bằng hữu này của Thiên Chúa mở lòng ra với thực tại và nhu cầu của thế giới, cầu bầu cho những người đang bị trừng phạt và xin cho họ được cứu độ.
Ông Abraham lập tức trình bày vấn đề với tất cả mức độ nghiêm trọng của nó, và thưa cùng Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (cc. 23-25). Với những lời này, cùng lòng can đảm tuyệt vời, ông Abraham đặt trước Thiên Chúa nhu cầu cần phải tránh một công lý tổng lược: nếu thành có tội, thì việc lên án tội của nó và trừng phạt nó là đúng, nhưng vị Tổ Phụ vĩ đại xác quyết rằng, việc trừng phạt tất cả các dân cư mà không phân biệt ai cả như vậy là bất công. Nếu có những người vô tội trong thành thì họ không thể bị đối xử như những kẻ có tội. Ông Abraham thưa với Thiên Chúa một cách đúng đắn rằng Thiên Chúa, là một vị thẩm phán công bằng nên không thể làm như thế.
Tuy nhiên, nếu đọc đoạn văn kỹ hơn, chúng ta nhận thấy rằng lời cầu xin của Ông Abraham thậm chí còn nghiêm trọng và sâu sắc hơn, vì ông không chỉ đơn thuần cầu xin Chúa cứu những người vô tội. Ông Abraham còn cầu xin ơn tha thứ cho toàn thể dân thành, và ông làm như thế bằng cách nại đến đức công chính của Thiên Chúa. Thực ra, ông thưa cùng Chúa: “Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” (c. 24b). Làm như thế, ông đưa ra một ý tưởng mới về công lý: không phải chỉ giới hạn ở việc trừng phạt những kẻ phạm tội như loài người vẫn làm, nhưng một công lý khác, công lý của Thiên Chúa, là công lý tìm điều tốt và tạo ra nó qua việc tha thứ, là điều biến đổi kẻ có tội, hoán cải và cứu độ người ấy. Như thế, bằng lời cầu nguyện của mình, Ông Abraham đã không những chỉ xin một công lý thuần báo ứng, nhưng còn một can thiệp về cứu độ, vừa kể đến những người vô tội, vừa giải thoát cả những kẻ xấu khỏi tội lỗi của họ bằng cách tha thứ cho họ. Tư tưởng của Ông Abraham, là một tư tưởng hầu như nghịch lý, có thể được tóm tắt cách này: tất nhiên là người ta không thể đối xử với những người vô tội như những kẻ có tội, điều này bất công; nhưng cần phải đối xử với kẻ có tội như người vô tội. Việc đề ra một công lý “cao thượng”, cung cấp cho họ một phương tiện cứu độ, bởi vì nếu các tội nhân chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và thú nhận tội lỗi hầu được cứu độ, thì họ sẽ không còn tiếp tục làm điều ác, và họ cũng sẽ trở nên công chính, và không còn cần đến hình phạt nữa.
Đây là sự tìm kiếm công lý mà Ông Abraham thể hiện trong việc cầu xin của mình, một yêu cầu là dựa trên niềm tin chắc chắn rằng Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Ông Abraham không xin Thiên Chúa điều gì trái với bản tính của Ngài. Ông đã gõ cửa lòng của Thiên Chúa khi biết rõ thánh ý thật sự của Ngài. Sôđôma chắc chắn là một thành lớn; năm mươi người công chính có vẻ là ít, nhưng chẳng lẽ công lý của Thiên Chúa và sự tha thứ của Ngài lại không biểu hiện sức mạnh của sự tốt lành, dù sự tốt lành ấy có vẻ nhỏ hơn và yếu hơn tội ác sao? Việc tiêu hủy Sôđôma là để ngăn chặn điều ác ở thành này, nhưng Ông Abraham biết rằng Thiên Chúa có cách khác, phương tiện khác, để ngăn chặn việc lan tràn của sự dữ. Đó là ơn tha thứ, là điều làm gián đoạn chu kỳ tội lỗi, và Ông Abraham, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nại vào chính điều này. Khi Chúa đồng ý tha thứ cho thành nếu ông tìm thấy năm mươi người công chính, lời cầu bầu của ông bắt đầu chìm sâu thêm trong vực thẳm của lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông Abraham – như chúng ta nhớ lại – dần dần giảm số lượng người vô tội cần thiết cho việc cứu độ xuống: nếu chỉ có năm mươi người, có thể bốn mươi lăm người cũng đủ, và sau đó càng ngày càng xuống nhiều hơn nữa đến mười người, rồi ông tiếp tục lời khẩn cầu của ông, gần như táo bạo và kiên trì: “Nếu tìm thấy bốn mươi người… ba mươi người … hai mươi người … mười người” (x. cc. 29, 30, 31, 32). Và số lượng càng nhỏ xuống thì càng tỏ lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng kiên nhẫn lắng nghe lời cầu nguyện, chấp nhận và lập đi lập lại: “Ta sẽ tha thứ,… Ta sẽ không phá hủy… Ta sẽ không làm điều ấy” (x. cc. 26, 28, 29, 30, 31, 32).
Như vậy, qua lời cầu bầu của Ông Abraham, Sôđôma có thể được cứu nếu người ta chỉ cần tìm thấy được mười người vô tội trong đó. Đó là sức mạnh của lời cầu nguyện. Bởi vì được bày tỏ và diễn tả qua việc cầu bầu, cầu nguyện với Thiên Chúa để cứu độ tha nhân là ý muốn cứu độ mà Thiên Chúa luôn luôn dành người tội lỗi. Thực ra, Thiên Chúa không chấp nhận Sự Dữ, nó phải bị vạch trần và tiêu hủy bằng hình phạt: việc hủy diệt thành Sôđôma chính là thuộc chức năng này. Tuy nhiên Chúa không muốn kẻ ác phải chết, nhưng hoán cải và được sống (x. Ezekiel 18:23; 33:11). Ngài luôn muốn tha thứ, cứu độ, ban sự sống và biến đổi điều xấu thành tốt. Vâng, chính ý muốn này của Thiên Chúa, trong cầu nguyện, trở thành của ý muốn con người, và được diễn tả bằng những lời cầu bầu. Với lời cầu xin của mình, ông Abraham đã không những cho ý Chúa mượn chính tiếng nói của mình, mà còn cả trái tim của mình nữa: ý muốn của Thiên Chúa là thương xót, yêu thương, và muốn ban ơn cứu độ. Ý muốn của Thiên Chúa này tìm thấy nơi ông Abraham và nơi lời cầu nguyện của ông khả năng để biểu lộ nó cách cụ thể trong lịch sử nhân loại, ở bất cứ nơi nào cần đến ân sủng. Với lời cầu nguyện của mình, ông Abraham nói lên ý muốn của Thiên Chúa là không phải tiêu diệt nhưng cứu Sôđôma, để ban sự sống cho các tội nhân biết ăn năn hối cải.
Đó là điều Chúa muốn, và cuộc đối thoại của Ngài với ông Abraham là một biểu hiện kéo dài và rõ ràng của lòng từ ái của Ngài. Việc cần phải tìm được những người công chính trong thành càng ngày càng trở nên ít đòi hỏi, và cuối cùng chỉ cần mười người là đủ để cứu toàn thể dân thành. Vì lý do gì mà ông Abraham dừng lại ở mười người thì không được nói đến trong bản văn. Có lẽ nó là một số ám chỉ số người nòng cốt tối thiểu của một cộng đồng (ngày nay cũng thế, mười người là số đại biểu cần thiết để cầu nguyện công khai của người Do Thái). Tuy nhiên, đó là một con số nhỏ, một chút điều tốt để nhờ đó cứu thành khỏi một điều đại ác. Dù thế, người ta cũng không tìm thấy chỉ mười người công chính trong thành Sôđôma và Gômôra, cho nên hai thành đã bị tiêu hủy. Như vậy, việc tiêu hủy được chứng tỏ là cần thiết một cách nghịch lý qua chính lời cầu bầu của ông Abraham. Bởi vì lời cầu bầu ấy đã cho thấy ý muốn cứu độ của Thiên Chúa: Chúa đã sẵn sàng tha thứ, Ngài muốn làm như thế, nhưng hai thành đã hoàn toàn bị đóng kín trong sự dữ và tê liệt đến nỗi không có ngay cả một ít người vô tội để nhờ đó biến đổi xấu thành tốt. Bởi vì đó chính là cách cứu độ mà ông Abraham đã cầu xin: để được cứu độ không chỉ đơn thuần là để tránh bị trừng phạt, nhưng để được giải thoát khỏi sự dữ đang ở trong chúng ta. Không phải là cần loại bỏ hình phạt, nhưng cần phải loại bỏ tội lỗi, là việc chối từ Thiên Chúa và tình yêu, là điều tự nó mang đến hình phạt.
Ngôn sứ Giêrêmia đã phải nói cho dân phản trắc rằng: “Sự gian ác của ngươi phải sửa trị ngươi, hành vi phản bội của ngươi sẽ trừng phạt ngươi. Ngươi phải biết, ngươi phải thấy rằng: lìa bỏ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, không còn kính sợ Ngài, thì thật là xấu xa và cay đắng” (Gr 2:19). Chính từ nỗi buồn và cay đắng này mà Chúa muốn cứu độ con người bằng cách giải thoát họ khỏi tội lỗi. Nhưng như thế phải là một sự biến đổi từ bên trong, từ một điểm tốt nào đó như một khởi đầu để từ đó biến đổi sự dữ thành địều tốt, sự ghen ghét thành tình yêu, hận thù thành tha thứ. Bởi vì sự công chính này phải được tìm thấy trong thành, và ông Abraham tiếp tục lặp đi lặp lại: “Giả sử tìm thấy trong thành ….” “Trong thành”: là trong cái thực tại bệnh hoạn phải có mầm mống tốt có thể chữa lành và phục hồi sự sống. Đó cũng là một lời nói với chúng ta: rằng trong thành của chúng ta phải tìm được những mầm mống tốt; rằng chúng ta phải làm hết sức để sẽ không chỉ có mười người công chính, để thực sự làm cho các thành của mình được sống và tồn tại cùng để cứu chúng ta khỏi sự cay đắng nội tâm này là sự vắng mặt của Thiên Chúa. Và trong cái thực tại bệnh hoạn của Sôđôma và Gômôra, người ta đã không tìm được mầm mống tốt ấy.
Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài được mở rộng hơn nữa. Để cứu Sôđôma chỉ mười người công chính là đủ, ngôn sứ Giêrêmia đã nói rằng, nhân danh Đấng Toàn Năng, chỉ cần một người công chính cũng đủ để cứu để cứu thành Giêrusalem, “Hãy rảo quanh đường phố Giêrusalem mà xem cho biết. Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cho cả thành.” (5:1). Một lần nữa số người lại giảm xuống, sự tốt lành của Thiên Chúa được chứng tỏ là cao cả hơn nhiều. Tuy như thế vẫn chưa đủ, lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đã không tìm thấy sự đáp trả tốt lành mà Ngài tìm kiếm, và Giêrusalem rơi vào vòng kiềm tỏa của quân thù.
Cần chính Thiên Chúa phải trở thành người công chính. Đó là mầu nhiệm Nhập Thể: để đảm bảo rằng có một người công chính thì chính Người đã tự Mình trở thành người ta. Như thế sẽ luôn có một người công chính vì Người là người ấy: tuy nhiên, chính Thiên Chúa cần phải trở nên người công chính ấy. Tình yêu vô hạn và tuyệt vời của Thiên Chúa sẽ được hoàn toàn tỏ lộ khi Con Thiên Chúa trở nên người phàm, Đấng hoàn toàn Công Chính, Đấng hoàn toàn Vô Tội, sẽ mang ơn cứu độ đến cho toàn thể thế gian bằng cách chết trên thập giá, tha thứ và cầu bầu cho những người “chẳng biết việc họ làm “(Lc 23:34). Sau đó lời cầu nguyện của mỗi người sẽ tìm được câu trả lời, rồi mỗi lời chuyển cầu của chúng ta sẽ hoàn toàn được đoái nghe.
Anh chị em thân mến, lời cầu khẩn của ông Abraham, cha của chúng ta trong đức tin, dạy chúng ta mở rộng lòng mình ra hơn nữa cho lòng thương xót khôn lường của Thiên Chúa, để trong lời cầu nguyện hàng ngày của mình, chúng ta có thể mong ước phần rỗi của nhân loại và cầu xin điều ấy với lòng kiên trì và tín thác vào Chúa là Tình Yêu cao vời.
Xin cám ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ