Dưới đây Bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện “là một phần của lịch sử nhân loại” được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày Thứ Tư 11 tháng 5, năm 2011. Bài này được chuyển ngữ từ bản Tiếng Pháp của Tòa Thánh.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tôi muốn tiếp tục suy niệm về việc làm sao mà cầu nguyện và cảm thức tôn giáo lại là một phần của nhân loại trong suốt lịch sử của họ.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những dấu chỉ của chủ nghĩa thế tục thật là hiển nhiên. Thiên Chúa dường như đã khuất dạng khỏi chân trời của nhiều người hoặc trở thành một thực thể mà người ta coi thường. Tuy vậy, chúng ta đồng thời cũng thấy nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng đang có một sự phục hồi của cảm thức tôn giáo, một tái khám phá về tầm quan trọng của Thiên Chúa đối với cuộc đời con người, một nhu cầu tâm linh, với việc vượt ra ngoài nhãn quan thuần túy nhân bản và vật chất của cuộc sống con người.
Nhìn vào lịch sử gần đây, người ta thấy sự thất bại của những kẻ, trong thời đại Khai Minh, đã tiên báo về sự biến mất của các tôn giáo, và đề cao một lý trý tuyệt đối, tách rời đức tin, một lý trý có thể xóa tan bóng tối của chủ nghĩa tôn giáo giáo điều và giải thể “thế giới thánh”, phục hồi nhân phẩm, tự do và sự độc lập với Thiên Chúa của con người. Kinh nghiệm của thế kỷ trước, với hai cuộc Thế Chiến bi thảm, đã làm gián đoạn sự tiến bộ mà lý trí tự trị, cho rằng con người không cần Thiên Chúa, dường như đảm bảo.
Sách Giáo Lý của Hội thánh Công Giáo khẳng định rằng: “Qua việc tạo dựng, Thiên Chúa kêu gọi vạn vật từ hư vô bước vào hiện hữu…. Ngay cả khi đã đánh mất nét giống Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Ðấng Tạo Hóa, vẫn còn khao khát Ðấng dựng nên mình. Mọi tôn giáo đều nói lên ước vọng tìm kiếm cơ bản này của con người” (số 2566). Như tôi đã trình bày trong bài giáo lý lần trước, chúng ta có thể nói rằng không có một nền văn minh lớn nào từ thời thượng cổ đến ngày nay mà không phải là nền văn minh tôn giáo.
Con người theo bản chất là tôn giáo, họ là con người tôn giáo (homo religiosus) cũng như họ là con người khôn ngoan (homo sapiens) và con người làm việc (homo faber) “Một lần nữa, Sách Giáo Lý khẳng định, ước muốn của Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn con người vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa “(số 27). Hình ảnh của Đấng Tạo Hóa được in trên con người và con người cảm thấy cần phải tìm ra một ánh sáng để trả lời những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa sâu sắc hơn về thực tại; một câu trả lời mà họ không thể tìm thấy được trong chính mình, trong sự tiến bộ, hay trong khoa học thực nghiệm.
Con người tôn giáo (homo religiosus) không những chỉ liên quan đến thế giới cổ đại, mà còn trải qua toàn bộ lịch sử nhân loại. Về mặt này, lãnh địa phong phú của kinh nghiệm con người đã phát sinh ra các hình thức khác nhau về cảm thức tôn giáo, trong cố gắng đáp ứng ước vọng được sung mãn và hạnh phúc, sự cần thiết của ơn cứu độ, việc tìm kiếm ý nghĩa. Con người “số học”, giống như con người ăn lông ở lỗ, tìm trong kinh nghiệm tôn giáo những phương cách để vượt qua tình trạng hữu hạn của mình và đảm bảo an toàn cho cuộc phiêu lưu bấp bênh của mình trên trần thế. Hơn nữa, nếu không có một chân trời siêu việt, cuộc đời sẽ mất ý nghĩa trọn vẹn của nó và mất hạnh phúc, là điều mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm, điều nhắm thẳng cách tự nhiên về phía một ngày mai chưa đến.
Công đồng Vaticanô II, trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đã nhấn mạnh dưới hình thức tóm lược rằng: “Con người mong đợi ở các tôn giáo khác nhau câu trả lời về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, là những điều xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là ai? Ðời người có mục đích và ý nghĩa gì? Sự thiện và tội ác là chi? Ðâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, sự huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” (số 1).
Con người biết rằng họ tự mình không thể đáp ứng được nhu cầu hiểu biết cơ bản của họ. Tuy nhiên người ta đã và còn nuôi dưỡng ảo tưởng là mình có thể tự túc dù họ đã kinh nghiệm sự thiếu thốn của chính mình. Họ cần mở lòng ra cho một điều gì khác, cho một cái gì đó hay một người nào đó có thể cho họ những gì họ thiếu, có thể thỏa mãn chiều rộng và chiều sâu của ước vọng của họ.
Con người mang trong mình một khát vọng vô cùng, một ước mong về cõi vĩnh hằng, một tìm kiếm cái đẹp, một mong muốn tình yêu, một nhu cầu về ánh sáng và chân lý, là những điều đẩy họ về phía Đấng Tuyệt Đối; con người mang trong mình ước vọng về Thiên Chúa. Và con người biết, bằng cách nào đó, là mình có thể quay về phía Thiên Chúa, rằng mình có thể cầu nguyện với Ngài.
Thánh Tôma Aquinô, một trong những thần học gia vĩ đại nhất của lịch sử, định nghĩa cầu nguyện như một “cách diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa của con người.” Sức hấp dẫn về phía Thiên Chúa này, mà chính Ngài đã đặt trong con người, là linh hồn của cầu nguyện, sau đó được diễn tả bằng rất nhiều hình thức và phương thức theo giòng lịch sử, thời điểm, giờ phút, ân sủng và ngay cả tội lỗi của mỗi người cầu nguyện. Thực ra, lịch sử của con người đã biết nhiều hình thức cầu nguyện, bởi vì nó đã phát triển những cách mở lòng ra khác nhau đối với “Đấng Khác” và với “Đấng Ở Bên Ngoài”, vì vậy chúng ta có thể nhận ra cầu nguyện như một kinh nghiệm hiện diện trong mọi tôn giáo và văn hóa.
Thật vậy, anh chị em thân mến, như chúng ta đã thấy hôm Thứ Tư tuần trước, cầu nguyện không gắn liền với một khung cảnh cụ thể, nhưng được ghi khắc trong tim mỗi người và mọi nền văn minh. Đương nhiên, khi nói về cầu nguyện như một kinh nghiệm của con người như thế, homo orans [con người cầu nguyện], chúng ta cần nhớ rằng nó là một thái độ nội tâm, trước khi là hàng loạt những cách thực hành và công thức, một cách sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa trước khi thực hiện những việc thờ phượng hoặc nói ra những lời [bên ngoài].
Cầu nguyện đặt trọng tâm và bắt nguồn tận đáy lòng con người, cho nên người ta không dễ giải đoán được, vì lý do đó, nó dễ bị hiểu lầm và trở thành bí ẩn. Theo nghĩa này chúng ta cũng có thể hiểu được từ ngữ: cầu nguyện thì khó. Thực ra, cầu nguyện là một cách tốt nhất để tỏ lòng biết ơn, là cố gắng đến cùng Đấng Vô Hình, Đấng Bất Ngờ, Đấng Khôn Tả. Đó là lý do tại sao kinh nghiệm cầu nguyện là một thách thức cho tất cả mọi người, một “ân sủng” để cầu xin, một hồng ân từ Đấng mà chúng ta hướng về.
Trong cầu nguyện, ở mỗi thời đại của lịch sử, con người tự đặt mình và hoàn cảnh của mình trước Thiên Chúa, từ Thiên Chúa và trong tương quan với Thiên Chúa, và cảm nghiệm thấy rằng mình là một tạo vật cần được giúp đỡ, không có khả năng tự mình đạt được tất cả những gì thích hợp với đời mình và ước vọng của mình. Triết gia Ludwig Wittgenstein nhắc nhở chúng ta rằng “cầu nguyện có nghĩa là cảm giác rằng ý nghĩa của thế giới nằm ở bên ngoài thế giới này.”
Trong động năng của mối quan hệ này với Đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc đời, với Thiên Chúa, cầu nguyện có một trong những cách diễn tả điển hình của nó là quỳ gối. Đó là một cử chỉ, mà tự nó là một mâu thuẫn tận căn bản: trên thực tế, tôi có thể bị bắt buộc phải quỳ xuống – một tình trạng của kẻ khốn cùng và nô lệ – nhưng tôi cũng có thể quỳ xuống một cách tự nhiên, nói lên tình trạng hạn hữu của tôi và, vì thế, tôi cần một Đấng Khác. Đối với Ngài, tôi nhìn nhận mình yếu kém, thiếu thốn, và là “một kẻ có tội.”
Trong kinh nghiệm về cầu nguyện, con người như tạo vật nói lên tất cả ý thức về mình, tất cả những thành công trong việc hiểu chính sự hiện hữu của mình, và đồng thời, hoàn toàn quay về với Đấng mà mình đang đứng trước mặt, hướng linh hồn về Mầu Nhiệm mà ở đó mình đang mong làm trọn được những ước muốn sâu xa nhất, và sự trợ giúp để khắc phục tình trạng nghèo nàn của cuộc sống riêng mình. Trong việc quay về “Đấng Khác”, hướng mình “ra ngoài”, chứa đưng bản chất của cầu nguyện, như một cảm nghiệm về một thực tại vượt trên những gì ngẫu nhiên và có thể cảm giác được.
Tuy nhiên, chỉ trong Thiên Chúa, Đấng tự tỏ Mình ra, mà việc tìm kiếm của con người mới được thực hiện cách trọn vẹn. Lời cầu nguyện mở lòng ra và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, như thế trở thành một mối liên hệ cá nhân với Ngài. Và ngay cả khi con người quên Đấng Tạo Hóa của mình, Thiên Chúa hằng sống và chân thật không ngừng kêu gọi con người trước để gặp Ngài cách huyền nhiệm trong cầu nguyện.
Như Sách Giáo Lý khẳng định: “Trong cầu nguyện, Thiên Chúa trung tín và yêu thương luôn đi bước trước; phần con người luôn chỉ là đáp lời. Khi Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra và mặc khải cho con người biết về chính họ, thì cầu nguyện được coi như một cuộc trao đổi lời mời, một diễn trình giao ước. Qua lời nói và hành vi, diễn trình này thu hút được chú ý của trái tim. Diễn trình này đã được diễn ra trong suốt lịch sử cứu độ” (số 2567).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học cách ở lại lâu hơn trước mặt Thiên Chúa, là Đấng tự tỏ Mình ra trong Đức Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy học hỏi để nhận ra trong thinh lặng, trong tận đáy lòng mình, tiếng nói của Người kêu gọi và đưa chúng ta trở lại tận những nơi sâu thẳm của cuộc đời mình, đến nguồn mạch sự sống, đến nguồn ơn cứu độ, để giúp chúng ta vượt qua những giới hạn của đời mình, và mở lòng ra cho chiều kích của Thiên Chúa, cho mối liên hệ với Ngài, là Tình Yêu Vô Biên. Cảm ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ