“Sự gần gũi của Thiên Chúa biến đổi thực tại, Thung Lũng Tối Tăm không còn nguy hiểm nữa”
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười bốn về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 5 tháng 10, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài nói về Thánh Vịnh 23.
* * *
Anh chị em thân mến,
Quay về cùng Chúa trong cầu nguyện nói lên một hành động tin tưởng triệt để, với nhận thức rằng mình tự phó thác cho một Thiên Chúa tốt lành, “thương xót và nhân từ, chậm bất bình, đầy nhân hậu và thành tín” (Xh 34:6-7, Tv 86, 15; x.Gioel 2:13; St 4:2, Tv 103:8, 145:8; Nehemiah 9:17). Đó là lý do tại sao hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một Thánh Vịnh ngập tràn tin tưởng, trong đó tác giả Thánh Vịnh diễn tả niềm xác tín rõ ràng rằng ông được hướng dẫn và bảo vệ, được an toàn khỏi bất cứ hiểm nguy nào, bởi vì Chúa là Mục Tử của ông. Đây là Thánh Vịnh 23 hay 22 theo truyền thống La Hy, một văn bản được tất cả mọi người quen thuộc và ưa chộng.
“Chúa là Mục Tử con, con chẳng thiếu thốn chi”: như thế lời mở đầu kinh nguyện tuyệt mỹ này gợi lại bầu không khí chăn chiên du mục và kinh nghiệm một sự hiểu biết lẫn nhau được thiết lập giữa người chăn chiên và những con chiên làm thành đoàn chiên bé nhỏ của ông. Hình ảnh này gợi lại một bầu không khí tin tưởng, thân mật, dịu dàng: người chăn chiên biết từng con chiên của mình, gọi tên từng con và chúng theo ông vì chúng nhận ra và tin tưởng vào ông (x. Ga 10:2-4). Ông chăm sóc cho chúng, ông canh giữ chúng như những báu vật gia truyền, sẵn sàng bảo vệ chúng, đảm bảo hạnh phúc cho chúng, làm cho chúng sống trong an bình. Chúng không thể thiếu thốn gì khi người chăn chiên ở với chúng. Tác giả Thánh Vịnh nhắc đến cảm nghiệm này khi gọi Thiên Chúa Mục Tử của ông, và để cho Ngài hướng dẫn ông đến đồng cỏ an toàn:
“Nơi đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho con nghỉ ngơi,
Ngài dẫn con đến dòng nước an toàn.
Linh hồn con, Ngài lo bổ dưỡng.
Ngài dẫn con trên đường công chính, vì Danh Ngài.“(các câu 2-3).
Cảnh tượng mở mắt chúng ta là cảnh những cách đồng xanh tươi và những suối nước tinh tuyền, những ốc đảo an bình mà hướng về đó người mục tử đồng hành với đoàn chiên, biểu tượng cho những nơi có sự sống mà Chúa dẫn đến, tác giả Thánh Vịnh cảm thấy mình như một con chiên nằm trên đồng cỏ bên cạnh một nguồn suối, trong trạng thái nghỉ ngơi, hoặc không phải sống trong tình trạng báo động, nhưng an lành và tin tưởng, vì nơi chúng ở là nơi an toàn, nước là nước tươi mát, và người mục tử canh giữ chúng. Cũng đừng quên ở đây rằng cảnh mà tác giả Thánh Vịnh gợi lại được đặt vào một vùng đất phần lớn là sa mạc, bị tàn sát bởi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời, nơi mà người chăn chiên bán du mục của vùng Trung Đông sống với đoàn chiên của họ trong những đồng bằng khô cháy chạy dài quanh các làng mạc. Nhưng người mục tử biết chỗ mà tìm cỏ tươi và nước, những điều thiết yếu cho cuộc sống; ông biết làm thế nào để đem chúng đến những ốc đảo để linh hồn “được bồi dưỡng” và ở đó có thể phục hồi sức mạnh và thêm năng lực mới để tiếp tục lên đường.
Như tác giả Thánh Vịnh nói, Thiên Chúa hướng dẫn ông về phía “những đồng cỏ xanh tươi” và “vùng nước yên tĩnh”, ở đó tất cả mọi sự đều sung túc, tất cả được ban cho một cách dồi dào. Nếu Chúa là Mục Tử, ngay cả trong sa mạc, một nơi trống vắng và chết chóc, nhưng với niềm xác tín không vơi vào sự hiện diện triệt để của sự sống, đến nỗi ông có thể nói, “Con chẳng thiếu thốn chi.”
Thực ra, người mục tử nuôi trong lòng mình hạnh phúc của đoàn chiên; ông điều chỉnh nhịp điệu cùng nhu cầu của ông với nhịp điệu và nhu cầu của những người thuộc về mình, ông đồng hành và sống với họ, dẫn họ dọc theo những con đường “ngay chính”, nghĩa là những con đường thích hợp với họ, chú ý đến những nhu cầu của họ chứ không phải những nhu cầu của mình. Sự an toàn của đoàn chiên là ưu tiên của ông, và ông tuân theo nguyên tắc này mà hướng dẫn họ.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, nếu chúng ta đi theo sau “Chúa Chiên Lành” như tác giả Thánh Vịnh, thì những quãng đường xem ra khó khăn, quanh co hay dài thế nào trong cuộc đời chúng ta, thường cũng đưa chúng ta qua những vùng sa mạc tâm linh, không có nước, với một mặt trời duy lý nóng bỏng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Chiên Lành, là Đức Kitô, chúng ta chắc chắn đi trên con đường “ngay chính” và Chúa hướng dẫn chúng ta, cùng luôn luôn gần gũi chúng ta và Người sẽ không để chúng ta thiếu thốn gì.
Đó là lý do tại sao tác giả Thánh Vịnh có thể nói về một sự an bình và an ninh mà không một chút hồ nghi hay một quan tâm nào hết:
“Dầu khi con đi trong thung lũng tối tăm,
Con sẽ không sợ hiểm nguy;
Vì có Chúa ở cùng con;
Cây trượng và cây gậy của Ngài làm cho con an dạ.“ (câu 4).
Ai cùng đi với Chúa qua ngay cả thung lũng tối tăm của đau khổ, của tình trạng bấp bênh và của tất cả những vấn đề con người, đều cảm thấy an toàn. Chúa đang ở cùng con: đây là niềm xác tín của chúng ta, là điều nuôi dưỡng chúng ta. Sự tối tăm của đêm đen thật đáng sợ, với những chiếc bóng chập chờn của nó, sự khó khăn mà nó gây ra trong việc nhận ra những nguy hiểm, sự im lặng đầy những tiếng động khó hiểu. Nếu đoàn chiên di chuyển sau khi mặt trời lặn, khi không còn nhìn thấy rõ ràng nữa, thường thì những con chiên trở nên hiếu động, dễ bị vấp ngã hoặc đi xa đàn và bị lạc, còn thêm nỗi lo sợ là có thể có những kẻ tấn công rình mò trong bóng tối.
Khi nói về thung lũng “tối tăm”, tác giả Thánh Vịnh sử dụng từ ngữ Do Thái gợi lên bóng tối của sự chết. Cho nên thung lũng phải vượt qua là một nơi đau khổ, đầy những đe dọa kinh hoàng và nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, người cầu nguyện đi qua một cách an toàn, không sợ hãi, vì ông biết rằng Chúa đang ở với ông. “Chúa ở cùng con” là một tuyên ngôn của một đức tin không hề lay chuyển, và tóm tắt kinh nghiệm của một đức tin triệt để; sự gần gũi của Thiên Chúa biến đổi thực tại, thung lũng tối tăm không còn nguy hiểm nữa, nó không còn một đe dọa nào cả. Giờ đây đoàn chiên có thể bình an tiến bước, kèm theo bẳng âm thanh quen thuộc của chiếc gậy đập trên mặt đất, là dấu hiệu cho biết sự hiện diện trấn an của Mục Tử.
Hình ảnh đầy an ủi này kết thúc phần thứ nhất của Thánh Vịnh, và nhường chỗ cho một cảnh khác. Chúng ta vẫn đang còn trong sa mạc, nơi mà người mục tử sống với đoàn chiên của ông, nhưng giờ đây chúng ta được đưa đến lều của ông, mở ra để tiếp khách,
“Ngài dọn cỗ cho con trước mặt quân thù;
Ngài xức dầu trên đầu con,
chén con tràn đầy“ (câu 5).
Giờ đây Chúa được trình bày như một Đấng đón tiếp người cầu nguyện bằng những dấu chỉ hiếu khách quảng đại và chu đáo. Vị chủ thần linh chuẩn bị thức ăn trên “bàn”, một thuật ngữ Do Thái, theo nghĩa nguyên thủy, là tấm da thú được trải dưới đất, và trên đó người ta để những đĩa thức ăn cho bữa ăn thông thường. Đó là một cử chỉ chia sẻ không những chỉ thức ăn mà còn cả cuộc sống, trong một đề nghị hiệp thông và bằng hữu là điều thiết lập những liên hệ và diễn tả sự đoàn kết.
Tiếp theo là món quà hào phóng dầu thơm được xức trên đầu ông, làm giảm bớt sự khô khan gây ra bởi sức thiêu đốt của nắng sa mạc, làm tươi mát và làm dịu da cùng làm phấn khởi tinh thần với hương thơm của nó. Cuối cùng, chén tràn đầy thêm vào đó một dấu hiệu về ngày lễ, với rượu ngon được chia sẻ dồi dào. Thức ăn, dầu thơm và rượu: là những món quà làm cho người ta phấn khởi và vui tươi, bởi vì chúng vượt quá những gì chỉ cần thiết và diễn tả lòng biết ơn cùng sự phong phú của tình yêu. Để mừng lòng nhân lành quan phòng của Chúa, Thánh Vịnh 104 công bố: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.“ (cc. 14-15 GKPV).
Tác giả Thánh Vịnh đã trở thành đối tượng của quá nhiều sự chú ý; vì thế ông tự coi mình như một khách lãng du tìm được chỗ nghỉ ngơi trong một lều hiếu khách, trong khi quân thù của ông phải ngừng lại và nhìn mà không thể làm gì được, vì người mà chúng coi là con mồi đã được đặt ở nơi an toàn, đã trở thành một người bất khả xâm phạm, một người khách thánh. Và chúng ta cũng là tác giả Thánh Vịnh nếu chúng ta thực sự là những tín hữu được hiệp thông với Đức Kitô. Khi Thiên Chúa mở lều của Ngài ra để tiếp đón chúng ta, thì không gì có thể làm hại chúng ta được nữa.
Sau đó, khi người khách lữ hành ra đi, sự bảo vệ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục và đồng hành với ông trên cuộc hành trình của ông:
“Phúc lộc cùng nhân ái sẽ theo con mọi ngày trong đời con;
Con sẽ được cư ngụ trong nhà Chúa muôn muôn đời.“ (câu 6).
Sự tốt lành và trung tín của Thiên Chúa là những đội hộ tống đi cùng tác giả Thánh Vịnh khi ông rời khỏi lều và tiếp tục lên đường. Nhưng đây là một cuộc hành trình có một ý nghĩa mới và trở thành một cuộc hành hương đến Đền Thờ của Chúa, nơi thánh mà ở đó người cầu nguyện muốn “cư ngụ” mãi mãi và là nơi mà người ấy cũng muốn “trở về”. Từ Do Thái được sử dụng ở đây có một nghĩa là “trở về”, nhưng với một thay đổi nguyên âm nhỏ, nó cũng có thể được hiểu là “cư ngụ” hay “sống”, và nó đã được viết như thế trong các bản văn cổ cũng như trong hầu hết các bản dịch hiện đại. Cả hai nghĩa có thể được duy trì: trở về Đền Thờ và cư ngụ ở đó là ước mong của mọi người Do Thái, và sống gần Thiên Chúa trong sự gần gũi cùng sự tốt lành của Ngài là mong ước và nhớ nhung của tất cả các tín hữu: có thể thực sự được sống ở nơi Thiên Chúa ở, gần gũi Thiên Chúa.
Việc đi theo Vị Mục Tử dẫn chúng ta về Nhà Người, là mục tiêu của mỗi cuộc hành trình, là ốc đảo mà người ta mong muốn trong sa mạc, là chiếc lều trú ẩn trong khi chạy trốn kẻ thù, là nơi bình an mà ở đó một người có thể cảm nghiệm được sự tốt lành và tình yêu chung thủy của Thiên Chúa, hết ngày này sang ngày khác, trong niềm vui thanh bình vô tận.
Hình ảnh Thánh vịnh này, cùng sự phong phú và sâu sắc của nó, đã đồng hành với toàn thể lịch sử và kinh nghiệm tôn giáo của dân Israel, và đang đồng hành với các Kitô hữu. Đặc biệt là hình ảnh của người mục tử nhắc lại những ngày khởi đầu của cuộc Xuất Hành, cuộc hành trình dài trong sa hoang địa, như một đoàn chiên dưới sự hướng dẫn của Vị Mục Tử thần linh (x. Isaia 63,11-14; Tv 77:20-21, 78:52 -54 ). Và trong Đất Hứa, chính vua có nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, như vua Đavid, người mục tử được Thiên Chúa chọn và là hình ảnh của Đấng Thiên Sai (x. 2 Samuel 5:1-2; 7:8; Tv 78:70-72). Rồi, sau thời lưu đầy ở Babylon, như qua một cuộc Xuất Hành mới (x. Isaiah 40:3-5.9-11; 43:16-21), dân Israel đã hồi hương như những con chiên lạc bị tản mác được Chúa tìm thấy và dẫn trở lại những đồng cỏ xanh tươi cùng chỗ nghỉ ngơi (x. Ed 34:11-16, 23-31).
Nhưng chính nơi Chúa Giêsu mà mọi quyền năng Thánh Vịnh của chúng ta nói lên được thực hiện cùng đạt được sự trọn vẹn của nó: Chúa Giêsu là “Mục Tử Nhân Lành” Người đi tìm con chiên lạc, Người biết chiên của Người và hy sinh mạng sống Người cho chúng (x. Matthew 18:12-14, Lc 15:4-7; Ga 10:2-4, 11-18), Người là đường, là con đường ngay chính dẫn chúng ta đến sự sống (x. Ga 14:6); là ánh sáng chiếu soi thung lũng tối tăm và chinh phục tất cả những sợ hãi của chúng ta (x. Galatians 1:9; 12:46). Người là chủ nhà đại lượng đón chào chúng ta và đặt chúng ta an toàn khỏi tay quân thù, dọn bữa tiệc Mình và Máu Người cho chúng ta (x. Matthew 26:26-29; Mc 14:22-25, Lc 22:19-20), và bữa ăn cuối cùng ấy trong bữa tiệc Thiên Sai trên trời (x. Lc 14:15 tt, Kh 3:20, 19:9). Người là vị vua Mục Tử, là Vua nhân từ và tha thứ, đã lên ngôi trên gỗ Thánh Giá vinh quang (x. Galatians 3:13-15,12:32, 17:4-5).
Anh chị em thân mến, Thánh Vịnh 23 mời gọi chúng ta tái lập lại niềm tín thác của mình vào Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác mình trong tay Ngài. Như vậy, với đức tin, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta, dọc theo những con đường khó khăn của thời đại này, biết luôn đi trên những con đường của Ngài như một đoàn chiên ngoan ngoãn và vâng phục. Chúng ta hãy xin Ngài đón chúng ta vào nhà Ngài, đến bàn tiệc của Ngài, và xin Ngài dẫn chúng ta đến “những dòng nước yên tĩnh”, để nhờ lãnh nhận hồng ân Thần Khí của Ngài, chúng ta có thể uống từ mạch suối của Ngài, mạch nước hằng sống “vọt ra sự sống đời đời” (Galatians 4:14; x. 7:37-39). Xin cám ơn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ