Bài Giáo Lý Thứ 1 về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI

Dưới đây Bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện trong Các Nền Văn Hóa Cổ Thời, được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày Thứ Tư mùng 4 tháng năm 2011. Bài này được chuyển ngữ  từ bản Tiếng Pháp của Tòa Thánh.
 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn bắt đầu một loạt bài giáo lý mới. Sau những bài giáo lý về các Giáo Phụ của Hội Thánh, các nhà thần học vĩ đại của thời Trung Cổ, những khuôn mặt phụ nữ thời danh, giờ đây tôi muốn chọn một chủ đề mà tất cả chúng ta đều trân quý: đó là chủ đề cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện theo Kitô giáo, cách cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta và Hội Thánh tiếp tục dạy chúng ta.  Thực ra chính trong Chúa Giêsu mà con người có khả năng tiếp cận Thiên Chúa qua tình phụ tử và liên hệ con thảo sâu xa và mật thiết. Cùng với các môn đệ đầu tiên, giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn tin tưởng hướng về Chúa và cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (11 Lc, 1).

Trong các bài giáo lý sắp đến, qua tiếp cận Thánh Kinh, truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ Hội Thánh, của những Bậc Thầy tâm linh, Phụng Vụ, chúng ta muốn học cách sống mối liên hệ của chúng ta với Chúa, một cách mãnh liệt đặc biệt hơn nữa trong “trường cầu nguyện.”

Thực sự chúng ta biết rõ rằng không được coi việc cầu nguyện là điều tất nhiên: cần phải học cách cầu nguyện, và phải luôn luôn học đi học lại nghệ thuật này; ngay cả những người rất tiến bộ trong đời sống tâm linh luôn cảm thấy cần phải đến trường của Chúa Giêsu để học về cầu nguyện một cách chân chính. Chúng ta học được bài học đầu tiên của Chúa qua gương sáng của Người. Các sách Tin Mừng mô tả cho chúng ta về việc Chúa Giêsu liên tục đàm đạo cách mật thiết với Đức Chúa Cha: đó là một sự hiệp thông sâu xa của Đấng đến trong thế gian không phải để làm theo ý Mình mà làm theo ý Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến để cứu độ nhân loại.

Trong bài giáo lý đầu tiên này, như bài vào đề, tôi muốn đưa ra một vài thí dụ về cầu nguyện trong các nền văn hóa cổ thời, để chứng tỏ rằng con người hầu như luôn luôn và ở mọi nơi đều cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Tôi mở đầu với Ai Cập cổ đại, như một thí dụ điển hình. Ở đây, một người mù, qua việc cầu xin thần linh phục hồi thị lực cho mình, chứng tỏ một điều gì đó phổ quát của loài người, đó là lời cầu nguyện trong sáng và đơn giản của một người đang đau khổ.  Người ấy cầu nguyện: “Tâm hồn con mong ước được thấy Ngài … Ngài là Đấng đã làm cho con thấy bóng tối, xin hãy tạo ra ánh sáng cho con. Xin làm cho con được thấy Ngài! Xin hãy ghé dung nhan đáng mến của Ngài trên con” (A. Barucq – F. Daumas, Các Thánh Thi và Kinh Nguyện của Ai Cập cổ đại (Hymmes et prìeres de l’Egypte ancienne), Paris 1980).  Xin cho con được thấy Ngài; đó là trọng tâm của cầu nguyện!

Trong các tôn giáo của Mesopotamia, là những tôn giáo bị thống trị và tê liệt bởi mặc cảm tội lỗi thần bí, nhưng không mất hy vọng được Thiên Chúa cứu độ và giải thoát.  Cho nên chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của lời cầu nguyện này từ một tín hữu của các tín ngưỡng cổ xưa, được vang vọng như sau: “Ôi lạy Thiên Chúa, là Đấng khoan dung ngay cả đối với các tội trầm trọng nhất, xin tha tội con …. Lạy Chúa, xin đoái nhìn tên nô lệ kiệt quệ này, và xin thổi làn gió nhẹ của Ngài trên nó: xin tha cho nó mà chớ chần chờ. Xin giảm bớt hình phạt nặng nề của Ngài. Xin giải thoát con khỏi tù đày, cho con được thở một lần nữa, xin bẻ gẫy xiềng xích của con, xin nới lỏng gông cùm cho con” (MJ Seux, Các thánh thi và cầu nguyện với các thần minh của Babylon và Assyria (Hymnes et prìere aux Dieux de Babylone at d’Assyrie), Paris 1976). Tất cả những cách diễn tả trên cho thấy con người, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa của mình, đã có trực giác, dù còn mơ hồ, một mặt  về tội lỗi của mình, và mặt khác về những bình diện của lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa như thế nào.

Trong tôn giáo dân ngoại của Hy Lạp cổ đại, người ta có thể thấy một phát triển rất đáng kể: những lời cầu nguyện, trong khi tiếp tục xin Thiên Chúa trợ giúp để được trời thương trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật và được những ích lợi vật chất, đã từ từ hướng đến những lời cầu xin ít vị lợi hơn, là điều giúp cho các tín hữu đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa và trở nên người tốt hơn.  

Thí dụ, triết gia thời danh Plato ghi lại một lời cầu nguyện của thầy mình, là Socrates, được coi là một trong những người sáng lập ra tư tưởng Tây Phương. Socrates đã cầu nguyện như sau: “… xin ban cho cho con vẻ đẹp nội tâm của linh hồn! Còn bên ngoài, xin cho con chấp nhận những gì con có, để không mâu thuẫn với con người nội tâm.  Xin cho con coi người khôn ngoan là giàu có; và cho con được sự giàu sang mà chỉ người tự chủ có thể gánh vác và chịu  đựng” (Plato, Các Tác Phẩm  (Œuvres) I. Phaedrus, 279c). Trên hết mọi sự, ông đã muốn có vẻ đẹp nội tâm và sự khôn ngoan, mà không muốn sở hữu nhiều tiền của.

Trong những kiệt tác vĩ đại về văn chương này của mọi thời đại phải kể đến những bi kịch Hy Lạp, ngay cả ngày nay, sau 25 thế kỷ, vẫn được người ta đọc, suy nghĩ và trình bày, trong đó có một nội dung cầu nguyện phản ảnh ước muốn được biết Thiên Chúa và thờ phượng uy phong của Ngài. Một trong những bi kịch ấy nói rằng: “Ôi đấng làm cho trái đất di chuyển, và đồng thời cũng ngự trên nó, Jupiter, Ngài là ai, đấng mà nhãn quan của loài hay chết, định luật của thiên nhiên, hoặc trí tuệ của con người không thể thấy được, con tôn kính Ngài, vì bằng những cách bí mật, Ngài cai quản tất cả mọi sự thuộc về nhân loại theo công lý” (Euripides, Les Trojennes, 884-886). [Khái niệm về] Thiên Chúa vẫn còn một chút mơ hồ, tuy nhiên, con người nhận ra Thiên Chúa mà họ không biết này và cầu nguyện với Đấng hướng dẫn định mệnh của trái đất.

Cũng thế trong số người Rôma, là những người tạo thành đế quốc vĩ đại mà trong đó Kitô giáo được sinh ra và phát triển, cầu nguyện, dù liên quan đến quan niệm vị lợi và đặt căn bản trên việc cầu xin Thiên Chúa bảo vệ đời sống của cộng đồng dân sự, đôi khi mở đầu bằng những lời cầu xin đáng ngưỡng mộ vì sự nhiệt thành của lòng sùng kính cá nhân, được biến đổi thành lời ngợi khen và tạ ơn. Một tác giả Rôma tại Phi Châu ở thế kỷ thứ hai sau CN, là Apuleiô, đã minh chứng điều này. Trong tác phẩm của ông, ông đã diễn tả sự không hài lòng của người đương thời của ông đối với tôn giáo truyền thống và ước vọng có một liên hệ đích thực hơn đối với Thiên Chúa. Trong kiệt tác tựa đề là Metamorphoses của ông, một tín hữu trình lên một nữ thần những lời này: “Lạy Thần Linh Thánh, nguồn ơn cứu độ muôn đời, đấng bảo vệ đáng mến yêu của loài hay chết, là đấng không tiếc tình yêu thương mẫu tử đối với họ trong cơn đau khổ của họ. Không có một ngày, một đêm hoặc cả một giây phút nào qua đi mà không được đánh dấu bằng một trong những ơn phúc của ngài” (Madaura Apuleius, Metamorphoses, xi, 25).

Trong thời gian này, Hoàng đế Marcô Aureliô – cũng là một triết gia suy tư về tình trạng của con người – đã  khẳng định sự cần thiết phải cầu nguyện để thiết lập một sự hợp tác có hiệu quả giữa hành động của thần thánh và hành động của con người. Ông viết trong Hồi Ký/Tư Tưởng (Souvenir/Pensées) của ông: “Ai nói với bạn rằng các thần minh không giúp chúng ta bằng lệ thuộc vào chúng ta? Hãy bắt đầu cầu nguyện và bạn sẽ thấy” (Tự điển Tâm Linh (Dictionaire de Spiritualité) XII/2, col. 2213).

Lời khuyên này của vị hoàng đế triết gia đã thực sự được thực hiện bởi vô số thế hệ loài người trước Đức Kitô, chứng minh rằng cuộc sống con người trở nên mất ý nghĩa và định hướng nếu không có cầu nguyện, là điều mở cuộc sống của chúng ta ra với mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Thật vậy, trong mỗi lời cầu nguyện, người ta luôn nói lên sự thật về con người như loài thụ tạo, là loài một mặt cảm nghiệm được sự yếu đuối và khốn cùng của mình, do đó xin Trời phù giúp, mặt khác được Trời ban cho một phẩm giá đặc biệt, cho nên trong khi chuẩn bị đón nhận Mặc Khải của Thiên Chúa, đã khám phá ra rằng mình có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài.

Các bạn thân mến, trong những thí dụ về cầu nguyện của các kỷ nguyên và những nền văn minh khác nhau này chứng tỏ rằng con người ý thức được tình trạng thụ tạo của mình và sự lệ thuộc vào một Đấng khác cao trọng hơn mình và là nguồn mạch của mọi sự tốt lành. Con người thuộc mọi thời đại cầu nguyện bởi vì họ không ngừng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, là điều vẫn còn mù mờ và làm cho họ băn khoăn, nếu không được đặt trong sự liên hệ với mầu nhiệm của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài cho thế gian.

Cuộc sống con người là một sự pha trộn giữa thiện và ác, giữa đau khổ oan uổng, và niềm vui cùng cái đẹp, là những điều thúc đẩy chúng ta một cách tự nhiên và không thể cưỡng lại được đến việc cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh để giúp đỡ chúng ta trên thế gian và mở ra một niềm hy vọng vượt ra ngoài biên giới sự chết.

Các tôn giáo của dân ngoại vẫn là một lời khẩn cầu tứ trái đất, đang chờ một lời từ trên Thiên Đình. Một trong những đại triết gia ngoại giáo cuối cùng, người đã sống hoàn toàn trong thời đại Kitô giáo, Proclô ở Constantinople, đã nói lên ước vọng này, rằng: “Lạy Đấng Bất Khả Tri, không ai có thể ngăn cản được Ngài. Tất cả những gì chúng con nghĩ đều thuộc về Ngài. Những điều xấu và tốt của chúng con đều đến từ Ngài, mọi ước vọng đều lệ thuộc vào Ngài, Ôi Đấng khôn tả, linh hồn chúng con cảm thấy sự hiện diện của Ngài, và dâng lên Ngài bài thánh thi cô tịnh” (Hymnes).

Trong các thí dụ về cầu nguyện của những nền văn hóa khác nhau mà chúng ta vừa nói đến, chúng ta thấy một bằng chứng về chiều kích tôn giáo và lòng ao ước Thiên Chúa được ghi trong tâm hồn mỗi người, là điều được thể hiện và được diễn tả đầy đủ trong Cựu Ước và Tân Ước.  Thực ra, Mặc Khải thanh lọc và mang ước vọng nguyên thủy của con người về Thiên Chúa đến viên mãn, ban cho họ, trong cầu nguyện, khả năng có một mối liên hệ mật thiết hơn với Cha trên trời.

Giờ đây, ở bước đầu cuộc hành trình của mình trong “trường cầu nguyện” chúng ta hãy xin Chúa soi sáng tâm trí chúng ta để mối liên hệ với Người trong cầu nguyện luôn được sâu đậm, trìu mến và liên tục hơn. Một lần nữa, chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (11 Lc, 1).

ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ