“Kinh nguyện trung tâm này của Thánh Lễ giáo dục chúng ta, từng chút một, để biến toàn thể cuộc sống mình thành một “Thánh Thể”, có nghĩa là, một hành động tạ ơn”.
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười hai của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 7 tháng 3, 2018 tại Sảnh Đường Phaolô VI. Hôm nay ĐTC giải thích về Kinh Nguyện Thánh Thể: Trong Thánh Thề, ” chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình Đức Kitô để, chúng ta, những kẻ ăn Mình Người, trở nên thân thể sống động của Người trong thế giới ngày nay”.
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ và với bài giáo lý này, chúng ta tập trung vào Kinh Nguyện Thánh Thể. Khi nghi thức dâng bánh rượu kết thúc, Kinh Nguyện Thánh Thể bắt đầu, là kinh nguyện định tính việc cử hành Thánh Lễ và tạo thành thời điểm chính của nó, hướng về việc Hiệp Lễ. Nó tương ứng với điều chính Chúa Giêsu đã làm, ở bàn ăn với các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, khi Người “tạ ơn” trên bánh rồi trên chén rượu (x Matthew 26:27; Mc 14:23; Lc 22:17, 19; 1 Corinthians 11:24): Việc tạ ơn của Người được sống trở lại trong mọi Thánh Lễ của chúng ta, liên kết chúng ta với hy tế cứu độ của Người.
Và trong kinh nguyện long trọng này – Kinh Nguyện Thánh Thể thật long trọng – Hội Thánh diễn tả những gì mình hoàn thành khi cử hành Thánh Lễ và lý do tại sao cử hành nó, là để hiệp thông với Đức Kitô thực sự hiện diện trong bánh và rượu đã được truyền phép. Sau khi kêu mời dân chúng nâng tâm hồn lên với Chúa và tạ ơn Ngài, vị linh mục lớn tiếng đọc Kinh Nguyện, thay mặt cho tất cả những người hiện diện, dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. “Ý nghĩa của Kinh Nguyện này là toàn thể công đồng tín hữu kết hợp với Đức Kitô trong việc ca ngợi các công trình vĩ đại của Thiên Chúa và trong việc hiến dâng hy lễ” (Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma, 78). Và để kết hợp thì phải hiểu. Vì lý do đó mà Hội Thánh muốn cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ mà dân chúng hiểu, để mọi người có thể kết hợp với lời ca ngợi và kinh nguyện cao cả này cùng với vị linh mục. Thật ra, “Hy lễ của Đức Kitô và hy lễ Thánh Thể là một hy lễ duy nhất” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1367).
Có nhiều công thức Kinh Nguyện Thánh Thể trong Sách Lễ, tất cả bao gồm các yếu tố đặc thù, mà giờ đây tôi muốn nhắc lại (xem QCTQSLR, 79; GLHTCG, 1352-1354). Tất cả đều đẹp. Trước hết có Kinh Tiền Tụng, là một hành động tạ ơn vì các hồng ân của Thiên Chúa, đặc biệt là việc sai Con của Ngài làm Đấng Cứu Độ. Kinh Tiền Tụng kết thúc bằng lời tung hô “Thánh”, thường được hát. Tuyệt đẹp khi hát “Thánh”: “Thánh, Thánh, Chúa là Đấng Thánh”. Thật là hay khi hát lời này. Toàn thể công đồng hiệp lời với lời của các thiên thần và các thánh để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.
Sau đó, có lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, để với quyền năng của Ngài bánh và rượu được thánh hiến. Chúng ta khẩn cầu Chúa Thánh Thần đến, và trong bánh và rượu có Chúa Giêsu ở đó. Hành động của Chúa Thánh Thần và hiệu quả của cùng những lời của Đức Kitô được vị linh mục nói lên thực sự làm cho Mình và Máu của Người, hy tế mà Người đã dâng trên Thánh Giá một lần là đủ, được hiện diện dưới hình bánh và rượu (xem GLHTCG, 1375). Chúa Giêsu nói rất rõ về điều này. Chúng ta đã nghe nói đến cách Thánh Phaolô ngay từ đầu kể lại những lời của Chúa Giêsu: “Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy”. “Đây là Máu Thầy, đây là Mình Thầy”. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này. Chúng ta không được có những ý nghĩ kỳ lạ: “Nhưng, làm sao mà một điều gì đó lại…”. Đó là Mình Chúa Giêsu; chấm dứt ở đó! Đức tin: đức tin đến giúp đỡ chúng ta; với một hành động đức tin chúng ta tin rằng đó là Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó là “Mầu nhiệm đức tin”, như chúng ta nói sau khi truyền phép. Vị linh mục nói: “Mầu nhiệm đức tin” và chúng ta đáp lại bằng một lời tung hô. Khi cử hành việc tưởng niệm về cái chết và sự Sống Lại của Chúa, trong khi mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người, Hội Thánh dâng lên Chúa Cha của lễ hòa giải giữa trời và đất: dâng hiến hy tế vượt qua của Đức Kitô, khi dâng hiến Chính Người và cầu xin để, nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên “một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III, xem Sacrosanctum Concilium, 48, QCTQSLR, 79f). Hội Thánh muốn hiệp nhất với Đức Kitô và trở nên một thân thể và một tinh thần với Chúa. Đây là ân sủng và kết quả của sự hiệp thông bí tích: chúng ta được nuôi dưỡng bằng Mình Đức Kitô để, chúng ta, những kẻ ăn Mình Người, trở nên thân thể sống động của Người trong thế giới ngày nay.
Mầu nhiệm hiệp thông là thế, Hội Thánh kết hợp với hy lễ của Đức Kitô, cùng sự cầu bầu của Người, và trong ánh sáng này, “trong các hang toại đạo, Hội Thánh thường được trình bày như một phụ nữ đang cầu nguyện, với đôi tay dang rộng ở vị thế cầu nguyện như Đức Kitô dang tay trên thập giá, vì vậy nhờ Người, với Người và trong Người, Hội Thánh hiến dâng chính mình và cầu bầu cho tất cả mọi người” (GLHTCG, 1368). Hội Thánh hiện nay đang cầu nguyện. Thật tốt khi nghĩ rằng Hội Thánh giờ đây đang cầu nguyện. Có một đoạn trong Sách Tông Đồ Công Vụ; khi Thánh Phêrô ở trong tù, cộng đồng Kitô hữu nói: “Chúng ta hãy cầu nguyên không ngừng cho ngài”. Hội Thánh hiện nay là Hội Thánh cầu nguyện. Và khi chúng ta đi dự Thánh Lễ, là để làm việc này: làm một Hội Thánh cầu nguyện.
Kinh Nguyện Thánh Thể xin Thiên Chúa tụ tập tất cả con cái Ngài trong sự hoàn hảo của tình yêu, trong sự hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục, được nêu tên, một dấu chỉ rằng chúng ta cử hành trong sự hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ và với Hội Thánh địa phương. Các lời cầu xin, giống như việc dâng lễ vật, được dâng lên Thiên Chúa [để cầu nguyện] cho tất cả các phần tử của Hội Thánh, còn sống và đã qua đời, trong khi chờ đợi niềm hy vọng hồng phúc được chia sẻ gia nghiệp vĩnh cửu trên trời, cùng với Đức Trinh Nữ Maria (x. GLHTCG, 1369-1371). Không có ai và không có gì bị lãng quên trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng mọi sự đều được đem trở lại với Thiên Chúa, như vinh tụng ca kết thúc Kinh Nguyện này nhắc nhở. Không ai bị lãng quên. Và nếu tôi có một ai, họ hàng, bạn bè, những người nghèo túng hoặc đã từ giã thế giới này sang thế giới khác, tôi có thể nhắc đến tên họ vào lúc này, trong lòng và âm thầm, hoặc viết tên để được nói đến. “Thưa Cha, con phải trả bao nhiêu tiền để tên của con được nói đến ở đó?” – “Không đồng nào”. Anh chị em không phải trả gì hết! Thánh lễ không phải trả tiền. Thánh lễ là hy tế của Đức Kitô, là miễn phí. Ơn cứu chuộc thì nhưng không. Nếu anh chị em muốn dâng cúng thì cứ việc làm, nhưng không phải trả tiền. Hiểu điều này là rất quan trọng.
Có lẽ chúng ta cảm thấy hơi xa cách với công thức cầu nguyện được hệ thống hoá này, – đó là sự thật, đó là một công thức cổ xưa – nhưng nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của nó, thì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ tham dự cách tốt hơn. Thực ra, nó diễn tả tất cả mọi sự chúng ta thực hiện trong việc cử hành Thánh Lễ; và cũng có thể dạy chúng ta vun trồng ba thái độ không bao giờ thiếu nơi các môn đệ của Chúa Giêsu. Ba thái độ: thứ nhất là học cách “tạ ơn luôn luôn và ở mọi nơi”, và không chỉ vào những dịp nhất định, khi mọi sự xuôi chảy; thứ hai là biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà tình yêu, tự do và nhưng không; thứ ba là xây dựng sự hiệp thông cụ thể. Vì thế, kinh nguyện trung tâm này của Thánh Lễ giáo dục chúng ta, từng chút một, để biến toàn thể cuộc sống mình thành một “Thánh Thể”, có nghĩa là, một hành động tạ ơn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ