Bài Giáo Lý Thứ 37 của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện

Chiêm Niệm và Sức Mạnh của Cầu Nguyện

“Chỉ có lòng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa,… mới là điều đảm bảo rằng chúng ta không làm việc một cách vô ích”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 37 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 13 tháng 6 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về việc cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô.

* * *

Anh chị em thân mến,

Cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa và việc thường xuyên lui tới với các bí tích có thể mở trí khôn và tâm hồn chúng ta ra cho sự hiện diện, những lời nói và hành động của Chúa. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, nhưng, để sử dụng một hình ảnh, nó cũng là một ốc đảo của bình an mà chúng ta có thể rút ra nước để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình và biến đổi cuộc đời mình. Thiên Chúa kéo chúng ta về phía Ngài, làm cho cho chúng ta trèo lên ngọn núi thánh thiện, bằng cách cung cấp cho chúng ta ánh sáng và ơn an ủi dọc đường để chúng ta có thể đến gần Ngài hơn.

Thánh Phaolô Tông Đồ

Đây là kinh nghiệm cá nhân mà Thánh Phaolô đề cập đến trong Chương 12 của Thư Thứ Hai gửi Tín Hữu Côrinthô, là điều tôi muốn chú trọng đến hôm nay. Để đương đầu với những người đã thách thức tính hợp pháp của việc làm Tông Đồ của mình, ngài đã không liệt kê nhiều cộng đoàn mà ngài đã thành lập, hay những cây số mà ngài đã hành trình; ngài không tự giới hạn vào việc nhắc đến những khó khăn và chống đối mà ngài đã gặp phải vì công bố Tin Mừng; nhưng nại vào mối liên hệ của mình với Chúa, một mối liên hệ luôn nhiệt nồng được đánh dấu bằng những giây phút xuất thần và chiêm niệm sâu xa (x. 2 Corinthians 12:1). Vì vậy ngài không khoe khoang về những gì ngài đã làm, về sức riêng của ngài, về những hoạt động và thành công của ngài; nhưng ngài chỉ khoe khoang về những gì Thiên Chúa đã làm trong ngài và qua ngài.

Thực ra, bằng một cách rất thận trọng, ngài nhắc đến giây phút mà ngài đặc biệt kinh nghiệm được đưa lên tận thiên đàng của Thiên Chúa. Ngài nhắc lại rằng mười bốn năm trước khi gửi thư này, ngài “đã được đem lên tầng trời thứ ba” như thế nào (c. 2). Với ngôn từ và cách thế của một người kể lại một điều không thể tường thuật nổi, Thánh Phaolô nói về biến cố này bằng ngôi thứ ba; ngài xác nhận rằng một người đã được lên “vườn” của Thiên Chúa, vào thiên đàng. Chiêm niệm của ngài thật sâu xa và mãnh liệt đến nỗi Thánh Tông Đồ thậm chí không còn nhớ được nội dung của mặc khải nhận được, nhưng đã nhớ thời gian và hoàn cảnh mà trong đó Chúa chiếm hữu ngài một cách quá hoàn toàn, Chúa đã thu hút ngài, như Chúa đã làm cho ngài trên đường đi Đamascô lúc ngài trở lại (x. Pl 3:12).

Thánh Phaolô tiếp tục nói rằng để khỏi quá tự hào về những mặc khải cao siêu mà ngài đã nhận được, ngài mang một “cái dằm trong thân xác” (2 Corinthians 12:7), một nỗi đau khổ, và ngài tha thiết cầu xin Đấng Phục Sinh giải thoát ngài khỏi sứ thần của Sự Dữ ấy, là cái dằm đau đớn trong thân xác này. Ngài nói rằng ba lần ngài cầu nguyện tha thiết với Chúa để xin Người cất sự thử thách này đi. Chính trong tình trạng này, trong chiêm niệm sâu xa về Thiên Chúa, ngài “đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (câu 4), rằng ngài đã nhận được câu trả lời cho lời cầu xin của ngài. Đức Kitô Phục Sinh nói với ngài một lời rõ ràng và đảm bảo: “Ơn của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9).

Nhận xét của Thánh Phaolô về những lời này có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng nó cho thấy rằng ngài hiểu làm một Tông Đồ của Tin Mừng thực sự có nghĩa gì. Thực ra, ngài kêu lên: “Cho nên tôi rất hân hoan hãnh diện về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Ðức Kitô được ở trong tôi. Vì thế tôi chấp nhận sự yếu đuối, nhục nhã, khổ cực, ngược đãi, khốn cùng vì Ðức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ” (câu 9b-10); nghĩa là ngài không tự hào về hoạt động của mình, về nhưng hành động của Đức Kitô, là hành động trong chính sự yếu đuối của ngài.

Chúng ta hãy ngừng lại một giây lát để suy nghĩ về biến cố này, là điều xảy ra trong những năm mà Thánh Phaolô đã sống trong thinh lặng và chiêm niệm, trước khi bắt đầu cuộc hành trình Phương Tây để rao giảng Đức Kitô, vì thái độ khiêm nhường sâu xa và lòng tin tưởng này trước sự tỏ mình ra của Thiên Chúa cũng là nền tảng cho lời cầu nguyện và cuộc đời của chúng ta, cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với sự yếu đuối của chúng ta.

Trước hết, yếu điểm mà Thánh Phaolô nói đến là gì? “Cái giằm” trong thịt của ngài là gì? Chúng ta không biết và ngài cũng không nói, nhưng thái độ của ngài làm cho chúng ta hiểu rằng mọi khó khăn chúng ta gặp trong việc đi theo Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Người đều có thể được khắc phục bằng cách mở lòng ra trong niềm tin tường vào hành động của Chúa. Thánh Phaolô cũng ý thức được mình là một “đầy tớ vô dụng” (Lc 17:10) – không phải là người đã làm những điều tuyệt vời, nhưng là một “bình bằng đất” của Chúa (2 Corinthians 4:7), trong đó Thiên Chúa chứa sự giàu sang và sức mạnh ân sủng của Ngài. Trong lúc cầu nguyện chiêm niệm mãnh liệt này, Thánh Phaolô hiểu rõ ràng làm sao để đương đầu với và sống mọi biến cố, đặc biệt là đau khổ, khó khăn và bách hại: khi ngài cảm nghiệm được sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ, là quyền năng không bao giờ từ bỏ chúng ta, hoặc bỏ mặc chúng ta, nhưng trở thành sự nâng đỡ và sức mạnh của chúng ta.

Chắc chắn điều Thánh Phaolô có thể thích hơn là được giải thoát khỏi “cái gai” này, khỏi nỗi đau khổ này, nhưng Chúa nói: “Không, điều này cần cho con. Con sẽ có đủ ân sủng để chống lại và làm những gì phải làm”. Điều này cũng đúng cho chúng ta. Chúa không cứu chúng ta khỏi sự dữ, nhưng Người giúp chúng ta trưởng thành trong đau khổ, khó khăn và bách hại. Do đó, đức tin cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, “dù con người bên ngoài của chúng ta có bị tan biến đi, thì con người bên trong của chúng ta sẽ mỗi ngày một canh tân” (xem c. 16). Thánh Tông Đồ truyền thông với các tín hữu Côrinthô và cũng với chúng ta rằng “Vì một chút khó khăn tạm bợ này sẽ đem lại cho chúng ta một vinh quang vô tận và khôn sánh” (c. 17). Trong thực tế, nói theo kiểu loài người, trọng lượng của những khó khăn không phải là nhẹ, nó nặng quá sức, nhưng so với tình yêu của Thiên Chúa, sự cao quý được Thiên Chúa yêu thương, thì nó có vẻ nhẹ khi biết rằng trọng lượng của vinh quang sẽ khôn lường.

Như vậy, khi sự kết hợp của chúng ta với Chúa phát triển và việc cầu nguyện của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, chúng ta cũng tập trung vào điều thiết yếu, và chúng ta hiểu rằng không phải nhờ sức mạnh của những tài nguyên, đức hạnh, hay khả năng của mình, mà Nước Thiên Chúa đến; nhưng chính Thiên Chúa là Đấng thực hiện những việc kỳ lạ qua sự yếu đuối của chúng ta, qua sự bất xứng với nhiệm vụ của chúng ta. Do đó, chúng ta phải khiêm tốn không chỉ cậy ở mình, nhưng làm việc, với sự giúp đỡ của Chúa, trong vườn nho của Người, phó thác cho Người như “những bình sành” dễ bể.

Thánh Phaolô đề cập đến hai mặc khải cụ thể là điều đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của ngài. Mặc khải thứ nhất mà chúng ta biết là câu hỏi sửng sốt trên đường đi Đamascô: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9:4), một câu hỏi đã đưa ngài đến việc khám phá ra và tìm thấy Đức Kitô hằng sống và hiện diện, và hiểu được ơn gọi làm Tông Đồ của Tin Mừng của ngài. Mặc khải thứ nhì là những lời mà Chúa đã nói với ngài trong kinh nghiệm cầu nguyện chiêm niệm mà chúng ta đang suy niệm: “Ơn của Thầy đủ cho con rồi, vì quyền năng của Thầy được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Chỉ có đức tin, lòng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, là điều đảm bảo rằng chúng ta không phải làm việc một cách vô ích. Vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa là sức mạnh đồng hành với Thánh Phaolô trong những nỗ lực vĩ đại để truyền bá Tin Mừng, và trái tim ngài đã nhập vào trái tim của Đức Kitô, do đó làm cho ngài có thể dẫn người khác đến cùng Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.

Như thế, trong cầu nguyện chúng ta mở linh hồn ra với Chúa để Người đến cư ngụ trong sự yếu đuối của chúng ta, biến nó thành có hiệu lực đối với Tin Mừng. Và từ Hy Lạp mà Thánh Phaolô dùng để diễn tả sự hiện diện này của Chúa trong nhân tính yếu đuối của ngài là episkenoo, chúng ta có thể dịch là “cắm lều của mình.” Chúa tiếp tục cắm lều của Người trong chúng ta, giữa chúng ta: Đó là Mầu nhiệm Nhập Thể. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đến cư ngụ trong nhân tính của chúng ta, muốn sống trong chúng ta, cắm lều của Người trong chúng ta, để chiếu sáng và biến đổi cuộc đời chúng ta và thế giới.

Việc mê say chiêm niệm về Thiên Chúa mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm, nhắc lại kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor, khi thấy Chúa Giêsu biến hành và chói lòa ánh sáng, Thánh Phêrô thưa Người: “Thưa Thầy, chúng ta ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin dựng ba lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê, và một cái cho ông Êlia” (Mc 9:5). Thánh Marcô nói thêm rằng “Vì ông không biết ông nói gì, bởi các ông rất sợ hãi” (c. 6). Việc chiêm ngưỡng Chúa vừa hấp dẫn đồng thời vừa đáng sợ: hấp dẫn bởi vì Người lôi cuốn chúng ta đến với Người và làm cho trái tim của chúng ta vui thích hướng về thiên đàng, nâng nó lên chỗ cao là nơi chúng ta cảm nghiệm sự bình an và vẻ đẹp của tình yêu Người; đáng sợ vì nó lột trần sự yếu đuối của nhân tính chúng ta, sự thiếu đầy đủ của chúng ta, cuộc đấu tranh để chinh phục sự dữ là điều đe dọa cuộc sống chúng ta, là cái dằm mà chúng ta mang trong thân xác mình. Trong cầu nguyện, trong việc chiêm niệm về Chúa hàng ngày, chúng ta nhận được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và cảm thấy sự thật từ những lời của Thánh Phaolô gửi các Kitô hữu ở Rôma, khi ngài viết: “Vì tôi tin chắc rằng, dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay ma quỷ, dù những sự việc trong hiện tại hay trong tương lai, dù quyền lực, dù trời cao hay vực thẳm, cho dù bất cứ gì khác trong các loài thụ tạo, cũng không có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Romans 8:38-39).

Trong một thế giới mà ở đó chúng ta có nguy cơ chỉ ỷ vào hiệu quả và sức mạnh của các phương tiện loài người, trong thế giới này, chúng ta được mời gọi tái khám phá và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa, là Đấng thông truyền chính Ngài trong cầu nguyện, mà nhờ đó chúng ta lớn lên mỗi ngày trong việc làm cho đời sống của mình phù hợp với đời sống của Đức Kitô, như Thánh Phaolô quả quyết, là Đấng “đã chịu đóng đinh trong sự yếu đuối, nhưng đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Và vì chúng ta cũng yếu đuối trong Người, nhưng đối với anh em, chúng ta sẽ sống với Người nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” (2 Corinthians 13:4).

Các bạn thân mến, trong thế kỷ trước, Albert Schweitzer, một nhà thần học Tin Lành và người thắng giải Nobel về Hòa bình, đã nói: “Thánh Phaolô là một nhà thần bí và không là gì khác hơn một nhà thần bí”; nghĩa là ngài là một người thực sự được hứng khởi quá sức bởi tình yêu của Đức Kitô và quá kết hợp với Người, đến nỗi có thể nói rằng Đức Kitô sống trong tôi. Sự thần bí của Thánh Phaolô không chỉ dựa trên những biến cố phi thường mà ngài đã trải qua, mà còn dựa trên mối liên hệ hằng ngày và nồng nàn với Chúa, Đấng luôn luôn nâng đỡ ngài bằng ân sủng của Người. Sự thần bí đã không làm cho ngài xa lìa thực tại, trái lại đã cho ngài sức mạnh để sống mỗi ngày với Đức Kitô và xây dựng Hội Thánh cho đến tận cùng thế giới của thời ấy. Sự kết hợp với Thiên Chúa không làm cho chúng ta xa lìa thế gian; nhưng sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để thực sự ở lại trong thế gian, để làm tất cả những gì cần phải làm trên thế gian. Như thế, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của mình, chúng ta có thể có những giây phút đặc biệt sốt sắng, trong đó chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa sống động hơn, nhưng điều quan trọng là kiên trì và trung thành trong mối liên hệ với Thiên Chúa, đặc biệt là trong những tình trạng khô khan, khó khăn, đau khổ và vắng mặt rõ ràng của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta được tình yêu của Đức Kitô nắm chặt, chúng ta sẽ có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh, như Thánh Phaolô, xác tín rằng chúng ta có thể làm tất cả mọi sự trong Người là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4:13). Vì vậy, khi càng giành nhiều chỗ cho cầu nguyện, chúng ta càng thấy cuộc đời mình được biến đổi và được linh hoạt bởi sức mạnh cụ thể của tình yêu Thiên Chúa. Đó là những gì đã xảy ra cho Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta chẳng hạn. Mẹ là người đã khám phá ra, trong chiêm niệm về Chúa Giêsu và chính trong những giai đoạn khô khan dài, lý do chủ yếu và sức mạnh không tể tin nổi để nhận ra Người trong những người nghèo đói và bị bỏ rơi, bất chấp thân hình yếu đuối của mẹ. Việc chiêm niệm về Đức Kitô trong đời sống mình, như tôi đã nói, không làm cho chúng ta xa lìa thực tại, nhưng làm cho chúng ta dính lứu nhiều hơn với những vấn đề của con người, vì Chúa, trong việc kéo chúng ta đến với Người trong cầu nguyện, cho phép chúng ta hiện diện và gần gũi mỗi người anh em của mình trong tình yêu của Người. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

2 Corinthians 12:1
View in: NAB
1If I must glory (it is not expedient indeed), but I will come to visions and revelations of the Lord.
2 Corinthians 12:7
View in: NAB
7And lest the greatness of the revelations should exalt me, there was given me a sting of my flesh, an angel of Satan, to buffet me.
2 Corinthians 4:7
View in: NAB
7But we have this treasure in earthen vessels, that the excellency may be of the power of God, and not of us.
Romans 8:38-39
View in: NAB
38For I am sure that neither death, nor life, nor angels, nor principalities, nor powers, nor things present, nor things to come, nor might,
39Nor height, nor depth, nor any other creature, shall be able to separate us from the love of God, which is in Christ Jesus our Lord.
2 Corinthians 13:4
View in: NAB
4For although he was crucified through weakness, yet he liveth by the power of God. For we also are weak in him: but we shall live with him by the power of God towards you.