Bài Giáo Lý Thứ Tám về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI: Đọc Thánh Kinh.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ tám về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI ban hành tại Quảng Trường ở Castel Gandolfo, ngày Thứ Tư 3 tháng 8, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài suy niệm về ích lợi của việc Thánh Kinh, đặc biệt là trong những ngày nghỉ.

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui mừng được gặp anh chị em ở đây, nơi quảng trường Castel Gandolfo và được tiếp tục những buổi triều yết chung đã bị gián đoạn trong tháng bảy vừa qua. Tôi muốn nói tiếp về chủ đề mà chúng ta đã bắt đầu, đó là “trường cầu nguyện” và hôm nay cũng thế, nhưng một cách hơi khác, không mấy xa chủ đề, là đề cập đến một vài khía cạnh có tính cách tâm linh và cụ thể, mà tôi nghĩ rằng hữu ích, không những cho những người đang sống – ở một phần của thế giới – trong giai đoạn nghỉ hè, như chúng ta, mà cả cho nhưng người đang chuyên cần trong công việc hàng ngày. 

Khi chúng ta có một giây phút được tạm ngừng nghỉ trong những hoạt động của mình, đặc biệt trong những ngày nghỉ hè, chúng ta hay cầm lấy một quyển sách mà mình muốn đọc trên tay.  Đây chính là khía cạnh đầu tiên mà tôi muốn ngừng lại để suy nghĩ. Mỗi người trong chúng ta đều cần có thời gian và không gian để tập trung tư tưởng, để suy niệm và bình tâm…. Cám ơn Trời là được như thế!  Thực ra, nhu cầu này cho chúng ta biết rằng mình không được dựng nên chỉ để làm việc, mà còn để suy nghĩ, hồi tâm, hay một cách đơn sơ để theo đuổi bằng tâm trí và con tim một câu chuyện được kể lại, một câu chuyện mà trong đó chúng ta được đồng hóa, theo một nghĩa nào đó, như là “bị lạc mất ” để sau đó tìm thấy mình sung mãn hơn. 

Đương nhiên là nhiều  sách để đọc mà chúng ta cầm trên tay trong những ngày nghỉ, thường là những sách giải trí, và đó là chuyện bình thường.  Tuy nhiên, có một số người, đặc biệt là những người nếu có thời gian rảnh rỗi hay nghỉ ngơi dài hơn, họ chuyên cần đọc một điều gì đó hay hơn.  Vì thế tôi muốn đưa ra một đề nghị là tại sao không tìm hiểu một vài sách trong Thánh Kinh, mà chúng ta thường chưa biết?  Hoặc là những sách mà chúng ta chỉ được nghe một số đoạn trong Phụng Vụ, nhưng chưa bao giờ đọc hết quyển sách?  Thật ra, nhiều Kitô hữu không bao giờ đọc Thánh Kinh, nên có một kiến thức rất giới hạn và hời hợt về Thánh Kinh.  Thánh Kinh, như tên của nó, là một tuyển tập của nhiều sách, là một “tiểu thư viện“, được phát sinh trong vòng một thiên kỷ.  Một vài quyển trong “các quyển sách nhỏ ” này cấu thành thư viện ấy, dường như không được đa số dân chúng kể cả các Kitô hữu tốt biết đến. Có một ít sách thật ngắn, như Sách Tobia, một câu truyện chứa đựng một ý nghĩa rất cao đẹp về gia đình và về hôn nhân;  hay Sách Bà Esther, trong đó Hoàng Hậu người Do Thái, bằng đức tin và lời cầu nguyện, đã cứu thoát dân mình khỏi bị diệt chủng;  hoặc còn ngắn hơn nữa, Sách Bà Ruth, một thiếu phụ ngoại quốc nhận biết Thiên Chúa và cảm nghiệm được sự quan phòng của Ngài.  Những sách nhỏ này có thể được đọc từ đầu đến cuối trong vòng một tiếng đồng hồ.  Cần nhiều cố gắng hơn, và cũng là những tuyệt tác, là Sách Ông Giob, sách này đương đầu với  một vấn đề quan trọng là sự đau khổ của người vô tội; Sách Giảng Viên (Qoheleth), nổi bật vì tính hiện đại của nó khi bàn về ý nghĩa của cuộc đời và của thế giới; Sách Diễm Ca hay Nhã Ca, là một áng thơ tuyệt tác, biểu tượng cho tình yêu của con người.  Như vậy, như anh chị em thấy, đó là những sách thuộc Cựu Ước.  Còn Tân Ước thì sao? Đương nhiên rồi, Tân Ước được biết đến nhiều hơn, và các thể văn cũng không mấy đa dạng. Tuy nhiên cái đẹp là đọc một hết một sách Tin Mừng (Phúc Âm) để tìm hiểu, tôi cũng đề nghị nên đọc sách Tông Đồ Công Vụ hay một trong các Thánh Thư. 

Để kết thúc, các bạn thân mến, hôm nay tôi muốn đề nghị là trong lúc nghỉ hè hay những giây phút giải khuây, các bạn nên có trong tay một quyển Thánh Kinh, để thưởng thức một cách mới mẻ, bằng cách đọc hết một số Sách trong đó, những Sách ít người biết đến cũng như những Sách nhiều người biết đến, như những Sách Tin Mừng, nhưng đọc một cách liên tục.  Như thế, những giây phút giải lao có thể, ngoài việc làm cho chúng ta được phong phú về văn hóa, cũng trở thành thức ăn cho tâm hồn, có khả năng nuôi dưỡng sự hiểu biết về Thiên Chúa của chúng ta và trở nên cuộc đàm đạo với Ngài, là cầu nguyện.  Và điều này là một cách tốt đẹp để sử dụng những ngày nghỉ: hãy cầm một quyển sách Thánh Kinh lên, như thế chúng ta được thưởng thức một chút thảnh thơi, đồng thời được bước vào không gian tuyệt vời của Lời Chúa,  cùng làm cho sự tiếp xúc của chúng ta với Đấng Vĩnh Hằng được thêm sâu sắc. Đấy chính là mục đích của thời gian rảnh rổi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. 

ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ bản Tiếng Pháp của Vatican