Mầu Nhiệm Nhập Thể
“Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài như một món quà cho chúng ta. Người (Chúa Giêsu) đã mặc lấy nhân tính của chúng ta để ban cho chúng ta thiên tính của Người.”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ mười hai của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày 9 tháng 1, 2013. Hôm nay ĐTC tiếp tục loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta một lần nữa chú tâm vào mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng từ trời xuống để mặc lấy xác phàm của chúng ta. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nhập thể, đã trở thành một người như chúng ta, và nhờ đó mở cửa Thiên Đàng của Ngài cho chúng ta, để chúng ta được hiệp thông hoàn toàn với Ngài.
Trong những ngày này, nơi các nhà thờ của chúng ta vang lên nhiều lần từ “nhập thể” của Thiên Chúa, để diễn tả thực thể mà chúng ta cử hành vào dịp Giáng Sinh: Con Thiên Chúa đã làm người, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Nhưng từ này, là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, có ý nghĩa gì? Từ nhập thể phát nguồn từ tiếng Latinh “incarnatio”. Thánh Ignatiô thành Antiôkia, ở cuối thế kỷ thứ nhất, và đặc biệt là Thánh Irênê đã sử dụng thuật ngữ này khi suy niệm về Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan, đặc biệt về cụm từ “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” (Galatians 1:14). Ở đây từ “nhục thể” hay “xác thịt” theo cách dùng của tiếng Do Thái, ám chỉ toàn thể con người, con người toàn diện, nhưng chỉ theo khía cạnh của sự ngắn ngủi và tạm bợ, nghèo nàn và bất ngờ của nó. Điều ấy có nghĩa là ơn cứu độ được mang đến bởi Thiên Chúa làm người nơi Chúa Giêsu thành Nagiareth chạm đến con người trong thực trạng cụ thể của Người và trong bất cứ tình trạng nào mà Người gặp. Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người để chữa nó khỏi tất cả những gì chia cách chúng ta với Ngài, để chúng ta có thể gọi Ngài, trong Con Một của Ngài, bằng danh hiệu “Abba, Cha ơi” và thực sự là con cái Thiên Chúa. Thánh Irênê nói, “Đây là lý do tại sao Ngôi Lời đã làm người, và Con Thiên Chúa đã trở thành Con Người: để con người, qua việcbước vào sự hiệp thông với Ngôi Lời và nhờ đó nhận được quyền làm con Thiên Chúa, có thể trở thành một người con của Thiên Chúa”(Adversus haereses, 3,19,1: PG 7,939; x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 460).
“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” là một trong những chân lý mà chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với sự cao cả của biến cố mà nó diễn tả đến nỗi hầu như nó không còn ảnh hưởng gì đến chúng ta nữa. Và quả thực, trong mùa Giáng Sinh này, trong đó từ ngữ này thường được lập lại trong phụng vụ, đôi khi người ta quan tâm nhiều hơn đến vẻ bề ngoài, đến các “màu sắc” của ngày lễ, thay vì trọng tâm của sự mới mẻ vĩ đại của Kitô giáo mà chúng ta cử hành: có một điều gì đó hoàn toàn không thể tưởng tượng được, mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể làm được và chúng ta chỉ có thể vào được bằng đức tin. Ngôi Lời (Logos) là Đấng ở cùng Thiên Chúa, Ngôi Lời là Thiên Chúa (x. Galatians 1:1), Đấng Tạo Hóa của thế gian, mà nhờ Người mọi sự được tạo thành (x. 1:3), đã cùng đồng hành và đang cùng đồng hành với con người trong lịch sử với ánh sáng của Ngài (x. 1:4-5; 1:9), làm người và ở giữa chúng ta, trở thành một người trong chúng ta (x. 1:14). Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Con Thiên Chúa … đã làm việc với bàn tay con người, Người đã suy nghĩ bằng một trí khôn con người, Người đã hành động với một ý chí con người, và đã yêu thương bằngmột trái tim con người. Được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22). Như thế điều quan trọng là phục hồi sự kinh ngạc trước mầu nhiệm này, chúng ta hãy để cho mình được bao bọc bởi sự vĩ đại của biến cố này: Thiên Chúa, Thiên Chúa thật, Đấng Tạo Hóa của tất cả, đã đi trên các đường phố của chúng ta như một con người, trong khi đi vào thời gian của con người để truyền thông cho chúng ta sự sống của Người (x. 1 Galatians 1:1-4). Và Người đã không làm điều ấy với vẻ huy hoàng của một Đấng Tối Cao cai trị thế gian bằng quyền lực của Người, nhưng bằng sự khiêm tốn của một Hài Nhi.
Tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố thứ hai. Trong dịp Lễ Giáng Sinh chúng ta thường trao đổi một ít món quà với những người thân cận nhất của mình. Đôi khi việc đó có thể là một cử chỉ được thực hiện theo quy ước, nhưng nói chung thì cử chỉ này diễn tả tình cảm, là một dấu chỉ của tình yêu và sự ngưỡng mộ. Trong lời nguyện tiến lễ trong Thánh Lễ của Đại Lễ Giáng Sinh, Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng trong đêm ánh sáng này, và nhờ sự trao đổi mầu nhiệm của các ơn này xin biến đổi chúng con trong Đức Kitô Con Chúa, là Đấng đã nâng con người lên cạnh Chúa trong vinh quang”. Ý tưởng tặng quà nằm ở trung tâm của phụng vụ và giúp chúng ta hiểu được món quà nguyên thủy của Lễ Giáng Sinh: trong đêm thánh này, Thiên Chúa, bằng cách trở thành nhục thể, đã muốn trở thành một món quà cho loài ngưởi, đã hiến mình cho chúng ta, Thiên Chúa đã ban Con Một Ngài như một món quà cho chúng ta, Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta để ban cho chúng ta thiên tính của Người. Đây là món quà cao cả. Ngay cả trong việc tặng quà của chúng ta, một món quà đắt tiền hay không chẳng phải là điều quan trọng; người nào không thể trao tặng một chút của chính con người mình thì luôn trao tặng quá ít; thật vậy, đôi khi chúng ta chỉ cố gắng thay thế con tim và quyết tâm tự hiến của mình bằng tiền bạc, bằng vật chất. Mầu nhiệm Nhập Thể có nghĩa là Thiên Chúa đã không làm như vậy: Ngài đã không ban tặng một vật gì đó, nhưng đã ban chính mình trong Con Một Ngài. Ở đây chúng ta tìm thấy một khuôn mẫu cho mình, ngõ hầu mối quan hệ của chúng ta, đặc biệt là với những người quan trọng nhất, được hướng dẫn bởi lòng quảng đại và tình yêu.
Tôi muốn cống hiến một suy tư thứ ba: thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa, của Đầng trở thành một người như chúng ta, cho chúng ta thấy chủ nghĩa hiện thực chưa từng có của tình yêu Thiên Chúa. Thực ra, hành động của Thiên Chúa không giới hạn trong những từ ngữ; trái lại, chúng ta có thể nói rằng Ngài không hài lòng với lời nói nhưng đắm mình trong lịch sử của chúng ta cùng vác lấy sự mệt mỏi và gánh nặng của cuộc sống con người. Con Thiên Chúa đã thực sự trở thành con người được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, trong một thời điểm và một địa điểm cụ thể, ở Bethlehem dưới triều đại Hoàng Đế Augustô, khi Quiriniô làm thủ hiến (Lc 2:1-2); Người đã lớn lên trong một gia đình, có bạn bè, Người thành lập một nhóm môn đệ, Người truyền cho các Tông Đồ tiếp tục sứ mệnh của Người, Người đã kết thúc cuộc đời dương thế của Người trên thập giá. Phương thức hành động này của Thiên Chúa là một sự kích thích mạnh mẽ để cho chúng ta tự hỏi về tính hiện thực của đức tin của mình, là điều không nên chỉ giới hạn trong phạm vi tình cảm và cảm xúc, nhưng phải đi vào thực tại của cuộc đời chúng ta, phải chạm vào cuộc sống thường nhật của chúng ta và cũng hướng dẫn nó một cách thiết thực. Thiên Chúa không ngừng lại ở lời nói, nhưng Người chỉ cho chúng ta phải sống thế nào và chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Sách Giáo Lý của Thánh Piô X mà một số người trong chúng ta đã học khi còn nhỏ, cách đơn giản, với câu hỏi: “Để sống theo Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?”, đã cho chúng ta câu trả lời này: “Để sống theo Thiên Chúa, chúng ta phải tin vào những chân lý mà Ngài đã mặc khải và giữ các giới răn của Ngài với sự giúp đỡ của ân sủng của Ngài, mà chúng ta lãnh nhận qua các bí tích và cầu nguyện.” Đức tin có một khía cạnh cơ bản không những chỉ ảnh hưởng đến trí khôn và tâm hồn, mà còn tất cả cuộc đời chúng ta.
Tôi đề nghị một yếu tố cuối cùng để anh chị em suy nghĩ. Thánh Gioan nói rằng Lời Chúa, Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thủy, và rằng tất cả mọi sự được tạo thành bởi Ngôi Lời, và không có Người, thì không có gì hiện hữu được (x. Galatians 1:1-3). Thánh sử rõ ràng ám chỉ câu chuyện tạo dựng trong các chương đầu của sách Sáng Thế Ký, và đọc lại chúng trong ánh sáng của Đức Kitô. Đây là một tiêu chuẩn cơ bản trong việc đọc Thánh Kinh của Kitô giáo: Cựu Ước và Tân Ước phải luôn luôn được đọc cùng nhau, và từ Tân Ước ý nghĩa sâu xa nhất của Cựu Ước cũng được tỏ lộ. Cùng một Ngôi Lời, luôn luôn hiện hữu cùng Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa và nhờ Người và vì Người mà mọi sự được tạo thành (x. Colossians 1:16-17), Người đã làm người: Thiên Chúa vĩnh cửu và vô cùng đã dìm mình trong sự hữu hạn của con người, trong tạo vật của mình, để dẫn đưa con người và toàn thể tạo vật về với Người. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo xác quyết: “Việc tạo dựng thứ nhất tìm thấy ý nghĩa và tột đỉnh của nó trong việc tạo dựngtrong Đức Kitô, mà sự rạng ngời vượt quá sự rạng ngời của việc tạo dựng thứ nhất” (số 349).
Các Giáo Phụ của Hội Thánh đã đặt Chúa Giêsu cạnh ông Ađam, đến nỗi gọi Người là “Ađam thứ hai” hoặc Ađam cuối cùng, hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, một cuộc tạo dựng mới đã xảy ra, đem lại câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi “Con người là ai?” Chỉ trong Chúa Giêsu mà kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người được tỏ lộ đầy đủ: Người là con người đúng nghĩa theo Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô II mạnh mẽ nhắc lại: “Thực ra, chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người được sáng tỏ… Đức Kitô, Ađam mới, mặc khải trọn vẹn về con người cho chính họ và làm cho ơn gọi tối thượng của họ được rõ ràng” (Gaudium et Spes, 22; x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 359). Trong Hài Nhi này, Con Thiên Chúa được chiêm ngưỡng trong dịp Giáng Sinh, chúng ta có thể nhận ra không những chỉ dung nhan thật sự của Thiên Chúa, mà cả khuôn mặt thật sự của con người; và chỉ bằng cách mở lòng mình ra cho hành động của ân sủng của Người cùng cố gắng mỗi ngày để theo Người, chúng ta hiểu rõ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, dành cho mỗi người chúng ta.
Các bạn thân mến, trong giai đoạn này, chúng ta suy niệm về sự phong phú cao cả và tuyệt vời của mầu nhiệm Nhập Thể, để Chúa soi sáng chúng ta và biến đổi chúng ta mỗi ngày một hơn thành hình ảnh của Con Ngài làm người vì chúng ta. Xin cám ơn anh chị em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ