Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI ban trong Thánh Lễ Ngày Quốc Gia về Gia Đình Công Giáo Croatia hôm Chúa Nhật, ngày 5 tháng 6, năm 2011 tại Zagreb.
Anh chị em thân mến!
Trong Thánh Lễ này tôi rất vui mừng được cùng cử hành với nhiều hiền huynh trong hàng Giám Mục và với một số đông các linh mục, tôi tạ ơn Chúa vì tất cả các gia đình thân yêu tụ tập nơi đây, và tất cả những người khác liên kết với chúng ta qua truyền thanh và truyền hình. Tôi đặc biệt cám ơn Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng giám mục Zagreb, vì những lời ân cần ở đầu Thánh Lễ này. Tôi chào mừng tất cả anh chị em, và bảy tỏ lòng quý mến của tôi bằng một vòng tay hòa bình!
Chúng ta vừa cử hành Lễ Chúa Lên Trời và đang dọn mình lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy cộng đồng tông đồ đã hợp nhất như thế nào trong cầu nguyện nơi Nhà Tiệc Ly cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu (x. Cv 1:12-14). Đây là một hình ảnh của Hội Thánh được đâm rễ sâu trong biến cố vượt qua: thực sự, Phòng Trên Lầu là nơi mà Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục trong bữa Tiệc Ly, và ở đó, sau đã khi sống lại từ cõi chết, Người đổ Thánh Thần trên các Tông Đồ vào tối Chúa Nhật Phục Sinh (x. Ga 20:19-23). Chúa đã truyền cho các môn đệ “các con không được rời Giêrusalem, nhưng phải chờ lời hứa của Chúa Cha” (Cv 1:4), Người đã yêu cầu các ông ở lại với nhau để dọn mình lãnh nhận món quà của Chúa Thánh Thần. Và các ông đã tụ tập với nhau cùng Đức Mẹ Maria cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly, trong khi chờ đợi biến cố mà Chúa đã hứa này (x. Cv 1:14). Ở lại với nhau là điều kiện mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho các ông để cảm nghiệm việc ngự xuống của Đấng Bảo Trợ, và việc cầu nguyện lâu giờ được dùng để duy trì các ông trong tinh thần hòa hợp với nhau. Chúng ta tìm thấy ở đây một bài học thích đáng cho mọi cộng đồng Kitô hữu. Đôi khi người ta cho rằng hiệu quả của việc truyền giáo phụ thuộc chính yếu vào việc lập kế hoạch cẩn thận và thực hiện cách thông minh bằng hành động cụ thể. Chắc chắn rằng Chúa đòi sự hợp tác của chúng ta, nhưng sáng kiến của Ngài phải đi trước, trước cả lời đáp trả của chúng ta: Thánh Thần của Người, là Đấng chủ động thực sự của Hội Thánh, phải được cầu khẩn và đón tiếp.
Trong Tin Mừng, chúng ta nghe phần đầu của đoạn gọi là “lời cầu nguyện Thượng Tế” của Chúa Giêsu (x. Ga 17:01-11a) – ở kết luận bài diễn từ giã biệt của Người – đầy tin tưởng, ngọt ngào và tình yêu. Lời này được gọi là “lời cầu nguyện Thượng Tế” bởi vì trong đó Chúa Giêsu được trình bày như một tư tế cầu bầu cho dân Người trong khi Người chuẩn bị lìa bỏ thế gian. Đoạn này có hai chủ đề nổi bật là giờ và vinh quang. Nó liên hệ đến trong giờ lâm tử (x. Galatians 2:04; 7:30,8:20), là giờ mà trong đó Đức Kitô phải đi từ bỏ thế gian mà về với Chúa Cha (13:1). Nhưng đồng thời cũng là giờ Người được tôn vinh, được thể hiện bằng Thập Giá, được Thánh Sử Gioan gọi là “việc nâng cao”, nghĩa là việc nâng lên, việc đưa đến vinh quang: giờ chết của Chúa Giêsu, giờ của tình yêu tối thượng, là giờ của vinh quang tột đỉnh của Người. Cũng vậy, đối với Hội Thánh và đối với mọi Kitô hữu, vinh quang cao quý nhất là Thập Giá, nghĩa là sống trong đức ái, trong việc hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân.
Anh chị em thân mến! Tôi rất vui lòng chấp nhận lời mời đến thăm đất nước này của các Giám mục Croatia nhân dịp Đại Hội Quốc Gia Các Gia Đình Công Giáo tại Croatia lần thứ nhất. Tôi chân thành biết ơn sự quan tâm và quyết tâm với gia đình, không phải chỉ vì ngày nay thực chất cơ bản của con người, tại đất nước anh chị em cũng như những nơi khác, đang phải đối diện với những khó khăn và đe dọa, và do đó có nhu cầu đặc biệt về truyền giáo và nâng đỡ, nhưng còn vì gia đình Kitô giáo là một phương tiện thiết yếu cho việc giáo dục đức tin, cho việc xây dựng Hội Thánh như một sự hiệp thông và cho sự hiện diện truyền giáo của mình trong những hoàn cảnh đa dạng nhất trong đời sống. Quý Mục Tử thân yêu, tôi biết lòng quảng đại và dấn thân mà quý hiền huynh đang cống hiến để phục vụ Chúa và Hội Thánh. Lao công hàng ngày của quý hiền huynh dành cho việc đào luyện đức tin các thế hệ tương lai, cũng như cho việc dự bị hôn nhân và đồng hành với các gia đình, là con đường cơ bản để phục hồi việc canh tân Hội Thánh cùng đem lại sự sống cho cơ cấu xã hội của đất nước. Nguyện xin Chúa ban cho quý hiền huynh tiếp tục dấn thân trong quyết tâm mục vụ quan trọng này!
Mọi người đều biết rằng gia đình Kitô hữu là một dấu chỉ đặc biệt của sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô, cùng được mời gọi để đóng góp một cách cụ thể và không thể thay thế vào việc truyền giáo. Á Thánh Gioan Phaolô II, người viếng thăm đất nước cao quý này ba lần, đã nói rằng “các gia đình Kitô hữu được mời gọi để tham gia tích cực và có trách nhiệm vào sứ vụ của Hội Thánh bằng một cách thế cơ bản và cụ thể, bằng cách tự coi mình, trong bản chất và trong việc làm, như một “cộng đồng của sự sống và tình yêu”, để phục vụ của Hội Thánh và xã hội” (Familiaris consortio, 50). Gia đình Kitô giáo đã luôn luôn là phương cách đầu tiên của việc truyền thụ đức tin và ngày nay vẫn còn giữ những khả năng tuyệt vời cho việc truyền giáo ở nhiều lãnh vực.
Quý phụ huynh thân mến, hãy luôn tận tâm trong việc dạy dỗ con cái cầu nguyện, và cầu nguyện với chúng; lôi kéo chúng đến gần các Bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, trong khi chúng ta kỷ niệm 600 năm Phép lạ Thánh Thể ở Ludbreg; và đem chúng vào đời sống Hội Thánh; Trong bầu không khí thân yêu của gia đình, đừng sợ đọc Thánh Kinh, chiếu soi cuộc sống gia đình bằng ánh sáng đức tin và ca ngợi Thiên Chúa là Cha. Hãy sống như một Phòng Trên Lầu nhỏ, như Đức Mẹ Maria và các môn đệ, để sống đoàn kết, hiệp thông và cầu nguyện ở trong đó!
Nhờ ơn Chúa, nhiều gia đình Kitô hữu ngày nay đã đạt được một ý thức sâu xa hơn bao giờ hết về ơn gọi truyền giáo của mình, và nghiêm chỉnh tận tâm làm chứng cho Đức Kitô là Chúa. Á Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói: “Một gia đình đích thực, được thành lập trên hôn nhân, có trong mình ‘tin mừng’ cho thế giới.” Và ngài nói thêm: “Trong thời đại chúng ta các gia đình cộng tác tích cực trong việc phúc âm hóa càng ngày càng nhiều hơn bao giờ hết […], giờ của gia đình đã điểm trong Hội Thánh, cũng là giờ của gia đình truyền giáo. “(Kinh Truyền Tin, 21 Tháng 10 năm 2001). Trong xã hội ngày nay sự hiện diện của những gia đình Kitô giáo gương mẫu càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Thật không may, chúng ta bị bắt buộc phải ghi nhận sự lan tràn của việc thế tục hóa, là điều dẫn đến việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống và sự tan rã càng ngày càng trầm trọng của gia đình, đặc biệt là ở Châu Âu. Tự do bất kể chân lý được người ta biến thành một hạnh phúc tuyệt đối và cá nhân, qua việc tiêu thụ vật chất và kinh nghiệm thoáng qua được vun trồng như một lý tưởng, che khuất hẳn chất lượng của các mối quan hệ giữa giữa người với người, và những giá trị sâu xa hơn của con người; tình yêu bị hạ xuống thành xúc động tình cảm và thỏa mãn những đòi hỏi của bản năng, mà không có một quyết tâm xây dựng những mối liên hệ thuộc về nhau mãi mãi, cùng không sẵn sàng đón nhận sự sống. Chúng ta được mời gọi để chống lại một não trạng như thế! Cùng với những gì Hội Thánh nói, chứng từ và quyết tâm của gia đình Kitô hữu – chứng từ cụ thể của anh chị em – là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi anh chị em khẳng định sự bất khả xâm phạm của sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, giá trị đặc biệt và không thể thay thế được của gia đình được thiết lập trên hôn nhân và sự cần thiết có những đạo luật hỗ trợ các gia đình trong công tác sinh sản và giáo dục con cái. Các gia đình thân mến, hãy can đảm lên! Đừng đầu hàng não trạng thế tục là não trạng đề ra rằng việc chung sống với nhau [trước hôn nhân] như một việc chuẩn bị, hoặc thậm chí thay thế cho hôn nhân!
Hãy cho người khác thấy bằng chứng từ của đời sống anh chị em rằng người ta có thể yêu mà không giữ lại một điều gì cho mình, như Đức Kitô, và không sợ cam kết với người kia! Các gia đình thân mến, hãy vui mừng trong việc làm cha làm mẹ! Việc sẵn sàng đón nhân sự sống như một dấu hiệu mở ra cho tương lai, tin tưởng vào tương lai, cũng như việc tôn trọng luật luân lý tự nhiên giải phóng con người thay vì hạ thấp họ! Điều tốt của gia đình cũng điều tốt của Hội Thánh. Tôi muốn lặp lại một điều tôi đã nói trong quá khứ: “việc mở mang mỗi cá nhân gia đình Kitô hữu phù hợp với bối cảnh của gia đình lớn hơn là Hội Thánh, cơ quan hỗ trợ và thực thi việc ấy với gia đình … Và Hội Thánh được xây dựng một cách hỗ tương bởi gia đình, ‘một hội thánh tại gia.” (Diễn từ của ĐTC Bênêdictô XVI nói với những tham dự viên Đại Hội Thánh của Giáo Phận Rôma, ngày 6 tháng 6 năm 2005). Chúng ta hãy cầu cùng Chúa cho các gia đình có thể càng ngày càng trở thành những hội thánh nhỏ, và cho các cộng đồng Hội Thánh có thể càng ngày càng có nhiều phẩm chất của một gia đình!
Các gia đình Croatia thân mến, việc sống hiệp thông trong đức tin và đức ái phải là chứng từ rõ ràng hơn nữa cho lời mà khi lên trời Chúa đã hứa với mỗi người chúng ta: “Thầy sẽ ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Matthew 28:20). Các Kitô hữu Croatia thân mến, hãy nghe thấy chính mình được mời gọi để rao giảng Tin Mừng bằng toàn thể đời sống của anh chị em; hãy nghe lời quyền năng của Chúa: “Vậy các con hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Matthew 28:19). Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Croatia, luôn đồng hành với anh chị em trên đường của anh chị em. Amen! Ngợi khen Chúa Giêsu và Mẹ Maria!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ