Phụng Vụ Chúa Nhật này mời gọi chúng ta gẫm suy về “đức khiêm tốn”.
Hc 3, 17-21, 30-31
Bài đọc I, trích từ tác phẩm của hiền nhân Ben Xi-ra, là lời khuyên thực hành đức khiêm tốn, đó là con đường dẫn đến Thiên Chúa.
Dt 12, 18-19, 22-24
Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái nêu bật sự tương phản giữa Giao Ước Cũ, ở đó Thiên Chúa tỏ mình ra trong quang cảnh kinh thiên động địa, và Giao Ước Mới, ở đó Thiên Chúa hành động trong nội tâm, tất cả đều xảy ra trong trật tự tinh thần. Con đường khiêm hạ này dẫn đến thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
Lc 14, 1, 7-14
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra bài học về đức khiêm tốn trong một bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh người Pharisêu khi ngỏ lời với các vị khách mời.
BÀI ĐỌC I (Hc 3, 17-21, 30-31)
Ông Ben Xi-ra, một bậc vị vọng thành Giê-ru-sa-lem và là một hiền nhân, sống vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên. Ông ghi lại giáo huấn và kinh nghiệm của ông vào năm 180 trước Công Nguyên. Khoảng năm mươi năm sau đó, tác phẩm của ông được người cháu trai của ông dịch sang tiếng Hy-lạp.
1. Ý hướng của Tác Phẩm:
Sau cuộc chinh phục của đại đế A-lê-xan-đê (336-325 trước Công Nguyên), vùng Cận Đông mở cửa đón văn hóa Hy-lạp. Miền Pa-lét-tin không tránh khỏi trào lưu này (nhất là vào hậu bán thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên). Những môi trường của giới quý tộc Giê-ru-sa-lem cũng như vài giáo sĩ cho thấy sẵn lòng đón nhận ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Ben Xi-ra không phải không nhạy bén với tư tưởng Hy-lạp, ông biết trường phái triết học Khắc Kỷ, nhưng ông tiên cảm một mối nguy hiểm đối với Do thái giáo. Ông để hết tâm trí vào việc phục hưng những giá trị truyền thống. Theo ông, sự khôn ngoan đích thực là sự khôn ngoan của dân Israel, vì Thiên Chúa là mẫu mực khôn ngoan của dân Ngài và Lề Luật là cách thức diễn tả sự khôn ngoan của Ngài.
Sách của hiền nhân Ben Xi-ra là loại cẩm nang thực hành cho người Do thái trung thành. Sách chứa đựng những lời khuyên cho cuộc sống hằng ngày. Tất cả mọi đề tài đều được đề cập đến. Trong đoạn trích hôm nay, đề tài được bàn đến là đức khiêm tốn. Đây là một đức hạnh tiêu biểu Kinh Thánh, mà người ta không gặp thấy ở nơi nền luân lý ngoại giáo.
2. Ca ngợi đức khiêm tốn:
“Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm tốn”. Ông Ben Xi-ra ngỏ lời với môn đệ của mình, hiện tại hay trong tương lai, như một người cha với đứa con của mình. Đây là cách xưng hô quen thuộc của thầy đối môn đệ của mình được xem như đứa con tinh thần của mình.
Đây không là lòng quý mến dành cho đức khiêm tốn một cách trừu tượng, nhưng lời khuyên thực hành nhân đức này, việc thực hành phải thấm đẩm mọi hành vi của cuộc sống. Sách Châm Ngôn cũng được điểm xuyến bằng những lời khuyên tương tự, không kể đến các Thánh Vịnh, sách Gióp, vân vân. Xa hơn nữa, không phải là ông Mô-sê được ca ngợi như là “một con người rất đổi khiêm nhu, không ai như thế trong mọi người có trên mặt đất” (Ds 12,3) sao? Mặt khác, ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã tiên báo hành động của Đức Chúa theo chiều hướng này: “Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa các ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nơi nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,11-12).
3. “Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng”:
“Con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng”, có nghĩa“con sẽ được sủng ái trước nhan Thiên Chúa”. Cách nói Kinh Thánh kinh điển này sẽ được củng cố trong Tin Mừng hôm nay khi gia chủ nói với người ngồi ở chỗ cuối: “Xin mời ông bạn lên chỗ trên cho”.
4. Lên án thói kiêu ngạo:
Tiếp đó tác giả cho thấy rằng kẻ kiêu ngạo dẫn đến thảm họa. Lời kết án chỉ được gói gọn trong một câu: “Thảm trạng của người kiêu căng thật vô phương cứu chữa, vì sự ác đã đâm rễ vào lòng họ”. Hình ảnh thật mãnh mẽ: thói kiêu ngạo đã nhiễm độc kẻ ấy tận căn rồi, không tài nào có thể cứu chữa được.
5. Đức khiêm tốn: biết lắng tai nghe:
“Ước nguyện của hiền nhân là biết lắng tai nghe”. Nghệ thuật của hiền nhân là biết lắng nghe, như lời cầu nguyện của vua Salômon, vị vua nổi tiếng khôn ngoan bậc nhất: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9). Suy cho cùng, thái độ này là thái độ khiêm tốn, thái độ lành thánh, vì nó dẫn đến việc gẫm suy và học hỏi sự khôn ngoan.
BÀI ĐỌC II (Dt 12, 18-19, 22-24a)
Bản văn này là đoạn trích dẫn cuối cùng thư gởi các tín hữu Do thái trong Phụng Vụ Chúa Nhật năm C này. Tác giả ngỏ lời với những Kitô hữu gốc Do thái, những người này luyến nhớ những buổi phụng tự hoành tráng và uy nghi của Giao Ước Cũ so với các nghi thức Kitô giáo quá giản dị. Tác giả khuyên họ bằng những lời lẽ đầy hình tượng. Trong một bức tranh rất song đối, ông sẽ đối lập những nét đặc trưng của Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới.
1. Phẩm chất của người Kitô hữu thuộc trật tự tinh thần:
Tác giả phác họa bức tranh bộ đôi tương phản giữa dân Giao Ước Cũ tiến đến núi Xi-nai hữu hình và dân Giao Ước Mới tiến đến thành đô Thiên Chúa hằng sống là Giê-ru-sa-lem thiên quốc. Việc gia nhập vào Tân Ước qua việc hoán cải thuộc trật tự tinh thần, và phép Rửa biến đổi con người từ phàm nhân sang con cái Thiên Chúa cũng hoàn toàn thuộc nội tâm.
2. Khía cạnh trần thế của Giao Ước Cũ:
Giao Ước Cũ được ký kết trên núi Xi-nai giữa những dấu chỉ khả giác và trong quang cảnh kinh thiên động địa: lửa, sấm chớp, mây mù, bóng tối, giông tố trong tiếng kèn vang dậy và tiếng nói thét gào đến nổi con cái Israel phải kinh hoàng sợ hãi đến mức hồn xiêu phách lạc.
3. Khía cạnh thiên quốc của Giao Ước Mới:
Núi Xi-nai đối lập với núi Xi-on, núi này cũng là nơi Thiên Chúa ngự, nhưng là thành đô thiên quốc với muôn vàn thiên sứ.
Dân của thành đô Giê-ru-sa-lem thiên quốc sống trong bầu khí hân hoan chứ không trong tâm trạng run rẩy sợ hãi: “Anh em đến dự hội vui giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”. Diễn ngữ “những kẻ đã được ghi tên trên trời” là hình ảnh Kinh Thánh Cựu Ước (Xh 32, 32; Is 4, 3; Đn 12,1; Tv 69,29), được sách Khải Huyền lấy lại dưới tên gọi “Sổ Trường Sinh” (Kh 3,5; 13,8, v.v…). Thuật ngữ “con đầu lòng” ở Israel hàm chứa những người được hưởng những đặc quyền và được thánh hiến cho Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, con đầu lòng tuyệt vời là Đức Kitô. Chính ở nơi Ngài mà “những người công chính đã được nên hoàn thiện” được dự phần vào những đặc quyền của Ngài. Để chỉ cuộc hội tụ các thánh này, tác giả sử dụng từ Ekklesia, nghĩa là Giáo Hội, Giáo Hội thiên quốc, Giê-ru-sa-lem trên trời.
Đó là bức tranh mà tác giả phác họa nhằm gởi đến các Kitô hữu gốc Do thái này mà đức tin của họ bị chao đảo, thậm chí có vài người có ý định quay trở lại quá khứ xưa kia. Đức Giêsu Kitô là đích điểm mà họ tiến đến. Khi trở thành người Kitô hữu, họ tiến bước về Chúa Kitô, Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới và Ngài sẽ dẫn họ về Thiên Chúa, “Đấng xét xử mọi người”.
TIN MỪNG (Lc 14, 1. 7-14)
Thánh Lu-ca là vị thánh ký duy nhất kể ra ba lần những người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà mình dùng bữa (Lc 7,35; 11, 27; 14, 1-14). Vì thế, chúng ta nhận ra rằng những người Pharisêu mở rộng cửa đón tiếp Chúa Giêsu để dò xét Ngài rõ hơn. Chúng ta đã có dịp đọc một trong ba câu chuyện này rồi, đó là tại nhà một người Pharisêu ở đó đã diễn ra tình tiết về một người phụ nữ tội lỗi được thứ tha (Chúa Nhật XI).
Chúa Giêsu của Tin Mừng Luca là Chúa Giêsu của mọi người, Ngài sẵn sàng đến với mọi người, dù chống đối hay dò xét Ngài, để hy vọng đưa họ về đường ngay nẻo chính. Vì thế, Chúa Giêsu thường không bỏ lỡ những cơ hội như vậy để gởi đến cho những người Pharisêu những bài học nhớ đời, vừa mang tính xã hội vừa đầy ý nghĩa tôn giáo.
1. Một ngày sa-bát:
Vào ngày sa-bát, phụng vụ trong hội đường đã diễn ra vào ban sáng. Bữa ăn trưa, thường long trọng, được định vị sau phụng vụ tại hội đường. Vào dịp này, một viên trưởng hội đường long trọng đón tiếp Ngài. Những khách được mời rất đông. Chúa Giêsu quan sát thái độ của họ. Chính những khách mời này mà Ngài ngỏ lời trước tiên về đức khiêm tốn: hãy khiêm tốn chọn chỗ ngồi cho mình trong bàn tiệc để sau này được Chúa sắp chỗ trong Nước Trời. Tiếp đó, Ngài quay về gia chủ để cho ông một lời khuyên Đức Ái về việc mời người dự tiệc trong hoàn cảnh xã hội cụ thể ở đó có những người bất hạnh.
2. Bài học về đức khiêm tốn:
Chúa Giêsu lên tiếng như một hiền nhân. Ngài nhắc lại đạo xử thế của các khách mời dự tiệc. Sách Châm Ngôn đã dạy đạo xử thế này theo cùng một cách tương tự: “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: ‘Xin mời ông lên trên!’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25, 6-7).
Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến thái độ của khách mời dự tiệc, nhưng gián tiếp nhắm đến thái độ của những người Pharisêu mà Ngài quở trách “ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” (Lc 20, 46). Từ đó, Chúa Giêsu rút ra một câu kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu cũng sẽ lập lại lời cảnh báo này khi kết thúc dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18, 14).
Đây là câu kết luận của bài học về đức khiêm tốn về mặt xã hội nhưng cũng là chìa khóa để hiểu bài học về mặt thiêng liêng. Chủ từ của thể thụ động được dùng ở đây chính là Thiên Chúa và thì tương lai được dùng ở đây để chỉ về ngày sau hết, ngày chung thẩm. Như thế bài học về đức khiêm tốn không chỉ dạy về phép đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày nhưng còn mang tính tôn giáo nữa: những người Pharisêu tự cho mình là dân Chúa chọn, được hưởng những đặc ân, thì hãy coi chừng, có thể sẽ ngồi vào chỗ rốt hết (Lc 13, 28-30).
Thật là có ý nghĩa biết bao khi mà những lời đầu tiên của Đức Giêsu là: “Khi anh được mời đi ăn cưới…”. Hình ảnh tiệc cưới trong Tin Mừng là hình ảnh bữa tiệc cánh chung, tự nó biểu tượng hạnh phúc của những người công chính trong Nước Thiên Chúa, đặc biệt Mt 22, 1-10 ở đó những khách được mời lại không được tham dự bàn tiệc trong khi những kẻ bé mọn lại được dự phần vào tiệc cưới.
3. Bài học phục vụ trong khiêm tốn:
Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến những người Pharisêu; Ngài đã ngạc nhiên và sẽ còn ngạc nhiên khi gặp thấy những thái độ như thế tại các môn đệ của Ngài. Thánh Lu-ca tường thuật chính xác vào buổi chiều Tiệc Ly các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu phải nên người phục vụ” (Lc 22, 24). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giêsu cũng đưa ra cho các môn đệ Ngài bài học như thế, nhưng trong một bối cảnh khác: “Trong anh em, người nào lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 11-12).
4. Bài học về Đức Ái:
Bài học Chúa Giêsu gởi đến cho gia chủ cũng mạnh mẽ không kém. Bài học này không mang giọng điệu của phép xử thế. Hoàn toàn trái với thông lệ của người Do thái vốn khinh chê những người bất hạnh này, Chúa Giêsu mời gọi gia chủ mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lý do mà Ngài đưa ra: không tìm kiếm những phần thưởng trần thế cho những cử chỉ bác ái, nhưng chờ đợi những phần thưởng của Nước Trời: “Họ không có gì trả lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”. Hành động một cách vô vị lợi, cho một cách hoàn toàn nhưng không.
Tiếp đó, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn của Ngài bằng một dụ ngôn khác: dụ ngôn“khách được mời xin kiếu, thay vào đó là “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (14: 21). Cũng một bài học tương tự.
Lm Inhaxiô Hồ Thông