Suy niệm Tin Mừng thánh Gioan (6, 41-51)
Trích đọc vào Chúa Nhật 19 thường niên B
Thân xác con người cần phải được nuôi sống bằng những thực phẩm thông thường như bánh, cơm, thịt, cá… Tuy nhiên, có những thứ khác tuy không phải là thực phẩm như cơm bánh nhưng cũng cần cho sự phát triển trí tuệ con người nên cũng được xem là lương thực – thường được gọi là lương thực tinh thần- như sách, báo và nhiều loại văn hoá phẩm khác.
Lại còn có những thứ “bánh” khác cao cấp hơn, tuy không phải là thực phẩm thông thường như cơm cháo, không phải là lương thực tinh thần như sách báo, nhưng rất cần cho con người được sống và tăng trưởng. Điển hình cho thứ “bánh” nầy là… người mẹ!
Nhà thơ Kiên Giang viết về người mẹ như một thứ “bánh” tối cần cứu ông thoát bệnh và nuôi ông lớn lên thành người:
“Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại
Con đau rên siết mẹ sầu lo.
Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
Mua bánh tai heo giấy học trò.
Đêm nao con khóc đòi ru ngủ
Mẹ thức mỏi mòn nhịp võng đưa,
Thân lạnh nằm khoanh lòng mẹ ấm
Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru…” (Trích: Khói trắng của Kiên Giang)
Mẹ là “bánh” rất tuyệt vời cho con, một thứ bánh tối cần cho con được sống; vì nhờ dạ mẹ mà con được tượng hình và được sinh ra; nhờ dòng sữa mẹ mà con tăng trưởng từng ngày; nhờ lời mẹ ru mà con được yên giấc; nhờ sự ấp yêu vỗ về của mẹ mà con được hạnh phúc; nhờ mẹ lo liệu thuốc men mà con thoát khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo; nhờ mẹ kiên trì dạy dỗ mà con được khôn ngoan; nhờ mẹ thương yêu mà con được trở thành người nhân ái…
Thế nên, câu ca dao Việt-nam sau đây ví người mẹ như “chuối bà hương” thơm ngon, như “xôi nếp một” vừa thơm vừa dẻo, như “đường mía lau” đem lại vị ngọt dịu dàng.
“Mẹ già như chuối bà hương, như xôi nếp một, như đường mía lau.”
Tuy nhiên, dù được xem là tấm “bánh” rất cần thiết nuôi con lớn thành người, nhưng người mẹ cũng chỉ là “bánh” thuộc trần gian nên không thể đem lại sự sống đời đời cho con cái. Vì thế, nhân loại cần có một thứ “bánh” cao cấp hơn có thể mang lại cho họ sự sống đời đời. Đó chính là Chúa Giê-su, Ngài là “Bánh trường sinh, là Bánh hằng sống từ trời xuống” như lời Ngài phán:
“Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh nầy là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 48-51).
Đúng vậy,
Lời Chúa Giê-su là “Bánh yêu thương” từ trời ban xuống, giải thoát muôn người khỏi chết vì chia rẽ hận thù, do ngộ nhận “tha nhân là hoả ngục”, là “người xa lạ”, hay thậm chí là địch thù… Nhờ “Bánh” này, nền văn minh tình thương được hình thành, một nhân loại mới được khai sinh, muôn người được khai mở con mắt tâm hồn để nhận ra nhau là anh em con cùng một Cha trên trời, là Chi Thể của Chúa Giê-su và là phần thân thể của nhau (I Cr 15, I Cr 12, Ep 4, 25…). Nhờ đó, nhân loại được lớn lên trong yêu thương.
Cuộc đời Chúa Giê-su là “Bánh phục vụ” từ trời xuống, thúc đẩy muôn người biết sống quảng đại, hy sinh quên mình để phục vụ người khác như Chúa đã nêu gương.
Nhờ “Tấm Bánh Giê-su” được bẻ ra và trao ban mà các tín hữu được nên đồng huyết nhục với Chúa và nhận được sự sống đời đời do Ngài ban tặng.
Khi tự giới thiệu mình là “Bánh” cho trần gian, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài là Đấng tuyệt đối cần thiết cho sự sống và hạnh phúc của loài người, không có Ngài, nhân loại không thể tồn tại và có được bộ mặt nhân ái như hôm nay.
Muốn hấp thụ cơm bánh hằng ngày, người ta cho nó vào miệng rồi nhai và nuốt; còn muốn hấp thụ “Bánh bởi trời”, người ta phải đón nhận Chúa Giê-su và tin vào Ngài như lời Ngài phán: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6, 35). “Tôi bảo các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh.” (Ga 6, 48)
Ăn “Bánh Giê-su” theo trích đoạn Tin Mừng nầy có nghĩa là tin vào Chúa Giê-su, nhưng không phải là tin suông, mà là sống theo giáo huấn của Chúa Giê-su, noi gương bắt chước Ngài và sống như Ngài đã sống.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con đã không tiếc thời gian và công sức để kiếm cơm bánh nuôi sống thân xác mau hư nát nầy thì xin cho chúng con cũng đừng tiếc thời gian để đến với Chúa là “lương thực” thường tồn mang lại sự sống đời đời cho chúng con. Amen.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà