Thứ Tư Tuần 29 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Romans 6:12-18,20b-21; Luke 12:39-48.
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc thực hành những gì con người đã biết, để giúp con người sinh ích lợi trong đời sống. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô chú trọng đặc biệt đến hai tình trạng của con người trước và sau khi đón nhận Đức Kitô. Ngài khuyên các tín hữu phải biết sống thích hợp với ân sủng mà Đức Kitô đã mang lại cho các tín hữu qua Cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Nếu cứ dìm mình trong tội như trong quá khứ, con người sẽ không được cứu độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đề phòng các tông-đồ: Các ông phải sống như những người quản gia trung tín trong việc phân phát Mầu Nhiệm Cứu Độ; nếu không, các ông sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn những người không biết, khi Chúa trở lại để phán xét.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em là nô lệ cho người mà anh em vâng phục.
1.1/ Người tín hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi: “Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.”
(1) Tình trạng pháp lý của con người trước khi có và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức Kitô, con người hoàn toàn sống dưới Lề Luật, và làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Con người không có sức để thoát ra khỏi sự nô lệ này. Khi Đức Kitô đến, Ngài giải thoát con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết. Con người, với sức mạnh của ơn thánh của Đức Kitô, có thể thoát ra khỏi những nô lệ này, để được tự do sống cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô ví tình trạng của người tín hữu cũng giống như tình trạng của người nô lệ: khi còn sống dưới sự nô lệ của chủ, người nô lệ bị lệ thuộc hoàn toàn vào chủ và không có cơ hội nào để thoát ra khỏi kiếp nô lệ; nhưng khi được một người chuộc tiền để giải thoát, người nô lệ giờ đây được tự do sống cho chính mình. Người tín hữu cũng thế, một khi được Đức Kitô giải thoát, họ không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa; nhưng được tự do và được trang bị để sống cho Thiên Chúa.
(2) Tình trạng nội tâm của con người trước và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức Kitô, con người không có một sức mạnh nào để chống lại tội lỗi ngoài sức mạnh của Lề Luật bảo cho con người biết đó là tội, nhưng không giúp cho con người vượt thắng tội lỗi; nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài ban ơn thánh cho con người để họ có thể vượt thắng tội lỗi. Thánh Phaolô xác tín: “Tội lỗi không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.”
Phaolô biết có người sẽ chất vấn “Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời nào!” Thánh Phaolô có ý nói với sự xuất hiện của Đức Kitô, tội lỗi và sự chết không có sức mạnh toàn quyền trên con người nữa; nhưng nếu con người từ chối lối sống theo ân sủng bằng cách cứ sống theo tội lỗi, con người sẽ không được cứu độ. Đây là tội phạm đến Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhiều lần bàn qua.
1.2/ Hậu quả của hai lối sống: Thánh Phaolô cắt nghĩa: ”Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính.”
(1) Hậu quả của lối sống làm nô lệ cho tội lỗi: Khi còn sống dưới kiếp nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi, con người không có sức mạnh để thoát ra khỏi tội và không có cách nào để trở nên công chính. Hậu quả là con người phải chết như Thiên Chúa đã phán với ông Moses, khi Ngài ban cho con người Thập Giới.
(2) Hậu quả của lối sống theo ân sủng: Nhưng nay, với sự xuất hiện của Đức Kitô anh em được công chính vì tin tưởng vào Ngài, được ban ân sủng để có thể sống thánh thiện, và được giải thoát khỏi chết muôn đời.
Một điều con người cần lưu ý là cho dù Đức Kitô đã đến để giải thoát, con người vẫn có tự do để chọn lựa hai lối sống. Nếu cứ dìm mình trong tội, con người sẽ có nguy cơ chết trong tội và xa lìa Thiên Chúa. Một ví dụ dẫn chứng: thuốc có thể giúp con người trị bệnh; nhưng bệnh nhân phải kiêng cữ thì mới có thể lành bệnh được. Nếu bệnh nhân ỷ đã có thuốc chữa, rồi cứ ăn uống bừa bãi, thuốc sẽ mất công hiệu, và bệnh sẽ trở nên nặng nề hơn.
2/ Phúc Âm: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, sẽ bị đòn nhiều hơn.
2.1/ Ông chủ trao cơ nghiệp và quyền phân phát cho người quản gia: Người quản gia là người được ông chủ chọn; tuy ông có quyền trên các đầy tớ khác nhưng đối với chủ, ông vẫn là một đầy tớ. Nhiệm vụ của quản gia là coi sóc mọi sự trong nhà và mọi đầy tớ khi chủ vắng mặt; trong đó có nhiệm vụ cung cấp của ăn cho các gia nhân đúng giờ đúng lúc. Nhưng ai là quản gia trong câu truyện Chúa muốn nói ở đây?
Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn ám chỉ các Tông Đồ. Các ông là những người được Chúa Giêsu tin tưởng, huấn luyện, và sai đi để rao giảng Tin Mừng. Các ông phải chịu trách nhiệm với Chúa về những người mà Chúa sai các ông đến để rao giảng. Nhưng câu trả lời cũng có thể mở rộng đến các Kitô hữu vì họ cũng là những nhà lãnh đạo trong gia đình và cộng đoàn.
2.2/ Thái độ của người quản gia: Ông có thể rơi vào một trong 2 thái độ:
(1) Thái độ trung thành và phần thưởng: Người quản gia trung thành là người biết chu tòan nhiệm vụ của mình khi chủ có mặt cũng như lúc chủ vắng mặt. Vì thái độ luôn trung thành nên không lạ khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy. Chúa Giêsu khen: “Thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” Ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung thành trong việc lớn.
(2) Thái độ bất trung và hình phạt: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về,” và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
Và Chúa Giêsu tuyên án: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đã được Đức Kitô thanh tẩy mọi tội lỗi và được trang bị để sống công chính; nên chúng ta cần phải đoạn tuyệt làm nô lệ cho tội lỗi, để được tự do sống công chính.
– Đức Kitô đã dạy chúng ta mọi điều, ngay cả cách thức chuẩn bị cho tương lai, chúng ta hãy nghe theo những gì Ngài dạy bảo và chuẩn bị cho tương xứng. Người tín hữu đã được dạy dỗ và cho nhiều, nếu không chịu làm theo ý Chúa, sẽ phải chịu phán xét nặng nề hơn.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP