Chúa Nhật 16 Thường Niên C
Lc 10, 38-42
Trên đường lên Giêrusalem cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu ghé thăm gia đình chị em Mácta, Maria và Ladarô tại làng Bêtania. Nếu dụ ngôn người Samari nhân hậu giúp chúng ta hiểu rằng hành trình theo chân Chúa lên Giêrusalem nhất thiết phải là hành trình của tình yêu, là con đường “yêu thương đồng loại như chính mình”, thì hôm nay, Tin mừng sẽ cho chúng ta biết hành trình đó sẽ không thể tách rời con đường chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Hay nói một cách khác, người môn đệ khi đã lắng nghe Lời Chúa thì cũng sẽ đi đến những hiệu quả tất yếu trong việc thực thi công bình, bác ái như Lời Chúa dạy.
Chân dung hai chị em Mácta và Maria được thánh sử Luca phác hoạ nhằm làm nổi bật hai cách thức đón tiếp Chúa. Hai cách thức này không đối chọi nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta thấy Mácta dường như có mặt khắp nơi trong suốt trình thuật. Đầu tiên đó là việc cô mời Chúa vào nhà. Lo lắng tất bật để lo phục vụ Chúa theo đúng lòng hiếu khách vẫn thường có của dân miền Trung Đông. Và cuối cùng là vẻ mặt bối rối của cô khi xin Chúa can thiệp để Maria giúp mình một tay trong việc đón tiếp Chúa. Còn hình ảnh Maria trong suốt trình thuật lại là sự im lặng, ngồi bên chân Chúa trong tư thế của một người môn đệ thực thụ để lắng nghe Lời Chúa dạy.
Mácta đã đón tiếp Chúa như thế nào? Thái độ lăng xăng bận rộn nhiều chuyện của chị đã khiến Chúa không vui. Chúng ta biết nhiều lần chính Chúa đã từng cảnh báo những người theo Chúa đừng để cho những lo lắng về cuộc sống, những bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa, khiến cho nó chết ngộp mà không trưởng thành (x. Lc 8, 14); Người còn khuyên nhủ các môn đệ đừng quá lo toan về “cơm, áo, gạo tiền” (x. 12, 22-26); rồi khi bị bách hại thì cũng đừng lo phải trả lời làm sao (x. 21, 14.15). Như thế là, không phải Chúa không quý trọng, không biết ơn, không đánh giá đúng mức lòng hiếu khách của Mácta. Điều đó là quan trọng và cần thiết trong tất cả mối quan hệ. Nhưng, điều Chúa cần ở đây chính là muốn chị khám phá thêm một điều nữa còn quý trọng hơn, khẩn thiết hơn vào loại bậc nhất mà chị cách nào đó đã quên mất, đó chính là lắng nghe Lời Chúa- điều mà cô em Maria đã tỏ ra mình chính là môn đệ hoàn hảo nhất.
Còn cô em Maria thì sao? Chúng ta có thể thấy khuôn mẫu của người môn đệ lắng nghe Lời Chúa nơi con người Maria. Thật thế, ngay khi Chúa vào nhà, cô liền sà ngay vào chân Chúa, dường như quên hết mọi sự. Và, trong tư thế của người môn đệ đối với Thầy, Maria không làm gì, không nói gì, chỉ biết ngồi và lắng nghe. Có thể nói dường như Maria đã quên chính con người của mình để tất cả các giác quan, các cơ năng đều tập trung vào Chúa, ghi nhớ tất cả lời của Chúa. Hệ quả tất yếu chúng ta có thể thấy là, đàng sau sự say mê ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người, để tâm sự với Người, Maria chắc chắn sẽ làm theo những gì Chúa truyền dạy. Chị sẽ trở nên một môn đệ nhiệt thành, ra đi làm chứng cho Thầy mình.
Khi chúng ta cho rằng thái độ đón tiếp Chúa của hai chị em Mácta và Maria luôn đối chọi nhau và nghĩ rằng chỉ có một người đón tiếp Chúa với cách thế đúng nhất, e rằng quá vội vàng và phiến diện. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai chị em mỗi người một vẻ, họ đều có chung một tình yêu đối với Chúa là muốn làm sao để giữ Chúa dừng lại nơi gia đình mình càng lâu càng tốt trước khi Người tiếp tục hành trình lên Giêrusalem. Với cách thức phục vụ, Máta đã làm hết sức mình những gì có thể để cho Chúa vui; còn Maria thì không ngừng ghi nhớ, nuốt lấy từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa hầu có thể sống sao cho phù hợp ý Người.
Mácta và Maria là những mẫu gương sống động, là hình ảnh của người Kytô hữu trưởng thành. Có thể nói lắng nghe Lời Chúa và thực thi lời Chúa có mối tương quan mật thiết hỗ tương, không thể có điều này và mất điều kia hay ngược lại. Cả hai đều đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, đưa ta đến với tha nhân để yêu thương và phục vụ. Nói như P. Graef : “Hoạt động mà không cầu nguyện là thiếu nguyên tắc cơ bản; ngược lại, cầu nguyện mà không hoạt động là thiếu đất để gieo trồng”. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành chính là những nguyên tắc cơ bản nhất và cũng là mảnh đất mầu mỡ để hạt giống lời Chúa sinh hoa kết quả nơi tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb