Bước Theo Chúa Không Vì Bổng Lộc

Chúa nhật 29 Thường nNên B
Mc 10, 35-45

Chúa Giêsu cùng các môn đệ tiếp tục cuộc hành trình lên Giêruslem. Không như những lần trước, lần này Chúa Giêsu tỏ ra cương quyết khi “dẫn đầu” các môn đệ tiến về Giêrusalem trong sự sợ hãi của các môn đệ cũng như những kẻ theo Người. Cũng trong chính hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ ba – đây là cuộc loan báo có thể nói đầy đủ nhất và sẽ được thực hiện chính xác từng điều một trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Đồng thời trước lời yêu cầu của các con ông Dêbêđê, Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ về vấn đề Phục vụ trong cộng đoàn.

Đứng trước cái chết gần kề đe doạ tính mạng của Chúa – như Người đã loan báo, các môn đệ dường như tưởng đó là “chuyện đùa”. Chúa Giêsu loan báo việc Người chịu khổ nạn đến lần thứ ba mà các môn đệ cũng chẳng hiểu nổi ý nghĩa của những lời Thầy mình nói là gì. Tệ hơn, trong tâm trí các ông vẫn quanh đi quẩn lại chỉ mỗi một điều là làm gì đó để kiếm chút “vinh quang, bổng lộc” sau này. Thế nên các ông mới cả gan đến gặp Chúa để xin cho mình được “ngồi bên tả bên hữu Người”.

Có lẽ Giacôbê và Gioan thấy những người đồng hương với mình – quê Bếtxaiđa, là Phêrô và Anrê cũng được Chúa gọi như các ông, cũng bỏ cha mẹ và tất cả mọi sự để theo Chúa mà còn đám hỏi phần thưởng này nọ với Chúa thì việc các ông sắp làm hẳn phải “oai hơn” hai anh em nhà kia. Vả lại, như anh em Phêrô mà còn được phần thưởng “gấp trăm” thì việc các ông xin được ngồi bên hữu bên tả Thầy mình mới xứng đáng với những gì các ông từ bỏ chứ.

Đứng trước “cơn cám dỗ” về uy quyền của các môn đệ, Chúa Giêsu tiếp tục mở trí cho các ông hiểu khi chính Người chất vấn xem các ông có thể chia sẻ với Người những khổ hình mà Người sắp phải chịu không. Chúng ta biết là trong Kinh thánh “chén” và “phép rửa” tượng trưng cho những gì đau khổ, phiền muộn và cái chết (x. Tv 75, 9; Is 51, 17-22; Gr 25, 15-17.28; Ed 23, 31-34). Chính Chúa Giêsu trong cơn hấp hối cũng đã kêu cầu với Chúa Cha: “Xin cho con khỏi uống chén này” (Mc 14, 36). Còn phép rửa (Baptizein) có nghĩa là nhận chìm. Chúa Giêsu muốn nói đến việc Người phải chịu đóng đinh, chịu chết khi liên tưởng đến thánh vịnh 42, 7- 8 :

Lạy Chúa, con chìm sâu trong phiền muộn… …
Sóng cồn theo nước cuốn,
Ngài để cho tràn ngập thân này.

Riêng với thánh Máccô, phép rửa chính là cái chết của Chúa Giêsu như trình thuật Chúa chịu phép rửa tiên báo cái chết của Người.

Cái “liều mạng” của hai anh em Dêbêđê khi trả lời chất vấn của Chúa và đã được Chúa chấp nhận thì cũng chính là bước khởi đầu cho một hành trình theo chân Thầy khi cuộc đời của các ông là những bước tiệm tiến để chia sẻ, để cảm nếm chính “chén” và “phép rửa” của Người. Thật vậy, trong Công vụ tông đồ, chúng ta được biết thánh Gicôbê là môn đệ đầu tiên trong số các môn đệ trở nên “đồng hình đồng dạng” với Thầy mình khi chấp nhận chịu chém đầu vào năm 44 dưới thời vua Herôđê Ácríppa I trị vì Giu-đa và Sa-ma-ri (x. Cv 12, 1-2); Còn thánh Gioan tuy không được phúc tử đạo nhưng cũng phải trải qua nhiều đau khổ. Như thế là, vinh quang nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu muốn chúng ta chia sẻ chính là thông phần vào sự khổ nạn của Chúa, và, sự sống vĩnh hằng chỉ có thể lãnh nhận sau khi chia sẻ “sự bách hại, sự ngược đãi” như chính Chúa. Chúng ta không được phép quên điều tối quan trọng này trong giáo huấn của Chúa Giêsu là để đạt tới vinh quang cần phải đi qua thập giá và không ai là một ngoại lệ

Rõ ràng là việc ước ao bổng lộc, quyền cao chức trọng không chỉ xảy ra nơi anh em nhà Dêbêđê, nơi Phêrô mà còn cho tất cả các môn đệ. Bằng chứng là trước đó ít là một lần, trên đường về Giêruslem, các ông đã sôi nổi tranh luận thử xem ai là người lớn nhất (Mc 9,34); lần này các môn đê khác tức tối khi thấy hai anh em nhà kia dám xin cho mình “chỗ tốt nhất”. Các môn đệ kia tức tối không phải vì các ông chê trách mưu đồ của hai anh em nhà Dêbêđê mà là vì họ sợ hai anh em kia sẽ chiếm mất vị trí quan trọng mà lẽ ra là họ chứ không phải ai khác. Chúa Giêsu một lần nữa phải can thiệp để các ông hiểu rõ giáo huấn của người. Giáo huấn của Chúa Giêsu thật rõ ràng, đó là đừng bao giờ đồng hoá “quyền bính” với “thống trị” – điều xem ra thật hiển nhiên trong các cơ chế xã hội. Theo Chúa Giêsu, những ai có quyền thì phải trở nên người phục vụ (Diakonos) và ai muốn thống trị thì phải trở nên tôi tớ (Doulos) cho mọi người.

Trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, chúng ta thấy những vị lãnh đạo Giáo hội đồng thời cũng là những “thừa tác viên” – mà nguyên nghĩa Latinh cũng như Hylạp có nghĩa là “những đầy tớ, những nô lệ”, chính vị đứng đầu Giáo hội cũng tự xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ” để phục vụ mưu ích cho Hội thánh chứ không phải để phục vụ cho những nhu cầu, những ước muốn thấp hèn của mình. Chúng ta học được bài học này từ chính cuộc đời của Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu Kytô – Người là mẫu gương tuyệt đối cho hết mọi người. Chúng ta học nơi Chúa Giêsu vì như Thánh Phaolô tông đồ đã ví rất hay về Người Thầy Chí ái của mình:

“Đức Giêsu Kytô, vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì,
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi,
bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người,
và ban tặng danh hiệu vượt trên muôn ngàn danh hiệu”

(Pl 2, 6-9)

Lời Chúa hôm nay một lần nữa giúp mỗi Kytô hữu duyệt xét lại đời sống đạo của mình. Theo đó, chúng ta bước theo Chúa Giêsu không phải để được “ngồi bên hữu hay bên tả” mà là đón nhận tất cả nghịch cảnh trong cuộc sống để làm vinh danh Chúa. Bởi Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa cũng phải trải qua những nghịch cảnh của cuộc đời để vinh danh Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Chúng ta cũng được mời gọi tiến bước trên con đường Chúa Giêsu đã đi để cho danh Chúa được tôn vinh nhằm mưu ích cho phần rỗi các linh hồn.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb