Chúa Nhật II Phục Sinh
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Ga 20, 19-31: Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin“.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Các bài đọc hôm nay cho ta biết đôi nét về sinh hoạt của cộng đoàn thời Hội Thánh sơ khai. Căn cứ vào các sách Tin mừng và nhất là sách Công vụ Tông đồ, ta thấy cộng đoàn Hội Thánh sơ khai có mấy đặc điểm sau:
Đó là cộng đoàn cầu nguyện.
Hoàn cảnh ban đầu với những cộng đoàn bé nhỏ, những con người yếu đuối. Kỷ niệm về Đức Kitô, người Thày thân thương còn quá tươi mới, quá đậm nét. Đó là lý do khiến các tín hữu sơ khai tha thiết họp nhau cầu nguyện. Những buổi cầu nguyện là những buổi ôn lại kỷ niệm của Thày Chí Thánh. Các ngài bẻ bánh để tái diễn cử chỉ thân thương của Thày. Các ngài kể cho nhau nghe những lời nói và những việc làm của Thày để ghi tâm khắc cốt. Khao khát sự hiện diện của Thày đã làm cho lời cầu nguyện của các ngài trở nên sống động. Và Đức Kitô phục sinh vẫn thường đến an ủi các ngài trong các buổi cầu nguyện ấy.
Đó là cộng đoàn đức tin.
Các ngài quây quần sống bên nhau vì cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Niềm tin ấy rất mãnh liệt vì các ngài đã được tận mắt nhìn thấy Ngài. Niềm tin ấy không chỉ là lý trí mà còn ảnh hưởng tới cả cuộc sống. Niềm tin ấy không chỉ biểu lộ trong những giờ cầu nguyện mà còn đi sâu và thực hiện cụ thể trong những chọn lựa, trong những sinh hoạt đời thường.
Cộng đoàn đóng vai trò gìn giữ, bồi dưỡng và phục hồi đức tin. Như trường hợp của Tông đồ Tôma. Ông tìm lại được đức tin nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn. Chúa ban lại đức tin cho ông khi ông ở giữa cộng đoàn.
Đó là cộng đoàn đức ái.
Đức tin chân thật sẽ dẫn đến đức ái. Thật sự tin Chúa sẽ dẫn đến yêu mến Chúa. Thật sự yêu mến Chúa sẽ biểu lộ trong tình yêu mến tha nhân. Nên các tín hữu sơ khai tự nhiên đồng tâm nhất trí với nhau. Sự đồng tâm nhất trí không chỉ trong tư tưởng lời nói mà nhất là cả trong việc chia sẻ của cải vật chất. “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung…Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu”. Thật đẹp và đáng mơ ước. Ai mà không mong muốn được sống với những con người như thế. Ai mà không mong muốn được chia sẻ đời sống của một cộng đoàn như thế.
Đó là cộng đoàn chứng nhân.
Các ngài làm chứng cho nhau. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô phục sinh quá mãnh liệt làm cho các ngài sung sướng hạnh phúc, không thể kìm giữ, nên đã trào dâng trong việc chia sẻ với bạn bè. Câu nói “Chúng tôi đã thấy Ngài” là câu nói cửa miệng của các Tông đồ. Ta được nghe các chứng từ dồn dập của Maria Mácđala, của Phêrô và Gioan, của các môn đệ đi làng Emmau, và muộn màng nhưng mãnh liệt trong tiếng kêu của Tôma.
Hữu xạ tự nhiên hương. Chứng từ của các ngài lan toả ra cả những người chung quanh. Trước hết là do đời sống của các ngài. Đời sống đức tin mạnh mẽ. Đời sống cầu nguyện sống động. Đời sống bác ái chan hoà. Tất cả trở thành một lời chứng hùng hồn, có sức thuyết phục hơn biết bao lời hay ý đẹp. Hơn thế nữa, các ngài còn hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa. Bất chấp khó khăn thử thách. Bất chấp mất danh vọng chức quyền. Bất chấp cả mất mạng sống.
Cộng đoàn Hội Thánh sơ khai có những nét đẹp như thế là nhờ các ngài đã gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, đã đón nhận được ơn phục sinh nên đã hoàn toàn thay da đổi thịt, trở thành những con người mới. Đó không còn là một cộng đoàn bình thường nữa. Đó là một cộng đoàn phục sinh. Cộng đoàn phục sinh đã vượt qua trần gian. Cộng đoàn phục sinh tiên báo cuộc sống hạnh phúc trên Nước Trời.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU
1- Giáo xứ của bạn, khu xóm của bạn, gia đình của bạn đã được ơn phục sinh chưa?
2- Bạn phải làm gì để góp phần đem ơn phục sinh đến cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của bạn?
3- Trong những nét đẹp của cộng đoàn phục sinh, theo bạn nét đẹp nào có sức hấp dẫn nhất?
+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt