Chủ Nhật 32 Thường Niên, Năm A.
Bài đọc:Wisdom 6:12-16; 1 Thessalonians 4:13-17; Matthew 25:1-13.
Không ai trong chúng ta phủ nhận sự quan trọng của khôn ngoan trong cuộc sống. Người khôn ngoan thường được xã hội kính trọng và được chọn làm những nhà lãnh đạo của dân. Đó là lý do tại sao hầu hết các cha mẹ ViệtNamsẵn sàng hy sinh, làm lụng vất vả, để con được ăn học tới nơi tới chốn. Họ hy vọng với vốn liếng học thức, con họ sẽ biết cách đối chọi với đời và tìm được một công việc đỡ vất vả hơn họ. Nhưng sự khôn ngoan này mới chỉ là khôn ngoan thế tục; có một khôn ngoan cao hơn và sự khôn ngoan này mới thực sự được gọi là “sự khôn ngoan đích thực.” Sự khôn ngoan đích thực là biết nguồn gốc và đích điểm của cuộc đời, cùng biết cách thức làm sao để đạt tới đích điểm này. Các Bài đọc hôm nay đều xoay quanh sự khôn ngoan: Bài đọc I nói lên tầm quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Bài đọc II dạy khôn ngoan là biết đích điểm của cuộc đời, là được đòan tụ với Đức Kitô trong Ngày Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết khôn ngoan chuẩn bị trong khi chờ đợi Ngày Quang Lâm, vì không ai biết khi nào sẽ xảy ra.
1/ Bài đọc I: Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Đức Khôn Ngoan luôn sáng chói, và không bao giờ tàn tạ.
1.1/ Ba thái độ phải có khi tìm kiếm khôn ngoan:
(1) Quí trọng Đức Khôn Ngoan: Vô tri bất mộ, phải biết Đức Khôn Ngoan đáng quí trọng dường nào trước khi yêu mến nó. Tiếng Hy-Lạp dùng danh từ rất hay để chỉ các triết gia, filovsofo~, danh từ này ghép bởi động từ filevw = yêu, và danh từ sofiva = khôn ngoan. Như thế, triết gia là người yêu mến sự khôn ngoan. Theo truyền thống Do-Thái và Hy Lạp. Đức KN được nhân cách hóa (coi như một người); vì thế Đức KN chỉ tỏ mình cho những ai yêu mến: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.” Những ai coi thường KN, chẳng bao giờ có được nó.
(2) Tìm kiếm Đức Khôn Ngoan: Không phải chỉ thụ động yêu mến mà còn phải chủ động đi tìm kiếm học hỏi. Con người quí trọng khôn ngoan sẽ đi tìm bất cứ nơi nào có sự khôn ngoan (Nữ Hòang Phương Namđi tìm Vua Solomon). Tác giả của Bài đọc I bảo đảm: “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.”
(3) Khao khát Đức Khôn Ngoan trên hết mọi sự: Truyền thống GH tin Sách Khôn Ngoan được viết bởi Vua Solomon, người khi được Thiên Chúa hỏi muốn xin bất cứ một điều gì, Ngài sẽ ban cho. Nhà Vua không xin bất cứ điều gì, chỉ xin cho có được Đức Khôn Ngoan. Thiên Chúa đã ban cho Vua một sự khôn ngoan thập tòan đến độ trước và sau Vua, không một ai được khôn ngoan như thế. Vì thế: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.” Như thế, Đức KN có mặt mọi nơi, chỉ chờ ai mở cửa tiếp nhận, vui vẻ đi vào gặp.
2.2/ Những lợi ích khi có được Đức Khôn Ngoan: Không có gì trên đời có thể so sánh với Đức KN, vì có được KN là:
(1) Sẽ không bao giờ mất: Tất cả những gì ở ngòai con người đều có thể bị mất, nhưng những gì tích trữ ở bên trong sẽ không bao giờ mất: “Đức Khôn Ngoan luôn sáng chói, và không bao giờ hư mất.” Đức KN sẽ ở với con người tới muôn đời.
(2) Hiểu biết hòan tòan: Khôn ngoan của vũ trụ thì bao la mà khả năng con người lại rất giới hạn; làm sao có thể đạt tới sự hiểu biết hòan tòan? Tác giả Sách Khôn Ngoan hứa hẹn: “Nếu để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự hiểu biết hòan tòan.” Khôn ngoan của thế gian chỉ có thể giúp con người hiểu một số khía cạnh (tóan học, xã hội, nhân văn, triết học, kinh tế…), nhưng khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ giúp hiểu tòan bộ cuộc đời.
(3) Trút được mọi lo âu: Con người lo lắng là vì không biết sự việc sẽ xảy ra làm sao; nhưng nếu đã đạt tới sự hiểu biết tòan bộ vế cuộc đời, họ sẽ không còn lo âu nữa.
(4) Biết cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc đời: Người đã hiểu biết hết mọi sự thì cũng biết cách gỉai quyết mọi vấn đề cách tốt đẹp: “Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.”
2/ Bài đọc II: Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
Sự khôn ngoan đích thực là khôn ngoan theo truyền thống Kitô Giáo. Người khôn ngoan đích thực biết chỉ có một Thiên Chúa trong vũ trụ này, và Ngài là nguồn gốc mọi khôn ngoan. Ngài tạo dựng mọi sự trong vũ trụ và tiền định cho con người được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Khôn Ngoan đích thực của Cựu Ước là chính Đức Kitô của Tân Ước, là hiểu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô, và cách đạt tới ơn cứu độ là đặt niềm tin hòan tòan nơi Đức Kitô, trong khi chờ đợi Ngài ngự đến lần hai để mang con người về với Thiên Chúa. Nói tóm, Đức Kitô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
2.1/ Hai niềm tin khác nhau: Khi bàn chuyện về đời sau, chúng ta thấy có 2 lọai người:
(1) Những người không tin có sự sống lại: Đối với họ, chết là hết. Họ sợ chết và buồn phiền khi giờ chết đến. Thời của Thánh Phaolô cũng có hạng người này, vì thế, ngài cẩn thận đề phòng niềm tin này nơi các tín hữu: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.” Đây là thái độ của những người thiếu khôn ngoan: Họ chỉ chú trọng đến cuộc sống đời này mà thôi!
(2) Những người tin có sự sống lại: Chết không hết, nhưng bắt đầu một cuộc sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa. Lý do của niềm hy vọng này là: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.” Đây là thái độ của những người khôn ngoan: Đang khi sống vui vẻ đời này, họ không quên chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
2.2/ Những gì sẽ xảy đến trong Ngày Chúa Quang Lâm: Thiên Chúa sẽ làm cho xác lòai người sống lại, và sau đó, con người sẽ được ở với Thiên Chúa mãi mãi.
(1) Những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên: “Khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên.”
(2) Sau đó, đến chúng ta là những người đang sống: “Chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.”
3/ Phúc Âm: Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Dụ ngôn là cách con người dùng để diễn tả một thực tại. Thực tại mà Chúa Giêsu muốn dạy cho khán giả hôm nay là: ngày Đức Kitô Quang Lâm chắc chắn sẽ đến, nhưng không ai biết ngày nào hay giờ nào. Trong dụ ngôn: Đức Kitô được ví như chàng rể, cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, Ngày Đức Kitô Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.
3.1/ Dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể: Theo phong tục của người Do-Thái, đám cưới thường xảy ra ban đêm; vì thế đèn và dầu là hai thứ không thể thiếu cho các họat động xảy ra ban đêm. Bạn thân của cô dâu là những người sẽ tháp tùng cô dâu trong suốt thời gian cưới. Chú rể sẽ không cho biết thời giờ tới: có thể chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng. Mười cô trinh nữ được xếp thành 2 hạng: khôn ngoan hay khờ dại tùy thuộc vào việc có mang dầu dự bị theo hay không.
Các cô trinh nữ này chắc chắn đã được nghe nói hay tự mình chứng kiến những đám cưới đã xảy ra trước và biết: chàng rể có thể đến trễ, dầu đốt mãi rồi cũng hết, phải có đèn sáng để đón chàng rể… Biết trước như thế nhưng không phải ai cũng biết chuẩn bị cho tương xứng. Năm cô khôn ngoan biết phòng xa nên mang bình dầu dự trữ theo. Năm cô khờ dại không mang dầu dự trữ theo có thể vì: (1) không tiên liệu trước; (2) có thể đóan già đóan non chàng rể sẽ tới sớm; hay (3) nghĩ có thể mượn được người khác nên mang làm gì cho phiền phức!
3.2/ Giờ chàng rể đến: Chầu lâu gối mỏi, “vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.” Và khi các cô đang ngủ thì đèn cũng tắt ngúm vì hết dầu. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!”
(1) Sửa sọan đèn: Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Nếu đã có đèn và dầu sẵn, mọi sự đều dễ dàng để ra nghênh đón chàng rể.
(2) Mượn dầu: Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Điều giúp suy tư: Dầu còn có thể cho được nếu dư thừa, nhưng có những thứ không thể cho và cũng không thể mượn, mà tự cá nhân phải tập luyện: đức tin, tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan, các đức tính tốt, và những việc lành giúp ích người khác. Làm sao có thể mượn tình yêu của người khác để yêu Chúa?
(3) Đi mua dầu giữa ban đêm: Các cô dại không còn cách nào khác phải đi tìm mua dầu nhưng hàng quán nào mở ban đêm? Khi nhận ra tình thế nguy ngập thì đã quá muộn. Đức Khôn Ngoan dạy con người biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra, nhưng các cô dại đã không tìm học Đức Khôn Ngoan.
3.3/ Hậu quả phải lãnh nhận: Không biết không có tội, nhưng vẫn phải chịu hậu quả:
(1) Các cô khôn ngoan đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.
(2) Các cô khờ dại sau cùng cũng đến gõ cửa và gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”
Và Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Mặc dầu đã được báo trước bởi chính Chúa Giêsu, và Giáo Hội đã lặp đi lặp lại mỗi năm vào thời điểm này, thế mà vẫn có những người vẫn vô tư không chịu chuẩn bị. Chúng ta không thể trách Chúa nếu bị tống ra ngòai. Điều nguy hiểm mà ma quỉ thường lợi dụng để cám dỗ con người là Ngày ấy còn xa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải có lòng khao khát và chuyên tâm học hỏi để tìm ra sự khôn ngoan đích thực cho cuộc đời. Đức Khôn Ngoan đích thực của Cựu Ước chính là Đức Kitô của Tân Ước.
– Chết không phải là hết, nhưng bắt đầu một cuộc sống mới với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không được sống như những người không hy vọng có cuộc sống mai sau. Họ chỉ biết kiếm tiền và tận hưởng những thú vui đời này.
– Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ hành trang cần thiết để nghênh đón Chúa: có những cái không thể mua vào lúc cuối; có những cái không thể xin như: đức tin và tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô, Đức Khôn Ngoan và các nhân đức, và những công việc lành chúng ta làm cho người khác.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP