Thứ Sáu Tuần VI PS
Bài đọc: Acts 18:9-18: John 16:20-23.
Con người thường hay bị nản lòng trước những gian nan, khổ cực, và thất bại; đồng thời dễ nhiệt thành trước những vinh quang, vui sướng, và thành công. Nhưng cả hai thái độ là hai khía cạnh của cuộc đời như một đồng tiền hai mặt: chấp nhận cuộc đời là phải chấp nhận cả hai.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn ra hai khía cạnh này qua những ví dụ và trường hợp cụ thể trong đời sống. Trong Bài Đọc I, Phaolô có lẻ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thấy sự cố gắng của mình không mang lại kết quả như lòng mong ước, lại còn phải chịu bao nhiêu những trái ý thử thách như hiểu lầm, đòn vọt, tù đày, nhất là những quấy nhiểu của những đồng hương Do-thái. Nhưng Thiên Chúa vẫn ở với và bảo vệ ông; nên ông tiếp tục ở lại và xây dựng giáo đoàn Corintô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Các môn đệ sẽ lo sợ và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải kiên trì rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.
1.1/ Gian khổ làm con người sợ làm chứng cho Thiên Chúa: Trong hành trình rao giảng lần thứ hai của Phaolô, ông phải đương đầu với nhiều gian nan đau khổ: bị hiểu lầm và quấy nhiễu bởi những người đồng hương, bị đánh đòn, bị giam cầm, và không nhìn thấy Thiên Chúa cho kết quả như lòng mong ước. Những gian khổ này có lẽ đã làm nhụt chí Phaolô, khiến ông không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như thuở ban đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với ông, nên một đêm, Chúa bảo ông Phaolô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” Khi nhận ra ý Thiên Chúa, ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.
1.2/ Thiên Chúa luôn quan tâm và bảo vệ tôi tớ của Ngài: Rồi gian khổ lại tới, “thời ông Gallion làm thống đốc tỉnh Akaia, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phaolô; họ đưa ông ra toà và nói: “Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.””
(1) Thiên Chúa dùng Thống Đốc tỉnh Akaia để bảo vệ Phaolô: Trình thuật kể: Khi ông Phaolô toan mở miệng, thì ông Gallion đã nói với người Do-thái: “Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông. Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.” Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án.
(2) Người cáo tội trở thành nạn nhân: Thấy kết quả xử án, “mọi người liền túm lấy ông Sosthenes, trưởng hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án. Nhưng ông Gallion chẳng bận tâm gì về việc này.” Sosthenes là người chủ mưu trong việc kích động để đưa Phaolô ra tòa án.
Phaolô tiếp tục hành trình rao giảng: “Ông Phaolô còn ở lại Corintô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Syria, cùng với bà Priscilla và ông Aquila. Trước đó, tại Cenchreneae, ông xuống tóc, vì có lời khấn.” Để có thể trung thành hoàn tất sứ vụ cách hiệu quả, người rao giảng Tin Mừng cần cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, và sống cuộc đời đơn sơ và kỷ luật.
2/ Phúc Âm: Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
2.1/ Phải qua gian khổ mới có hạnh phúc: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Quan niệm của người Do-thái về 2 kỷ nguyên: kỷ nguyên hiện tại hoàn toàn xấu và bị luận phạt, kỷ nguyên tương lai hoàn toàn tốt đẹp và đáng mong ước. Giữa hai kỷ nguyên là thời của Đấng Thiên Sai tới mà các ngôn sứ gọi là “ngày kinh hoàng” (Isaiah 13:9, Joel 2:1-2,2 Pet 3:10). Chúa Giêsu dùng quan niệm truyền thống này trong hai ví dụ để cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu về những gì sắp xảy tới cho Ngài và cho các ông.
(1) Người đàn bà mang thai: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” Thời gian mang thai của người đàn bà có thể ví như thời quá khứ, thời gian sau khi sinh con có thể ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là lúc lâm bồn: tuy đau đớn tột cùng, nhưng người đàn bà chịu được vì hy vọng vào tương lai là người con sẽ được ra đời. Bà sẽ được nhìn thấy, yêu thương, và chăm sóc cho con mình.
(2) Niềm vui của các môn đệ khi được gặp lại Chúa: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” Thời gian còn được sống với Chúa trên cõi dương gian được ví như thời quá khứ, thời gian sẽ được gặp lại Chúa được ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Các môn đệ đau khổ khi nhìn Thầy Chí Thánh bị luận tội, đánh đòn, đóng đinh, và mai táng trong huyệt mộ; các ông lo lắng và sợ hãi cho số phận của mình; nhưng rồi những đau khổ này sẽ qua đi, và các ông vui mừng vì thấy Chúa chiến thắng tử thần và mọi sứ mạnh của thế gian, nhất là Ngài cũng sẽ làm cho các ông sống lại vẻ vang như vậy.
2.2/ Niềm vui trọn vẹn: “Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.” Niềm vui trọn vẹn vì là:
+ Niềm vui hoàn toàn: không còn thiếu điều gì nữa. So sánh với niềm vui của thế gian luôn thiếu vắng ít nhiều yếu tố.
+ Niềm vui vĩnh cửu: không ai lấy mất được. Niềm vui thế gian dâng tặng chỉ tạm thời, và luôn bị đe dọa bởi những khó khăn của cuộc sống. Khi người Kitô hữu được sống bên Chúa của mình, họ luôn vui mừng và sầu thương không còn nữa.
(1) Anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa: Còn sống ở đời này, con người còn phải vật lộn đi tìm sự thật giữa bao nhiêu gian dối, giả trá. Khi được chiêm ngưỡng Chúa trong ngày ấy, con người thấu hiểu mọi sự thật, và sẽ không cần hỏi han gì nữa.
(2) Anh em nhân danh Thầy mà xin Chúa Cha điều gì, Ngài sẽ ban cho anh em: Dĩ nhiên con người phải xin điều gì tốt lành và đẹp ý Chúa, chứ không xin điều gì hại cho mình và cho tha nhân. Như một trẻ thơ chạy đến với cha mình để xin, cha sẽ không bao giờ cho con mình cái gì có hại cho con, như cho con: vũ khí giết người, internet để trong phòng, chơi với những bạn bè xấu … Một kiến thức đầy đủ sự thật sẽ loại trừ những lời xin không đẹp ý Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải hiểu rõ đau khổ và vinh quang là hai mặt của cuộc đời trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để luôn trung thành với ơn gọi của mình, và sống bình an khi gian nan khốn khó xảy đến.
– Chúng ta đừng bao giờ chạy trốn đau khổ và chạy theo những thú vui nhất thời của thế gian; vì nếu chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không được hưởng niềm vui của các chứng nhân trung thành.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP