Chúa Nhật XXVII Mùa Thường Niên, B
(St 2,18-24; Dt 2,9-11;Mc 10,2-16)
Một lần nữa các thầy Pha-ri-sêu lại muốn chơi xấu Ðức Giêsu : Họ đặt ra cho Người một câu hỏi và xin người giải đáp, với mục đích là không phải để tìm hiểu, nhưng như thánh sử Mác-cô đã viết, là : « Họ cốt ý thử Người » ! Một câu hỏi mà ngày nay ngay chính trong Giáo Hội cũng đang luôn luôn là một vấn đề thời sự nóng bỏng. Câu hỏi của họ là : « Thưa Thầy, người chồng có được rẫy vợ mình không ? » Theo ngôn từ và kiểu nói ngày nay, có lẽ người ta sẽ hỏi : « Thưa Thầy, có khi nào hai vợ chồng được phép ly dị nhau không ? » Ðể trả lời câu hỏi hắc búa được nêu lên, người ta chỉ có hai cách : Hoặc trả lời được phép hoặc không được phép !
Theo các thầy Pha-ri-sêu dự đoán, thì dù trả lời bằng bất cứ cách nào đi nữa, Ðức Giêsu cũng sẽ không thể tránh khỏi bị lầm lỗi : Vì nếu trả lời là « được phép », thì họ sẽ đưa ra những lý do về tình cảm, về nhân đạo hay về ý nghĩa cao cả của hôn nhân để phản đối : tức tội vô nhân đạo ! Nhưng nếu trả lời « không được phép », họ lại dựa theo luật của Môse cũng như truyền thống xưa nay của cha ông, để chống lại : tức tội chống lại luật lệ ! Câu hỏi được đặt ra quả là một cái bẫy vô cùng nguy hiểm mà các thầy Pha-ri-sêu đoán chắc là Ðức Giêsu khó lòng thoát khỏi, và như thế họ có lý do để bắt tội và kết án Người.
Nhưng thay vì trả lời một cách dứt khoát « được phép » hay « không được phép », là điều chắc chắn sẽ còn gây ra những cuộc tranh cãi dài giòng, Ðức Giêsu đã nêu lên một câu hỏi để xem họ đã đọc và hiểu được những gì trong Thánh Kinh về vấn đề đó. Và họ đã trích ra ngay lập tức những điều khoản trong luật của Môsê cho phép được rẫy vợ. Ðức Giêsu đã không hề mảy may có thái độ phê bình bộ luật đã được Môsê công bố. Trái lại, Người đã trực tiếp nêu chính điểm yếu của họ : « Chính vì các ông lòng chai dạ đá ». Nói cách khác, luật Môsê cho phép ly dị chỉ là một biện pháp sư phạm bất đắc dĩ đối với tình trạng luân lý sa sút của con người, chứ không phải là chính bản chất của luật, tức không phải do ý muốn của Thiên Chúa.
Vâng, bản chất đích thực của luật là : « Ngay từ lúc khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người gồm có nam và nữ. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly ». Ở đây Ðức Giêsu đề cập đến một sự hiệp nhất của con người theo bản chất tự nhiên, nghĩa là do chính Tạo Hóa đã nối kết : Sự hiệp nhất giữa người nam và người nữ, để cả hai cùng bổ túc cho nhau trong lãnh vực thể lý, tâm lý cũng như tinh thần, hầu cho cả hai trở thành một. Hình ảnh Thiên Chúa rút một xương sườn của ông A-đam để dựng nên bà E-và đã nói lên sự hiệp nhất bổ túc hỗ tương đó (x. St 1,21-22), như chính ông A-đam đã nói về bà E-và : « Ðây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi » ( x. St 1,23). Ðồng thời Ðức Giêsu cũng khẳng định cả hai phái – đàn ông cũng như đàn bà – đều quan trọng và cần thiết như nhau, nghĩa là cả hai đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi người nam đã bỏ cha mẹ để liên kết với vợ mình và cùng với nàng tạo nên nhân loại. Vì thế nhân loại không phải là đàn ông cũng không phải là đàn bà, nhưng là thành quả của sự hợp nhất giữa hai người – đàn ông và đàn bà – trong hôn nhân !
Dĩ nhiên, sự hiệp nhất giữa hai người nam-nữ trong hôn nhân không phải là một sự hiệp nhất bề ngoài mà thôi, tức là một sự hiệp nhất tạm thời, có tính cách hình thức bên ngoài mà thôi, như thể sự kết giao của những đối tác trong lãnh vực thương mại, chính trị hay thể thao, v.v… với nhau. Nhưng là một sự hiệp nhất trọn vẹn, sâu xa và nội tại, đến nỗi người nam đã sẵn sàng giã từ cha mẹ mình để liên kết với vợ và cả hai đã trở thành một xương một thịt mà thôi, nói cách khác, cả hai đã cấu tạo nên nhân loại
Về đời sống hôn nhân, người ta thường có cái nhìn quá đơn giản, nghĩa là người ta thường quan niệm rằng khi hai người nam-nữ thương nhau, họ liền bỏ gia đình cha mẹ mình để cùng nhau thành lập nên một gia đình mới và có mái ấm riêng, thế thôi ! Thật ra, cái thực tại hôn nhân còn mang ý nghĩa thâm thuý sâu xa hơn bội phần.
Vì chữ « lìa bỏ » trong câu « người nam sẽ lìa bỏ… » có nghĩa là : bỏ lại phía sau hay không còn cần tới một sự dìu dắt nâng đỡ, một sự bảo vệ, v.v… mà trong quá khứ từng là một điều rất quan trọng và rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người !
« Lìa bỏ » ở đây không có nghĩa là coi khinh, chối bỏ hay loại trừ, nhưng có nghĩa là tự tách mình ra khỏi sự săn sóc, che chở và bảo vệ của một người khác; « Lìa bỏ » ở đây có nghĩa là giã từ một tình trạng nào đó để tiến tới một tình trạng mới khác, là tự biến đổi để trở nên một thực tại khác. Một thực tại mới cần phải được xuất hiện : Ðó là hai cá thể riêng biệt trở thành một. Dĩ nhiên, sự hiệp nhất nên một ở đây không phải là một sự tập họp hay một sự qui tụ các thành phần lẻ loi lại thành một khối hay một đội ngũ, nhưng là như những người cộng tác của Tạo Hóa để sáng tạo ra nhân loại mới. Vì thế, sự hiệp nhất đó có tính cách nội tại hay tự nhiên và bền vững. Tính chất đó đã được Ðức Giêsu khẳng định khi Người nói : « Ðiều Thiên Chúa đã nối kết, thì loài người không được phép phân ly ! ». Tính cách bền vững chính là một đặc tính của Bí Tích, nghĩa là một tác động được phát xuất từ Thiên Chúa và được dựa trên tình yêu của Thiên Chúa : Bí Tích Hôn Nhân ! Bí Tích hôn nhân là một Bí Tích tình yêu của hai người nam-nữ, được đặt trên nền tảng của tình yêu Thiên Chúa, Ðấng chính là tình yêu !
Bởi vậy, mục đích của hôn nhân phải được tìm kiếm đúng với kế hoặch và ý muốn của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu hai người nam-nữ coi mục đích đời sống hôn nhân của họ như một phương tiện hợp pháp để cùng nhau hiện thực những đòi hỏi tự nhiên, để làm thoả mãn những nhu cầu thể xác của nhau mà thôi, thì hôn nhân mất hết tính cách Bí Tích, tức tính cách thánh thiêng và bền vững. Nếu hôn nhân bị thương mại hóa, nghĩa là được coi như một hợp đồng để nhắm đạt tới những lợi lộc về tài chánh hay sự quân bình trong lãnh vực vật chất hoặc tình cảm, thì mất hết giá trị thánh thiêng và bền vững của nó, vì nó không còn nằm trong kế hoạch của Tạo Hóa nữa, và hậu quả đương nhiên là sự tháo gỡ hay huỷ bỏ hôn nhân chỉ còn là một điều tùy tiện. Trong những trường hợp này, tiếng « hôn nhân » chỉ là một sự lạm dụng danh từ, vì hôn nhân ở đây không còn mang ý nghĩa chân chính của nó nữa, nhưng chỉ là một sự qui tụ hai người độc thân thuộc hai phái lại với nhau, hầu cả hai cùng giúp nhau tạo ra một cuộc sống chung thoải mái dễ chịu hơn, thế thôi !
Trong khi đó, nếu Ðức Giêsu đề cập đến hôn nhân là Người nói về một thực tại hoàn toàn khác hẳn : Ðó là một sáng tạo mới, là một kết quả của một sự loại bỏ hoàn toàn tình trạng cũ trước kia, và là một sự kiến tạo nhân loại trong tính chất toàn diện của nó do sự hiệp nhất của hai người nam-nữ ! Bởi vậy, sự hiệp nhất của hai người nam-nữ trong hôn nhân là một Bí Tích, nghĩa là một thực tại được chính Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc, và vì thế nó mang tính chất chung thủy, bền vững, bất khả phân ly.
Tiếp sau đó, khi về đến nhà, các môn đệ vẫn chưa hết thắc mắc nên đã gạn hỏi Chúa một lần nữa về những yêu sách cũng như những thảm cảnh trong đời sống hôn nhân. Và Ðức Giêsu lại khẳng định yêu sách bất khả nhượng của hôn nhân là đòi phải có sự chung thủy. Ðồng thời, Người cũng tranh đấu cho sự bình đẳng giữa hai người nam-nữ trong hôn nhân.
Sau cùng, bài Phúc Âm hôm nay còn nêu lên một vấn đề có liên quan trực tiếp đến các con trẻ. Số là trong khi các Tông đồ tìm cách xua đuổi các con trẻ đi nơi khác, thì Ðức Giêsu đã trách các ông và bảo hãy để cho chúng được tự nhiên đến với Người. Thoạt mới nghe qua, người ta có cảm tưởng giữa những lời giáo huấn nghiêm trọng của Ðức Giêsu về hôn nhân và câu chuyện con trẻ đến quấy rầy, không có gì tương quan với nhau cả. Thế nhưng trong thực tế, cả hai vấn đề đó liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Các con trẻ được coi như là biểu tượng làm nổi bật và nói lên mục đích của hôn nhân. Ðức Giêsu nói : « Nước Thiên Chúa thuộc về những ai nên giống được như chúng ». Chúng ta đều biết rằng trẻ con là những con người còn bé nhỏ, chưa đạt được tình trạng trưởng thành về tâm sinh lý. Vì thế, đứa trẻ trong mọi phương diện còn đang trong thời kỳ lệ thuộc vào sự dìu dắt của người lớn, để tuần tự vượt qua các giai đoạn cần thiết và trở nên trưởng thành, tự lập.
Sự « nên giống con trẻ », có nghĩa là chấp nhận bắt đầu xây dựng một cái gì đó một cách hoàn toàn mới mẻ. Nhưng cũng có nghĩa là bắt đầu một công việc rất có thể sẽ kéo dài lâu, nhất là sẽ mang tính cách tinh tuyền, nguyên gốc. Ðó cũng chính là những đặc điểm của hôn nhân, khi chúng ta nắm vững được ý nghĩa của những chữ : « Lìa bò. Tự tách ra. Trở nên ».
Qua đó, chúng ta nhận chân được rằng Ðức Giêsu quả thực muốn con người được giải thoát khỏi tình trạng đã dồn ép, Môsê phải đành lòng công bố luật cho phép ly dị : Ðó là tình trạng « Lòng chai dạ đá ». Một con tim chai lỳ là một con tim hóa thạch, là tượng trưng cho sự lỳ lợm, bất trị, vô cảm ! Vì con người từ chối sự canh tân đổi mới và để trở nên sáng tạo hơn, con người đã làm giảm thiểu các giá trị nền tảng của hôn nhân. Trong khi đó, “chấp nhận trở nên giống con trẻ”, có nghĩa là bắt đầu xây dựng một con người mới với tất cả các giai đoạn và với tất cả những tách rời hay lìa bỏ cần thiết, có nghĩa là hiện thực đời sống hôn nhân đúng với thánh ý Thiên Chúa.
Ðến đây, người ta có thể hiểu tại sao Giáo Hội không hề chấp thuận việc ly dị, bởi vì Giáo Hội không được phép đi ngược lại giáo huấn của Ðức Giêsu. Cũng vì thế Giáo Hội luôn tìm cách giải thích và cắt nghĩa cho những người nam nữ đang dự bị hôn nhân hiểu rõ những gì là nòng cốt, là nền tảng của hôn nhân Kitô giáo và để họ xác tín được điều họ dự định cùng nhau thực hiện : Kết Hôn!
LM Nguyễn Hữu Thy