Các Anh Tìm Gì Thế?

Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, tông đồ Gio-an, tác giả cuốn Tin Mừng thứ tư đã phỏng theo Sáng Thế Ký mô tả cuộc sáng thế phân bổ trong thời gian bảy ngày để nói về cuộc gặp gỡ và khám phá con người đức Giê-su cũng trong bảy ngày (số bảy là con số hoàn hảo chăng?) (Xem cc1,29.35.43 và 2,1). Tuần lễ khám phá khởi đầu bằng một khảng định của Gio-an Tẩy Giả: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (c.1,26) tương tự như sự hỗn mang của vũ trụ lúc khởi thủy. Trong tuần lễ ấy Gio-an Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên khám phá đức Giê-su; sau đó đến lượt các ông Gio-an, An-rê và Si-mon, Phi-lip-phê và Na-tha-na-en. Ngày cuối của ‘tuần lễ khám phá’ chính là ngày tiệc cưới tại Ca-na khi ‘Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên… và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người’ (c. 2,11). Đúng là ngày sung mãn, ngày nghỉ ngơi của cả một công trình vĩ đại!

Có thể nào cuộc gặp gỡ và khám phá đức Giê-su lại được coi là quan trọng tới thế sao?

Đúng là như thế, nhất là đối với môn đệ Gio-an. Vì nhiều năm tháng sau, khi đã về già, ông vẫn còn nhớ như in tới từng chi tiết cuộc gặp gỡ và tìm hiểu đầu tiên, ‘lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’ của ngày thứ ba (hôm sau c. 35) của tuần lễ khám phá. Và nếu quả thực là như thế thì các chi tiết của lời thoại cũng như hành động trong cuộc gặp gỡ này cũng hoàn toàn chính xác và đầy ý nghĩa.

–          Các anh tìm gì thế?

Câu nói đầu tiên của đức Giê-su được tác giả Gio-an ghi nhận trong sách Tin Mừng của ông cũng thật kỳ lạ. Lẽ ra khi phát hiện ra hai môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả đang đi theo mình, câu hỏi tự nhiên phải là, ‘các anh đang tìm ai vậy?’ Đó phải chăng chính là điều hai môn đệ đang muốn biết sau lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả Đây là Chiên Thiên Chúa!’ Hai ông muốn biết thêm về nhân vật bí ẩn đang đứng giữa các ông mà không ai hay biết’. Câu hỏi của đức Giê-su đòi các ông phải nhìn việc khám phá Con Người từ một góc cạnh hoàn toàn khác. Biết đức Giê-su là ai sẽ chỉ là lý thuyết và chẳng đưa tới đâu nếu không xuất phát từ một khát vọng thâm sâu tự chính cõi lòng mỗi người. Nhiều người (kể cả không phải là Ki-tô hữu) tra cứu học hỏi về đức Giê-su, nhưng chỉ có Ki-tô hữu mới biết được Người là Đấng Cứu Độ của chính bản thân mình. Có phải đức tin hệ tại ở điều này hơn là ở hiểu biết?

–          Thưa Thầy, Thầy ở đâu? – Hãy  đến mà xem – Họ đã đến, xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.

Cả câu hỏi lẫn câu trả lời, và sự việc sau đó trong cuộc gặp gỡ này đều không có chút gì là tri thức, là trừu tượng, là giải thích. Đơn giản chỉ xoay quanh một trải nghiệm. Lẽ ra người môn đệ phải lấy việc học tập nghiên cứu học thuyết làm chính, phải tìm tòi, hiểu biết tinh thần Người trước khi chấp nhận theo. Đàng này Gio-an cho biết tất cả những gì họ thỏa thuận với Người chỉ là có được với nhau một chia sẻ sống, một trải nghiệm thân mật và một tiếp xúc cá nhân. Thế thì ta phải gọi điều này là gỉ? Hạn từ ‘môn đệ’ (discipulus) không đủ để diễn tả nội dung này. Sau này đức Giê-su sẽ triển khải thêm bằng nhiều kiểu nói rất khác thường như: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh emAnh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…” (Ga 15, cc 4.9; 17,21). Đối với Gio-an, giờ phút trở thành môn đệ không phải là lúc được nghe thầy Giê-su gọi “Các anh hãy theo tôi…” (Mc 1,17), mà là chính là lúc đi vào trải nghiệm sống động này, ‘Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’.

Đối với tôi cũng vậy, nếu chưa đi được vào trải nghiệm này, tôi sẽ chưa phải là một Ki-tô hữu thực thụ, chứ chưa nói là một linh mục hay tu sĩ. Do đó cử hành Thánh Lễ và Rước Lễ chính là giây phút tôi trở thành ‘người môn đệ’ hơn khi nào hết! Tôi có xác tín điều đó không?

Lạy Chúa Cứu Độ, lẽ ra con phải sẵn sàng đánh đổi mọi hiểu biết tri thức con có về Chúa để lấy một chút trải nghiệm kết hiệp, nhưng con vẫn chưa dám làm thế. Lý do thâm sâu là tại con vẫn chưa hề dám trả lời cách trung thực và khiêm tốn câu Chúa đã hỏi , ‘các anh tìm gì thế?’ Xin cho con tới với Chúa trong ý thức ngày càng sâu hơn về thân phận yếu hèn cần tới ơn cứu độ, để con ‘đến và nghiệm thấy’ thầy thuốc đầy từ tâm và nhân ái sẵn sàng tha thứ và xót thương. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB