Các chứng nhân trên quê hương Việt Nam

I.- Đôi nét lịch sử

 Ngày 19-6-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tôn phong hiển thánh 117 chứng nhân tử đạo ViệtNam. Đó là các vị đã từng được tôn phong chân phước trong bốn đợt: Năm 1900, Đức Lêô XIII tôn phong 64 vị; năm 1906, Đức Piô X tôn phong 8 vị; năm 1909, cũng chính ngài tôn phong 20 vị; năm 1912, Đức Piô XII tôn phong 25 vị. Trong số 117 vị, có 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thày giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân.

Hồ sơ phong thánh đặc biệt chú ý đến các tên tuổi sau đây:

– Người ViệtNam: Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục (+1839), thánh Tôma Trần Văn Thiện, chủng sinh (+1838), thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, linh mục (+1857), thánh Emmanuen Lê Văn Phụng, giáo lý viên và cha gia đình (+1859).

– Người ngoại quốc: Các tu sĩ Đa-minh người Tây-ban-nha thuộc Tỉnh Dòng Mân Côi: thánh Giêrônimô Hécmôxila Liêm, giám quản tông tòa địa phân Đông đàng ngoài (+1861), thánh Valentinô Beriô Ôchoa, giám mục (+1861) và một vị người Pháp thuộc Hội Thừa SaiParis(MEP), thánh Têôphan Vêna (+1861). 

 II.- Gương chứng nhân

 A.- Biết chết cho một lý tưởng siêu việt

 1.- Không làm tổn thương truyền thống cao quí của dân tộc

 Khi rao giảng hoặc sống niềm tin Kitô giáo, các chứng nhân của chúng ta không những không đi ngược lại truyền thống của dân tộc, mà còn củng cố truyền thống đó khi thanh lọc khỏi truyền thống ấy những gì là mê tín dị đoan. Chẳng hạn cha ông ta tin vào “Ông Trời”, “thiên mệnh”. Chính “Ông Trời” ấy đã được nhắc tới và tôn dương trong bài giáo lý hoặc giờ cầu nguyện của người tín hữu. Các chứng nhân giảng giải cho rõ hơn: vị Thượng Đế ấy là ai, đã làm những gì cho loài người chúng ta… Các ngài cũng đưa tình huynh đệ đại đồng tới chỗ yêu thương vô vị lợi, tha thứ không cùng, do đón nhận tình yêu của chính Thiên Chúa vào lòng. Thánh Carôlô Tân (= Gioan Carôlô Cornay, người Pháp) đã thưa: “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan. Thế thì tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà vua được ?” hoặc, như thánh Phaolô Khoan: “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu ”.

Các ngài đã phải chết, vì  dám tuân theo Thiên Chúa hơn vua. Các ngài đã chết vì đã hùng hồn xác định rằng phải tôn thờ Đấng Tối Cao và sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để trung thành với niềm tin. Thánh Têôphan Vêna: “Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua ?”, hoặc thánh Anrê Thông: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo ”. 

 2.- Không bỏ cha mẹ

          Người ta gán cho các ngài tội dạy người ta bất hiếu. Thánh Phêrô Quý đã nói: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, chén ngục hình xiềng tỏa chi nề, Miễn vui lòng cam chịu một  bề cho trọn đạo trung thần hiếu tử ”, hoặc thánh Carôlô Tân, như đã nói trên. Thật ra, các ngài đã đặt gia đình vào đúng chỗ của nó, và đã truyền vào trong gia đình một  tinh thần mới, đó là tình yêu phổ quát, lấy từng con người làm đối tượng, lấy Thiên Chúa Ba Ngôi làm kiểu mẫu. Chúng ta cứ nghe lời thánh Simon Phan Đắc Hòa nói với các con: “Cha yêu thương và hằng săn sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn nữa ”. 

 3.- Không làm tay sai cho ngoại quốc

 Nếu tính từ 1615 là năm mà Sử VN ghi lại rằng giáo sĩ đầu tiên đã tới đất Ninh Cường (= Bùi Chu) cho đến đầu thế kỷ XIX, thì đạo công giáo đã có tới 300 năm lịch sử. Thế mà mãi đến hậu bán thế kỷ XIX, đất nước mới bị người Pháp chiếm. Theo những biên bản còn lưu lại, các vị tử đạo nhất mực chối tất cả những bỏ vạ cáo gian về phương diện chính tri. Như thánh Phaolô Khoan: “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu ”. Trong số những nguyên nhân đưa đến mất nước, ông Trần Trọng Kim kể ra lòng tàn bạo của giới cầm quyền thời ấy, bất chấp chữ nhân của cha ông, cũng như sự thiển cận của họ (chẳng hạn Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã coi nước Pháp không bằng tỉnh Nam Định của ông!). Không ai quên rằng người dâng sớ lên nhà vua để xin cải cách quốc gia là ông Nguyễn Trường Tộ, một  người công giáo. Các ngài chết chỉ vì một  lý tưởng: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời ” (thánh Phêrô Truật). 

 B.- Biết chết một cách  sáng suốt, như một chọn lựa tự do

 Các ngài không tự mình đi tìm cái chết, vì đó là tự tử: “Chúng tôi không được tự vẫn vì đó là trọng tội. Nhưng nếu vì đạo mà quan truyền giết tôi, thì tôi vui mừng khôn kể xiết ” (thánh Inhaxiô Y).Theo lời dạy của Thầy chí thánh, các môn đệ Người không tự phụ, coi rẻ sự sống. Các ngài vẫn sợ chết; các ngài vẫn muốn sống như ai. Thánh Vinhsơn Liêm đã tuyên bố: “Nếu vua quan tha cho, thì chúng tôi thành thực cám ơn .” Nhưng các ngài muốn sống là để phụng sự Thiên Chúa, để tiếp tục giữ đạo, chứ không phải trong thân phận phản bội niềm tin: “Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ bao giờ ” (Thánh Micaen Mỹ).

Nếu trốn tránh mà vẫn bị bắt, các ngài bình thản đi theo lý hình, đến trước mặt quan quyền. Ở đây các ngài đã nói lên chọn lựa ý thức và tự do: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được ” (thánh Phaolô Tịnh). Khi nghe thánh Giaxintô Castaneda bị xử vì là người ngoại quốc, còn mình được  tha về, thánh Vinhsơn Liêm đã nài xin cho được theo chân bạn, để cũng lấy máu đào tưới vườn nho Giáo Hội VN. 

 C.- Biết chết với một quả tim vững niềm tin cậy và yêu thương

 Các ngài đã chấp nhận chết, không phải vì các ngài cuồng tín, cũng không phải vì các ngài đầy ơn Chúa như một chất thuốc mê hay thuốc tê làm cho các ngài không còn cảm thấy đau đớn gì !  Các ngài đã can đảm chết vì  tin vào Chúa: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất. Chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài ” (thánh Phaolô Khoan). Các ngài tin vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã tạo dựng nên mình, thì cũng có thể tái tạo mình.  

Các ngài dám chết, vì cậy trông vào Chúa: “Đức Kitô không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng ” (thánh Phaolô Tịnh). Các ngài tin Thiên Chúa có toàn quyền trên mình mà lại yêu thương mình, thì mình hoàn toàn có thể cậy dựa nơi Người.   

Các ngài sẵn sàng chết trong tình yêu và vì  tình yêu: “Cha yêu thương và hằng săn sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn nữa. Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn ” (thánh Simon Hòa). Các ngài nhận thức rằng Thiên Chúa đã yêu thương mình đến nỗi ban tặng chính Con Một của Người, không tiếc gì với mình, thì giờ đây các ngài dùng cái chết như một lời bày tỏ lòng cảm mến ân tình bao la đó.

 Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chung con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. 

FX Long, ofm, tổng hợp