Không phải chỉ cứ nói những lời tốt lành, có đức tin đúng đắn, có những khát vọng ngay lành, chỉ cần bước đi trên nẻo đường thênh thang với tư tưởng hướng về Nước Trời và thỉnh thoảng kêu tên Chúa, là đã đủ để được cứu độ. Còn phải chu toàn ý muốn của Thiên Chúa nữa.
1.- Ngữ cảnh
Bản văn này được liên kết với dụ ngôn Cây tốt cây xấu được dùng làm hình ảnh tượng trưng người môn đệ chân chính và người môn đệ giả hiệu của Đức Kitô (c. 17). Tuy nhiên, trong tổng thể, bản văn được đặt trong phần III của Bài Giảng trên núi có nhan đề là “Những khuyến khích cuối cùng: Các lời này phải được thực hành” (7,13-27), với các phân đoạn sau:
1.- Hai con đường (7,13-14),
2.- Hai loại ngôn sứ và trái cây (7,15-20),
3.- Hai loại môn đệ (7,21-23),
4.- Hai kiểu nhà (7,24-27).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Hai loại môn đệ (7,21-23);
2) Hai kiểu nhà (7,24-27).
3.- Vài điểm chú giải
– Lạy Chúa, lạy Chúa (21): Lần đầu tiên, Mt cho thấy là người ta gọi Đức Giêsu là “Chúa”. Dọc theo TM Mt, chỉ các môn đệ, tức các tín hữu, hay những người sắp trở thành môn đệ, mới gọi Người như thế (8,2.6.8.21 [// 8,19].25; 9,28; 13,27; 14,28.30; 15,22.25.27; 16,22; 17,4.15; 18,21; 20,30.31.33; 25,11.20.22.24.37.44; 26,22 [// 26,15]). Vậy ở đây hẳn các môn đệ đang liên tục gọi danh Chúa, để khiến Người quan tâm đến họ.
– Trong ngày ấy (22): gợi ý tới “ngày của Đức Chúa”, ngày phán xét chung (10,15; 12,36; 24,19; 25,31-46): Ed 7,7-27; Am 5,18-20; Xp 1,7.14-15; Ge 2,1.11-17…
– điều gian ác (23): Anomia do tính từ anomos, có nghĩa là “người không có luật; kẻ nổi loạn”. Ở Mt 13,41-42, họ được xếp chung với những kẻ gây ra cố vấp phạm, nên sẽ bị quăng vào lửa.
– thực hành (24): “Thực hành” hay “làm”, poieô, là từ chìa khóa kể từ 7,12, được đặc biệt nhấn mạnh để đối lập với “nghe”, akouô.
– thì ví được (24): Dịch sát là “sẽ nên giống” (homoiôthêsetai ở thì tương lai). Đây là viễn tượng cuộc phán xét cuối cùng.
– mưa sa, nước cuốn, hay bão táp (25.27): Các hiện tượng thiên nhiên này khiến nghĩ tới các thử thách, các nghịch cảnh cũng như cuộc phán xét.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hai loại môn đệ (21-23)
Mt 7,19 khẳng định rằng mỗi người được xét xử dựa theo các công việc đã làm, rồi đưa tới một nguyên tắc có tính châm biếm: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các “ngôn sứ giả”. Đây là bất cứ Kitô hữu, mặc dù công bố niềm tin vào Chúa (x. c. 21) và làm được những hành vi ngoạn mục, như nói tiên tri, trừ quỷ và các phép lạ (c. 22), nhưng lại không thi hành ý muốn của Chúa Cha (c. 21), do không sống phù hợp với các đòi hỏi Đức Giêsu đã nêu ra trong Bài Giảng trên núi, không thi hành những điều người ấy nói. Người ấy tự lừa dối chính mình mà cho rằng mình là một môn đệ chân chính của Đức Kitô, trong thực tế lại tạo ra một hoàn cảnh gian ác (anomia, “không luật”, c. 23; x. 24,11-12; 13,41). Ở c. 21 này, tầm nhìn được mở rộng và cuộc phán xét cuối cùng được trực tiếp nhắc tới. Đức Giêsu lên tiếng như là vị thẩm phán thế gian, để cho thấy rằng mọi người phải sống sự công chính dồi dào hơn (Như thế c. 21 này nhắc lại 5,20). “Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào”: phần đoạn này lại đưa chúng ta trở về với Kinh Lạy Cha
Ý muốn (thelêma) của Thiên Chúa chính là kế hoạch cứu độ của Ngài, được trải rộng ra đến các hành vi thuộc cuộc sống thường nhật. Cách thức để nhận biết điều Thiên Chúa muốn là quan sát những gì Ngài đang hoàn tất. Theo Kinh Thánh, các công trình ưu việt của Thiên Chúa là công cuộc tạo dựng và công cuộc cứu độ. Do đó, thi hành ý muốn của Ngài là chuyên cần và quảng đại cộng tác vào một trong hai công trình đó. Các Tin Mừng không nói nhiều về công trình tạo dựng cho bằng nói đến các can thiệp của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại hầu ban ơn cứu độ và mời gọi các tín hữu cũng làm như thế. Nói cho cùng, thi hành ý muốn của Thiên Chúa là làm cho ơn cứu độ nên hiện thực nơi chính mình và nơianh chị em đồng loại. Các lời ca ngợi tung hô Chúa (c. 21) không thay đổi chút gì nơi các sự việc. Chúng không có giá trị, chúng không thể bảo đảm cho ta được vào Nước Trời, không đưa được con người về phía Thiên Chúa để nhận được ơn cứu độ. Điều Đức Giêsu đòi hỏi là một lòng đạo đức hiện thực, có việc làm, có dấn thân.
Chúng ta cần nhớ lại lời Đức Giêsu nói về các ngôn sứ giả “đội lốt chiên” ở trên (c. 15). Ẩn dụ “con chiên” có nghĩa là các thành viên của Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước. Các ngôn sứ giả tỏ ra như là thành viên của Dân Kitô giáo. Bởi vì con chiên hiền lành không có phương thế tự vệ là hình ảnh cổ điển đối lập với con sói tham tàn (x. Is 11,6; 65,25; Hc 13,17). Bộ áo giả chiên của họ muốn nói là họ tỏ ra hòa bình, trong thực tế, đây là những “sói dữ tham mồi”, nghĩa là những Kitô hữu xấu đang đưa một mầm mống sự chết vào trong cộng đoàn.
Tiêu chuẩn giúp khám phá ra ngôn sứ giả là tiêu chuẩn “quả” (x. cc. 16-20. Từ ngữ “quả” được nhắc đến 7 lần trong các câu này). Trong Cựu Ước, “quả” là hình ảnh thông dụng để chỉ các hành vi của con người. “Sinh quả tốt”, đó là “thi hành ý muốn của Cha Thầy” (c. 21); “sinh quả xấu”, đó là “làm điều gian ác” (c. 23), sống không luật, mà môi miệng vẫn cứ tuyên xưng niềm tin vào Chúa, thậm chí còn nhân danh Người mà làm những việc kỳ diệu. Câu “Ta không hề biết các ngươi” (c. 23) vang lên thật cay đắng cho những ai đã lặp đi lặp lại tên Giêsu biết bao nhiêu lần trong đời họ và trong hoạt động của họ. Đây là một lời long trọng từ khước, phủ nhận sự hiệp thông (x. 10,33; 25,12). Lý do duy nhất là họ đã không chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Tác giả gọi họ là “bọn làm điều gian ác”. Thật ra họ không phải là những tay đại gian ác, nhưng chỉ vì họ ngăn cản việc thực hiện và mở rộng Nước Thiên Chúa (x. 16,23), họ đã đáng bị gọi bằng một cái tên nặng nề như thế.
* Hai kiểu nhà (24-27)
Tác giả Mt kết thúc Bài Giảng trên núi bằng hai dụ ngôn. Các dụ ngôn này không có lời giải thích, nhưng cũng là những lời nhắc nhớ đến các bổn phận của đời sống Kitô hữu. Đức Giêsu tấn công lối sống buông thả và vô vi. Phải vâng phục cụ thể ý muốn của Thiên Chúa chứ không buông mình theo những ảo tưởng hoặc những cơn hứng khởi kiểu đặc sủng (x. cc. 21-23). Bài học của phần trước được nhắc lại qua dụ ngôn hai người xây nhà, người khôn và người ngu. Người khôn cất nhà trên nền móng vững chắc, người ngu xây nhà trên một cái nền không vững. Đối với Đức Giêsu, nền móng chắc chắn của ngôi nhà, tức của đời sống Kitô hữu, là thực hành các giáo huấn của Người. Người đã kêu gọi “làm” (poiein) ý muốn của Chúa Cha, nay Người yêu cầu “làm” (poiein) “các lời của Người”. Lời của Đức Giêsu mà người ta nghe được trong Bài Giảng trên núi phải được lắng nghe trong niềm vui, nhưng hơn nữa, phải được diễn tả ra qua đời sống thực tiễn. Lắng nghe (akouein) là điều kiện tiên quyết, nhưng điều đáng kể hơn, là thực hiện điều đã nghe được. Chỉ khi nghiêm túc sống như thế, đời sống Kitô hữu mới dựa trên một nền móng vững chắc và không sợ bị lật đổ khi gặp các thử thách hay nghịch cảnh đầu tiên, cũng như khi ra trước cuộc phán xét.
Truyền thống kinh sư sử dụng những dụ ngôn tương tự để mô tả hai thái độ đối nghịch khi ở trước công việc nghiên cứu Torah: một thái độ đưa tới việc thực hành và một thái độ chỉ nhắm kiến thức không có việc làm. Tuy nhiên, có hai khác biệt: các dụ ngôn kinh sư nói đến tương quan học-làm, còn dụ ngôn của Đức Giêsu nói đến tương quan nghe-làm; nhất là Đức Giêsu không còn nói đến việc thực thi Torah nữa, mà là thực thi “các lời của Thầy” mà Người vừa nói ra. Đức Giêsu gán cho các lời của Người một uy tín mà Do-thái giáo gán cho Torah.
+ Kết luận
Bài diễn từ mang giọng mục vụ, chứ không phải là lịch sử hay thần học, nhằm đưa tới sự hoán cải. Dáng vẻ bề ngoài không phải là thực tại. Chúng ta cũng nhớ tới cây vả sum xuê lá cành mà không có trái (x. Mt 21,19). Đấy là một tình trạng mâu thuẫn của người khẩn cầu, chúc tụng tên Chúa cách long trọng mà không dấn thân thi hành ý muốn của Ngài. Nói rằng tiêu chuẩn quyết liệt là Kitô hữu phải xử sự phù hợp với các đòi hỏi của Bài Giảng trên núi, điều đó có nghĩa là phải ưu tiên diễn tả tình yêu ra bằng hành động. Như thế, giáo huấn của TM Mt hài hòa với giáo huấn của thánh Phaolô (x. 1 Cr 13) và của truyền thống Gioan (x. 1 Ga 4,7-8). Kết luận của bài giảng ở đây thật cứng rắn và không khoan nhượng. Khi thấy như thế, người Kitô hữu phải lô-gích với chính mình: đã chọn lựa, và biết là chọn đúng, thì ra sức sống các chọn lựa đã lấy.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Không phải chỉ cứ nói những lời tốt lành, có đức tin đúng đắn, có những khát vọng ngay lành là đủ. Không phải chỉ cần bước đi trên nẻo đường thênh thang với tư tưởng hướng về Nước Trời và thỉnh thoảng kêu tên Chúa, là đã đủ để được cứu độ (x. 6,9; 10,15). Còn phải chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Những người bị loại trừ rất có thể đã là những người nói giỏi, những chuyên viên Phụng vụ sắc bén, nhưng họ đã không cố gắng hoàn tất những gì họ cử hành, có khi lại còn làm ngược lại, làm điều dữ.
2. Tác giả Mt đã nhìn lại nội bộ cộng đoàn và nhận ra có những thành viên bất xứng với danh hiệu của họ. Ngài gọi họ là bọn xét đoán sai, càm ràm (7,1), đạo đức giả (c. 5), ngôn sứ giả (c. 15), cây không quả (c. 20). Cuối cùng, ngài tổng hợp tất cả lối sống gây khó chịu, vấp phạm, là xấu xa, thậm chí là thuộc về Satan. Trước sau rồi họ cũng bị lật mặt nạ và kết án. Do đó, tốt nhất họ nên xét đoán chính mình trước đi và kịp thời rút khỏi con đường xấu xa, con đường rộng rãi, thênh thang, nhưng đưa tới diệt vong (c. 13) để đi theo con đường chật hẹp đưa tới sự sống (c. 14).
3. Hội Thánh không phải là một tập thể hoàn hảo. Trong Hội Thánh, có những thợ xây khôn ngoan, và cũng có những thợ xây thiếu khôn ngoan. Những người thiếu khôn ngoan là những người nghe lời loan báo mà không quyết tâm đưa ra thi hành nghiêm túc. Đây chỉ là sự gắn bó hời hợt, không bám rễ trong tim và trong trí thông minh, nên sẽ bị hủy diệt ngay khi tiếp xúc với những sức mạnh đối nghịch.
4. Sống đời Kitô hữu có nghĩa là thi hành các mệnh lệnh của Đức Giêsu. Khi cố gắng thực hành như thế, chúng ta sẽ trải nghiệm ân sủng Thiên Chúa ban cũng như việc cầu nguyện. Đây chính là những gì Bài Giảng trên núi công bố, khởi đi từ các Mối Phúc cho đến lúc kết luận. Đứng vững hay sụp đổ khi chịu phán xét tùy thuộc việc thực hành này.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
Kinhthanhvn.org