Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A
“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Có qua cám dỗ mới biết được ai là người thánh thiện, ai là kẻ đê hèn. Waterstone có viết: “Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con người”.
Cám dỗ chưa phải là xấu. Nó có thể giúp người ta trở nên tốt hơn. Cám dỗ không phải là tội. Nó sẽ giúp thấy rõ hơn sự thánh thiện nơi một con người. Cám dỗ cũng không phải là hình phạt, song nó sẽ là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng (W. Barclay).
Bị cám dỗ cũng có nghĩa là đứng trước một lựa chọn: tốt hay xấu, chiến đấu hay đầu hàng, theo ý Chúa hay thuận ý Satan.
Bậc anh hùng là người nếm chiến thắng và cái giá phải trả cho cuộc chiến. Chẳng ai trao huy chương cho kẻ bỏ cuộc, nhưng là con người đã can đảm chống lại kẻ thù.
Trong cuộc sống, chẳng ai tránh được cám dỗ. Chính Đức Giêsu còn bị cám dỗ, tức phải làm những cuộc chọn lựa và quyết định trong đời, huống hồ là tôi. Nơi con người, ai cũng có các động lực vị kỷ, thiển cận, ngại khó, thích nhàn, thúc đẩy một chọn lựa sai lạc mà kết quả là nỗi niềm bất hạnh. Adong và Evà đã nếm mùi xấu hổ, khổ đau, và chết chóc vì đã chọn lựa sai lầm. Bởi chọn theo ma quỷ, chống lại luật Chúa, tôn thờ cái tôi mà thương đau đã lan tràn đến khắp nhân loại.
Thế nhưng, “nếu bởi sự sa ngã của một người mà nhiều người phải chết… và do sự bất tuân của một người mà nhiều người bị liệt hàng tội nhân, thì cũng nhờ sự vâng phục của một người (Đức Giêsu Kitô) mà nhiều người sẽ được liệt hàng công chính” (Rm 5,12-19).
Chính Đức Giêsu, qua các cơn cám dỗ trong sa mạc, đã khẳng định nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại bằng việc lấy chính Lời Chúa làm ánh sáng soi dẫn đường đi, lấy việc tùng phục thánh ý Thiên Chúa để thánh hóa con người trở nên “người” hơn, và lấy việc tôn thờ Thiên Chúa trên mọi tạo vật như giá trị tuyệt đối và hạnh phúc chân thực của cuộc đời.
Mỗi một ngày sống trên trần gian, tôi sẽ phải không ngừng chọn lựa. Một chọn lựa ngay chính sẽ giúp cho việc chọn lựa ngay chính kế tiếp của tôi dễ dàng hơn. Trái lại, một sự nhu nhược đầu hàng cũng dễ kéo theo những đầu hàng nhu nhược tiếp theo. Và rồi tôi sẽ khó tránh khỏi tình trạng “cây xiêu bên nào sẽ đổ về bên đó”.
Không phải là “thánh” nghĩa là không bị cám dỗ tấn công. Đức Giêsu là Đấng Thánh, ấy thế mà Ngài cũng phải trải qua kinh nghiệm của xung khắc giữa sự lành và sự ác. Thư Do thái ghi nhận rõ ràng: “Không phải Ngài là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của chúng ta, song là Đấng đã dãi dầu bao cơn thử thách, đủ điều như chúng ta” (Dt 4,15). Và thái độ chọn lựa của Ngài đã làm nên hy vọng lớn lao cho con người mong manh của tôi. Ấy là “nếu tôi cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài phục sinh; nếu tôi chịu khổ với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài thống trị” (1 Tim 2, 11-12).
Đứng trước những lời mời gọi ngọt ngào của thế gian và bao hấp lực quay cuồng của xác thịt, sự từ khước hay vượt thoát nào cũng hàm ngậm một cân lượng khổ đau, nếu không nói là “chết” trong lòng ít nhiều. Bất cứ sự thắng vượt gian dối, điêu ngoa, dục tình, tức giận, ích kỷ, kiêu căng, hay ươn lười nào cũng đòi hỏi một cuộc chiến gay go, lắm khi phải rướm máu con tim chứ chẳng chơi.
Thế nhưng, cần phải chiến đấu để có thể chiến thắng! Cho dù thử thách và cám dỗ nặng nề đến đâu tôi vẫn xác tín như Thánh Phaolô: “Thiên Chúa trung tín sẽ không để con người bị cám dỗ quá sức. Trái lại, cùng với cám dỗ Ngài sẽ chừa cho lối thoát để có thể chịu đựng nổi” (1 Cr 10,13).
Sự “chịu đựng” đến khi chiến thắng chỉ có thể đạt tới nhờ liên kết chân thành với Thiên Chúa. Không gì tạo nên gắn bó cho bằng cầu nguyện. Chính nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã có sức mạnh chịu đựng và chiến thắng tên Cám Dỗ ngay từ phút đầu.
Bước vào hành trình mùa Chay, tôi được kêu mời tu chỉnh lại đời sống cầu nguyện, để nhờ đó sức mạnh của Đức Kitô luôn ở trong tôi, giúp tôi can đảm chọn lựa những gì thuộc về Thiên Chúa, vững bước vượt bao chông gai trong đời, tiến đến đích cùng của bình an và hạnh phúc chân thật.
Lm. Bùi Quang Tuấn