Cám Dỗ Trong Sa Mạc

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A

CÂU HỎI GỢI Ý

1)   Đối với người Do thái thế kỷ I, “sa mạc” và “cám dỗ” gợi lên điều gì?

2)   Trình thuật này liên hệ với trình thuật Phép Rửa nhờ chữ nào? Chữ đó có nghĩa mạnh hay chỉ có nghĩa thuần túy thời gian?

3)   Phải đọc lại Đệ Nhị Luật chương 8 và ý nghĩa cuộc thử thách trong sa mạc.

4)   Phải hiểu như thế nào việc Chúa Giêsu vượt thắng cách vẻ vang cơn cám dỗ mà dân Do thái đã vấp ngã? Dựa trên hậu cảnh Cựu Ước, hãy rút ra ý nghĩa thần học ba cuộc cám dỗ Chúa Giêsu?

5)   Cơn cám dỗ phải chăng chỉ nhắm đến sự nghiệp của Đấng Messia, bằng cách gợi lên một thiên sai chủ nghĩa giả tạo thần kỳ hoặc chính trị? Hay là nhắm đến chính con người Đấng Messia, bằng cách tách Người khỏi Thiên Chúa với một thứ chủ trương vô thần thực tiễn?

6)   Làm sao Chúa Kitô có thể bị cám dỗ? Điều đó có nghĩa gì? Hãy so sánh với cơn hấp hối, với Pl 2, 6 tt và Dt 5,7tt.

7)   Các thiên sai chủ nghĩa bị Chúa Giêsu chống báng phải chăng chỉ là những hiện tượng lỗi thời, hay ta vẫn còn thấy giữa thế kỷ XX này quanh ta? trong ta?

8)   Thân phận người Kitô hữu phải chăng là một thân phận bị cám dỗ triền miên?

¯¯¯

1) Có lẽ Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đồ Người biến cố mà ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống công khai Người đã trải qua với một kinh nghiệm thấm thía. Giáo Hội sơ khai đã đón nhận mặc khải ấy về nguồn gốc đích thực của cám dỗ (Satan) như là lời sửa sai quan niệm Cựu ước, vốn cho rằng cám dỗ là do Thiên Chúa: Mt đã phóng đại dữ kiện giản lược mà ông đã thu nhận từ truyền khẩu. Trình thuật của ông có vẻ như là một cấu trúc văn chương, một sáng tác tưởng tượng nhằm khai thác các giá trị thần học tiềm tàng trong biến cố có thực. Đây là những dấu chỉ cho thấy trình thuật của ông thực là một sáng tác: cuộc đối thoại với Satan, việc đem Chúa Giêsu lên thượng đỉnh Đền thờ, ngọn núi cao từ đó có thể trông thấy “tất cả các nước thiên hạ”, lối trích dẫn nhiều câu trong diễn từ thứ hai của Môisen nói với dân (Đnl 8,3; 6,16; 6,13). Sáng tác văn chương này đặt cơ sở trên ba cuộc cám dỗ của Israel trong sa mạc:

– Sau khi được ăn manna một thời gian, Israel đòi ăn thịt (Ds 11, 4-34)

– Môisen gõ phiến đá hai lần (Ds 20, 1 -13)

– Giai thoại con bò vàng (Xh 32, 1- 8)

Matthêu cho thấy Chúa Giêsu tổng lược cả ba kinh nghiệm của dân Isarel và đã chiến thắng vẻ vang trong khi Israel lại vấp ngã. Xin nói qua là sách Đệ Nhị Luật cũng là sách chỉ nam của cộng đoàn thiên sai là Giáo Hội: các chương đầu của Công Vụ Sứ Đồ ghi lại những bước đầu của Giáo Hội sơ khai, đã cảm hứng theo Đệ Nhị Luật.

2) Giữa phép rửa Chúa Giêsu và cơn cám dỗ, có một liên hệ rõ ràng: chính Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu lúc ở sông Giođanô đã đưa người vào sa mạc, không phải để tra cứu lề luật và tìm lại tinh thần Giao ước như nhóm Essêni, cũng chẳng phải để tổ chức kháng chiến như phái Nhiệt thành, song để chịu ma quỷ cám dỗ (4,1). Học thuyết thiên sai của Chúa Giêsu phải được thử thách. Và cuộc thử thách này là một giai đoạn cần thiết trong ơn gọi làm Israel mới của người. Vì là Đấng đáp ứng nỗi chờ mong của dân, Người phải sống tất cả chiều kích của lịch sử họ: tạm trú tại Ai cập (2,13-15), vượt sông Giođanô (2, 13-17 -so sánh với Gs 3), cám dỗ ở sa mạc (4, 1-11).

3) Giai thoại cám dỗ trong sa mạc xảy ra như để xác nhận việc Chúa Kitô hoàn toàn chấp nhận thánh ý Chúa Cha: gạt bỏ mọi hình thức thiên sai chủ nghĩa mà Thiên Chúa không muốn (trước hết là thứ thiên sai chủ nghĩa cánh chung có tính cách báo phục của Gioan Tẩy giả và của Qumrân, thứ đến là thiên sai chữ nghĩa xác thịt, uy hùng hay chính trị mà Israel trông chờ), Chúa Kitô chấp nhận đường lối thiên sai khổ đau, là đường lối duy nhất phù hợp với thánh ý Chúa Cha.

4) Lối giải thích mang màu sắc thiên sai về ba chước cám dỗ (tức lối giải thích liên kết trình thuật này với trình thuật phép rửa trước đây) là lối giải thích lưu ý nhiều đến chỗ đứng của đoạn văn trong văn mạch của các chương này cũng như của các vấn đề tổng quát của một. Tuy nhiên lối giải thích này không loại bỏ các lối giải thích khác đã từng được truyền thống công nhận như:

– Lối giải thích luân lý: Chúa Kitô tự nguyên chịu các chước cám dỗ lớn của nhân loại: những dục vọng của xác thịt và tinh thần, để rồi vượt thắng các cám dỗ đó cách khải hoàn, và nhờ dấy nên gương mẫu cho đời ki tô hữu; Lối giải thích song đối kiểu mẫu: Chúa Kitô, Ađam mới, chịu một cơn cám dỗ “tổ tông” mới, để nhờ lòng vâng phục hiếu thảo của Người mà chuộc lại cuộc nổi loạn nguyên thủy (x. trình thuật mạc về cuộc cám dỗ này và thần học của Phaolô về Ađam mới);

– Lối chú giải cánh chung học: qua cuộc chiến đấu này, Chúa Kitô tiên báo cuộc khải hoàn vinh thắng cuối cùng của Người trên các quyền lực sự dữ (lối giải thích của Lc).

5) Chủ đề sa mạc chiếm một chỗ đứng đáng kể trong Kinh Thánh, vì sa mạc là một dữ kiện địa lý quan trọng trong thế quân bình kinh tế và nhân chủng của xứ Palestine. Ảnh hưởng của địa thế này không phải là nhỏ đối với lịch sử dân Thiên Chúa. Lịch sử này lưu lại hai kỷ niệm xem ra mâu thuẫn, mà có người đã muốn coi như. là hai chủ đề có nguồn gốc khác nhau, nhưng kỳ thực chỉ là hai phương diện của một thực trạng. Cuộc lưu ngụ trong sa mạc trước tiên được trình bày như là thời kỳ lý tưởng trong cuộc sống của tuyển dân, thời kỳ mà tuyển dân được các điều kiện thuận lợi nhất ớể phát huy lý tưởng tôn giáo của mình, và đã sống lý tưởng đó cách tuyệt hảo. Đàng khác thời gian lưu ngụ trong sa mạc cũng. được xem như là một thử thách, như một hình phạt, phạt tội phàn nàn và bất tuân. Sa mạc vừa là nơi tĩnh tâm và thanh luyện, vừa là nơi phát sinh chước cám dỗ và xóa tội. Vì thế trong suốt lịch sử dân Israel, sa mạc vẫn là nơi hun đúc sức mạnh sinh động của quốc gia (tất cả các khuôn mặt lớn trong dân đều đến sa mạc lập kế hoạch, hay nung nấu lại lòng nhiệt thành) và cũng là nơi thử thách.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Bấy giờ Chúa Giêsu được Thần khí dẫn vào sa mạc”: Chữ bấy giờ nói lên mối liên hệ giữa trình thuật này với trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lát nữa ta sẽ thấy mối tử hệ thần linh của Chúa Giêsu đã được công bố lúc người chịu phép rửa) hệ tại chỗ nào. Trạng từ “bấy giờ” ở đây (cũng như ở 3, 13 chẳng hạn) có một giá trị chuyển mạch hơn là giá trị thời gian. Tiếng “để chịu cám dỗ” nói rõ ràng ý định của Thiên Chúa, như trong đoạn văn trước. Bởi ma quỷ: một chữ Hy-lạp trước tiên có nghĩa là “đứa vu khống” rồi “kẻ buộc tội”. Vì thế bản 70 đã dùng chữ này để dịch chữ “Satan”. Ngữ vựng của phần dẫn nhập trình thuật này tương tự với ngữ vựng của Đnl 8,2 (bản 70) và ám chỉ đến cảnh huống của Israel trong sa mạc: “Hãy hồi tưởng lại tất cả con đường mà Giavê Thiên Chúa của ngươi đã dẫn ngươi đi (cùng một động từ Hy lạp như Matthêu) trong sa mạc, với dụng ý là hạ ngươi uống, thử thách ngươi (cùng một động từ Hy lạp như Matthêu) và biết đáy lòng ngươi”.

“Người đã giữ chay 40 ngày và 40 đêm”: 40 là con số chẵn thường được Kinh Thánh dùng để chỉ một thời gian khá dài: 40 ngày lụt đại hồng thủy (St 7,4), 40 năm Israel lưu trú trong sa mạc (Xh 16, 35; Ds 14, 33; Đnl 29, 5), 40 năm trị vì của Đavít (1Sm 5,4), 40 ngày trước khi phá hủy thành Ninivê (Gn 3), 40 ngày giữa cuộc Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giêsu… Chi tiết xác định “40 đêm ” là của riêng Matthêu (Luca chỉ nói “40 ngày”) và ám chỉ đến 40 ngày và 40 đêm mà Môisen đã trải qua trên núi của Giavê “không ăn bánh cũng chẳng uống nước” (Xh 24, 1-8: giữ chay sau cuộc thần hiển, và trong 34,28: giữ chay sau cuộc tái lập Giao ước). “40 đêm” có lẽ cũng ám chỉ đến cuộc chay trường của Elia trên núi Horeb (1V 19,8: sau khi được thần hiển và trao sứ mệnh). Cả hai nhân vật lên này của Cựu ước, những vị gồm tóm trong bản thân Lề luật và Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Biến hình của Chúa Giêsu (biến hình = thần hiển; cuộc thần hiển này được tiếp nối với việc thiết lập Giao ước mới bằng Tử Nạn-Phục Sinh). Chắc hẳn Matthêu muốn cho thấy việc giữ chay của Chúa Giêsu một cách nào đó tổng lược kinh nghiệm của Môisen và Elia, cũng như cuộc cám dỗ sẽ tổng lược lịch sử Israel trong sa mạc. Ở đây không nên hỏi cơ thể con người, xét về mặt tự nhiên, có thể giữ chay trong bao lâu! Cũng như trong trường hợp Môisen (suốt 40 ngày không uống nước!), chính Thiên Chúa trực tiếp nâng đỡ Chúa Giêsu. Chúa Kitô sống nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa. Thành ra việc cảm thấy đói sau 40 ngày được xem như là một cuộc thử thách: Chúa Giêsu có thể nghĩ Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Và đó là điểm đưa đến cám dỗ đầu tiên.

  • Cám dỗ đầu tiên (cc. 3-4)

“Nếu Ngài là Con Thiên Chúa”. (c.3) là công thức dẫn vào chước cám dỗ thứ nhất và thứ hai. Tiếng “Con Thiên Chúa”; nhắc lại lời phán từ trời trong cảnh trước đây và đầu tiên có nghĩa là “Đấng Messia” (x.ghi chú BJ). Công thức này cho thấy ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu như là Đấng Messia, thủ lãnh của dân mới Thiên Chúa. “Nếu Ngài là…” không nhằm nói lên nỗi nghi ngờ của ma quỷ, nhưng cố khơi lên trong Chúa Giêsu niềm hoài nghi. Dưới chân thập giá, chính người Do thái sẽ thay thế Satan để cám dỗ Chúa Giêsu một cách tương tự: “nếu ông là con Thiên Chúa” (Mt 27,40). Hai chước cám dỗ này song song với nhau: chúng nhằm thúc đẩy Chúa Giêsu sử dụng các quyền lực thiên sai Người có để mưu cầu tư lợi, hay đúng hơn để thoát khỏi cảnh hiểm nghèo (đói trong sa mạc, chết trên thập giá).

“Hãy truyền cho các viên đá này thành bánh”: Cơn đói mà Chúa Giêsu đột nhiên cảm thấy đã là một chi tiết giúp ta giải thích cơn cám dỗ đang bủa vây Người. Tuy nhiên, còn có một chi tiết giàu ý nghĩa hơn trong câu trả lời của Chúa Giêsu trích lại Đnl 8,3. Văn mạch của Đnl 8,3 cho thấy dân Israel nghi ngờ Giavê, thay vì tự hạ và chấp nhận tùy thuộc một mình Ngài: “Hãy hồi tưởng lại tất cả con đường Giavê Thiên Chúa của người đã dẫn ngươi đi, qua sa mạc, trong 40 năm, với dụng ý là hạ ngươi xuống cùng để thử cho biết ngươi có gì nơi đáy lòng, xem người có giữ các lệnh truyền của Ngài chăng. Ngài đã hạ ngươi xuống, đã để ngươi phải chịu đói; rồi Ngài lại cho ngươi ăn manna ngươi chưa từng biết và cha ông ngươi cũng không hề biết, để dạy cho ngươi hay là người ta không sống nhờ bánh mà thôi, nhưng sống nhờ mọi điều xuất ra từ miệng Giavê” (Đnl 8, 2-3).

Chước cám dỗ mà Israel phải. chịu, đó là cơn đói khát Thiên Chúa cho dân trải qua để thử lòng tín thác của họ. Nhưng dân đã phàn nàn, đã hối tiếc các thức ăn của xứ Ai cập, và càu nhàu đòi lương thực. Chúa Giêsu cũng đang sống trong một tình trạng tương tự như dân Israel. Bị đói, Người có thể nghĩ Thiên Chúa đã bỏ rơi người. Ma quỷ đến dụ dỗ Người nghi ngờ Thiên Chúa và hãy cậy dựa vào chính quyền năng thần thông mà Người vừa mới nhận lúc được thánh hiến làm Đấng Messia. Có thể Chúa Giêsu sẽ dùng quyền đó để mưu cầu tư lợi trái nghịch với thánh ý Thiên Chúa. Khi dụ dỗ Chúa Giêsu nghi ngờ và bất tuân, ma quỷ muốn Người cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa. Đáp lời lại, Chúa Giêsu xác quyết Người chẳng muốn dùng các phương thế riêng của mình để được sống, nhưng muốn hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa (27,43).

  • Cám dỗ thứ hai (cc.5-7)

“Thành thánh” là một thành ngữ Do Thái thông dụng để chỉ Giêrusalem (Mt 27, 53; Kh 11,2). Ma quỷ dụ dỗ dựa vào lại Tv 91,11: điều đã được hứa cho mọi người đạo đức, càng phải có giá trị hơn đối với Đấng Messia: chắc chắn Thiên Chúa sẽ bảo vệ Người. Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Đnl 6,16 là câu nhắc lại giai thoại Massa (Xh 17, 1-7). Israel đã dám thử thách Thiên Chúa khi nói: “Có Chúa giữa chúng ta hay không?”. Họ không ngại đòi Thiên Chúa ban cho một dấu chỉ là phép lạ nước đột xuất từ tảng đá. Nếu gieo mình từ thượng đỉnh Đền thờ theo như lời Satan dụ dỗ, là Chúa Giêsu đã buộc Thiên Chúa phải thực hiện một phép lạ. Cuối cơn cám dỗ thứ nhất, Chúa Giêsu đã nép mình dưới sự quan phòng chở che của Thiên Chúa. Ma quỷ dụ dỗ Người lợi dụng sự che chở này, như Israel ngày xưa, bằng cách đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp Thành ra xét cho cùng đây là việc áp đặt ý muốn con người trên Thiên Chúa.

Một vài giới bình dân Do thái hình dung Đấng Messia như sẽ khai mào sứ vụ của mình trên chóp đỉnh Đền thờ; nơi đó Người phải loan báo việc giải phóng Israel. Vì thế có lẽ Satan đã gợi ý cho Chúa Giêsu ra mắt dân chúng theo cách phù hợp với quan niệm bình dân này, đi ngược với kế hoạch của Thiên Chúa.

  • Cám dỗ thứ ba (cc. 8- 10)

“Một ngọn núi cao” từ đó có thể xem thấy “tất cả các nước thiên hạ” là một điều dị thường. Sở dĩ Matthêu giữ lại chi tiết kỳ quái này của truyền thống Tin Mừng, là vì muốn trung thành với truyền thống bao quanh con người Môisen: Thiên Chúa đã chỉ cho Môi sen, đứng trên núi Nêbo, thấy toàn thể Đất Hứa (Đnl 31, 1-4). Tương quan Môisen-Giêsu, mà Matthêu luôn đề cập đến, còn được nổi bật ở đây. Đất Hứa ở đây trở thành lãnh địa tuyệt hảo mà Chúa Giêsu sẽ tiếp nhận lúc Phục Sinh: “mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ta” (28,18) như lời hứa của Tv 2, 6-8.

“Tôi hiến cho Ngài hết mọi điều đó, nếu Ngài phục mình bái lạy tôi”. Đây là cám dỗ thờ bò vàng, thờ các ngẫu thần, là cám dỗ tự biến mình thành vị thần dễ xài, trấn an, vị thần được dùng để đem đi giao chiến, chinh phục địa cầu, vị thần mà ta có thể thương thuyết mặc cả: “Tôi hiến tất cả điều đó cho Ngài, nếu Ngài phục mình bái lạy tôi”. Chính Chúa Giêsu đã hiểu chước cám dỗ thứ ba này theo nghĩa ấy, vì câu Người trả lời Satan trích lại một đoạn Đệ Nhị Luật, trong đó rõ ràng đề cập đến việc thờ ngẫu thần: “Ngươi hãy coi chừng kẻo lãng quên Giavê Đấng đã đem ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi nhà tôi mọi. Ngươi sẽ kính sợ Giavê Thiên Chúa của ngươi; ngươi sẽ phụng thờ Ngài, sẽ thề nhân danh Ngài. Đừng đi theo các thần khác, thần của các dân ở chung quanh ngươi, vì Giavê Thiên Chúa của ngươi, ở giữa ngươi, là Thiên Chúa ghen tương” (Đnl 6,12-15). Qua việc trích dẫn đoạn văn này, Chúa Giêsu xác quyết Thiên Chúa đích thực không phải là một thần tượng mà ta có thể mua chuộc các hồng ân. Giavê không mua bán mặc cả. Ngài đòi phải tin yêu và vâng phục vô điều kiện. Ngài chẳng phải là con bò vàng “đi trước chúng ta” mà người ta có thể sử dụng như một khí cụ để chinh phục. Chúa Giêsu từ chối đi vào con đường mà Thiên Chúa không muốn Đấng Messia của Ngài dấn thân, là đường vinh thắng rạng rỡ (bằng việc cậy dựa vào các ngẫu thần), đưa đến việc thống trị hoàn vũ. Vì bị tiêm nhiễm giấc mơ khải huyền bình dân, Phêrô sẽ chống đối việc tiến lên Giêrusalem để chịu tử nạn. Chúa Giêsu sẽ trả lời ông như đang trả lời ở đây: “Hỡi Satan, hãy xéo đi” (16,23 cũng có cùng động từ như 4,10 những chỉ thêm chữ “sau Ta”). Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu xác quyết ý định của Người là hoàn toàn tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa, dù “tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người” (16,23). Đối lại với việc Israel say mê thờ ngẫu thần (các ngẫu thần được xem như là khí cụ để chinh phục), việc Chúa Giêsu gắn bó vào Thiên Chúa hệ tại chỗ loại bỏ mọi ngẫu thần để chỉ phụng sự Thiên Chúa đích thực. Vì thế, Chúa Giêsu sẽ thể hiện kiểu mẫu Messia mà Thiên Chúa đã trù định, là làm người Tôi tớ bị lăng nhục và đau khổ mà Isaia đã loan báo. Dĩ nhiên, Người không từ chối việc chinh phục thế giới, nhưng sẽ chỉ chinh phục bằng thập giá mà thôi.

“Họ hầu hạ Người”: Việc các thiên sứ hầu hạ Chúa Giêsu nói lên chân lý này: Chúa Giêsu đã được phong vương ở sông Giođan. Họ cho thấy Nước Trời đã đến bên loài người vì triều đình thiên quốc đang chầu chực quanh Người Con Yêu Dấu. Tuy nhiên các thiên sứ này chỉ can thiệp sau khi Chúa Giêsu đã vượt thắng cơn cám dỗ. Ở đây hình như Matthêu tiên báo điều sẽ xảy ra trong cuộc Tử nạn. Là Đấng có thể xin cấp ngay “hơn 12 cơ binh thiên sứ” (26,53) để thoát khỏi khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã muốn hoàn tất Kinh thánh và phó mình cho Chúa Cha. Sau khi Người đã thắng vượt cơn cám dỗ, các thiên sư mới đến hầu hạ Người, và sau khi Người phục sinh, các thiên sứ mới đi báo tin cho các môn đồ (28, 2-7).

KẾT LUẬN

Đoạn Tin Mừng này của Matthêu trước tiên hoàn toàn mang ý nghĩa thần học. Nó được soạn thảo và lưu truyền không nhằm cho ta biết về một giai thoại trong cuộc đời Chúa Giêsu cho bằng giúp ta hiểu cách Người đã thi hành vai trò Messia ra sao. Satan, một thời gian ngắn trước khi Chúa Giêsu ra mắt công khai, đã cố làm cho Người bất tuân với Chúa Cha bằng cách gợi lên trong Người tâm tình tự lập, muốn từ khước địa vị làm Con để tự do sử dụng các quyền hành Người đã được ban cho. Nhưng thay vì tự chiếm đoạt quyền lực và ỷ mình được Thiên Chúa tuyển chọn như Biệt phái và Sađucêô, Chúa Giêsu đã xóa mình trước mắt Chúa Cha, như dã xóa mình trước mặt Gioan Tẩy giả và sẽ còn xóa mình suốt cả cuộc đời, cho đến lúc chết. Thay vì chiều theo quan niệm của nhân gian về Đấng Messia uy hùng, vinh thắng, Chúa Giêsu đã chấp nhận quan niệm Đấng Messia-tôi tớ khiêm cung.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Satan đã đề nghị Ađam trở thành Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nên như các thần minh” (St 3,5). Còn đối với Chúa Kitô, nó đề nghị người sử dụng quyền năng thiên sai như một đặc quyền, một khí cụ. Xét cho cùng, tội lỗi luôn luôn là một ý muốn thống trị. Thế mà Thiên Chúa đã cứu thoát con người khỏi tội lỗi nhờ sự yếu đuối của Chúa Kitô, Đấng đã chọn lấy thân phận tôi tớ, và hoàn toàn phó thác vào tay Thiên Chúa.

2) Cám dỗ luôn luôn xoay quanh Lời Chúa, hoặc để vi phạm hoặc để xuyên tạc ý nghĩa. Con rắn quỷ quyệt trong St 3 đã nói ngược Lời Chúa. Nó bảo: “Thiên Chúa đã phán: các ngươi chẳng được ăn cây nào trong vườn cả!… Các ngươi chẳng chết chóc đâu. Nhưng vì Thiên Chúa biết rằng mắt các ngươi sẽ mở ra…”. Tên cám dỗ trong Tin Mừng cũng yêu cầu Chúa Giêsu sử dụng Lời Chúa để biến đá thành bánh, và giải thích lệch lạc ý nghĩa Thánh Vịnh để đẩy Người thử thách Thiên Chúa. Nó cám dỗ Chúa Giêsu sử dụng Lời sáng tạo, Lời cứu rỗi để mưu cầu lợi riêng. Nhưng Chúa Giêsu đã tuân phục và đón nhận Lời Thiên Chúa: “Đã chép rằng…”

3) Khi tình nguyện trở nên người Tôi Tớ chứ không trở nên kẻ thống trị, Chúa Giêsu đã cứu rỗi chúng ta. Người mặc khải cho chúng ta một Thiên Chúa tình yêu, mà ta có thể bắt chước bằng cách tự hạ, tự chối bỏ chính mình. Thiên Chúa đã đến gần nhân loại trong con người của Con Ngài, không phải để bắt nhân loại làm nô lệ, nhưng để phục vụ nhân loại với tư cách là tôi tớ bị đóng đinh.

4) Chúa Giêsu bị cám dỗ, bởi vì xét như là con người, Người phải chứng minh mình là “Con yêu dấu”. Chính vì thế Người phải trải qua, cách cụ thể trong nhân tính của mình, cái kinh nghiệm thế nào là sống như con cái Thiên Chúa, nghĩa là chỉ chờ đợi hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa mà thôi. Người Kitô hữu cũng phải trải qua cơn cám dỗ tương tự và phải chọn lựa giữa sự tự tôn cá nhân, coi thường Thiên Chúa và anh em, với thái độ hiếu thảo phục vụ Thiên Chúa và mọi người.

Chú Giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt