Chân Dung Chúa Giêsu Kitô

Giáo Lý dạy rằng: “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”. Và Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã cụ thể hóa bài giáo lý ấy, bằng việc “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đã ở giữa chúng ta” (Ga 1,14)

– Giữa chúng ta với nhau có Chúa Giêsu ở giữa “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 20)

– Và có Chúa Giêsu trong tâm hồn mỗi người. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. (Ga 6, 56)

            – Những người bị đau khổ bắt bớ vì danh Chúa Giêsu Kitô, còn là hiện thân Chúa Giêsu nữa. Ông Sao-lê đi bắt các tín hữu, luồng sáng của Thiên Chúa làm ông ngã xuống. Ông hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp : “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ”. (Cv 9, 5)

            Tin mừng Lễ Chúa Kitô Vua cho thấy cụ thể hơn chân dung của Chúa Kitô Vua nơi những con người đang sống chung quanh chúng ta: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35)

Năm 1978, có một chú bé hơi bất bình thường hay ngồi trước tiền đường nhà thờ Hòa Yên, mỗi sáng, mỗi chiều. Ai cũng gọi chú bé ấy là “Thằng Thái Khùng”, và cứ hay đuổi chú ấy đi, vì nhà thờ là nơi trang nghiêm. Có tội gì mà phải xa lánh vậy? Trong khi đó, Thái vẫn ngồi đó, có quậy phá gì đâu! có la hét gì đâu! Chỉ có thỉnh thoảng gióng lên vài tiếng trống nhè nhẹ, không đến nỗi vang xa tới đâu cả! Tôi thầm cảm ơn Thái Khùng, vì cảm cảnh Thái Khùng nên ngày 14 tháng 11 năm 1978, những ngày trước lễ Chúa Giêsu Kitô Vua, tôi viết bài “Chân Dung Thượng Đế”.

-Một thằng bé mồ côi

“Ngồi buồn một mình ở đầu hè trong lặng lẽ là thằng bé đầy thương đau. Buồn vì cuộc đời không một lời chia cùng nỗi đọa đày đó hằn in sâu

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

-Một người hành khất

“Nằm ở đầu đường thân trần truồng khi chiều xuống người hành khất lệ hoen mi. Buồn vì ngàn lời giữa chợ đời xin một chút mà người vẫn thản nhiên đi.

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

-Một nông dân nghèo

“Chiều về mệt nhoài sau một ngày trên ruộng rẫy mà cuộc sống còn lao đao. Thèm được một ngày cơm gạo đầy cho đỡ đói mà vẫn thấy gầy hư hao.

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

-Một tù nhân

“Ngày từng ngày dài vẫn miệt mài trong ngục tối người người vẫn lời chua cay. Buồn vì cuộc đời không mặt trời chôn vùi kín tù ngục đó màu xanh rêu.

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

-Một cô gái

“Chiều ngồi một mình khóc cuộc tình thân mồ côi người con gái sầu lên mi. Buồn vì cuộc đời không một lời thương phận gái từng người đến rồi quay đi

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

-Một người không nhà

“Từng ngày dật dờ con đường mờ không nhà ở người lữ khách nhiều bơ vơ. Ngày thì lừng khừng đêm lùng khùng mong được chết để lòng đất làm gia cư

Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

Chúa ơi! Chúa ơi, xin Ngài tha thứ tội vì lòng con hờ hững. Ngài đói không màng thương, Ngài khát không thèm cho Ngài uống.

Chúa ơi! Chúa ơi, xin Ngài tha thứ tội vì lòng con hờ hững. Ngài sống trong buồn đau mà con vẫn không để tâm yêu Ngài”

Hôm nay, khi nghe lại bài hát, tôi thấy còn thiếu sót nhiều lắm. Còn biết bao nhiêu “chân dung của thượng đế’ “chân dung của Chúa Kitô Vua Vũ Trụ” giữa một thế giới vô cảm này:

– Những người ăn dưa cà muối qua ngày đang sống ở vỉa hè dưới chân nhà hàng khách sạn của các đại gia thừa mứa.

– Những người bệnh không tiền chữa trị nằm chờ chết trên chiếc chiếu rách ngay ở khu ổ chuột bên cạnh bệnh viện cao ngất đến chín mười tầng.

– Những người lầm lỡ một đời đã đau khổ, nhục nhã, còn đau khổ nhục nhã hơn đến mức thất vọng khi nghe tin một người bạn “đồng nghiệp” đã qua đời không  được thánh lễ an táng nhưng được chôn tự do “ngoài” Đất Thánh.

– Những người bị đánh bầm dập ở Đồng Chiêm, những người bị đám tay sai điên loạn chửi bới, mạ lỵ, khủng bố ở Thái Hà, những người bị bất an mất ăn mất ngủ vì cảnh di dân tái diễn, còn phải di dời luôn cả mộ phần của những thân nhân đã yên giấc ngàn thu….bên cạnh những “lễ hội” rước xách tưng bừng cờ hoa trống nhạc tưởng như là tự do tôn giáo.

– Những người thấp bé nhất trong cuộc đời này, vừa thấp cổ bé miệng nên mở miệng mắc quai, vừa thấp nhà bé cửa nên không ai đoái hoài lui tới, vừa thấp trí khôn bé mánh mung nên không biết nịnh nọt đẩy đưa kiếm chác, vừa thấp chỗ ngồi bé xó đứng trong xã hội giáo hội nên chẳng ai ngó thấy, vừa thấp vốn liếng bé việc làm nên nợ nần chất đầy đầu ngập cổ…

– Những con người cùng khốn nhất trong cuộc đời này vì cảnh đời khuyết tật bất hạnh: có tay thiếu chân, có chân thiếu tay, có mũi thiếu mắt, có tai thiếu màng nhỉ… bên cạnh những người dư thừa đã có tay còn cần có người quạt, đã có chân còn cần người khiêng kiệu nghênh ngang.

“Lạy Chúa, Chúa đó sao? Sao Ngài vẫn im lặng?”

Sao Ngài không tự giới thiệu cho hoành tráng rằng: “Giêsu đây, đừng khinh bỉ, đừng coi thường, nhưng hãy tiếp đón cho đàng hoàng tử tế”. Nếu Ngài lên tiếng hẳn hòi thì có lẽ không còn cái cảnh thò ơ vô tình hay dững dưng vô cảm nữa, mà ngược lại…

Thiết tưởng, chúng ta không thể trách Chúa như thế được. Nhưng hãy tự trách mình có một tâm hồn vô đạo trong con người mang tiếng là có đạo, lại là Đạo Thánh Đức Chúa Trời.

Vâng, có người đang vô tâm, dững dưng vô tình như quân vô đạo, người lương có, người giáo có, không để ý tới và thương yêu giúp đỡ người đau khổ, có thể cả tôi và bạn, đó là một thực tế.

Nhưng, còn có một thực tế tuyệt đẹp hơn và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những mẫu gương đạo đức sống động: nhận ra Chúa Giêsu trong cuộc đời:

– Tôi nhớ ngày xưa, ở các làng quê ta, trước nhà, trước hàng rào, có cái lu nước và cái gáo dừa, để người đi đường có nước uống khi khát.

– Năm 1977, anh em chúng tôi may mắn được chứng kiến giờ hấp hối của ông cụ Bảo, không phải là tín hữu Công Giáo, ở Đồng Bò Nha Trang. Cô con gái khóc ròng thương tấm lòng của Cha, khi nghe lời Cha trăn trối: “Cha không có gì để lại cho con, gia tài cha chỉ có “cái lu sành và cái gáo dừa” trước nhà. Con nhớ lo gáo, lo nước sạch sẽ đàng hoàng cho người đi đường và nhất là mấy đứa chăn bò nó vào mà uống”.

-Tôi lại nhớ đến Cố Lm Phêrô Nguyễn Hữu Nhường, cha cựu chánh xứ của Giáo xứ tôi, sau khi xin được tiền xây dựng giếng nước và hệ thống máy nước, việc đầu tiên của Cha là bảo anh hai Dung, Hội Đồng Mục Vụ, xây cho cha một nhà mát nho nhỏ bên cạnh cổng nhà thờ, rồi cha bảo đặt ở đó mấy bình nước khoáng, cho người đi đường dừng chân nghỉ và uống nước.

-Tôi lại nhớ đến danh sách những ân nhân trong ngoài nước của Quỹ Mẹ Hằng Cứu Giúp trên trang www.trungtammucvudcct.com mà Cha Quang Uy ghi rõ trong mỗi trường hợp cứu giúp khẩn cấp. Thiết nghĩ họ đã giúp đỡ những người đau khổ, không vì lý do gì khác hơn là: đó là chân dung Chúa Giêsu.

-Sáng nay, 16-11-2011, tôi đến nhà trọ ở đường D1, khu cư xá 30-4 phường 25 Bình Thạnh, thăm anh Võ Thành Hữu Nghĩa – người bị tai nạn xe được các bác sĩ cho biết không qua khỏi sau ca mổ, hoặc nếu qua thì cũng chỉ sống thực vật – thấy anh đang phục hồi rất khá: trí nhớ rất tốt trong cái vỏ sọ méo mó, nói được nhiều và dần dần rõ. Anh nói: “Cảm ơn Chúa đã cứu em, cảm ơn mọi người cầu nguyện và giúp đỡ”.

……

-Rất đáng mừng, vì không thiếu những giáo dân đang nhìn ra chân dung Chúa Giêsu Kitô nơi  anh em mình: Xin trưng dẫn một câu chuyện mới nhất:

Đêm qua, 15-11-2011, sau giờ kinh các linh hồn, nghe các anh chị LTXC báo chị Hường ung thư đang ở thời kỳ… chờ chết. Chị là người tân tòng, nhưng rất tin tưởng và phó thác vào Lòng Thương Xót của Chúa, đọc kinh LCTX cả ngày đêm và tinh thần an bình, thanh thản, vui tươi lắm. Nhà chị ở cách nhà tôi non cây số. Mọi người ra về. Tôi đến thăm ngay.

Chị đã bệnh 4 năm nay, từ 2007: Ung Thư Vòm Hầu. Phải chữa xạ trị, hóa trị… nhưng gia đình không có tiền, đành về uống thuốc nam. Năm 2009 ngưng thuốc vì không có tiền tiếp tục. Đầu năm đến nay, tình trạng bi đát hơn: “Ung Thư Gan Di Căn Lan Tỏa”. Ung nhọt nổi lên khắp người, lớn nhất ở cổ và vai, khắp người thì nhỏ nhỏ. Chị đau đớn nhức nhối cả người. bác sĩ khuyên gia đình: hết cách, bó tay.

Chị nói chuyện với tôi vui vẻ: “Em có bức ảnh Chúa Giêsu, lòng thương xót trên vách kìa! Chúa nhìn em suốt ngày! Em biết là em sẽ chết, nhưng em vui vì Lòng Thương Xót Chúa đã bảo anh chị em đến thăm em hằng ngày, đọc kinh với em, nói chuyện với em, chia sẻ với em… ngày nào em cũng có người, lương cũng như giáo. Đêm thì có anh Tuấn với mấy cháu, nằm đây luôn, kể chuyện, đọc kinh, rồi khi em đau quá thì lấy thuốc em uống, xoa bóp, an ủi… Có phải Chúa đến thăm em và đang ở với em không anh Hoàng”.

Tôi chưa kịp trả lời. Anh Tuấn, chồng chị bảo: “Đúng rồi, vác thánh giá đỡ Chúa đấy mà. Để Chúa đi đến nơi”

Chị Hường bảo: “Đến nơi chết đó hả. Em sắp chết rồi. Nhưng không sao, em chết trong tay anh, trong tay Chúa”.

Tôi nghĩ, người bệnh đang nhìn thấy Chúa đến thăm qua anh chị em LTXC, đang thấy Chúa không ngại nằm cạnh bên mình qua chồng con. Người khỏe thấy Chúa đang bệnh, cần lo cho Chúa, cần nằm bên Chúa, ủi an Chúa… để Chúa vui lòng vác thánh giá mà đi cho hết đoạn đường tế hiến.

Chào anh chị Tuấn Hường, tôi ra về. Anh Tuấn kéo tôi lại, chỉ bao gạo nói: “Anh em LTXC mới cho sáng nay đó! 500 ngàn nữa! Mấy năm nay Chúa nuôi tụi em”.

Ra về, tôi thầm tạ ơn Chúa vì tinh thần bác ái của anh em giáo dân hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đang hiện diện giữa những anh chị em đau khổ nhất đang đồng hành với chúng con trong cuộc đời. Xin Tình Yêu Chúa thôi thúc trái tim chúng con mở rộng để đón nhận Chúa nơi anh em và sẻ chia cuộc sống nầy vì lòng yêu mến Chúa.

Chúng con cũng xin hướng về những anh em đang bị bách hại với một ngọn nến và lời kinh nguyện xin cho anh em được can đảm và bền đỗ. A men

PM. Cao Huy Hoàng