Lễ Chúa Ba Ngôi
Ga 16, 12-15
Nằm trong bối cảnh Tiệc ly và tiếp theo phần thứ hai của diễn từ ly biệt (15,1-19,33), Tin mừng hôm nay trích lại một phần nhỏ liên quan đến nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn các môn đệ đến với Chân lý toàn vẹn.
Chúng ta biết rằng Chúa Kytô chính là món quà tuyệt hảo nhất mà Chúa Cha dành cho nhân loại, và chính con người của Ngài là một mạc khải đầy đủ và trọn vẹn nhất điều Chúa Cha muốn thông ban cho con người. Đã là món quà tuyệt vời, là mạc khải trọn vẹn đến từ Chúa Cha nhưng câu nói của Chúa Giêsu với các môn đệ “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em” hẳn làm chúng ta phải suy nghĩ: vậy phải chăng Chúa Giêsu còn “giấu” điều gì đấy chưa muốn nói ra ?; Hoặc, chẳng lẽ sau cái chết của Chúa, sẽ có những mạc khải mới? Có lẽ không phải như vậy. Bởi chính Chúa Giêsu đã từng tâm sự với các môn đệ rằng tất cả những gì Người nghe biết nơi Chúa Cha, thì đã tỏ bày cho các ông hết rồi (x. Ga 15,15). Theo đó chính Chúa Giêsu mới là Lời, là mạc khải trọn vẹn và là tặng phẩm Thần linh của Chúa Cha thông ban cho nhân loại.
Vấn đề đặt ra là, “nhiều điều phải nói” là những điều nào? Động từ Bastago trong ngôn ngữ Hylạp không chỉ nói đến việc chịu đựng, mang vác trách nhiệm hay công việc mà còn dùng để nói đến cuộc Khổ nạn nữa. Chính vì thế, chúng ta có thể hiểu câu nói trên của Chúa Giêsu là Người mong muốn giải thích cho các môn đệ tất cả những gì sẽ xảy đến với Người trong cuộc Khổ nạn, nhưng các ông hiện giờ chưa thể hiểu nổi và khó chấp nhận. Thật thế, không một ai trong thế giới Trung Đông này lại chấp nhận lời loan báo Khổ nạn của Chúa, bởi nó hoàn toàn nghịch lại với lối suy nghĩ của con người thời bấy giờ. Điều này đã được Thánh Phaolô minh thị rõ ràng sau khi đã tường tận mọi sự nhờ ơn Chúa soi sáng. “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, còn chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kytô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1, 22). Sau khi Chúa sống lại và lên Trời, nhiều điều phải nói đó sẽ được Chúa Thánh Thần giúp cho các môn đệ thông hiểu.
Công việc của Chúa Thánh Thần như thế đã rõ. Sứ vụ Người là giải thích, là một “ký giả trung thành”, không thêm gì và cũng không bớt gì đàng sau những giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu ở trần gian này. Mục đích của công việc này là nhằm dẫn đưa các môn đệ tìm đến “chân lý toàn vẹn”. Chúng ta thấy trong ngôn ngữ Cựu ước, từ ngữ “dẫn đến chân lý” được hiểu là dẫn đến Lề Luật, thông ban cho sự hiểu biết để tuân giữ giới luật (x. Tv 86, 11; Kn 9,11). Còn trong Tân ước, chân lý ấy chính là Chúa Kytô. Chính con người, đời sống và giáo huấn của Chúa Kytô là một phản ánh trung thực và toàn vẹn nhất hình ảnh của Chúa Cha và thánh ý Người. Do đó, Chúa Kytô chính là chân lý toàn vẹn của Chúa Cha. Và công việc của Chúa Thánh Thần chính là giúp cho các môn đệ hiểu về Chúa Kytô cách trọn vẹn, cách đầy đủ hơn. Có thể nói, Chúa Thánh Thần luôn luôn phản chiếu Chúa Giêsu cũng như chính Chúa Giêsu luôn luôn phản chiếu Chúa Cha để tất cả cùng phản chiếu vinh quang Thiên Chúa và thông ban ân sủng cho nhân loại.
Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được nói đến khá rõ trong câu cuối của bài Tin mừng. Theo đó Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ (x. Ga 14, 16.26); nhưng đồng thời Chúa Thánh Thần cũng được Chúa Giêsu gửi đến cho các môn đệ để đồng hành với các ông trong sứ vụ rao giảng Tin mừng (x. 16,7c). Như thế khi giúp cho các môn đệ hiểu về Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần cũng đồng thời cho các ông hiểu những gì thuộc về Chúa Cha, bởi “mọi sự của Chúa Cha có đều là của Thầy”. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng như tất cả các mầu nhiệm đặc biệt khác trong Kytô giáo không tự nhiên dễ hiểu đối với trí tuệ vốn rất giới hạn của con người. Thật vậy, mầu nhiệm này không dựa trên bậc thang lý luận, suy tư của lý trí, kiểm nghiệm của khoa học mà dựa trên lý lẽ của con tim, của lòng mến yêu. Thật thế, Chúa Kytô đã không nói đến Ba Ngôi, nhưng chính đời sống, con tim và lời nói của Người làm cho chúng ta hiểu rõ hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa hoàn toàn tách biệt nhưng cũng hoàn toàn kết hiệp duy nhất. Sở dĩ chúng ta biết được là vì trọn đời sống, Chúa Kytô không sống cho riêng mình mà luôn luôn quy hướng về Đấng đã sai Người. Điều đó cho thấy, Thiên Chúa không hề cô đơn, không hề giam hãm mình trong bất cứ luật lệ nào; trái lại chính Người là cội nguồn phát sinh mối liên hệ tình yêu và chỉ khi ở trong mối liên hệ này, con người mới cảm nhận thực sự thế nào là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, hơn lúc nào hết, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho thế giới bớt đi thù hằn chia rẽ thay vào đó là tình yêu, là tha thứ; cho Giáo hội được hiệp nhất yêu thương; cho gia đình và mỗi người trong gia đình luôn biết cần có nhau để yêu thương, để liên kết và để sống cho nhau. Vì chỉ có tình yêu và sự hướng đến tha nhân mới là phản ánh trung thật nhất hình ảnh Một Chúa Ba Ngôi trong lòng thế giới, trong Giáo hội, trong gia đình và trong trái tim mỗi người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb