Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 32 TN C
Xác tín có đời sau
Câu chuyện của người Mẹ và 7 bảy anh em trong sách 2 Macabe 7,1-2.9-14 đã gửi đến cho chúng ta những xác tín về sự sống lại, về đời sau. Niềm xác tín ấy được soi sáng bởi Thánh Linh và cũng chính niềm xác tín quan trọng ấy đã giữ họ trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa, qua truyền dạy của Moise: Không ăn thịt heo. Không phải họ không quí trọng thân xác, nhưng họ được linh hứng cho biết thân xác nầy được Chúa ban cho và dù có mất đi dưới tay người phàm họ cũng sẽ lấy lại được. Họ “sẵn sàng thà chết hơn là vi phạm luật của cha ông” (c.2). Họ xác tín “Vua Vũ Trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (c.9). Đối với họ, sự sống và tất cả những gì thuộc về sự sống ở đời nầy đều là của Chúa ban, và dù có mất đi, họ vẫn đặt hy vọng nhờ Thiên Chúa họ sẽ lấy lại được (c.11). Họ thà chết trong khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại (c.14).
Điểm ưu việt của đoạn sách nầy là : niềm xác tín Phục sinh vào thời kỳ Tin Mừng và Tin Mừng Phục sinh chưa xuất hiện. Một cõi sống ở đời sau có thể nói là còn mơ hồ trong tâm tưởng loài người, thì bảy anh em đã tuyên tín về sự sống lại trước mặt vua chúa quan quyền thế gian. Dấu ấn mạc khải do Thánh Linh thật rõ nét và sống động đến nỗi người đời sau, những người đã tiếp nhận ánh sáng Tin mừng Chúa Giêsu và Tin Mừng Phục Sinh của Ngài, phải ngẫm nghĩ mà tự xấu hổ về niềm tin của mình.
Đức tin không lý luận
Không chỉ các người thuộc nhóm Sađốc, thời Chúa Giêsu, mà cả loài người, cả chúng ta nữa, cho đến hôm nay vẫn thích dùng cái lý trí nhỏ bé của mình mà suy luận về những mầu nhiệm cao siêu thuộc về Thiên Chúa, trong đó có Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô và sự sống lại của thân xác chúng ta. Từ cái suy luận duy lý trí nảy sinh những ảo tưởng về một thực tại thuộc phạm vi Đức Tin. “ Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy anh em đều lấy nàng làm vợ”.(Lc 20,33). Một suy luận hoàn toàn con người thì còn gì là mầu nhiệm.
Câu tuyên tín “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại” bắt đầu bằng hai từ “Tôi tin”, cho thấy rằng lý trí của tôi không nhất thiết phải tham gia gì thêm nữa. Không phải là một đức tin mù quáng, nhưng là sự hy sinh của lý trí một cách chính đáng, để niềm tin của tôi không bị chao đảo lung lay hay thay đổi, vì với lòng khiêm tốn, tôi biết lý trí của tôi không thể làm điều vượt qua khả năng của lý trí.
Cơn cám dỗ về đức tin là một cơn cám dỗ nguy hiểm nhất, do bởi thần kiêu ngạo dữ tợn nhất, luôn thúc bách lý trí ta lý luận không phải để chấp thuận, mà tìm mọi cách để từ chối, phản bác. Nhóm Sađốc đã bị sập bẫy của Satan khi dùng những lý luận để bảo thủ cho mình cái chủ trương không có sự sống lại, không có đời sau. Những lý luận chỉ dựa trên những gì có thể thấy được, có thể sờ đụng, có thể trải nghiệm. Họ hiểu sự sống lại và đoàn viên trong Nước Thiên Chúa như là một thế giới khác với thế giới hôm nay, nhưng giống y như thế giới hôm nay về mọi sinh hoạt con người.
Chúa Giêsu nói: “Con cái đời nầy cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì họ được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,34-36)
Tôi nghĩ đây không phải là một lời giải thích của Chúa Giêsu, nhưng là một định tín. Chỉ có Đức Tin mới thấu đạt được, chứ không dễ chấp nhận theo lý luận con người. Không thể lấy một thực tại hữu hình, mà so sánh mới một thực tại vô hình; không thể lấy một sự đã trải nghiệm đem so sánh với sự chưa trải nghiệm, mà sự chưa trải nghiệm ấy lại thuộc về tương lai của mỗi người, của nhân loại.
Con đường dẫn đến cái chết để phục sinh
Người tín hữu hôm nay có một ưu thế hơn anh em nhà Macabê vì nền tảng niềm tin “xác loài người sẽ sống lại” được đặt vào “sự phục sinh của Chúa Giêsu”. Chính vì tôi tin Chúa Giêsu Phục Sinh mà tôi cũng tin tôi sẽ được sống lại với người. Tôi không nhất thiết phải dùng lý trí con người, suy luận, tưởng tượng hay hình dung sự sống lại ấy thế nào, sinh hoạt như thế nào. Tôi chỉ cần biết một điều là để được Phục sinh với Chúa Giêsu, để sống lại như Ngài, tôi phải đi theo con đường của Ngài: “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”. Vì nếu không đi theo con đường của Ngài, tôi sẽ lao vào “con đường dẫn tới cái chết không phục sinh”.
Vậy con đường của Chúa Giêsu là con đường khiêm hạ, con đường từ bỏ, con đường yêu thương phục vụ cho đến chết. Có thể tôi chưa thấy một người bằng xương bằng thịt phục sinh trở về để tôi hỏi người ấy về sinh hoạt của thế giới bên kia, nhưng tôi có thể thấy chung quanh tôi có những người sống trọn vẹn cho Thiên Chúa theo đường hướng của Chúa Giêsu khi họ từ bỏ tất cả cho vinh danh Chúa. Họ có thể chia sẻ cho tôi những cảm nghiệm về sự sống đời sau mà họ đang có. Vâng chính họ đang sống trước mầu nhiệm phục sinh ngay ở dương gian nầy khi họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và theo ý định của Ngài qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu và đi theo con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”.
Lời Chúa hôm nay cho tôi thêm một cơ hội xác tín điều tôi vẫn tuyên xưng: “tôi tin xác loài người sẽ sống lại”, “ tôi tin một cuộc sống đời đời” và còn là cơ hội nhắc nhớ tôi không những phải hy sinh cái lý trí nhỏ bé của mình mà còn phải biết tránh “con đường dẫn tới cái chết không phục sinh” để đi vào con đường của Chúa Giêsu, con đường từ bỏ, hy sinh, yêu thương, phục vụ… “con đường dẫn đến cái chết để phục sinh”.
Lạy Chúa, xin cho con yêu mến và tín thác hoàn toàn vào Chúa, xin cho con khát khao sống sự sống của Chúa, để không còn phải thắc mắc nào khác hơn là con luôn tự hỏi: “ Tôi có từ bỏ mọi sự để hoàn toàn thuộc về Chúa khi còn ở dương gian này hay chưa?”.
Pm. Cao Huy Hoàng