Chiếc Áo Cưới Mang Nhãn Hiệu Giêsu

 

Chúa nhật 28 thường niên A

Mt 22, 1-14

Với dụ ngôn “tiệc cưới”, Tin mừng hôm nay muốn khép lại những thắc mắc hay đúng hơn là những hạch hỏi sách nhiễu do các thượng tế và kỳ mục Dothái đưa ra nhằm “hạ bệ” Chúa Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là dụ ngôn- cách nào đó, Chúa Giêsu muốn gửi đến không chỉ cho giới thượng tế và kỳ mục, mà còn cho hết mọi thành phần dân Chúa với lời nhắn: Hãy duyệt xét lại lời mời tham dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa và không ngừng chuẩn bị cho mình có được bộ y phục lễ cưới trong ngày trọng đại ấy.

Mở đầu dụ ngôn, Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời như bữa tiệc cưới của hoàng tử diễn ra trong triều đình. Tiệc cưới trong đám thường dân đã là việc trọng đại huống gì là tiệc cưới của bậc vua chúa trong triều. Tin hoàng tử kết hôn được loan đi cùng với đó là “thiệp hồng” báo tin ngày thành hôn của hoàng tử cũng được gửi đến tất cả các bậc vị vọng trong triều đình cũng như các quan cận thần. Để tránh cho quan khách sự cố do lu bu nhiều chuyện mà quên việc đại sự, nhà vua còn cẩn thận sai đầy tớ đến từng nhà để mời họ tới. Những tưởng trước sự quý mến và hết mực tha thiết của vua, quý quan khách sẽ mau mắn đáp lại, thế nhưng họ tỏ ra ù lỳ, không chịu đến.

Trước sự khinh thường của các nhân vật hệ trọng, nhà vua không tỏ ra khó chịu, tức giận hay ngã lòng. Trái lại, ông nhẫn nại sai những đầy tớ khác đến với họ một lần nữa và lần này thông điệp ông muốn gửi đến họ là lời mời cách khẩn thiết và rõ ràng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến tham dự tiệc cưới”. Còn lời tha thiết nào hơn những lời mà nhà vua vừa gửi đến cho những nhân vật VIP này. Thế nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Chưa hết, đã không đếm xỉa, khinh thường lời mời của nhà vua thì thôi, đàng này họ lại bắt đầy tớ vua sỉ nhục và giết chết nữa chứ. Thật là tội tày đình. Bởi thế việc vua nổi cơn thịnh nộ cũng là điều dễ hiểu.

Rõ ràng thái độ phạm thượng của đám người “ưu tuyển” này đã không vì thế làm cho tiệc cưới nhà vua đang tổ chức cho hoàng tử vắng khách. Trái lại, từ khắp các ngả đường, đủ mọi thành phần chứ không còn thành phần ưu tuyển nữa, tất cả đều được mời vào tham dự tiệc cưới. Phòng cưới chật ních khách. Thế nhưng trong bữa tiệc đó, chúng ta thấy có một người không mặc y phục lễ cưới bị nhà vua tra hỏi. Điều này xem ra vô lý vì trước đó, nhà vua cho đầy tớ ra các ngả đường gặp ai bất luận tốt xấu đều mời vào cả, vậy tại sao vua lại tra vấn anh ta vì anh ta không mặc y phục lễ cưới? Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy dụ ngôn nói đến việc anh này “câm miệng không nói được gì” trước sự tra vấn của nhà vua. Tại sao như vậy? Chúng ta có thể lý giải thế này. Hẳn nhiên anh ta không nằm trong số bị ép vào dự tiệc, vì nếu bị ép, anh ta đã lên tiếng khống chế rồi. Như thế anh là người được nhà vua mời trước, nhưng vì lôi thôi, thiếu sự chuẩn bị nên đến giờ vào tiệc cưới, chiếc áo lẽ ra đã được chuẩn bị từ lâu nay lại không có.

Nếu bữa tiệc cưới được nhà vua thết đãi tượng trưng cho Nước Trời thì y phục lễ cưới tượng trưng cho một lối sống chuẩn mực, phù hợp với công dân của nước ấy. Đành rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc, cách nào đó chúng ta cũng thấy được tính cách của người đó. Như thế, y phục lễ cưới mà dụ ngôn muốn nhắm đến là gì? Được Thiên Chúa mời gọi vào bàn tiệc nước Thiên Chúa là một hồng ân, nên cách nào đó, chiếc áo mà chúng ta cần phải có chính là một đời sống phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi cơ bản mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện. Chiếc áo đó chính là đời sống của Đức Kytô như thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các giáo đoàn của ngài. Qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở nên con người mới, nghĩa là con người được tái tạo trong Đức Kytô qua cái chết và phục sinh của Người. Chính vì thế, thánh Phalô khuyên chúng ta vì đã trở nên “con người mới”, nên chúng ta cần phải “mặc lấy Đức Kytô”, nghĩa là cần phải được biến đổi theo hình ảnh của Người (x. Gl 3, 27.28; Ep 4, 24). Như thế, chiếc áo mà chúng ta mặc cần phải được biểu lộ không chỉ nơi đời sống cá nhân của mỗi người mà còn phải tỏ hiện trước mặt cộng đồng nữa. Cho hay, mặc lấy Đức Kytô chính là mặc lấy sự công chính, mặc lấy sự thánh thiện và ngược lại, không mặc lấy Đức Kytô cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không thể trả lời câu chất vấn như nhà vua đã đặt ra cho anh chàng dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn hôm nay.

Tạ ơn Chúa vì Kytô hữu- qua bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa “gửi thiệp hồng báo tin” tham dự tiệc cưới Nước Trời. Chính vì thế cuộc sống nơi trần thế là thời gian để chúng ta dệt nên “chiếc áo con người mới” và “chiếc áo mang nhãn hiệu Đức Kytô” được thêm công chính và thánh thiện. Có như thế, ngày vào bàn tiệc thiên quốc sẽ là ngày chúng ta hân hoan tiến bước, đồng bàn với Đức Vua, với Hoàng Tử Giêsu chứ không phải là ngày “câm miệng không nói được gì”, là ngày khốn cùng, bị đẩy vào nơi “khóc lóc và nghiến răng”.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb