Chúa Nhật 5 Mùa Chay C
Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa (Ga 8,1-11)
Những người Pharisêu và nhóm Kinh sư vốn từ lâu đã không ưa gì cách giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu, họ tìm mọi cách để có thể cáo buộc Người. Dịp may hiếm có đã đến, khi Chúa Giêsu trở lại Đền thờ để giảng dạy dân chúng sau một đêm ở trên núi Ôliu. Ngay tại Đền thờ, họ điệu một phụ nữ bị cho là phạm tội ngoại tình tới gặp Chúa Giêsu để xin Người xét xử. Đây là một chiêu bài rất nham hiểm của bọn Pharisêu và Kinh sư hòng đạt được mục đích khử trừ nhân vật mà họ cho rằng ngày càng ảnh hưởng dân chúng, đe doạ quyền uy của họ. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu hoá giải cái bẫy này như thế nào.
Bẫy đã giăng. Người Pharisêu, Kinh sư và cả đám đông nữa đang hứng thú chờ xem Chúa Giêsu và người phụ nữ sập bẫy. Bẫy giăng ra thật cay nghiệt. Người Pharisêu và Kinh sư tin chắc đàng nào Chúa Giêsu cũng bị sập. Lý do là vì tội của người đàn bà này đã rõ ràng, luật Môsê ngàn đời vẫn còn kia ai dám phá đổ. “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Quả thật khó. Chúa Giêsu bị đặt trước sự quyết định có tính chất sinh tử. Vấn đề đặt ra đối với Chúa Giêsu hay bất cứ ai ở trong hoàn cảnh này là : hy sinh người đàn bà ngoại tình này để cứu lấy Lề luật Môsê hay hy sinh Lề luật để cứu lấy người đàn bà? Hơn nữa đối với Chúa Giêsu vốn là Thầy dạy thì vấn đề đó còn phát sinh những hậu quả khôn lường. Hậu quả đó là gì nếu không phải là nghịch lại với truyền thống của cha ông; tệ hơn, nó còn nghịch lại với chính giáo huấn của Người. Thật thế, nếu Chúa Giêsu chọn đáp án “hy sinh người đàn bà”, tức là đồng ý ném đá chị, vô hình trung Người tự mâu thuẫn với giáo huấn mà lâu nay Người vẫn hằng rao giảng về một Thiên Chúa đầy yêu thương và tha thứ; còn chọn đáp án “hy sinh Lề luật Môsê”, thì chính Người phải bị ném đá trước vì dám phá bỏ và đi ngược lại Lề luật.
Trong dáng vẻ của một Thầy dạy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu chất vấn của Pharisêu và Kinh sư, Người ngồi xuống rồi dùng tay vẽ trên mặt đất. Chúa Giêsu vẽ gì? Thú vị là nhiều nhà chú giải đã suy nghĩ và đưa ra nhiều cách giải thích cho hành động này của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy cách giải thích của Thánh Hiêrônimô khi cho rằng sở dĩ Chúa Giêsu ngồi xuống dùng tay vẽ trên mặt đất là nhằm liệt kê tội lỗi của những kẻ tố cáo người phụ nữ; còn một số tác giả khác thì lại cho rằng Chúa Giêsu viết lại một câu trong sách Ngôn sứ Giêrêmia : “Lạy Đức Chúa, niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi mặt đất, vì họ đã dám lìa bỏ Đứa Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17, 13). Dù thế nào đi nữa, nếu dựa vào ngữ cảnh của trình thuật Tin mừng, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu trước khi đưa ra lời phán quyết cuối cùng cho cặm bẫy mà người Pharisêu và Kinh sư đưa ra, Người đã dùng quãng thời gian thinh lặng kéo dài đó nhằm cho thấy điều Người sắp nói cực kỳ quan trọng.
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Thật trớ trêu và hài hước làm sao! Chỉ một câu nói, Chúa Giêsu đã hoá giải được cạm bẫy và, hơn thế nữa Người đã biến vụ án lẽ ra phải xét xử bị cáo là người phụ nữ trở thành vụ án xét xử những nguyên cáo là các ông Pharisêu và Kinh sư! Mà không hài hước sao được khi chỉ mới đây thôi, những con người tự cho mình là công chính, nấp đằng sau bức tường của Lề luật, lôi người đồng loại của mình, bêu rếu, lên án giữa đám đông thì giờ đây, họ phải đối diện trước lương tâm của mình để phản tỉnh, để tự thú mình có đích thực là người không hề có tội hay không.
Thưa các ông Pharisêu và Kinh sư, có thể các ông qua mắt được dân chúng, có thể các ông cố tình lách Lề luật hoặc ra sức áp dụng triệt để Lề luật cho những người thuộc quyền, nhưng các ông không thể qua mắt được tiếng nói của lương tâm- món quà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người. Hành động mờ ám của các ông có thể người khác không biết nhưng các ông nên biết điều này, mọi hành vi nhất cử nhất động của các ông sẽ không tránh khỏi cái nhìn cũng như sự luận phạt của Thiên Chúa công minh. Lương tâm đã dạy cho các ông bài học thế nào là tội lỗi. Thì ra các ông cũng chẳng hơn gì người phụ nữ mà các ông quyết lên án, quyết ném đá chị cho bằng được. Tội của chị đã rõ và không thể chối cãi. Thế nhưng chị không đến nỗi quá xấu xa, quá hư đốn như các ông vẫn thường nghĩ để rồi kết án. Còn các ông, các ông cũng không phải là người công minh chính trực như các ông vẫn hay dương dương tự đắc, vỗ ngực rêu rao. Hiệu quả của quá trình tự vấn này là gì nếu không phải việc nhận ra mình cũng là kẻ tội lỗi, và vì thế làm sao mình có thể kết án người khác cũng là kẻ tội lỗi như mình.
Cuối cùng của quang cảnh phòng xử án chỉ còn lại Chúa Giêsu và người đàn bà. Chỉ còn một bên là Đấng giàu lòng nhân ái, thương xót và tha thứ và một bên đại diện cho kẻ được xót thương và được thứ tha. “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Từng ánh mắt, cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu là lòng bao dung và tha thứ. Chúa Giêsu không lên án chị không có nghĩa là Người quá dễ dãi, chấp nhận những lầm lỗi chị đã gây nên. Không. Không bao giờ Người chấp nhận những hành vi tội lỗi của con người. Điều này thật rõ ràng. Chúa Giêsu căn dặn chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa. Bằng lòng bao dung và nhân ái, Chúa Giêsu không chỉ thứ tha tội lỗi mà còn muốn giải thoát, muốn đem đến cho chị ơn cứu rỗi, cho chị cơ hội để đổi mới và làm lại cuộc đời.
Thiên Chúa chúng ta là thế. Đứng trước tội lỗi của con người, Người luôn bao dung và từ ái. Chưa hề thấy ai lỗi lầm chạy đến với Người mà Người chối từ; trái lại, Người luôn rộng vòng tay đón rước họ vào lòng để an ủi, để khích lệ, để thứ tha và để thương yêu. Lời nói đầy lòng nhân ái và sự cứu rỗi của Chúa Giêsu với người phụ nữ tội lỗi trong Tin mừng hẳn cũng sẽ là lời mà Chúa muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta, vấn đề ở chỗ chúng ta có dám đối diện với lỗi lầm, có dám nhận ra con người hèn yếu của mình trong hệ luỵ tội lỗi để chạy đến tựa nương vào lòng Chúa bao dung hay không.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb