Chìa Khóa của Công Đồng Vaticanô II: Chúa Thánh Thần
Năm mươi năm sau Công Đồng Vaticanô II
Dưới đây là bản dịch bài giảng thứ hai Mùa Vọng của Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của phủ Giáo Hoàng. Bài này dịch phần lớn từ tiếng Pháp với tham khảo bản tiếng Anh.
1. Công Đồng: cách chú giải gián đoạn và tiếp tục
Trong bài suy niệm này tôi muốn suy nghĩ về nguyên nhân lớn th
ứ nhì của việc cử hành năm nay: kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II.
Trong những thập niên gần đây, những nỗ lực nhằm lượng giá Công Đồng Vaticanô II đã gia tăng [1]. Đây không phải là dịp để theo đuổi dòng tư tưởng này, và thì giở cũng không cho phép. Đôi khi, song song với những chú giải phân tích cũng có
những cố gắng giải tổng hợp, nói cách khác, có một cuộc tìm kiếm một chìa khóa cho việc giải thích biến cố Công Đồng. Tôi muốn góp phần của mình vào nỗ lực này và cố gắng đề ra một cách đọc những chìa khóa khác nhau trong việc giải thích này.
Có ba chìa khóa chính yếu: aggiornamento (cập nhật hóa), đoạn tuyệt và canh tân trong sự tiếp tục. Khi công bố Công Đồng cho thế giới, ĐTC Gioan XXIII dùng đi dùng lại từ “aggiornamento” (cập nhật hóa), mà nhờ công lao của ngài đã đi vào tự vựng phổ quát. Trong bài huấn từ khai mạc Công Đồng, ngài đưa ra định nghĩa đầu tiên về ý nghĩa của từ này, theo ý ngài: “Công Đồng Chung thứ 21 […] muốn truyền đạt giáo lý Công Giáo một cách tinh tuyền và toàn vẹn, không một chút giảm bớt hay méo mó […]. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là canh giữ kho tàng quí báu này, như thể chúng ta chỉ quan tâm đến quá khứ, mà còn dấn thân một cách mau mắn và không sợ hãi vào những công việc mà thời đại đang đòi hỏi chúng ta, trong khi theo đuổi con đường mà Hội Thánh đã từng đi theo trong gần 20 thế kỷ qua […]. Điều cần thiết là giáo lý chắc chắn và bất biến này, mà chúng ta phải chấp nhận trung thành, phải được học hỏi và trình bày theo cách thế mà thời chúng ta đòi hỏi” [2].
Tuy nhiên, theo đà tiến triển của các công việc và các khóa của Công Đồng, hai mặt trận đối lập nhau đã từ từ được hình thành, tùy thuộc vào việc người ta nhấn mạnh đến mục đích thứ nhất hay thứ nhì được nhắc đến ở trên: thí dụ như việc tiếp tục với quá khứ hay canh tân nó. Đối với mặt trận thứ nhì, từ “aggiornamento” đã bị thay thế bởi từ “đoạn tuyệt”, nhưng nó mang trong mình một tinh thần và những chủ ý rất khác biệt. Đối với những người được gọi là cấp tiến, đó là một thành quả phải được nhiệt tình chào đón. Đối với mặt trận đối lập, thì (việc đoạn tuyệt) đó lại là thảm cảnh cho toàn thể Hội Thánh.
Đứng giữa hai mặt trận này, tức là hai mặt trận đồng ý với nhau về sự kiện đã xảy ra nhưng chống đối nhau về phán đoán của họ về sự kiện ấy, chúng ta thấy lập trường của Huấn Quyền Giáo Hoàng về “canh tân trong sự tiếp tục”. Trong thông điệp Ecclesiam Suam, ĐTC Phaolô VI trở lại với từ “aggiornamento” của ĐTC Gioan XXIII để tuyên bố rằng ngài muốn nó được coi như “nguyên tắc hướng dẫn” [3]. ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại quan điểm của vị tiền nhiệm của ngài ngay từ thủa ban đầu của triều đại ngài [4], và trong nhiều dịp, đã tự ý nói lên cùng một cách. Tuy nhiên, trên hết, Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích điều được Huấn Quyền Hội Thánh có ý nói về “canh tân trong sự tiếp tục”. Ngài đã làm điều đó chỉ vài tháng sau khi được bầu cử, trong một huấn từ dành cho Giáo Triều Rôma ngày 22 tháng 12, năm 2005. Chúng ta hãy lắng nghe vài đoạn:
“Vấn đề được đặt ra là: tại sao việc thực thi Công Đồng lại khó khăn đến thế trong phần lớn của Hội Thánh? Đúng, việc này hoàn toàn tùy thuộc vào cách giải thích đúng về Công Đồng, hay như chúng ta có thể nói thời nay, tùy thuộc vào sự chú giải đúng của nó, là chìa khóa đúng đắn cho việc giải thích và áp dụng của Công Đồng. Những vấn đề trong việc thực thi nó phát sinh từ sự kiện này là có hai cách chú giải đối chọi và bất đồng với nhau. Một cách tạo ra sự lẫn lộn, trong khi cách kia, tuy âm thầm nhưng càng ngày càng rõ ràng hơn, đã và đang đem lại hoa trái. Một đàng, là cách giải thích tôi tạm gọi là ‘chú giải gián đoạn và đoạn tuyệt’; cách chú giải này thường chiếm được cảm tình của các phương tiện truyền thông, và cũng là một chiều hướng của thần học hiện đại. Đàng khác, là ‘chú giải canh tân’”.
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng quả thực đã xảy ra một số gián đoạn và đoạn tuyệt nào đó. Tuy nhiên, nó không liên quan gì đến những nguyên tắc và chân lý căn bản của đức tin Kitô Giáo, nhưng đúng hơn liên quan đến một số quyết định trong lịch sử. Được kể trong số đó, là sự xung đột giữa Hội Thánh và thế giới hiện đại, mà cao điểm là việc lên án toàn diện chủ thuyết hiện đại (modernist) dưới triều ĐTC Piô IX. Tuy nhiên, nó cũng liên quan đến những tình trạng gần đây, như những tình trạng phát sinh từ các phát triển khoa học cũng như quan hệ mới giữa các tôn giáo, với những dính lứu của nó đến vấn đề tự do lương tâm. Chưa kể đến việc Tàn Sát Người Do Thái (Holocaust), là điều đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ lại những thái độ đối với dân Do Thái. ĐTC viết:
“Rõ ràng là trong những lãnh vực ấy, cùng góp phần vào việc hình thành một vấn đề duy nhất, một loại gián đoạn nào đó có thể xẩy ra. Thực thế, một sự gián đoạn đã lộ ra nhưng trong đó, sau khi phân biệt giữa những hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những đòi hỏi của chúng, người ta đã chứng minh được rằng sự liên tục của những nguyên tắc đã không bị loại bỏ. Người ta dễ bỏ sót sự kiện này khi nhìn thoáng qua. Bản chất của việc canh tân đích thực hệ tại ở chính sự kết hợp giữa sự tiếp tục và gián đoạn ở những mức độ khác nhau này.”
Nếu chúng ta đi từ mức độ giá trị (axiological), nghĩa là mức độ của những nguyên tắc và giá trị, sang mức độ thời gian (chronological), chúng ta có thể nói rằng Công Đồng tiêu biểu cho một sự gián đọan với quá khứ gần nhưng tiêu biểu cho một sự tiếp tục với quá khứ lâu đời. Về nhiều điểm, nhất là những điểm chính yếu liên quan đến quan niệm về Hội Thánh, Công Đồng muốn tạo ra việc trở vể nguồn gốc của mình, những nguồn Thánh Kinh và Giáo Phụ của đức tin.
Cách giải thích về Công Đồng mà Huấn Quyền đưa ra, nghĩa là canh tân trong sự tiếp tục có một tiền đề xuất sắc trong “Khảo Luận về Việc Phát Triển Giáo Lý Kitô Giáo” của ĐHY Newman, người thường được gọi là “Nghị Phụ vắng mặt của Vaticanô II”. Châ Phước Gioan Newman chứng tỏ rằng, khi chúng ta đương đầu với những tư tưởng triết học hay niềm tin tôn giáo lớn như Kitô Giáo chẳng hạn thì: “Người ta không thể xét đoán ở những bước đầu những gì sẽ là tiềm năng của nó và những mục tiêu mà nó đang tìm kiếm. […]. Trong nhiều tương quan mới mà người ta có thể gặp sẽ xuất hiện những nguy cơ và những hy vọng; và những nguyên tắc cũ tái xuất hiện dưới những hình thức khác. Nó thay đổi với chúng để vẫn luôn còn nguyên. Trong một thế giới siêu nhiên những sự việc qua đi một cách khác, nhưng ở đây, dưới thế thì sống có nghĩa là thay đổi, và sự hoàn hảo là kết quả của nhiều cuộc biến đổi” [5].
Thánh Grêgôriô Cả một cách nào đó đã tiên liệu xác tín này. Ngài nói rằng Thánh Kinh “cum legentibus crescit”,“lớn lên với người đọc nó” [6]; nghĩa là, nó lớn lên qua việc thường xuyên được đọc và sống, theo nhịp điệu của những vấn đề mới và thách đố mới nảy sinh trong lịch sử. Như thế, giáo lý đức tin thay đổi nhưng chỉ để cho nó vẫn còn chân thật với chính mình; nó thay đổi theo những bất ngờ xảy ra trong lịch sử, ngõ hầu còn nguyên trong bản chất, như ĐTC Bênêđictô XVI đã nói.
Như trường hợp ngôn ngữ, có một thí dụ khá tầm thường nhưng lại đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đã nói ngôn ngữ của thời đại Người; không phải tiếng Hipri, là ngôn ngữ trang trọng của Thánh Kinh (Tiếng La Tinh của thời đại Người), nhưng tiếng Aram của thường dân. Việc trung thành với sự kiện khởi đầu ấy không thể hệ tại ở việc cứ tiếp tục nói tiếng Aram với tất cả những ai lắng nghe Tin Mừng trong tương lai, nhưng nói tiếng Hy Lạp với người Hy Lạp, tiếng La Tinh với người La Tinh, tiếng Armênia với người Armênia, tiếng Cop với người Cop, và vân vân cho đến tận thời đại chúng ta. Như ĐHY Newman đã nói, chính nhờ thay đổi mà người ta trung thành nhất với những chỉ thị ban đầu.
2. Chữ viết giết chết, Thần Khí ban sự sống
Với tất cả sự kính trọng và mền phục đóng góp bao la và tiên phong của ĐHY Newman, một thế kỷ rưỡi sau tiều luận của ngài, và dưới ánh sáng của tất cả những gì mà Kitô giáo đã trải qua từ ngày đó, chúng ta cũng vẫn thấy có điều gì thiếu sót trong việc khai triển lý luận của ngài: là việc hầu như hoàn toàn vắng mặt của Chúa Thánh Thần. Trong động năng của việc phát triển giáo lý Kitô giáo, người ta không kể đến một cách đầy đủ vai trò ưu tiên mà Chúa Giêsu dành cho Đấng An Ủi ngõ hầu Ngài mặc khải cho các môn đệ những chân lý mà các ông chưa “có sức chịu nổi”, và hướng dẫn các ông “đến toàn thể chân lý” (Ga 16:12-13).
Thực ra, điều gì cho phép chúng ta giải quyết được sự nghịch lý của việc canh tân trong sự tiếp tục và của tính cố định trong thay đổi, nếu không phải là hành động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh? Thánh Irênê hoàn toàn hiểu điều này khi ngài viết rằng mặc khải giống như “một vật báu được giữ trong một bình quí, nhờ Chúa Thánh Thần, luôn đổi mới sự tươi trẻ của nó, làm cho chính bình chứa đựng nó cũng đổi mới sự tươi trẻ của mình” [7]. Chúa Thánh Thần không nói những lời mới. Ngài không tạo ra các bí tích mới và các cơ chế mới, nhưng Ngài luôn luôn đổi mới và sinh động hóa các lời nói, các bí tích và các cơ chế mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không làm những điều gì mới, nhưng Người làm mới mọi sự!
Việc thiếu chú tâm đến vai trò của Chúa Thánh Thần này giải thích đại đa số những khó khăn đã phát sinh trong việc tiếp nhận Công Đồng Vaticanô II. Thánh Truyền, mà nhân danh nó một số người đã bác bỏ Công Đồng, là một loại Thánh Truyền mà trong đó Chúa Thánh Thần chẳng đóng một vai trò nào cả. Nó chỉ là một mớ những niềm tin và thực hành được ấn định một lần dứt khoát, chứ không phải là làn sóng giảng huấn tông truyền, một làn sóng luôn tiến về phía trước và lan truyền qua các kỷ nguyên, và như tất cả mọi làn sóng, người ta không thể theo kịp nó nếu không di chuyển cùng với nó. Băng đá hóa Thánh Truyền bằng cách làm nó bắt đầu hay kết thúc ở một thời điểm nhất định nào đó có nghĩa là làm nó trở thành một truyền thống chết, không giống như điều được Thánh Irênê mô tả là “Thánh Truyền sống động.” Thi sĩ Charles Péguy đã giải thích chân lý thần học này như sau:
“Chúa Giêsu đã chẳng cho chúng ta những lời đã chết,
Để chúng ta có mà đóng kín trong những hộp bè con (hay những hộp to).
Và để chúng ta có mà gìn giữ trong đống dầu ôi…
Như những xác ướp Ai Cập.
Chúa Giêsu Kitô đã chẳng cho chúng ta những lời đóng hộp
Để giữ,
Nhưng Người đã cho chúng ta những lời hằng sống
Để nuôi dưỡng …
Người lệ thuộc vào chính chúng ta, những kẻ yếu đuối và xác thịt,
Để làm cho sống, để nuôi dưỡng và giữ cho sống mãi với thời gian
Những lời được công bố sống động trong thời gian” [8].
Tuy nhiên, chúng ta phải nói ngay rằng ở mặt trận đối lập cực đoan bên kia, sự việc chẳng khác gì. Ở đó, người ta cố ý nói đến một “tinh thần Công Đồng”, nhưng tiếc thay, tinh thần ấy không phải là tinh thần của Chúa Thánh Thần. Qua “Tinh thần Công Đồng” người ta đã nghe thấy thôi thúc lớn lao [hướng đến điều mới lạ], về can đảm sáng kiến, là những điều không thể được đưa vào bản văn của Công Đồng vì bị một số [nghị phụ] chống đối, và vì nhu cầu cần phải có sự nhượng bộ giữa các bên [để đạt được sự nhất trí].
Giờ đây tôi muốn cố gắng minh họa điều, đối với tôi, tạo thành sự giải thích theo Thần Khí thật sự của Công Đồng, nghĩa là vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thực thi Công Đồng. Tái sử dụng một tư tưởng táo bạo của Thánh Augustinô liên quan tới lời Thánh Phaolô về chữ viết và Thần Khí (2 Corinthians 3:6), Thánh Tôma Aquinô viết rằng:
“Chữ viết chỉ tất cả mọi luật lệ được viết ra mà ở ngoài con người, kể cả những luật luân lý trong Tin Mừng; chính vì thế cả chữ viết của Tin Mừng sẽ giết chết nếu ở bên trong không được nối kết với ân sủng thanh tẩy của đức tin” [9].
Cũng trong cùng bối cảnh này, Thánh Tiến Sĩ viết: “Luật Mới chủ yếu là chính ơn Chúa Thánh Thần được ban cho những ai tin vào Đức Kitô” [10]. Các luật của Tin Mừng cũng tạo thành Luật Mới, nhưng theo nghĩa tài liệu (material sense), như nội dung; ơn Chúa Thánh Thần mới là Luật Mới theo nghĩa chính thức (formal sense), vì chỉ có nó mới ban sức mạnh để đem những luật Tin Mừng này ra thực hành. Thánh Phaolô nó gọi là “luật thần khí ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô” (Romans 8:2).
Đây là nguyên tắc phổ quát áp dụng cho mọi luật lệ. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần, ngay cả những luật của Tin Mừng cũng chỉ một “chữ viết giết người”, thì chúng ta phải nói gì về những luật lệ của Hội Thánh, và trong trường hợp của chúng ta, phải nói gì về các sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II? Như thế, việc “thực thi” hay thi hành Công Đồng không phải là áp dụng cách thẳng thừng. Không đượctìm cách áp dụng Công Đồng theo nghĩa đen, và hầu như một cách máy móc, nhưng “trong Thần Khí”, bằng cách lắng nghe Chúa Thánh Thần, chứ không phải một ‘tinh thần Công Đồng” mơ hồ, mở ra cho tất cả mọi chủ nghĩa chủ quan. Huấn Quyền Giáo Hoàng là huấn quyền đầu tiên nhận ra nhu cầu cấp bách ấy. ĐTC Gioan Phaolô II viết trong năm 1981 rằng:
“Tòan thể công trình canh tân trong Hội Thánh mà Công Đồng Vaticanô II đã đề ra và mở đầu một cách đầy quan phòng, một cuộc canh tân vừa phải cập nhật hóa (“aggiornamento”) vừa phải củng cố điều vốn là trường cửu và tạo thành sứ vụ Hội Thánh, chỉ có thể thi hành được trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là, với sự giúp đỡ của ánh sáng và quyền năng của Ngài” [11].
3. Phải tìm những hoa quả của Công Đồng Vaticanô II ở đâu?
“Lễ Hiện Xuống Mới” mà người ta nóng lóng mong đợi đã thực sự xảy ra chưa? Một học giả nổi tiếng quen thuộc với tư tưởng của ĐHY Newman, là Ian Ker, đã đưa ra bằng chứng về tất cả đóng góp mà ngài có thể cung cấp, không những chỉ để hiểu sự phát triển của Công Đồng, mà cũng để hiều thời hậu Công Đồng [12]. Tiếp theo xác định về tính Bất Khả Ngộ của Giáo Hoàng nhân dịp Công Đồng Vaticanô I năm 1870, ĐHY Newman đã được đề cử hướng dẫn một buổi suy niệm chung về các công đồng và những xác định của chúng. Ngài đã kết luận rằng các công đồng thường hay có những hiệu quả ngoài ý định của các vị tham dự lúc ấy. Các ngài có thể thấy nhiều hơn hay ít hơn, so với những gì mà những quyết định ấy có thể đem lại sau đó.
Bằng cách này, ĐHY Newman đã không làm gì khác hơn là áp dụng vào những xác định của Công Đồng cùng một nguyên tắc phát triển, là nguyên tắc mà ngài đã minh họa liên quan đến giáo lý Kitô giáo nói chung. Như mọi tư tưởng vĩ đại khác, một tín điều sẽ không được hiểu một cách hoàn toàn cho tới khi người ta thấy những kết quả của nó cũng như phát triển lịch sử của nó. Theo hình ảnh của ngài: chỉ sau khi dòng sông rời khỏi mảnh đất gồ ghề mà từ đó nó phát sinh, nó mới có lòng sông và cuối cùng trở thành sâu rộng và tràn đầy [13]. Điều ấy đã xẩy ra với việc xác định tín điều bất khả ngộ của Giáo Hoàng: trong bầu khí nóng bỏng của lúc đó, nhiều người nghĩ rằng họ tìm thấy trong đó nhiều hơn chính Hội Thánh và chính vị Giáo Hoàng đưa ra. Xác định này đã không làm cho các công đồng chung khác trong tương lai trở nên vô dụng như một số người thời ấy lo sợ hoặc hy vọng. Công Đồng Vaticanô II minh xác điều này [14].
Chúng ta tìm thấy sự chứng thực về tất cả những điều này trong nguyên tắc chú giải về “lịch sử của những hiệu quả” (Wirkungsgeschichte) của Hans-Georg Gadamer. Theo nguyên tắc này, để hiểu một bản văn, người ta cần phải xem xét những hiệu quả mà nó đã tạo ra trong lịch sử qua việc trở nên một phần của lịch sử ấy và bước vào cuộc đối thoại với nó [15]. Nguyên tắc này xảy ra một cách mô phạm trong việc giải thích nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh. Nó không chỉ giải thích bản văn theo những gì đã xẩy ra trước nó, như cách giải thích theo lịch sử và triết học, là những cách tự giới hạn trong việc nghiên cứu các nguồn, nhưng cũng theo những gì xẩy ra sau đó. Nó giải thích lời tiên tri theo những điều ứng nghiệm nơi Đức Kitô, nó giải thích Cựu Ước trong ánh sang của Tân Ước.
Tất cả những điều ấy chiếu một ánh sáng độc đáo trên thời đại hậu Công Đồng. Có lẽ ở đây cũng thế, việc thể hiện Công Đồng thực sự nằm ở những nơi khác với những nơi chúng ta nhìn đến. Phần chúng ta, chúng ta nghĩ đến một “sự thay đổi” trong những cấu trúc và những cơ chế, chúng ta nghĩ đến một sự phân phối quyền hành khác, chúng ta bận tâm về ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, mà không ý thức rằng đó chỉ là những thay đổi quá nhỏ so với những điều mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện. Chúng ta tưởng rằng mình có thể xé rách bầu rượu cũ bằng đôi tay mình, trong khi đó Thiên Chúa ban cho ta phương pháp để xé rách những bầu rượu cũ ấy bằng cách đổ đầy chúng bằng rượu mới.
Đối với câu hỏi liệu có một ngày Hiện Xuống Mới không, chúng ta phải trả lời mà không ngần ngại rằng: Có! Nhưng đâu là những dấu chỉ khả tin? Đó là một sự canh tân về phẩm chất của đời sống Kitô hữu ở bất cứ nơi nào Lễ Hiện Xuống này được tiếp nhận. Biến cố chủ yếu về tín lý của Công Đồng Vaticanô II có thể được tìm thấy trong hai chương đầu của Hiến Chế Lumen Gentium, trong đó, Hội Thánh được định nghĩa như “bí tích” và như “dân Thiên Chúa” đang lữ hành dưới sự điều khiển của Chúa Thánh Thần, được sinh động hóa nhờ các đặc sủng của Ngài, dưới sự hướng dẫn của hàng giáo phẩm. Tóm lại, Hội Thánh là mầu nhiệm và cơ chế, là sự hiệp thông (koinonia) trước khi là phẩm trật (gerarchia). ĐTC Gioan Phaolô II củng cố cái nhìn này và biến việc thực thi nó thành ưu tiên hàng đầu khi Hội Thánh bước vào thiên kỷ niên mới [16].
Chúng ta tự hỏi: Ở đâu hình ảnh về Hội Thánh này đã chuyển từ những văn kiện sang sự sống? Ở đâu nó mặc lấy “thịt và máu” [17]? Ở đâu đời sống Kitô hữu được sống theo “luật Thần Khí” một cách hân hoan và đầy xác tín vì được lôi cuốn thay vì bị bó buộc? Ở đâu Lời Chúa được trân quý nhất? Ở đâu các đặc sủng đang được tỏ tường nhất? Ở đâu ao ước tha thiết một cuộc tân phúc âm hóa và hiệp nhất Kitô giáo được người ta cảm nhận?”
Vì chúng ta đang đối phó với một thực tại nội tâm, xẩy ra trong tâm hồn con người, nên câu trả lời tối hậu cho những câu hỏi này chỉ có một mình Thiên Chúa biết. Về lễ Hiện Xuống mới, chúng ta nên nhắc lại điều Chúa Giêsu nói về Nước Thiên Chúa: “Không ai nói; ‘Này, nó ở đây!’ hay ‘Nó ở kia!’ Quả thực, này, nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:21). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những dấu chỉ, cũng nhờ khoa xã hội học tôn giáo, là khoa chuyên về những vấn đề này. Từ quan điểm này, câu trả lời cho câu hỏi này, mà người ta luôn luôn và thưởng xuyên nghe là: những phong trào Hội Thánh!
Tuy nhiên, có một điều cần phải nhấn mạnh ngay lập tức. Những phong trào Hội Thánh cũng bao gồm, qua chất lượng của chúng nếu không phải là dưới hình thức của chúng, các giáo xứ, các đoàn thể tín hữu (hiệp hội tín hữu) và các cộng đồng mới trong đó cùng một sự hiệp thông và cùng một phẩm chất của đời Kitô hữu đang được sống. Dưới khía cạnh này, các phong trào và giáo xứ không được đặt ở vị thế đối nghịch hay cạnh tranh nhau, nhưng hợp nhất trong việc thực thi cùng một mô thức của đời sống Kitô hữu [theo nhiều cách thế khác nhau]. Cũng được kể trong số này những cộng đồng được gọi là “cộng đồng cơ bản”, là những cộng đồng mà trong đó ít nhất yếu tố chính trị không lấn át yếu tố tôn giáo.
Chúng ta cần phải khẳng định danh xưng chính xác: các phong trào “Hội Thánh” chứ không phải các phong trào “giáo dân”. Đa số các phong trào này được thành lập, không phải do một thành phần mà do tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh: chắc chắn là có các giáo dân, nhưng cũng có các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ nữa. Họ đại diện tập thể đặc sủng, là “dân Thiên Chúa” như được diễn tả trong Lumen Gentium. Chỉ vì những lý do thực tiễn (vì đã có hai Thánh Bộ Giáo Sĩ và Thánh Bộ Tu Sĩ), nên “Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân” phụ trách những phong trào này.
ĐTC Gioan Phaolô II đã nhìn thấy trong những phong trào và những cộng đồng giáo xứ sinh động này “những dấu chỉ của một mùa xuân mới của Hội Thánh” [18]. Trong nhiều dịp, ĐTC Bênêđictô XVI cũng đã đã diễn tả cùng một cảm nghĩ như thế [19]. Trong bài huấn từ lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh (2012), ngài đã nói: “Bất cứ ai quan tâm đến lịch sử của thời hậu Công Đồng đều có thể nhận ra động năng của việc canh tân thực sự, một động năng thường mang những hình thức bất ngờ trong những phong trào đầy sinh động và hầu như hữu hình hóa sức sống không bao giờ cạn của Hội Thánh, tức là sự hiện diện và sự hữu hiệu của Chúa Thánh Thần.”
Khi nói đến những dấu chỉ của Lễ Hiện Xuống mới, chúng ta không thể không nhắc đến Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng, hay Canh Tân Trong Thần Khí. Nói cho đúng, đây không phải là một phong trào Hội Thánh theo nghĩa xã hội học của thuật ngữ này (vì không có người sáng lập và cơ cấu hay linh đạo riêng), nhưng đúng hơn, nó là luồng ân sủng nhằm tự phân tán khắp nơi trong Hội Thánh, như một dòng điện trong quần chúng, và cuối cùng biến đi như một thực thể riêng biệt.
Lần đầu tiên trong năm 1973, một trong những nhà thiết kế vĩ đại của Công Đồng Vaticanô II, ĐHY Suenens, khi nghe nói về hiện tượng này, đã viết một cuốn sách nhan là “Chúa Thánh Thần, Nguồn Mạch của Mọi Hy Vọng của Chúng Ta” và đây là điều ngài kể lại trong hối ký của ngài:
“Tôi đã ngừng lại để diễn tả cuốn sách này. Tôi đã nghĩ rằng việc chú tâm đến hành động của Chúa Thánh Thần là một vấn đề có tính thống nhất cơ bản nhất, bất kể sự biểu lộ ấy có kinh ngạc như thế nào. Tôi đặc biệt quan tâm khi người ta nói đến việc đánh thức các đặc sủng; ở Công Đồng, tôi từng bênh vực chính việc đánh thức như thế.”
Và đây là điều ngài đã viết sau khi đã đích thân kiểm chứng và thực sự cảm nghiệm hiện tượng này cách cá nhân (hiện tượng đang được hàng chục triệu người Công Giáo chung chia sẽ):
“Bỗng dưng, Thánh Phaolô và Sách Tông Đồ Công Vụ dường như trở nên sống động và trở thành một phần của hiện tại; điều thực sự có thật xưa kia dường như đang xẩy ra một lần nữa trước mắt chúng ta. Đó là việc khám phá ra hành động thật sự của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hành động, như Chúa Giêsu đã hứa. Người đã giữ ‘lời’. Một lần nữa lại có sự bùng cháy của Chúa Thánh Thần trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, một niềm vui vốn đã trở thành xa lạ với Hội Thánh” [20].
Các phong trào Hội Thánh và các cộng đồng mới chắc chắn không làm cạn tất cả những tiềm năng và cuộc canh tân mong đợi của Công Đồng, nhưng chúng đáp ứng được điều quan trọng nhất trong những điều ấy, ít là dưới mắt Thiên Chúa. Chúng không thiếu yếu điểm và đôi khi một phần nào bị trôi giạt lững lờ. Nhưng có cuộc canh tân vĩ đại nào trong lịch sử Hội Thánh mà không có thiếu sót do con người tạo ra? Có phải điều ấy đã không xẩy ra ở đầu thế kỷ mười ba khi những dòng khất sĩ xuất hiện? Ở thời đại chúng ta cũng thế, chính các Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Innôcentê III, là đấng đầu tiên nhận ra và đón nhận ân sủng của thời điểm, cùng khuyến khích các giám mục khác cũng làm như thế.
4. Lời hứa đã được ứng nghiệm
Như thế, chúng ta tự hỏi, ý nghĩa của Công Đồng (Vaticanô II) là gì, khi được hiểu như bộ sưu tập các văn kiện do nó xuất bản: Dei Verbum (Lời Chúa), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), Gaudium et spes (Vui Mừng Và Hy Vọng), Nostra aetate (Thời Đại Chúng Ta), v.v…? Chúng ta có nên bỏ chúng qua một bên rồi mong đợi mọi sự từ Chúa Thánh Thần hay không? Câu trả lời được tìm thấy trong thuật ngữ mà Thánh Augustinô dùng để tóm lược sự liên hệ giữa lề luật và ân sủng: “Lề luật được ban cho để người ta tìm kiếm ân sủng, ân sủng được ban cho để người ta tuân giữ lề luật” [21]. Như thế, Chúa Thánh Thần không miễn trừ cho chúng ta sử dụng chữ viết, nghĩa là các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II. Ngược lại, chính Ngài thục giục chúng ta học hỏi chúng và đem ra thực hành. Và thực sự, ngoài các phạm vi kinh viện và đại học, là những nơi các sắc lệnh này được dùng làm tài liệu để thảo luận và nghiên cứu, thì chính trong các phong trào Hội Thánh được nhắc đến ở trên, chúng rất được trân quý.
Tôi đã kinh nghiệm điều này trong chính cuộc đời tôi. Tôi đã loại trừ được các thành kiến chống người Do Thái và chống người Tin Lành, là những thành kiến tôi đã hấp thụ trong những năm được đào luyện, không phải nhờ đọc Nostra Aetate, nhưng vì đã cảm nghiệm được Lễ Hiện Xuống mới bằng cách nhỏ bé riêng của mình, nhờ sự giúp đỡ của một số huynh đệ. Sau đó tôi cảm thấy cần phải đọc lại Nostra Aetate, và tôi cũng đọc lại cả Dei Verbum sau khi Chúa Thánh Thần đánh động trong tôi một lòng yêu thích mới đối với Lời Chúa và việc phúc âm hóa. Tuy nhiên sự di chuyển này có thể xảy ra theo hai chiều khác nhau. Một số người, mượn lời Thánh Augustinô, được dẫn từ chữ viết đến việc tìm kiếm Thần Khí, trong khi những người khác được Chúa Thánh Thần đánh động để tuân giữ chữ viết.
Thi sĩ T.S. Eliot đã viết những vần thơ có thể soi sáng chúng ta về ý nghĩa của các việc cử hành 50 năm kỷ niệm Công Đồng Vaticanô II:
“Chúng ta không bao giờ được ngừng thăm dò
Và ở cuối cuộc thăm dò
Chúng ta sẽ đến nơi mà chúng ta bắt đầu
Và lần đầu biết nơi ấy” [22].
Sau quá nhiều thăm dò và tranh luận, chúng ta đã đến địa điểm mà chúng ta đã bắt đầu; nghĩa là đến chính biến cố Công Đồng. Tuy nhiên, mọi khổ công mà chúng ta đã thực hiện để đi vòng quanh nó đều không phải là vô ích, vì theo một nghĩa sâu xa nhất, chỉ đến bây giờ chúng ta mới có thể “biết nơi ấy lần đầu”, nghĩa là biết lượng giá ý nghĩa thật sự của nó, ý nghĩa mà ngay cả các Nghị Phụ cũng không thể nhìn trước được.
Điều này cho phép chúng ta nói rằng có một sự cố kết giữa thân cây lớn lên từ Công Đồng và hạt giống mà từ đó nó đã phát sinh. Thực thế, Công Đồng đã phát sinh từ điều gì? Những từ ngữ mà ĐTC Gioan XXIII đã dùng để mô tả cảm xúc đi kèm với “việc nở hoa bất ngờ trong tâm hồn và trên môi ngài vì hai chữ Công Đồng” [23] có tất cả mọi dấu chỉ của một linh hứng tiên tri. Trong diễn từ bế mạc khoá thứ nhất, ngài nói đến Công Đồng như “Lễ Hiện Xuống mới và rất được ước ao, sẽ phong phú hóa Hội Thánh với nhiều năng lực thiêng liêng” [24].
Năm mươi năm sau, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng Thiên Chúa đã giữ lời hứa của Ngài với Hội Thánh qua môi miệng tôi trung Ngài là chân phước Gioan XXIII. Nếu chúng ta coi việc nói về Lễ Hiện Xuống mới như một việc có ít nhiều gia dĩ, vì tất cả những vấn đề và tranh luận xuất hiện trong Hội Thánh sau Công Đồng và vì Công Đồng, thì chúng ta chỉ cần đọc lại sách Tông Đồ Công Vụ để ghi nhận rằng sau Lễ Hiện Xuống Thứ Nhất, cũng không thiếu những vấn đề và những cuộc tranh luận. Và chúng cũng đã chẳng kém nóng bỏng hơn những vấn đề và tranh luận ngày nay.
Bài giảng Thứ Hai Mùa Vọng 2012 của Cha Cantalamessa
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.
____________
Ghi chú:
[1] Cf. Le Concile Vatican II. Réception et actualité à la lumière du Jubilé, par R. Fisichella, Ed. San Paolo, 2000.
[2] Jean XXIII, Discours à l’ouverture du Concile, nr. 6,5.
[3] Paul VI, Enc. Ecclesiam suam, 52; cf. aussi Enseignements de Paul VI, vol. IX (1971), p. 318.
[4] Jean-Paul II, Audience générale du 1er août 1979.
[5] J. H. Newman, Le développement de la doctrine chrétienne, Bologne, Il Mulino 1967, pp. 46 s.
[6] Grégoire Le Grand, Commentaire du livre de Job XX, 1 (CC 143 A, p. 1003).
[7] S. Irénée, Contre les hérésies, III, 24, 1.
[8] Ch. Péguy. Le Porche du mystère de la deuxième vertu, La Pléiade, Paris 1975, pp. 588 s.
[9] Thomas d’Aquin, Summa theologiae, I-IIae, q. 106, a. 2.
[10] Ibid., q. 106, a. 1; cf. Augustin, De Spiritu et littera, 21, 36.
[11] Jean-Paul II, Lettre apostolique A Concilio Constantinopolitano I, 25 mars 1981, dans AAS 73 (1981) 515-527.
[12] I. Ker, Newman, the Councils, and Vatican II, in « Communio ». International Catholic Review, 2001, pp. 708-728.
[13] Newman, op. cit. p.46.
[14] Một thí dụ còn rõ ràng hơn nữa đã xẩy ra trong Công Đồng Chung Êphêsô năm 431. Việc xác định Đức Maria là Theotokos (Mẹ Thiên Chúa), theo ý định của Công Đồng này, và nhất là của vị cổ động chính là Thánh Cyril Thành Alexandria, chỉ nhằm khẳng định tính duy nhất của ngôi vị Đức Kitô. Thực ra, nó đã mở đường cho việc nở hoa bao la của việc sùng kính Đức Maria, và đến việc xây những vương cung thánh đường đầu tiên để kính Mẹ, trong đó có vương cung Thánh Đường Đức Bà Cả ở Rôma. Sự duy nhất của ngôi vị Đức Kitô sau đó còn được xác định trong một bối cảnh khác và một cách quân bình hơn ở Công Đồng Chalcedon năm 451.
[15] Cf. H. G. Gadamer, Wahrheit und Methode, Tübingen 1960.
[16] Novo millennio ineunte, 42.
[17] I. Ker, art. cit. p.727.
[18] Jean-Paul II, Novo millennio ineunte, 46.
[19] Cf. Discours aux mouvements ecclésiaux à la veille de la Pentecôte 2006 in: The Beauty of Being a Christian. Movements in the Church. Proceedings of the Second World Congress on the Ecclesial Movements and New Communities (Frascati 31 mai – 1er juin 2006), Rome, Libreria Editrice Vaticana, 2007.
[20] Card. L.-J. Suenens, Souvenirs et Espérances, Dublin, Veritas 1992, p. 267.
[21] Augustin, De Spiritu et littera ,19, 34.
[22] T.S. Eliot, Four Quartets V , The Complete Poems and Plays, Faber & Faber, Londres 1969, p.197:
“We shall not cease from exploration
And the end of our exploring
Will be to arrive where we started
And know the place for the first time.”
[23] Jean XXIII, Discours à l’ouverture du concile Vatican II, 11 octobre 1962, n. 3, 1
[24] Jean XXIII, Discours à la clôture de la première phase du Concile, 8 décembre 1962, n. 3, 6.