THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
Hôm nay, toàn thể Giáo hội bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay- mùa của Chia sẻ, Cầu nguyện và Chay tịnh. Chính vì thế, thật thích hợp để mỗi người chúng ta suy chiêm những trụ cột quan trọng trong Mùa Chay Thánh này.
Về việc chia sẻ, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người thực thi công việc bác ái. Chúng ta biết, ngày xưa trong xã hội Dothái, bố thí hay chia sẻ là một cơ chế quan trọng giống như dịch vụ từ thiện xã hội ngày nay, nhằm tỏ rõ tình huynh đệ do Giao ước đòi buộc. Vì họ cho rằng mỗi khi cứu giúp người nghèo khổ, điều đó sẽ có sức xóa sạch tội lỗi (x. Tb 12,9). Chúa Giêsu không “tẩy chay” tinh thần tu đức này, nhưng Ngài cảnh báo cách làm máy móc, phô trương. Bởi việc chia sẻ không phải để vinh vang, đề cao chính mình cho người ta thấy, mà là công việc thực hiện trong nơi kín đáo, và để hoàn toàn một mình Thiên Chúa đánh giá nghĩa cử đó:“Cha anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”.
Điều mà chúng ta chia sẻ, không giữ lại cho mình, thì chính Thiên Chúa sẽ đón nhận. Cả đến lòng quảng đại cũng vậy. Cử chỉ chia sẻ được đầy đủ ý nghĩa khi vì yêu mà chúng ta trao tặng cho tha nhân cách nhưng không. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể “ghi sổ Tình yêu”, bởi như Thánh Bênađô: “Giới hạn của Tình yêu là yêu không giới hạn”.
Về việc cầu nguyện cũng vậy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ ngay cả việc cầu nguyện cũng không làm như bọn đạo đức giả, nghĩa là thi hành việc cầu nguyện cốt để “biểu diễn” để “tỏ cho người ta thấy”. Đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện chính là thời gian thích hợp để tâm tình với Chúa Cha, thổ lộ, tâm sự với Người về bất cứ điều gì mình thấy cần phải sẻ chia. Vì nhờ đó, hiệu quả của việc tâm tình này sẽ được Chúa Cha đón nhận, sẽ được “Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho”.
Có thể nói, cầu nguyện là điều không thể thiếu trong đời sống tại thế của Chúa Giêsu. Người làm việc không ngừng, nhưng cũng kết hiệp với Chúa Cha cách liên lỉ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha, trò chuyện tâm sự với Cha của Người. Cầu nguyện không ngừng nhất là trong những công việc quan trọng cần đến sự cố vấn của Chúa Cha luôn là điểm nổi bật trong cuộc đời Chúa Giêsu. Thế nhưng cầu nguyện là gì?
Chúng ta có thể hiểu đơn giản thế này. Cầu nguyện là một cuộc nói chuyện thân mật giữa chúng ta với Thiên Chúa như hai người bạn thân. Trong cuộc trò chuyện đó, chúng ta chia sẻ với Chúa những niềm vui, nổi buồn trong cuộc sống nhân sinh; đồng thời cũng là lúc chúng ta lắng nghe Chúa “chia sẻ” với chúng ta những nổi niềm riêng tư của Người. Sau cuộc trò chuyện, điều gì sẽ xảy đến? Chúng ta thường nói niềm vui nếu được chia sẻ sẽ nhân lên gấp bội và, nổi buồn nếu được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa. Chính vì thế, hiệu quả của việc cầu nguyện là gì nếu không phải là việc tâm hồn chúng ta được thư thái, bình an, được cảm thông và tăng thêm sức mạnh cho tâm hồn? Không chỉ vậy, cầu nguyện còn giúp chúng ta có được sự cố vấn cần thiết để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống nhờ vị Cố vấn kỳ diệu là Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không sợ lạc lối vì biết rõ đường lối của Thiên Chúa rất mực công minh và ngay thẳng nếu chúng ta tuân giữ những hướng dẫn của Người.
Còn về việc Chay tịnh, chúng ta biết, đối với người Do thái, ăn chay có nhiều ý nghĩa: – An chay là dấu hiệu để tang, thương nhớ người quá cố. Thường người ta ăn chay 7 ngày khi có tang. Điển hình là dân thành Giavết, miền Galaát khi nghe tin vua Saolê tử trận, họ đã ăn chay 7 ngày sau khi đã hỏa táng xác ông (x. 1 Sm 31, 11-13) – An chay còn là dịp để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa như ngôn sứ Đaniel ăn chay 3 tuần lễ để chuẩn bị gặp Thiên Chúa, như đoàn quân sắp giao chiến, họ phải ăn chay để “gặp Thiên Chúa giao chiến thay cho mình”. – An chay còn mang ý nghĩa sám hối, đền tội và luyện tập nhân đức.
Luật Do thái chỉ dạy ăn chay trong ngày lễ Đền tội (x. Lv 23, 27) và ăn chay để hãm mình và không làm việc (x. Lv 16, 29), thế nhưng những người Do thái đạo đức thường ăn chay một tuần hai ngày, thứ hai và thứ năm. Thời Chúa Giêsu, người Do thái rất đề cao việc ăn chay, và họ ăn chay nhiều lần. Chính Gioan Tẩy giả đã tự buộc mình trong chay trường, chỉ ăn châu chấu và mật ong và có lẽ Ngài cũng dạy các môn đệ mình giữ chay cách nghiêm nhặt (x. Mt 11, 18).
Chay tịnh, tự thân là một dấu hiệu của tang chế. Chúng ta biết, để kỷ niệm ngày đền thờ bị phá hủy, người ta ăn chay. Thế nhưng, lớn hơn cả việc phá hủy đền thờ, những người Dothái tuân giữ Lề luật Thiên Chúa cách ngay thẳng, chính trực còn biết đến một nguyên nhân khác để họ thực thi việc chay tịnh, đó là tội lỗi, là sự chết thật sự đối với mối liên hệ sống động với Thiên Chúa. Chính vì thế, trong xã hội Dothái có những nhóm thích gia tăng việc ăn chay đền tội. Nhóm Pharisêu ăn chay một tuần hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm, như đã nói ở trên. Chưa hết, họ còn thêm vào những dấu hiệu của sự tang chế cho thích hợp như không tắm rửa, không xức dầu thơm,…
Như thế, Chay tịnh chân thật “xô” chúng ta rời bỏ tội lỗi bản thân, lột trần chúng ta trước Thiên Chúa. Không phải là một cuộc biểu diễn tâm linh nhưng là một phương thế giúp chúng ta sống nghèo trước Thiên Chúa, là một của lễ hiến dâng bản thân nhờ sức mạnh của khổ chế, trong ân huệ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ta nếu ta biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Mùa Chay Thánh chỉ thực sự ý nghĩa nếu mỗi người trong chúng ta biết quay về với Thiên Chúa trong chia sẻ, cầu nguyện và Chay tịnh. Ước mong mỗi người chúng ta biết tận dụng mùa hồng ân này để từ trong cầu nguyện, chúng ta đến sống với Chúa Cha trong tình thân; từ trong chay tịnh, chúng ta ra khỏi “con người cũ” với những lầm lỗi thiếu sót của mình, để mặc lấy con người mới trong Đức Kytô; và từ trong sẻ chia, chúng ta đến với tha nhân để mang đến cho họ hơi ấm và tình yêu của Thánh Thần Thiên Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb