Chúa Nhật Lễ Lá
Lc 22, 14-13, 56
Cùng với Giáo hội, chúng ta đang sống trong những ngày trọng đại nhất của năm Phụng vụ. Với Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu từ bàn tiệc Ly đến nơi huyệt mộ. Đặc biệt hơn, với thánh sử Luca- vốn được mệnh danh là “Ký giả của lòng Chúa nhân hậu”- chúng ta còn được chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giêsu trên đường Thương khó dưới cách nhìn rất độc đáo và tấm lòng trân quý về người Thầy Chí Thánh của mình.
1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu Khổ hình vì nhân loại Có thể thấy điểm khác biệt rõ nhất nơi Tin mừng Luca so với các Tin mừng khác là ông luôn dành cho Chúa Giêsu một tình cảm đặc biệt. Chính vì thế, rất nhiều lần nếu như Máccô trình bày cuộc Thương khó cách trần trụi và bi đát, “có sao nói vậy” thì Luca, trái lại, trình bày cuộc Thương khó của Chúa Giêsu như một bài suy niệm để các môn đệ có dịp chiêm ngắm hình ảnh Thầy mình chịu Khổ hình vì tình yêu nhân loại. Vì thế, trong trình thuật Thương khó, Luca đã giảm nhẹ hầu hết những gì quá bi đát như không quá nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu bị bắt; không trích những lời sỉ vả hay xúc phạm đến thân thể Người của quân lính Rôma;…
Vì là bài suy niệm dành cho các môn đệ, nên Luca cách nào đó đã lồng vào trình thuật Thương khó những sự kiện rất riêng của mình như lời giáo huấn của Chúa Giêsu trước và sau việc lập Bí tích Thánh Thể; trên núi Ôliu, Thiên sứ hiện ra để tăng sức cho Người hay sự kiện mồ hôi máu rơi xuống đất; chữa tai tên đầy tớ thầy thượng tế; ánh mắt đầy yêu thương của Chúa khiến cho Phêrô bừng tỉnh trong sự khóc lóc ăn năn; ba lần Philatô tuyên bố Chúa Giêsu vô tội; trên Thập giá, Chúa Giêsu xin Cha tha tội cho những kẻ hành quyết Người; lời đối thoại với anh trộm lành và lời sau hết được xem như lời kinh chiều Người cầu nguyện với Cha trước khi trút hơi thở cuối cùng. Cho hay, khi chiêm ngắm đường Thương khó của Thầy, người môn đệ phải chân nhận, con đường đi qua của Thầy rồi đây cũng sẽ là con đường gắn bó với mình trong suốt cuộc đời bước theo Thầy Chí Thánh.
2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu là Đấng vô tội Luca đã không quá tốn công để bào chữa cho những lời kết án mà thủ lãnh Dothái cố tình gán ghép cho Chúa Giêsu hòng kết án Người; trái lại thánh sử đã để cho những con người từ những nhà lãnh đạo quyền thế, những ông quan toà cho đến quân lính và dân chúng tự nói lên, tự tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng vô tội, là Đấng công chính. Thật thế, chúng ta thấy, trong phiên toà xét xử Chúa Giêsu, vua Hêrôđê không thấy có bằng chứng gì để tố cáo Người nên mới trả về cho Philatô tiếp tục xét xử. Về phần mình, có đến ba lần Philatô công khai tuyên bố rằng ông không thấy Chúa Giêsu có tội gì (23,4.14.22). Rồi viên đại đội trưởng khi nhìn thấy toàn bộ sự việc đã phải thốt lên : “Người này quả thật là công chính”, đám đông thay vì biểu tình hò hét, giờ đây lại đấm ngực, lầm lũi trở về.
3. Chiêm ngắm Chúa Giêsu là Đấng nhân từ và tha thứ Đường Thương khó của Chúa Giêsu còn là dịp để chúng ta chiêm ngắm lòng nhân ái bao dung và tha thứ của Người. Hãy xem ánh mắt đầy tình yêu thương của Chúa khi quay lại nhìn Phêrô trong khi ông vẫn đang “hăng hái” chối bỏ mối quan hệ giữa mình với Thầy chỉ vì một tên tớ gái vô danh nào đấy. Anh mắt của Chúa đã kịp thời uốn nắn con người ông – một con người mà chỉ mới đây thôi còn vỗ ngực vênh váo trước mặt Thầy cũng như đồng môn : “Với Chúa, con sẵn sàng vào tù và có chết cũng cam”, giờ đây phải khóc lóc thảm thiết, ăn năn về lầm lỗi của mình. Còn đối với Giuđa, dù biết rằng anh ta phản bội, dùng cái hôn để bán đứng Thầy, nhưng không vì thế Chúa Giêsu trách mắng, trái lại Người dùng những lời lẽ nhân từ để trao đổi với anh : “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!”. Còn với người trôm lành, Chúa Giêsu cho thấy việc anh nhận ra lầm lỗi của mình, nhận ra người đang cùng chịu treo với mình là “người không làm điều gì sai trái” đủ để anh được cùng Người hưởng phúc vinh quang. Ngay như tội tày đình của thủ lãnh Dothái, của dân chúng và tất cả những ai tham dự vào vụ án này cũng được đón nhận sự tha thứ rất chân thành của Chúa khi Người cầu xin Cha đừng chấp tội lỗi của họ. Rõ ràng là, làm sao Chúa Giêsu có thể chấp nhất tội lỗi của con người, có thể quy kết tội lỗi của họ khi mà Máu Người đổ ra để cứu rỗi cho muôn người. Thập giá của Người chính là Tình yêu, chính là lòng nhân từ, sự tha thứ và cứu rỗi chứ không phải lòng oán thù, lên án và khinh khi.
Chiêm ngắm đường Thương khó Chúa là dịp để mỗi người chúng ta đồng hành và chia sẻ những đớn đau mà Chúa phải trải qua trên đường Thập giá; là dịp để chúng ta nhận ra tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ Chúa dành cho con người. Chúng ta cũng được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh trong vâng phục và yêu thương để rao giảng và làm chứng cho thế giới này biết thế nào là tình yêu đích thực, tình yêu tự hiến mà Thiên Chúa ưu ái dành cho nhân loại.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb