Chúa Nhật 22 C (Tm: Luca 14, 7-14)
(Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 22 thường niên. Luca 14, 7-14)
Ở đời, ai cũng muốn nâng cao giá trị của mình.
Ai cũng muốn ngồi chỗ nhất, ai cũng muốn tìm vinh quang.
Vinh quang mà người đời nhắm đến là quyền cao chức trọng, là giàu sang phú quý, là thủ đắc những giá trị thế trần… và thế là người ta đã cố đạt cho bằng được nguyện vọng của mình bằng bất cứ phương tiện nào, kể cả những phương tiện bẩn thỉu và độc ác nhất.
Nhưng thử hỏi: vinh quang của người môn đệ Chúa Giê-su tìm kiếm nằm ở đâu và phải dùng phương tiện nào để đạt tới?
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta một con đường để trở được tôn lên, để đạt tới vinh quang thực sự. Chính Chúa Giê-su cũng đã theo con đường nầy và đã đạt đến tột đỉnh vinh quang. Đó là trở nên rốt hèn.
Chúa Giê-su chọn chỗ rốt hèn
Khi đến thế giới nầy, Chúa Giê-su đã chọn chỗ rốt hèn.
SINH RA TRONG NGHÈO HÈN. Khung cảnh giáng sinh của Chúa Giê-su tại hang Bê-lem diễn tả đức khiêm nhường sâu thẳm của Ngài. “Anh em cứ dấu nầy mà nhận ra Người: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” [Lc 2,12]
• Đấng Cứu Thế trở thành một trẻ sơ sinh! Thật ngỡ ngàng! Không ai yếu đuối bằng một trẻ sơ sinh; không ai nhỏ bé cho bằng trẻ sơ sinh; không ai bất lực như trẻ sơ sinh, mọi thứ đều phải cậy nhờ nơi người mẹ. Chúa-Giê-su-sơ-sinh phải sống nhờ dòng sữa của một người mẹ thế gian! Phải nhờ mẹ ẵm mẹ ru dỗ vào giấc ngủ! Phải nhờ mẹ bọc trong khăn cho khỏi rét lạnh, phải nhờ cha mẹ ẵm chạy trốn sang Ai Cập mới được sống còn!… Từ một Vị Chúa Tể quyền uy cao cả nhất hoàn vũ giờ đây trở thành một người yếu ớt nhất thế gian, hoàn toàn lệ thuộc vào con người.
Sống kiếp nghèo hèn
• Chúa Giê-su không thuộc về tầng lớp giàu có hay thượng lưu trong xã hội Do-thái. Ngài không thuộc giai cấp tư tế của Đền Thờ cho người ta bái phục, cũng chẳng là kinh sư, luật sĩ cho người ta trọng vọng, cũng không thuộc hàng biệt phái có nhiều thế giá trong dân… Ngài chỉ thuộc về tầng lớp dân đen. Ngài làm nghề thợ mộc, được bà con hàng xóm gọi là “anh thợ mộc” (Mc 6,3).
• Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài sống nhờ vả người khác. (có những phụ nữ theo giúp và lấy của cải giúp Ngài cũng như nhóm mười hai môn đệ). “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu.” [Matthew 8:20]
Chết trong tủi nhục
Nhưng hạ mình đến thế cũng chưa lấy làm đủ, Ngài còn hạ mình sâu hơn khi nộp mình chịu chết rất đau thương và hèn hạ trên thập giá: bị liệt vào hàng ngũ những người tội lỗi, chết như tên tội nhân đáng bị nguyền rủa nhất. “Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép : Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ” [Galatians 3:13]
Ngài đã huỷ mình ra không
Trong khi con người luôn luôn tìm vinh quang cho mình, tìm mọi cách để khẳng định mình, củng cố địa vị của mình, làm cho mình nổi bật… thì Chúa Giê-su đã huỷ mình ra không!
Ta hãy đọc thư Philip, chương 2, câu 6 đến 11:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.”
Thế là Ngài đã tự hạ thấp đến tận cùng, không thể nào có thể thấp hèn hơn được nữa!
Nhưng hạ thấp tận cùng như thế rồi sẽ đi về đâu? Ta hãy đọc tiếp:
“ Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Đức Giê-su đã hạ mình thấp hèn nhất và vì thế, Ngài đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh lên vị trí cao vời nhất.
Như thế, đúng là: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Luca 14, 11)
Một trong những hình tượng rất sinh động để diễn tả cuộc đời khiêm hạ là hình tượng về nước. Nước lúc nào cũng khiêm tốn. Nước luôn tìm chỗ rốt hèn. Nước luôn luôn mềm mỏng, không hề va chạm với ai, không làm cho ai trầy xước cũng chẳng hề gây tổn thương cho ai… Vì thế, nước không làm ai bực mình, trái lại càng được mọi người yêu mến. Nước không hề kháng cự ai. Dù người ta có giáng búa tạ vào nước, nước cũng không hề kháng cự, thế là kẻ tấn công thấy mình ngu quá. Ai lại bổ búa xuống nước bao giờ! Thế là “nhu thắng cương, nhược thắng cường”
Nước thì luôn luôn tìm chỗ rốt hết, tìm chỗ thấp mà chảy xuống, chẳng bao giờ muốn leo cao, vì thế chẳng hề bị ai hất cẳng, chẳng bị ai ganh tị ghét bỏ bao giờ. Chuyện đời xưa nay vẫn thế, thấy người ta ngồi cao hơn mình thì mình muốn đạp người ta xuống; thấy người ta thấp bé dưới chân mình, mình muốn cúi xuống nâng đỡ người ta lên.
Nước tuy mềm mại và luôn tìm chỗ thấp hèn như thế, nhưng nước lại có sức mạnh phi thường.
Nước xói mòn tất cả. Dù rắn như đá thì “nước chảy đá cũng phải mòn”.
Nước rửa sạch tất cả! Cuốn trôi tất cả! Đúng là “nhu thắng cương, nhược thắng cường” (Lão Tử)
Nước hiện diện khắp nơi, nước len lõi vào mọi ngõ ngách của địa cầu.
Nước đem lại sự sống cho mọi loài. Nơi đâu thiếu nước, ở đó chỉ có sa mạc, khô cằn và sự chết. Nước đi đến đâu, ở đó có dồi dào sự sống.
Chúa Giê-su chính là “NƯỚC”, “NƯỚC BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI.”
Xin cho chúng con, những người môn đệ Chúa, biết chọn chỗ rốt hèn như “Nước”, biết sống khiêm hạ như Chúa Giê-su.
LM Ignatiô Trần Ngà