Chủ Nhật II Mùa Vọng, Năm B
Bài đọc: Isaiah 40:1-5,9-11; 2 Peter 3:8-14; Mark 1:1-8
Thông điệp chính của Chủ Nhật I Mùa Vọng là nhìn lại cuộc đời mỗi người để nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thông điệp chính của Chủ Nhật này, tuần II Mùa Vọng: Phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa, để dọn đường cho Chúa vào nhà của mỗi người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah đòi dân Do-Thái điều mà tác giả một bài hát Mùa Vọng của Việt Nam sắp xếp lại cho dễ nhớ: “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.” Trong Bài đọc II, Thánh Phêrô đòi các tín hữu: “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả lặp lại lời Tiên Tri Isaiah: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa an ủi dân Người.
Bài đọc hôm nay, bắt đầu chương 40, là phần giới thiệu của Sách thứ hai của Tiên Tri Isaiah. Sách này được viết trong Thời Lưu Đày (721-538 BC). Lưu đày nơi xứ lạ quê người, dân Do-Thái phải đương đầu với nhiều đau khổ, và có nguy hiểm đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Tin Mừng được loan báo: Thiên Chúa, mặc dù phải sửa phạt để thanh luyện dân, vẫn không ngừng theo dõi và quan tâm đến cuộc sống của họ. Ngài sai các tiên tri đến để sống với, an ủi, và khích lệ dân đừng đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, như Tiên Tri Isaiah nói: Thiên Chúa anh em phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.” Qua những lời an ủi này, Tiên Tri muốn nói với dân: Chúa sửa phạt vì muốn cho họ trở nên tốt, chứ không phải vì ghét bỏ và muốn tiêu diệt họ.
1.2/ Chuẩn bị đường cho Chúa tới: Thời gian Lưu Đày được ví như thời gian mà Môsê hướng dẫn dân suốt 40 năm trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Thời gian này cần vì nó giúp dân thanh tẩy những thói hư tật xấu: càm ràm, than trách, so đo, mê ăn uống, vô ơn, thờ bụt thần.
Cũng thế, trước khi Thiên Chúa phóng thích dân khỏi lưu đày và cho hồi hương để kiến thiết xứ sở, Ngài đòi dân phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tính hư tật xấu, tượng trưng bằng hình ảnh chuẩn bị “một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.” Tiên Tri đưa ra cách cho dân lưu đày cần phải chuẩn bị:
– Quanh co uốn cho ngay: cần dẹp bỏ những mưu mẹo gian manh để đánh lừa người khác.
– Gồ ghề san cho phẳng: cần san phẳng những ghen ghét, tị hiềm, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian.
– Hố sâu lấp cho đầy: cần lấp đầy những lòng tham không đáy về những sự thế gian: tiền của, uy quyền, danh vọng, thỏa mãn xác thịt.
– Núi đồi phải bạt xuống: những kiêu ngạo khinh thường Thiên Chúa và tha nhân phải bạt xuống; đồng thời biết khiêm nhường thực thi những lời Chúa dạy bảo qua các tiên tri.
1.3/ Thiên Chúa sẽ viếng thăm Dân Ngài: Sau khi con người đã thanh tẩy tâm hồn, “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người sẽ cùng được thấy miệng Đức Chúa đã tuyên phán.” Điều Tiên Tri nhìn thấy trước ở đây không phải chỉ là Ngày dân Do-Thái được giải phóng, hồi hương; nhưng còn là Ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện và dạy dỗ họ.
Tiên Tri nói về Đấng Cứu Thế như sau: “Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.” Đấng Cứu Thế sẽ lập nhiều chiến công hiển hách; tất cả những chiến công Người đạt được, dân chúng sẽ được hưởng những chiến công này.
Tiên Tri nói tiếp: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” Đấng Cứu Thế không những là Vua, Người còn là Mục Tử Nhân Lành. Người sẽ tận tình dẫn dắt cả chiên mẹ và chiên con. Đây là hình ảnh Đức Kitô khi Người tuyên xưng: “Ta là Mục Tử Nhân Lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (John 10:14).
2/ Bài đọc II: Phải kiên nhẫn chờ đợi!
2.1/ Điều Chúa hứa chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi: Các tín hữu tiên khởi cũng hiểu sai về Ngày của Thiên Chúa. Họ tưởng Ngày Chúa đến lần hai sẽ xảy ra ngay trong thời đại của họ; nhưng khi thấy chờ mãi không xảy ra, họ chán nản và nhiều người quay về nếp sống cũ. Cả hai Thánh Phêrô và Phaolô (Thư gởi các tín hữu Thessalonica) cùng khuyên dân phải kiên nhẫn đợi chờ. Các Ngài cắt nghĩa các lý do như sau:
(1) Thời gian của Thiên Chúa khác với thời gian của con người: Thánh Phêrô nói: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ.”
(2) Lý do tại sao phải tỉnh thức chờ đợi: Ngày của Chúa chưa tới, vì:
– Chúa muốn mọi người đều có cơ hội ăn năn: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải.”
– Sự bất ngờ của Ngày Chúa đến: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.”
2.2/ Phải chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Chúa: Cũng một tư tưởng như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I và Marco trong Phúc Âm, Thánh Phêrô khuyên các tín hữu trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến, họ phải sống đạo đức, công chính, và thánh thiện tinh tuyền: “Anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Nếu không chuẩn bị, họ sẽ phải chung số phận với sự tiêu tan của vũ trụ: “Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.”
3/ Phúc Âm: Tin Mừng được loan báo.
3.1/ Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đức Kitô: Bắt đầu từ hôm nay, Tin Mừng của Marco sẽ được dùng trong suốt Năm Phụng Vụ B. Thánh Marco mở đầu Tin Mừng của ngài bằng câu: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.”
(1) Tin Mừng và người loan báo Tin Mừng: Tin Mừng là chính Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Người loan báo Tin Mừng có thể là chính Đức Kitô, khi Người mặc khải về Thiên Chúa Cha; hay các tiên tri, như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I, các môn đệ của Chúa Giêsu; và ngay cả mọi tín hữu khi chúng ta rao giảng Tin Mừng.
(2) Sứ giả đi trước để dọn đường: Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước để dọn đường cho Đức Kitô. Chúng ta biết sau Thời Lưu Đày (538 BC) cho đến thời Đấng Cứu Thế, cả hơn 500 năm, không có một tiên tri nào trong Israel cho đến thời của Gioan Tẩy Giả, ông được coi là tiên tri sau cùng của Cựu Ước, và là tiên tri giao thời giữa Cựu và Tân Ước. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là ứng nghiệm lời của các tiên tri đã nói về ông:
– Ứng nghiệm lời tiên tri Malachi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Malachi 3:1). Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, ông đi trước để dọn đường cho Đức Kitô.
– Ứng nghiệm lời tiên tri Isaiah trong Bài đọc I hôm nay: “Có tiếng hô trong sa mạc.” Tiếng hô trong sa mạc là chính Gioan Tẩy Giả. Ông Gioan sống trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Cuộc sống đơn giản của Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta suy nghĩ về lối sống của người môn đệ Chúa: chúng ta có cần lệ thuộc quá nhiều vào vật chất như cuộc sống của mỗi người chúng ta hiện nay không?
(3) Sứ điệp của sứ giả dọn đường: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Sứ điệp này cũng đã được Isaiah đề cập chi tiết trong Bài đọc I.
(4) Phép Rửa để tha tội: Theo truyền thống Do-Thái, Phép Rửa này chỉ dành cho những người muốn trở lại đạo Do-Thái: người tân tòng phải chịu cắt bì – dâng của lễ đền tội – và chịu thanh tẩy bằng nước. Điểm đặc biệt trong trình thuật hôm nay, Gioan bắt ngay cả những người Do-Thái gốc cũng phải lãnh nhận Phép Rửa này: “Mọi người từ khắp miền Judah và thành Jerusalem kéo đến với ông.” Sở dĩ Gioan Tẩy Giả bắt họ cũng phải qua tiến trình này vì có những người Do-Thái chỉ có đạo trên danh nghĩa mà không thực sự biết kính sợ Thiên Chúa. Cũng như có những người Công Giáo mà không bao giờ thực hành đạo của mình.
(5) Phải thú tội trước khi làm phép rửa: “Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Jordan.” Một cuộc hóan cải đòi hối nhân phải nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, sự tốt lành của Thiên Chúa, và thành tâm thú nhận tội lỗi trước khi xứng đáng được hưởng ơn tha thứ. Tất cả những gì được mô tả trong trình thuật hôm nay, là căn bản cho thần học về 2 Bí-tích: Rửa Tội và Giao Hòa (hay Giải Tội).
3.2/ Gioan Tẩy Giả nói về Đấng Cứu Thế: một cách vắn tắt như sau:
(1): Người trổi vượt hơn tôi: Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Một câu rao giảng cũng là một lời tuyên xưng cho mọi người biết: ông biết uy quyền cao cả của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng biết sự hèn hạ thấp kém của mình. Ông không muốn ai lẫn lộn ông với Chúa Giêsu.
(2) Phép Rửa để tha tội và Phép Rửa ban ơn thánh: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa của Chúa Giêsu không chỉ tha thứ mọi tội lỗi, nhưng còn ban các ơn của Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải biết chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Cách chuẩn bị thích hợp nhất là xét mình để nhận ra các tội của mình đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân; sau đó phải thú nhận tội lỗi để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ.
– Chúng ta phải biết kiên nhẫn đợi chờ Ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi Ngày đó, chúng ta phải biết sống đạo, thực hành công chính, và giữ cho con người luôn tinh tuyền thánh thiện.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP