Lễ Suy Tôn Thánh Giá rất hòa điệu với thần học cứu độ của thánh Gioan. Trong bốn thánh ký, thánh Gioan là thánh ký duy nhất liên kết ý tưởng vinh quang của Thiên Chúa với hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh.
Đây là ngày lễ mâu thuẫn nhất trong các ngày lễ Ki-tô giáo: thập giá, dấu chỉ của sự ô nhục nhất, hình ảnh ghê tỡm nhất, dụng cụ dã man và phi nhân nhất, đã trở thành biểu hiệu của sự khải hoàn và vinh quang. Con Thiên Chúa đã chấp nhận chịu khổ nạn để biến đổi đau khổ thành sự hòa giải giữa trời với đất, và sự chết thành con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Ds 21: 4-9
Vì dân Ít-ra-en trách cứ Thiên Chúa và ông Mô-sê, Thiên Chúa trừng phạt dân bằng cách cho rắn độc đến cắn chết họ. Dân chúng sám hối và cầu xin Chúa tha thứ. Thiên Chúa tha thứ bằng cách truyền cho ông Mô-sê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.
Tv 78 (77): 1-2, 34-38
Những câu trích dẫn của Tv 78 (77) có chủ ý diễn tả tâm tình phụng vụ của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá này. Thiên Chúa biểu lộ tấm lòng phụ tử của Người đối với dân Người. Khi dân lỗi phạm, Thiên Chúa trừng phạt dân; nhưng “Người vẫn xót thương, tha thứ, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí”.
Pl 2: 6-11
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta suy niệm mầu nhiệm tự hạ và tôn vinh của Đức Ki-tô trong bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô. Đây là lời chứng đáng chú ý của Giáo Hội tiên khởi.
Galatians 3:13-17
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su áp dụng bản văn Ds 21: 4-9 cho chính mình: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
BÀI ĐỌC I (Ds 21: 4-9)
Sách Dân Số, tiếp theo sau sách Xuất Hành và sách Lê-vi, lấy lại và bổ túc những yếu tố chuyện kể cũng như những yếu tố lề luật của hai sách trước. Sách mang tên Dân Số là do việc kiểm tra dân số của mười hai chi tộc Ít-ra-en, theo lệnh của ông Mô-sê trước khi xuất hành ra khỏi núi thánh Xi-nai.
1. Bối cảnh:
Giai thoại con rắn đồng thuộc vào giai đoạn sau cùng của cuộc hành trình dài lâu trong sa mạc. Sau một thời gian tạm nghỉ ở ốc đảo Ca-đê trong sa mạc, họ lại tiếp tục cuộc hành trình hướng về phía bắc Pa-lét-tin. Họ phải chịu đói chịu khát và chán ngấy bánh man-na: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21: 5). Trước đây, họ đã hoan hĩ đón nhận bánh man-na, nhưng gần cuối cuộc hành trình, họ khao khát được nếm những thức ăn đa dạng hơn, vì thế họ đã kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê.
2. Thiên Chúa trừng phạt dân:
Trình tự tái diễn đều đặn trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc đó là: dân Ít-ra-en cằn nhằn gây sự và tỏ thái độ ngờ vực, vì thế Thiên Chúa trừng phạt dân. Dân hối hận ăn năn và cầu xin ông Mô-sê cầu bầu cho họ. Sau cùng Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa còn triệt để hơn: không một người Ít-ra-en nào thuộc thế hệ ra khỏi Ai-cập sẽ được đặt chân vào Đất Hứa, vì thế hệ này nghi ngờ Thiên Chúa.
Ở giai thoại được kể hôm nay, dân chúng trách cứ Đức Chúa lẫn ông Mô-sê, vị trung gian của Ngài, vì thế Thiên Chúa phạt dân bằng cách cho rắn độc đến hại dân: “Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết”.
3. Lời cầu bầu của ông Mô-sê:
Trước tai ương, dân chúng ăn năn và xin ông Mô-sê cầu thay cho mình. Một lần nữa, ông Mô-sê cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho dân của Ngài. Sách Dân Số ghi lại nhiều lời cầu thay nguyện giúp của ông Mô-sê thật cảm động. Đức Chúa động lòng và tha thứ cho dân. Trong trường hợp này, Đức Chúa bảo ông Mô-sê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21: 8).
4. Con rắn đồng:
“Lấy độc trị độc” là một phương thức chữa trị rất cổ xưa. Mặt khác, việc cúng tế con rắn như một vị thần linh rất phổ biến giữa các dân tộc thời xưa. Việc thờ phượng này do việc nọc độc của vài con rắn trở nên phương thuốc hiệu nghiệm trong việc điều trị nhiều chứng bệnh. Ở Hy-lạp, thần Esculape được gọi thần dược, mà biểu tượng của thần là một con rắn quấn quanh một chiếc đủa. Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, có một bức tượng con rắn đồng được truyền tụng là con rắn đồng do ông Mô-sê đúc trong sa mạc và được tôn thờ mãi cho đến thời vua Khít-ki-gia (716-687 trước Công Nguyên) mới thôi (2V 18: 4).
Ông Mô-sê sử dụng tín ngưỡng dân gian nhưng đưa vào đây một viễn tượng tôn giáo thờ Đức Chúa (Giáo Hội Ki-tô hóa các nghi thức ngoại giáo cũng theo cách thức như vậy). Chính Thiên Chúa cho dân một phương thế cứu chữa và đòi hỏi dân một hành vi đức tin vào Ngài. Tác giả sách Khôn Ngoan đã chú giải giai thoại này theo cùng một chiều hướng như vậy: “Họ phải chịu hành hạ ít lâu như là chịu một lời cảnh cáo; rồi họ được một dấu hiệu cứu thoát nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền. Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16: 6-7).
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su áp dụng hình ảnh này vào chính Ngài: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
THÁNH VỊNH 78 (77): 1-2, 34-38
Toàn bộ thánh vịnh 78 (77) là một “thánh vịnh lịch sử”, thuật chuyện dân Ít-ra-en từ thời lưu đày cho đến triều đại vua Đa-vít. Thánh vịnh này nhằm mục đích giáo huấn về lòng trung thành và biện minh cho việc Thiên Chúa loại bỏ nền phụng tự trong vương quốc miền Bắc (c. 67) và chọn lựa Giu-đa làm nơi Ngài ngự (cc. 68-69). Thánh vịnh này cốt là một dẫn nhập mang tính giáo huấn (cc. 1-11) được theo sau bởi hai bài trình thuật song song về lịch sử cứu độ (cc. 12-31 và cc. 43-55), mỗi bài trình thuật đều dẫn đến hậu quả của nó (cc. 32-42 và cc. 56-72).
Đoạn trích của Tv 78 (77) trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay được cấu trúc như sau:
A.Mời gọi dân chúng lắng nghe giáo huấn của mình (cc. 1-2):
1. “Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo, lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi”: Câu mở đầu này mang tính giáo huấn gợi nhớ những thánh vịnh minh triết (x. Tv 49: 2-5). 2. “Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xưa”: Thuật ngữ “huấn dụ” được dịch từ tiếng Híp-ri “ma-sal” có một phạm vi ngữ nghĩa rộng lớn hơn thuật ngữ “dụ ngôn”. Ở đây, thuật ngữ huấn dụ này có nghĩa “giáo huấn”. Thánh Mát-thêu trích dẫn câu này khi quy chiếu đến giáo huấn của Đức Giê-su (Matthew 13:35).
B.Tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài (cc. 34-38):
a.Trừng phạt ngỏ hầu dân tỉnh ngộ (cc. 34-35)
34. “Khi Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa, mới trở lại và mau mắn kiếm Người”: Diễn tả theo cùng một ý tưởng ở Tl 2: 10-19. 35. “Mới nhớ rằng Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ”: “Núi đá” là một thuật ngữ Kinh Thánh thường hằng chỉ ra Đức Chúa là Đấng bảo vệ và cứu độ (x. Đnl 32: 15, 18, 37; 1Sm 2: 2; Tv 62: 7-8; 73: 26; I s 26: 4; 44: 8; vân vân). Hai câu 34-35 này muốn nói rằng khi dân lỗi phạm, Thiên Chúa trừng phạt dân, nhưng không nhằm làm nguôi cơn tức giận của Ngài cho bằng giúp cho dân Ngài nhận ra rằng chỉ duy ở nơi Ngài dân mới gặp thấy nơi trú ẩn vững chắc và là nguồn mạch cứu độ.
b.Sự tương phản giữa sự bất trung của dân Ngài và tấm lòng xót thương của Thiên Chúa (cc. 36-38).
36. “Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người”: Mô tả sự phản trắc của dân Chúa trong lời nói. 37. “Còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người”: Mô tả sự bất trung của dân Chúa trong lòng cũng như hành động. 38. “Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí”: Mô tả lòng xót thương bao la của Chúa đối với những lỗi phạm của dân Ngài (x. Ds 14: 18-19; Đnl 4: 31; Xh 34: 6-7; Tv 103: 8-9; vân vân). Rõ ràng, qua ba câu này, tác giả có chủ ý nhấn mạnh sự tương phản giữa sự phản trắc và bất trung của dân Ngài trong lời nói, trong lòng cũng như hành động (cc. 36-37) và tấm lòng xót thương vô hạn của Thiên Chúa đối với những lỗi phạm của dân Ngài (c. 37).
Toàn bộ đoạn trích dẫn của Tv 78 (77) này ăn khớp với bầu khí Phụng Vụ của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá. Những gì Thánh Vịnh mô tả về tấm lòng xót thương và hay tha thứ của Thiên Chúa đối với dân Ngài rất phù hợp với Bài Đọc I (Ds 21: 4-9) và Tin Mừng hôm nay (Galatians 3:13-17).
BÀI ĐỌC II (Pl 2: 6-11)
Đoạn thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Phi-líp-phê này là một thánh thi bằng văn xuôi có nhịp điệu, gồm sáu khổ thơ. Ba khổ thơ đầu vạch lại ba giai đoạn tự nguyện hạ mình của Đức Ki-tô, trong khi ba khổ thơ còn lại nói về ba giai đoạn tôn vinh của Ngài.
Người ta không khỏi ngạc nhiên khi gặp thấy ở nơi cung giọng nồng nàn nhưng thân quen, những dòng thơ khôn sánh này, như nguồn cảm hứng tuôn trào một mạch từ ngòi bút. Người ta không biết phải chăng thánh Phao-lô là tác giả hay chỉ là người trích dẫn. Bài thánh thi này, bằng Hy ngữ, được phô diễn hết sức văn chương. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn phát hiện ở nơi bài thánh thi này những ảnh hưởng của ngôn ngữ A-ram. Phải chăng có một bản văn bằng tiếng A-ram trước bản văn Hy ngữ này? Nếu vậy, chúng ta đang đứng trước một bài thánh thi phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi. Dù thế nào, chúng ta có ở đây một chứng liệu rất quý, một trong những bản văn rất cổ xưa về thần học Đức Ki-tô; nhất là nó mang đến một lời chứng có giá trị đầu tiên về đức tin tiên khởi vào cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su, trước cả Tựa Ngôn của thánh Gioan.
1. Ba giai đoạn tự hạ của Đức Ki-tô:
1- Đức Giê-su, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nhất quyết đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa.
2- Ngài tự hủy mình ra hư không và mặc lấy thân phận thấp hèn, nên giống phàm nhân, nghĩa là chia sẻ tất cả mọi chiều kích mỏng dòn yếu đuối của thân phận chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
3- Ngài lại còn hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết ô nhục trên thập giá.
2. Ba giai đoạn tôn vinh của Đức Ki-tô:
1- Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban tặng cho Ngài danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Chữ “danh hiệu” được hiểu theo nghĩa tuyệt đối: “Danh khả danh phi thường Danh”, nghĩa là danh hiệu này chỉ dành riêng cho một mình Đức Ki-tô. Quả thật, đây là danh của “Đức Chúa”, mà theo truyền thống Do thái dành riêng để chỉ tên khôn tả của Thiên Chúa, vì thế Danh hiệu này “trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu”.
2- Muôn loài muôn vật phải phụng thờ Ngài.
“Để vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”. Không phải vì tên gọi của Ngài là Giê-su, vì tên gọi này vào thời ấy khá phổ biến, đó là lý do tại sao tên gọi này thường được đám đông xác định thêm: “ông Giê-su thành Na-da-rét”; nhưng đúng hơn vì danh Giê-su đồng nhất với danh Đức Chúa như khổ thơ trước chỉ cho thấy.
“Cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty, muôn vật phải bái quỳ”: Câu này muốn nói rằng không chỉ con người có bổn phận phải tôn thờ Ngài, nhưng tất cả cả muôn loài thọ tạo đều phải tôn thờ Ngài. Đây là đề tài chúng ta sẽ gặp lại ở sách Khải Huyền: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chức tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5: 13).
3- Sau cùng, Thiên Chúa ban cho Đức Giê-su quyền tối thượng hoàn vũ qua tước vị “Chúa”: “Để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’”. Vì thế, những người Ki-tô hữu tiên khởi đã không ngần ngại ban tặng cho Đức Giê-su tước vị mà Cựu Ước dành riêng cho chỉ một mình Đức Chúa. Đây là lời tuyên tín đặc trưng của Giáo Hội tiên khởi trên đó thánh Phao-lô nhấn mạnh nhiều lần Thần Tính của Đức Giê-su trong các thư của mình, cũng như thánh Lu-ca trong sách Công Vụ.
Xin ghi nhận cuối cùng, bài thánh thi định rõ “để tôn vinh Chúa Cha”. Đây cũng là một nét thần học xứng đáng nhấn mạnh: siêu tôn Đức Giê-su đồng nghĩa tôn vinh Chúa Cha. Phụng Vụ Ki-tô giáo sẽ theo đường hướng này: mọi lời chúc tụng dâng lên Đức Ki-tô đều là tôn vinh Chúa Cha.
3. Noi theo Mẫu Gương của Đức Ki-tô:
Thánh Phao-lô rất yêu quý các tin hữu Phi-líp-phê mà thánh nhân đã sáng lập vào năm 49-50 và đây là cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên trên đất Châu Âu. Phi-líp-phê là một thành phố quan trọng thuộc miền Ma-kê-đô-ni-a; thành phố này được đặt tên theo tên vua Phi-líp-phê, cha của đại đế A-lệ-xan-đê. Khi viết cho các tín hữu Phi-líp-phê, thánh nhân đang sống trong cảnh giam cầm. Thánh nhân ước mong các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài biết đồng tâm nhất trí với nhau, nhất là khiêm hạ tận đáy lòng. Vì thế, thánh nhân đưa ra cho họ mẫu gương của Đức Ki-tô.
TIN MỪNG (Galatians 3:13-17)
Lễ Suy Tôn Thánh Giá rất hòa điệu với thần học cứu độ của thánh Gioan. Trong bốn thánh ký, thánh Gioan là thánh ký duy nhất liên kết ý tưởng vinh quang của Thiên Chúa với hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Đối với thánh Gioan, Thánh Giá không đơn giản là những đau khổ và sỉ nhục, nhưng là dấu chỉ khải hoàn của Thiên Chúa; Đức Giê-su được tôn vinh khởi sự trên đồi Can-vê.
Vì thế, vào ngày lễ hôm nay, Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta suy niêm một bản văn Tin Mừng Gioan, bản văn gợi lên cảnh tượng Thánh Giá vinh quang.
1. Ngữ cảnh:
Đoạn Tin Mừng này được trích từ cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, một người Pha-ri-sêu vị vọng. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm, sau này ông sẽ bày tỏ thái độ thiện cảm của mình đối với Ngài cách kín đáo(7: 48-52) và cuối cùng sẽ công khai tỏ ra mình là môn đệ của Đức Giê-su khi dự phần vào việc mai táng Ngài (19: 34).
Tuy nhiên, phần cuối của cuộc chuyện trò (3: 11-21), trong đó bản văn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay, không còn hình thức đối thoại. Quả thật, trong suốt phần cuối này, chúng ta không còn gặp thấy hai đại từ số ít: “tôi” và “ông” trong phần đối thoại trước đó, nhưng thay vào đó là hai đại từ số nhiều: “chúng tôi” và “các ông”. Có lẽ ông Ni-cô-đê-mô vẫn còn có mặt ở đó, nhưng không còn tham dự vào cuộc đối thoại nữa. Người đọc có ấn tượng rằng chính ở bên kia ông Ni-cô-đê-mô, một nhân vật có thế giá của Do thái giáo, Chúa Giê-su mở ra một viễn cảnh của cuộc đối thoại giữa Ki-tô giáo và Do thái giáo vào thời Giáo Hội sau này.
2. Thánh giá, tự hạ và tôn vinh:
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”. Trong Tin Mừng Gioan, đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su tự nhận cho mình tước hiệu “Con Người”. Tước hiệu này gợi lên thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en trong đó một nhân vật được gọi “Con Người” vừa thuộc về thiên giới, siêu việt, vừa dự phần vào nhân tính (Đn 7: 13-14). Trong đoạn Tin Mừng này, tư tưởng được khai triển giống như bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê: từ cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su bên cạnh Chúa Cha đến việc hạ mình của Ngài trong biến cố Nhập Thể, và sau cùng Ngài được Chúa Cha tôn vinh trên trời.
3. Thánh Giá, dấu chỉ của ơn cứu độ:
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. Trong câu này, thánh Gioan có chủ ý dùng một động từ “giương cao” mặc lấy hai nét nghĩa: vừa theo nghĩa đen “đưa cao lên”, vừa theo nghĩa bóng “chúc tụng, tôn vinh”. Chúng ta cũng gặp thấy như vậy ở nơi hai lời công bố của Chúa Giê-su: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12: 32-33) và “Khi các ngươi giương cao Con Người lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (8: 28). Nếu con rắn đồng đã là dấu chỉ cứu chữa hữu hiệu đối với dân Do thái, thì Con Người được giương cao lên trên thập giá còn hiệu nghiệm biết là ngần nào: “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
4. Thánh Giá mặc khải tình yêu Thiên Chúa:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Thánh Gioan lấy lại cùng những từ ngữ trong thư thứ nhất của mình. Đây là ý tưởng rất tâm đắc đối với thánh Gioan, vị thánh ký duy nhất ban tặng cho Đức Giê-su tước hiệu “Con Một”. Tước hiệu này có lẽ ám chỉ người con một của ông Áp-ra-ham là I-xa-ác, người con mà ông Áp-ra-ham đã dẫn lên núi cao để hiến tế cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong phần kết của câu chuyện này, Thiên Chúa chứng thực tấm lòng nhất mực trung tín của ông Áp-ra-ham đối với Ngài: “Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của người” (St 22: 15) nên đã tha chết cho I-xa-ác bằng cách thế vào một con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22: 13). Chắc hẳn thánh Phao-lô đã suy niệm sâu xa cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su trong ánh sáng của câu chuyện này khi thánh nhân viết cho tín hữu Rô-ma: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Romans 8:32).
Ân ban tận mức này của Chúa Cha là lời chứng xúc động nhất về tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại không gì khác hơn là muốn mọi người được cứu độ để được sống đời đời: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Sau này, cũng chính thánh Gioan trong mối xúc cảm dâng trào đã viết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Galatians 4:10). Thánh Giáo Phụ I-rê-nê cũng đã suy niệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa như vậy: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Chúa Giê-su trên thập giá không là một Thẩm Phán, nhưng là Đấng Cứu Độ. Giờ thập giá là giờ mà tấm lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa trổi lên khúc ca khải hoàn. Đây là giờ vinh quang tột bậc của tình yêu Thiên Chúa rực rỡ hơn bao giờ hết đối với nhân loại.
LM Ignaxiô Hồ Thông