Chúa Chiên Lành

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH, B

Ga 10,11-18

Thưa quí vị.

Trong thời gian tôi sống ở miền West Virginia (Mỹ). Tôi được chỉ định phục vụ một giáo xứ nhỏ. Cộng đồng giáo dân đa số làm phu mỏ và nghề nông. Đây là cơ hội tốt để suy tư về bài Tin mừng hôm nay: Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành. Chung quanh dẫy Appalachia toàn đồi núi và cao nguyên, không có nhiều ruộng đồng bằng phẳng để trồng hoa màu. Thành thử cư dân sống bằng nghề chăn nuôi dê, cừu, trâu, bò. Những loại súc vật không kén địa thế. Chúng có thể gặm cỏ trên những dải đất dốc như sườn đồi, triền núi. Trong buổi học hỏi về đoạn Tin mừng này, bất thần một nông dân hỏi tôi: “Cha có biết một trăm con cừu gặm cỏ ở cánh đồng, một con nhảy ra ngoài hàng rào thì còn lại bao nhiêu không?” Tôi ngẩn người vì câu hỏi quá dễ, đứa con nít sáu bảy tuổi cũng có thể trả lời được: Chín mươi chín con. Thấy tôi trả lời ngây thơ cả hội nghị cười khúc khích. Họ biết rõ câu trả lời của tôi sai một trăm phần trăm! Tôi sinh trưởng ở quận Brooklyn, thành phố New York, nơi chẳng có nhiều đất để chăn nuôi hay làm ruộng thì làm sao tôi biết được tình tiết của nghề này. Tôi hỏi lại bác nông dân: Vậy bác bảo còn bao nhiêu? Mọi người cùng nói: Chẳng còn con nào cả. Một con nhảy ra là cả đàn cùng nhảy theo. Giống cừu ngu lắm! Thấy động là toàn thể làm theo một con. Tôi ngạc nhiên vì chưa biết tính nết đó của loài cừu, cho nên không dám khẳng định rằng mình có thể tự hào vì được làm một trong những con chiên của đoạn Tin mừng hôm nay không?

Dầu sao, câu truyện sau đây khiến tôi tự tin phần nào. Số là trong biến cố ám sát tổng thống John F. Kennedy ngày 22.11.1963 tại thành phố Dallas. Có một người hoàn toàn thất vọng. Ông ta là cận vệ của tổng thống. Người ta trả lương cao cho ông với nhiệm vụ đỡ đạn cho vị Nguyên thủ quốc gia mỗi khi có sự cố. Ông ta đã thất bại và bị sa thải. Sau những ngày buồn sầu, ông quyết định đi tìm cơ hội khác. Ông vào làm cho các thương gia giầu có, và trong một cuộc tranh chấp, ông đã bị tử thương vì đỡ đạn cho chủ mình. Ở nước Mỹ, hai hạng người thường dễ bị ám sát: Các chính trị gia và các ông chủ buôn bán lớn. Họ trừ khử lẫn nhau vì quyền lợi hay địa vị. Do đó, phát sinh nghề đỡ đạn thuê với lương bổng rất cao. Nhưng cách đây hơn hai nghìn năm, cũng có một người làm nghề này ở đất Palestine. Ông không có lương. Chẳng ai chịu trả lương cho ông. Tên ông là Giêsu, người làng Nazareth. Có điều dị biệt là không phải ông chỉ đỡ đạn cho nguyên thủ quốc gia hay các kẻ tai to mặt lớn của xã hội. Ông giơ lưng đỡ đạn cho toàn thể nhận loại. Ông đã chết để cho mọi người được sống. Viên đạn giết ông là tội của mỗi người. Đúng thật ông là Chúa Chiên Lành.

Như thế, tôi không phải xấu hổ vì là một con chiên trong đàn của ông. Dù tôi đích thị là một con hết cỡ ngu xuẩn. Tôi đã phạm đủ mọi thứ lỗi lầm trong cuộc đời mình. Ông đã tha thứ cho tôi và không hề bỏ mặc tôi bao giờ nữa. Thế gian, ma quỉ, xác thịt có vây hãm, doạ nạt, dụ dỗ thế nào đi nữa, tôi vẫn cứ an lòng. Vì Ông không bỏ rơi tôi trong những nỗi gian truân. Ông đã hứa như vậy và đã lấy máu mình để đóng ấn lời hứa.

Hồi còn bé, tôi có nhiều bạn bè thân tình, có thể nói là chí thiết hơn cả Bá Nha, Tử Kỳ. Mỗi lần thề hứa với nhau, chúng tôi vắt máu đầu ngón tay để ký kết: “Bạn muôn đời.” (Friends forever). Bây giờ tôi chẳng hiểu những đứa trẻ mười, mười một tuổi đầu khi ấy đã thề thốt làm bạn vĩnh viễn với nhau bằng máu, hiện đang ở đâu? Còn sống hay đã chết, làm nghề gì, có gia đình hay chưa? Được hạnh phúc hay phải khốn khổ, thành công hay thất bại? Nói cho đúng, lời thề nghiêm trọng đến thế mà cũng chẳng kéo dài nổi cho đến khi lên Trung học. Khoảng 4,5 năm sau, chúng tôi mỗi người một ngả, mỗi người một trường tuỳ theo hoàn cảnh gia đình và học hành. Phần Chúa Giêsu, Ngài không hề bội tín. Thánh giá của Ngài, bửu huyết của Ngài đã đóng ấn vào giao ước cứu độ, thì Ngài luôn ở bên mỗi linh hồn. Chúng ta chẳng cần giàu có, đẹp trai, quyền thế, tài năng, chủ xí nghiệp, ngân hàng, lạc quan, bi quan hay cùng đinh khố rách mới được kết bạn với Ngài. Điều kiện duy nhất Ngài đòi hỏi để được Ngài lãnh đạo là tổ chức cuộc đời thế nào để có thể sẵn sàng noi gương Ngài, nghe tiếng Ngài. Cụ thể như trong Chúa nhật hôm nay: Giữa những thứ ồn ào của xã hội đương đại chúng ta nghe thấy gì trong các bài đọc? Cầu nguyện ra sao cho các nhu cầu của Hội thánh và các người nghèo? (Xin đọc thêm bài kế tiếp).

Ngay cả những linh hồn không thành thạo Kinh thánh, có lẽ cũng thuộc lòng vài câu của Thánh vịnh 23. Thánh vịnh này thường được đọc trong các dịp lễ hội hay trong các đám tang, an ủi nạn nhân: “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi… Dầu qua lũng âm u tôi chẳng sợ nguy khốn, vì có Chúa ở cùng… Tôi được ở đền Người suốt ngày tháng, suốt đêm dài triền miên!” Trong thời gian mừng lễ Phục sinh, chúng ta được nhắc nhớ đặc biệt đến hình ảnh mục tử của Chúa Giêsu. Bởi lẽ giáo dân thường bị cám dỗ nghĩ về Chúa sống lại như đã xảy ra hàng ngàn năm trước. Không phải vậy, vai trò của Ngài luôn hiện tại. Ngài đã hướng dẫn Hội thánh và mỗi linh hồn thủa xưa làm sao, thì bây giờ vẫn vậy. Không giảm bớt, không lạnh nhạt, không thiếu chính xác cho đến ngày Ngài trở lại. Khi chúng ta tung hô: Chúa Kitô đã chết, sống lại và sẽ đến, xin đừng nghĩ là truyện đã qua mà là đức tin hiện tại cho tới khi tất cả loài người trở thành môt đàn chiên của một Chúa Chiên Giêsu Kitô.

Ngay từ những ngày đầu của Giáo hội hình ảnh Chúa Chiên Lành rất được phổ thông, yêu mến. Ngày nay vẫn vậy. Chúng ta có thể tìm thấy vô số tranh ảnh, kính mầu cửa sổ, tượng đài nghệ thuật miêu tả ý tưởng này. Nhiều nhà thờ, trường học, bệnh viện, cư xá, quán ăn lao động, nồi súp cứu đói…. Mang tên Chúa Chiên Lành (Good Shepherd). Nhưng có điều cần bàn là trong các tranh ảnh đó người ta thường vẽ Ngài quá đẹp đẽ trang trọng như thể từ một thế giới khác, xa lạ, kỳ quặc, quá khứ, chứ không thực với đời thường, phải vật lộn với miếng cơm manh áo, nhọc nhằn cực khổ, vấy nhơ lấm bùn. Đó là những hình ảnh để giáo dân tôn thờ, chứ không phải để đồng hành, làm bạn. Nó ở trên nếp sống con người, chứ không phải từ nếp sống xã hội hằng ngày. Các Phúc âm không mô tả Ngài như vậy. Ngược lại các thánh sử chẳng tách Chúa Giêsu ra khỏi đám đông. Ngài hoàn toàn nhận lấy thân phận làm người. Chịu đựng những hoàn cảnh của con người. Ngài biết đủ: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, của tâm lý con người. Ngài có bạn bè và tình yêu, Ngài ăn bữa với gia đình và bạn hữu. Ngài đi dự tiệc cưới, đám tang. Ngài biết hy vọng và thất vọng, trung tín và phản bội, sự sống, đau khổ, nhục nhã và cái chết. Ngài cảm nhận cái giá phải trả vì sự thật, vì làm chứng tá. Ngài tuyên bố sẽ thí mạng sống vì đàn chiên và đã thực hiện đúng như vậy.

Đối với chúng ta, những người được ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng dạy cho biết thế nào là yêu mến, đại lượng, phục vụ tha nhân… chúng ta hiểu rõ Chúa Chiên Lành không phải chỉ có trên các cửa sổ. Qua những người đó chúng ta nghe thấy tiếng thúc giục của Chúa trong lương tâm mình. Rồi khi lớn lên, xa gia đình, nhớ lại những lời giáo huấn của ông bà, cha mẹ về những việc phải làm, những điều phải tránh, chúng ta thực chất được Chúa Chiên Lành hướng dẫn. Chúng ta còn có những ảnh hưởng tốt khác từ bạn bè, đồng nghiệp, tư vấn tâm lý, cha giải tội, tu sĩ, linh mục… trong cuộc sống và chúng ta nhận ra Chúa Chiên Lành không chỉ ở trong các tranh ảnh. Chúng ta thực sự nghe được Ngài trên khắp các nẻo đường đời.

Thú thật, khi đi thuyết giáo lưu động, tôi đã gặp vô số “mục tử tốt lành”. Tôi gặp họ trong các dì phước thánh thiện, trong các tu sĩ khắc khổ, trong các linh mục nghèo khó và cả trong các giáo dân nhiệt thành, các hội đồng giáo xứ, trung tâm cấm phòng, tuyên uý đại học, nhà trọ lỡ đường, bệnh xá, viện mồ côi, các Caritas quốc tế, địa phương v.v… Họ là những mục tử “không chỉ định” của Chúa Giêsu. Họ làm việc hăng say trong các cơ quan từ thiện, bác ái. Họ đã chăn dắt tuyệt vời đàn chiên Thiên Chúa. Cũng không nên bỏ xót những cộng đoàn chuyên biệt như ca đoàn, hội giúp lễ, ban phục vụ kẻ liệt, giáo lý thêm sức, xưng tội lần đầu, ban kinh tế giáo xứ. Thiếu vắng họ chắc hẳn đời sống tôn giáo của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Hôm nay chúng ta phải tạ ơn Chúa, cầu nguyện và biết ơn họ. Như vậy trong Hội thánh có muôn vàn mục tử. Tất cả đều theo gương Chúa Chiên Lành, chăm chỉ nghe lời Ngài và nhất là sẵn sàng hy sinh tài sức, thời giờ, tiền bạc, mạng sống cho đàn chiên khi cần. Họ đang nỗ lực thu gom tất cả mọi người vào đàn chiên của Đấng Mục Tử duy nhất. Những cố gắng này phát sinh từ đâu? Nếu không phải từ Chúa Chiên Lành Phục sinh. Ngài đang chăn dắt chúng ta trong sự hy sinh của các linh hồn lành thánh.

Tóm lại, tinh thần Chúa Chiên Lành không ngừng phát triển trong Giáo hội, kêu gọi sự cộng tác của mọi người. Qua họ, Ngài vẫn chăm sóc, hướng dẫn đàn chiên Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời mọc tiếp tay với Ngài chăm lo cho các linh hồn, chữa lành các vết thương, cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc, để tất cả nhân loại, mai ngày, họp thành một đàn duy nhất dưới quyền lãnh đạo một Chúa Chiên như Ngài đã hứa. Quí vị có đồng ý cho Ngài mượn một tay? Amen. Alleluia.

Suy nghĩ tháng hoa:

Một danh nhân đã nói: Nếu trái đất không có phụ nữ thì loài người mất đi: 50% sự thật, 60% tình yêu, 70% vẻ đẹp. Giáo hội vắng bóng Đức Maria thì thế nào?

Lm. Jude Siciliano, OP.