Chúa nhật 4 Phục Sinh B
Ga 10, 11-18
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 2-3). Tâm tình của thánh vương Đavít diễn tả qua thánh vịnh trên thật thích hợp cho Lời Chúa hôm nay- ngày mà Giáo hội muốn con cái mình chiêm ngắm Chúa Kytô dưới tước hiệu vị mục tử nhân lành như thánh vương Đavít đã từng chiêm ngắm và cất tiếng ngợi ca. Vị mục tử đó yêu thương, ân cần chăm sóc từng con chiên và cuối cùng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên.
Hình ảnh con chiên, con cừu có vẻ ít quen thuộc với chúng ta nhưng với người Do thái – vốn là dân du mục chuyên chăn chiên, thì không hề xa lạ. Sống trong môi trường đó, cách tốt nhất mà Chúa Giêsu đã làm, là lấy lại hình ảnh này để nói với người Pharisêu về vai trò đích thực của người chăn chiên.
Chúng ta thấy người chăn chiên đích thực khác xa với kẻ chăn chiên thuê. Người chăn chiên xét theo tính chất của nghề này phải là một con người lực lưỡng, khoẻ mạnh, có tài điều khiển cả đàn chiên; bên cạnh đó người chăn chiên cần phải có lòng yêu thương chiên, nâng niu và bảo vệ, liều mình chiến đấu với thú dữ mỗi khi chiên bị tấn công, săn sóc chúng mỗi khi chúng bị thương; người chăn chiên còn là một người bạn của chiên nữa để có thể hướng dẫn chiên theo những hiệu lệnh riêng.
Sở dĩ phải như thế bởi chiên là một loài vật rất đặc biệt. Chúng hiền lành và sống theo chủ chăn của mình. Và vì thế, mỗi một con chiên đều thân thuộc với chủ chăn để quen với những “tín hiệu” riêng của chủ. Điều này rất quan trọng. Vì dân du mục ngày xưa họ không có chuồng trại riêng cho mỗi gia đình mà tất cả đàn chiên bất kể của ai tối đến đều tụ về trong một trang trại lớn mà người ta gọi là ràn chiên. Trong ràn chiên có nhiều đàn chiên. Mỗi đàn chiên thuộc một chủ chiên. Thế nên sáng ra, tất cả các chiên trong một đàn sẽ nghe theo tín hiệu riêng của chủ và lần lượt đi theo mà không sợ lạc mất (đi lộn qua đàn khác hoặc chủ khác). “Chiên ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” là vì vậy. Còn kẻ chăn chiên thuê thì sao? Dĩ nhiên họ không quan tâm tới chiên, không yêu thương bảo vệ và săn sóc chiên, gặp thú dữ thì bỏ chạy mặc cho chiên muốn ra sao thì ra. Vì là kẻ chăn thuê, nên cái họ cần là công nhật, là tiền công của chủ chứ không phải vì những con chiên đáng ghét kia.
Thế nên, Chúa Giêsu đã sánh ví mình như Vị Mục tử nhân lành, vị mục tử đích thực vì sự an toàn và tính mạng của đàn chiên. Khuôn mẫu của vị mục tử đó là gì? Người mục tử nhân lành trước hết phải là người Mục tử hội đủ những điều kiện của người chăn chiên đích thực chứ không phải kẻ chăn chiên thuê. Từ hình ảnh của một người chăn chiên tốt lành – một hình ảnh đã được Cựu ước dùng để chỉ Thiên Chúa như Ngôn sứ Isaia đã từng ví Thiên Chúa là người chăn chiên tốt lành, bồng ẵm chiên, ấp ủ vào lòng, vác trên vai và dẫn chiên tới nơi nghỉ ngơi (x. Is 40,11). Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh đó như là thước đo để nhận ra đâu là người mục tử nhân lành.
Đích thực thôi chưa đủ. Người mục tử đó cần phải yêu thương chiên đến cùng. Chúa Giêsu đối chiếu người mục tử chăn chiên với đàn chiên cũng giống như Chúa Cha với Chúa Con thông qua động từ “biết”: “Tôi biết chiên của Tôi và chiên Tôi biết Tôi cũng như Chúa Cha biết Tôi và Tôi biết Chúa Cha”. Biết ở đây có nghĩa là gì? Biết chính là yêu mến, thương yêu bằng tình yêu hết sức thâm sâu. Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa Cha vô cùng thì Người cũng yêu đàn chiên của Người hết sức đến nỗi Người săn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.
Cuối cùng, người mục tử nhân lành phải là người hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Vì yêu mến đàn chiên, Chúa Giêsu đã tự nguyện hy sinh chính mạng sống mình khi chấp nhận vâng theo Thánh ý Chúa Cha, chịu khổ hình, chịu chết để rồi Phục sinh hầu đem đến ơn cứu thoát cho muôn người.
Chúng ta tự hỏi nếu một vị mục tử hội đủ những điều kiện mà Chúa Giêsu đưa ra – đích thực, yêu mến và hy sinh- vậy có thể nói vị mục tử đó đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình hay còn thiếu một chút gì đó chưa thật hoàn mỹ? Thật ra nếu nghĩ như vậy, chúng ta sẽ thấy vị mục tử đó dễ bị “ru ngủ” trong ánh hào quang và tự mãn. Chúa Giêsu không muốn các vị mục tử chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta thấy Chúa Giêsu tuy chăm lo cho đàn chiên này nhưng vẫn không quên hướng đến những đàn chiên khác.
“Tôi còn những chiên khác chưa thuộc ràn này”. Đây chính là dung mạo đích thực của Giáo hội, của những vị mục tử đích thực. Chúng ta biết, bản chất của Giáo hội là truyền giáo, chính vì thế, hơn bao giờ hết chúng ta hãy nói về ơn gọi truyền giáo của Giáo hội. Ơn gọi là một cuộc chuyển hoán, một cuộc đổi đời cách quyết liệt của tất cả mọi người khi nhận lãnh bí tích Thánh tẩy. Với ơn gọi này, chúng ta không được phép cho mình là người có quyền hưởng thụ, có quyền đòi hỏi Giáo hội phải làm cái này làm cái khác cho mình; trái lại chúng ta phải trở nên một “Kytô khác”, phải trở nên hình bóng của Chúa Kytô để mỗi người trở nên những mục tử nhân lành, thánh thiện cho thế giới hôm nay. Yêu mến Giáo hội cũng chính là yêu mến Chúa Kytô. Trăn trở và thao thức với những khó khăn của Giáo hội cũng chính là lúc chúng ta cùng trăn trở và thao thức với Chúa Kytô, để rồi cuối cùng, tất cả chúng ta cùng thốt lên như Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: “Trong trái tim Giáo hội, con sẽ là Tình yêu”.
Tạ ơn Chúa vì Người thương ban cho chúng ta được sống trong một đoàn chiên duy nhất là Giáo hội với Vị Mục tự nhân lành là chính Đức Kytô. Xin cho mỗi người Kytô hân hoan bước theo Vị Mục tử nhân lành đó để không ngừng loan báo tình yêu vô bến bờ mà Vị Mục tử Giêsu đã hy sinh chính mạng sống mình vì đàn chiên.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb