Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm B của ĐC Vũ Thiên

Bạn đọc thời nay có lẽ khó chấp nhận chân dung người tông đồ do Chúa Giê-su phác họa trong Tin Mừng Thánh Mác-cô (Mc 6,7-13). Bởi lẽ trong thời hiện đại này, một cuộc sống lang thang là điều không còn phù hợp. Hơn nữa, muốn cho lời rao giảng có tính thuyết phục, cần phải có những phương tiện và vị trí tương xứng trong môi trường xã hội đương thời.

Chúa Giê-su đã đưa ra những lời khuyên cho các môn đệ trước lúc các ông lên đường: đừng mang gì, chỉ trừ cây gậy, không mang lương thực, nhưng được đi dép…Có hai thứ được phép là gậy và dép. “Mang gậy và dép”, đó là hình ảnh của một người lữ hành thời xưa. Vì phải đi qua sa mạc và vì đường rất xa, nên người lữ hành phải mang gậy và dép để có thể tới đích. Qua hình ảnh đó, Lời Chúa diễn tả chân dung của nhà truyền giáo cũng như các tín hữu như những người lữ hành.

Người lữ hành có một mục đích rõ ràng. Ông đi và biết mình đi đâu. Ông cũng biết rằng con đường đó rất xa, cần phải kiên trì và can đảm. Người lữ hành biết rõ ông có thể gặp nhiều cản trở cam go do đường xa, do mệt mỏi hoặc do nguy hiểm cướp bóc dọc đường, nhưng ông vẫn can đảm lên đường. Vì giống như một người bơi ngược dòng, ông có thể bị người ta chế giễu, chê cười. Người lữ hành, nếu có dừng chân ở nơi nào để nghỉ ngơi lại sức, thì cũng không coi nơi đó là đích điểm. Hướng đi của họ đã được định sẵn,  và họ tin chắc một điều là khoảng xa đang thu bớt và đích điểm đang đến gần.

Danh từ “người lữ hành” trong truyền thống Thánh Kinh thường được dùng để chỉ những người hành hương. Họ tiến về Giê-ru-sa-lem, nơi có Đền Thánh, tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng ngự trong Cung Cực thánh, có các Kê-ru-bim chầu chực thường xuyên.

Sống trong cuộc đời, mỗi tín hữu  chúng ta đều là người lữ hành. Lời Chúa hôm nay không chỉ ngỏ lời với các Giám mục hay Linh mục là những người truyền giáo, nhưng với tất cả mọi người tín hữu. Khởi đầu giây phút làm người, tức là khi sinh ra, chúng ta bước vào cuộc lữ hành trần thế. Vào lúc được làm con Chúa, tức là khi được thanh tẩy, chúng ta bước vào cuộc lữ hành đức tin. Hai cuộc lữ hành cùng hiện hữu nơi một con người, vì vậy mà con người vừa mang tính nhân loại vừa mang tính thần thiêng; vừa có bổn phận xây dựng trần thế, vừa có trách nhiệm kiến tạo Nước Trời; vừa sống sao cho tốt Đạo, vừa cố gắng để đẹp đời.  Thể xác hiện diện trên mặt đất mà tâm hồn lại hướng về trời cao. Hạnh phúc vĩnh cửu chính là kết quả của những cố gắng và công lao ấy.

Hành trình đức tin của chúng ta có một mục đích rõ ràng: chúng ta đi theo Chúa, Đấng ban sự sống và ánh sáng chiếu soi cuộc đời chúng ta. “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không còn đi trong tối tăm, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).  Đức Giê-su dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha. “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thày” (Ga 14,6).

Trong hành trình đức tin, chúng ta không đơn lẻ một mình. Đức Giê-su sai các tông đồ đi “từng hai người một”. Điều đó cho thấy, người tín hữu cần sống và làm việc trong tình hiệp thông với anh em mình. Theo nguyên tắc từ thời Môi-sen, chứng của hai người thì đáng tin (x. Dnl 19,15). Chứng tá Ki-tô hữu chỉ có giá trị khi được thực hiện trong tình hiệp thông với anh chị em đồng đạo. Việc Chúa sai “từng hai người một” cũng cho thấy sự gắn bó của người tín hữu đối với Giáo Hội. Đức tin được tuyên xưng trong Giáo Hội, mới là đức tin trọn vẹn. Chứng tá tin mừng được thực thi trong tình hiệp thông với Giáo Hội mới là chứng tá làm tỏa sáng hình ảnh Đức Giê-su.

Chẳng có ai là “tông đồ chuyên nghiệp”. Mỗi người đều được Chúa trao sứ vụ cao cả ấy, dù có thể thực hiện ở mức độ khác nhau và hiệu quả khác nhau. Đối diện với sự ghen tương và cứng lòng của vị tư tế đền thờ, ông A-mốt đã tuyên bố: “Tôi không phải là ngôn sứ  theo kiểu cha truyền con nối… nhưng chính Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo đàn vật và Ngài truyền cho tôi đi thực hiện chức năng của ngôn sứ” (x. Bài đọc I).

Và, thật lạ lùng, nhờ lệnh truyền và sức mạnh của Chúa, các tông đồ ra đi kêu gọi người ta ăn năn sám hối và làm được những điều lạ lùng như xua đuổi ma quỷ, chữa người đau ốm…Hôm nay, Chúa cũng đang sai chúng ta vào lòng cuộc đời. Khi yêu mến Chúa và hiệp thông với anh chị em, chúng ta cũng sẽ làm được những điều kỳ diệu, đó là đem lại cho người bệnh tật, đau khổ niềm vui và sự an ủi, xua đuổi những gì là tối tăm, thù hận, chia rẽ ra khỏi cuộc sống hôm nay.

“Sẵn sàng hy sinh những tiện nghi con thấy không hợp cho một tông đồ đích thực. Đừng tạo nên những sự cần thiết không cần” (Đức HHY Nguyễn Văn Thuận, ĐHV số 303)

+Gm Vũ Văn Thiên