CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B
(Mc 13.24-32)
Thưa quý vị. Năm phụng vụ sắp hết. Nhưng mọi sự xem ra không kết thúc, trái lại, rời rạc và ngổn ngang. Đây là thông lệ, ngay trước lễ Chúa Kitô vua và chu kỳ mới của các bài đọc Kinh Thánh ! tại sao như vậy ? Tại sao phụng vụ lại không chọn điều chi gọn gàng và ổn định để đánh dấu một năm đã qua ? Làm như vậy chẳng cho chúng ta cảm giác mãn nguyện hơn sao ? Tuy nhiên, sự việc đã như vậy rồi thì hãy để nguyên như thế. Chúng ta cứ tiến bước sang năm phụng vụ mới và một loạt các bài đọc mới, trong đó, Luca sẽ là tác giả các bài trích Phúc Âm. Chúng ta sẽ tuần tự tiến không rắc rối chi cả. Nhưng cuộc sống lại không gọn gàng. Nó luôn ngổn ngang trăm mối. Phụng vụ mà cứ thứ tự lớp lang e rằng thiếu thực tế. Chúng ta sẽ có cảm giác phụng vụ đẹp đẽ lắm, nhưng chẳng liên hệ gì với đời thường và không có thật. Cuộc sống trên trần gian là có thật, phụng vụ cũng phải đi theo đường hướng đó. Những ai muốn gọn gàng thì hình như đã xa rời thực tế. Cần xem xét lại não trạng của mình.
Xin nghe Phúc Âm hôm nay kể : “Trong những ngày ấy, sau cơn gian truân lớn lao thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”. Đúng là trời đất ở trong tình trạng hỗn loạn, đổ vỡ như một mớ bòng bong. Trước mắt các tín hữu tiên khởi mọi sự xem ra tan tành. Trời đất tối tăm. Ánh sáng không còn nữa. Các ngôi sao tan rã rơi xuống đất. Cái chi trong bầu trời có thể đứng vững an toàn ? Những điều xem ra kiên cố nhất đều thất bại không giữ được vị trí, thì ai dám bảo mình đứng vững ? Bài đọc cho ta thấy quang cảnh ngày tận thế và cũng là quang cảnh đời thường ! Than ôi, thiên hạ quá đãng trí, vẫn bình tâm chạy theo phù phiếm và giả dối.
Đoạn trích hôm nay kết thúc huấn từ của Chúa Giêsu cho bốn môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê, khi thầy trò ngồi trên đỉnh đồi Cây Dầu quay mặt về Giêrusalem và đền thờ. Chúa cảnh cáo các ông về những kẻ đang toan tính lừa dối họ : “Anh em hãy coi chừng kẻo người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : chính Ta đây. Và họ sẽ lừa gạt nhiều người” (Mc 13,5). Sẽ có những cơn bách hại khủng khiếp nhưng Thánh Thần sẽ đến giúp đỡ họ, ban khả năng chịu đựng : “Phần anh em hãy coi chừng. Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường, anh em sẽ bị đánh đòn… Nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết điều gì thì hãy nói điều ấy. Thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thánh Thần nói” (Mc 13,11). Sau đó Chúa báo trước ngày tận thế : “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống”. Những biến cố sẽ vô cùng khủng khiếp. Nhưng : “Kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Chúng ta không quen đọc giọng văn Khải Huyền, thí dụ bài đọc một và ba. Nhưng vào hai thế kỷ trước Chúa Giêsu và hai thế kỷ sau Ngài, giọng văn này rất phổ thông. Bây giờ đọc chúng ta ngỡ bản văn nói về các biến cố tương lai. Nhưng thật ra không phải như vậy, chúng nói về hiện tại đang xảy ra cho các độc giả chịu bắt bớ và bách hại. Thế giới lúc ấy cũng đầy dẫy những khó khăn và xáo trộn, cả trong tôn giáo lẫn chính trị. Tuy không rộng khắp như ngày nay. Nhưng chẳng kém phần độc ác dã man. Cho nên giọng văn này nhằm mục tiêu an ủi những ai đang chịu lầm than khốn khó để họ giữ vững đức tin. Ở trường hợp các bài đọc hôm nay là cho tín hữu Dothái và Kitô. Các tín hữu này hằng ngày bị bắt bớ và hành xích. Họ trông đợi Thiên Chúa giải thoát mình. Giọng văn Khải Huyền là một lời hứa Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm chi đó để giải thoát dân Ngài. Dẫu rằng những người chịu đau khổ chẳng có phương tiện nào để cứu gỡ mình. Nhưng các tác giả khải huyền nâng đỡ hy vọng của ho. Thiên Chúa sẽ sớm kết thúc các bất công, trừng phạt những kẻ gây ra sự dư, ân thưởng người làm lành. Các tác giả viết trong Thánh Linh nên không sai lầm được. Tương lai tươi sáng là điều chắc chắn. Ngày nay đọc lại, chúng ta cũng phải có niềm tin như vậy.
Cộng đoàn thánh Mác-cô đang chịu áp lực của thế giới ngoại giáo, thù nghịch và ác độc. Cụ thể họ đang chịu đựng bách hại và căng thẳng. Thánh nhân viết cho họ để úy lạo họ can đảm chịu đựng mong đợi ngày Chúa trở lại. Ông thuật những lời của Chúa trên núi Cây Dầu không phải để ghi lại chuyện xưa, mà là nói thẳng với cộng đồng về các gian truân họ phải gánh chịu và tương lai tươi sáng đang đợi chờ. Vậy thì làm sao chúng ta có thể nói rằng tác giả truyền bá những điều viển vông về ngày Chúa gần đến ? Giữa những khó khăn như vậy, chúng ta chẳng thể đổ lỗi cho cộng đoàn rằng hy vọng Chúa mau giải thoát họ ? Mau đến với họ trong vinh quang chấm dứt các đau khổ, trừng phạt kẻ dữ và thưởng công người lành. Xin đừng suy tưởng viển vông. Những hình ảnh Khải Huyền trong các bài đọc là thực tế, dù có làm cho người ta sợ hãi. Nó cống hiến cho các tín hữu tiên khởi một niềm tin vững vàng và hy vọng tươi sáng giữa cơn gian nan thử thách. Chúa sắp đến. Ngài không làm ngơ trước các đau khổ của dân Ngài. Ngài sẽ trở lại chỉnh đốn mọi sự trong vinh quang. Đúng là một niềm tin chính đáng và thánh thiện. Giữa ba chữ F (Fight-Flight- Face: Đánh, chạy, đối đầu) họ đã chọn chữ F cuối cùng. Can đảm thay ! Ai bảo rằng thánh Mác-cô viển vông?
Tôi nhớ như in trong khám đường San Quentin, an ninh xiết chặt tối đa, các tù nhân ưa đọc tác phẩm Khải Huyền, nhất là Đanien và Máccô. Khi gặp các biến cố trong sách, họ áp dụng riêng cho mình. Ai dám bảo rằng họ có lỗi ? Họ phải chịu đựng số phận khổ sai 20, 30, 40 năm trường nữa ? Cho nên, giống như các cộng đoàn tiên khởi, họ mong chóng đến ngày : “Con Người ngự đến trong đám mây” để kết thúc các gian truân. Thiết tưởng, đó là điều hợp lý. Tuy nhiên, những gì các tín hữu và tù nhân mong đợi, chưa bao giờ xảy ra. Hai ngàn năm nay loài người vẫn mong đợi. Chúng ta chưa hề nghe có ai rao giảng Ngài đã ngự đến hoặc kết thúc đã gần kề (trừ vài nhà rao giảng ấm đầu). Từ thời Chúa Giêsu mỗi thế hệ đều được chia sẻ “đại hoạ” hay tàn phá khủng khiếp, ngay cả lúc này, bom nguyên tử, vũ khí huỷ diệt hàng loạt, môi trường độc hại, dịch bệnh toàn cầu, khủng bố quá khích vẫn chưa báo hiệu ngày Chúa trở lại. Dù các biến cố đó xảy ra đi nữa, hay đe doạ sẽ xảy ra thì vẫn chưa phải là kết thúc. Chúng chỉ biểu lộ sự bất cẩn và xem nhẹ sinh tồn của kẻ khác, của hành tinh này. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua tác động của các bài đọc trên các tín hữu.
Bởi lẽ, Kinh Thánh không hề nói rõ kỳ hạn. Chúa Giêsu luôn từ chối tiết lộ ngày tháng. Chính Ngài nhìn thấy kết thúc của mình, báo hiệu ba lần một cách rõ ràng. Sự kiện là kinh nghiệm cuối cùng của Ngài, là hy vọng của các môn đệ chờ đợi Ngài thiết lập Nước Trời. Vậy mà Ngài cũng không tỏ rõ ngày tháng. Bởi vì, điều xem ra là kết thúc tất cả, nhưng không phải. Nó là khởi đầu và là hứa hẹn một kỷ nguyên mới sẽ được hoàn thành. Vậy thì làm sao người ta rao giảng một kết thúc cách minh bạch được ? Tại sao Chúa Giêsu trì hoãn việc trở lại ? Câu trả lời hợp lý là đối với những ai tin tưởng tuyệt đối vào câu chuyện Ngài Phục sinh, thì Ngài luôn trở lại. Thế giới này chẳng hề là một chiến thắng của cái dữ trên sự thiện, dù đôi khi xem ra như vậy. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa. Các lời tiên báo của Khải Huyền bảo đảm như vậy. Chúng ta được nâng đỡ trong các gian nan của mình nhờ đức tin các thế hệ tín hữu đi trước truyền lại. Chúa sẽ trở lại trong vinh quang một ngày nào đó của tương lai.
Từ lúc Chúa phục sinh, Ngài đã ban cho loài người khá nhiều thời gian và không gian. Nhân loại, thế giới, Giáo hội, mỗi cá nhân đã trải qua biết bao nhiêu thử thách, khiến người ta mong đợi Ngài mau ngự đến. Nhưng vì lý do mầu nhiệm nào đó, Ngài chưa đến. Và chúng ta còn phải đợi chờ. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên nhìn lại cuộc sống của mình để xứng đáng tiếp nhận Ngài. Chúng ta đảm nhận công việc Ngài để lại. Thi hành theo đường lối của Ngài, kêu mời Ngài hiện diện trong các cố gắng của mình. Ngài sẽ đến, nhưng thực tế Ngài đang có mặt trong đời sống mỗi người, chúc lành cho những nỗ lực sống tốt của mỗi người. Như vậy, chúng ta sống hai thực tại : Chúa sẽ đến và Chúa đang hiện diện. Chẳng bao lâu nữa là mùa Vọng. Lời cầu nguyện của mùa Vọng là : “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thực chất đó là lời cầu xin suốt cả năm của Giáo hội. Vì luôn luôn chúng ta phải canh chừng chờ đợi và phục vụ trong danh Ngài.
Giáo hội tồn tại lâu hơn là cộng đồng Máccô tưởng tượng. Thánh nhân khích lệ cộng đoàn nếm trước việc Chúa trở lại vào bất kỳ lúc nào. Ông cũng khuyên nhủ họ đừng quên sự có mặt của Chúa trong đời sống. Chúng ta cũng nên làm như vậy. Kiểm tra hằng ngày nếp sống mình. Xin đừng buông thả theo dòng chảy của thế gian nhưng giữ vững hy vọng Chúa sẽ trở lại. Có một sự khác biệt to lớn, nếu chúng ta làm tươi trẻ lại cuộc sống mình bằng hy vọng và dự cảm Chúa trở lại và sự ươn lười chiều theo xác thịt. Giữa việc chúng ta tự mãn cho phép mọi sự trong tình trạng sa đoạ và quyết tâm phục vụ thế giới trong Đức Kitô, ngõ hầu chúng ta xứng đáng đón chờ Ngài đến.
Đúng vậy, năm phụng vụ không kết thúc với tâm tình gọn gàng ngăn nắp. Cũng chẳng phải là căn phòng gọn ghẽ thứ tự để đón chờ ông chủ mới đặt cơ sở làm việc. Kinh Thánh nhắc nhớ thế giới hiện thời còn đang bề bộn. Cần người dọn dẹp. Các lực lượng sự dữ cần bị các sức mạnh thánh thiện đạp đổ và đánh bại. Ai sẽ thực hiện công việc này ? Hỏi tức là trả lời. Những môn đệ Chúa Giêsu không thể trốn tránh trách nhiệm. Các bài đọc hôm nay dùng hình ảnh mạnh mẽ và dễ sợ để mô tả thế giới phải được biến đổi ra sao. Cuối cùng, trật tự cũ sẽ qua đi, nhường chỗ cho một thế giới mới. Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Như vậy, những ai đang phải trải qua đấu tranh, vật lộn, hỗn loạn, hãy bám chặt lấy niềm tin của mình. Hình ảnh Khải huyền mô tả : “Con Người” sẽ đến trong quyền năng và vinh quang.
Do đó, chúng ta không được phép thất vọng, nhưng nên in sâu thông điệp vào trái tim và hy vọng – ngay cả khi cộng đoàn bị đe doạ hủy diệt– Chúa sẽ đến và toàn thắng. Sự thiện sẽ đập tan điều ác. Mặc dầu hiện thời không có bằng chứng nào cụ thể. Nhưng đức tin và hy vọng không thất bại. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta sắp lãnh nhận, bảo đảm điều đó là sự thật. Những ai nghi ngờ thì không xứng đáng bước lên bàn tiệc thánh. Ước gì mọi linh hồn đều đồng quan điểm như vậy. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP