Chúa Nhật 3 Mùa Vọng C
Lc 3, 10-18
Cùng với thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta đang ở ven sông Giođan – nơi vị Tiền hô của Thiên Chúa đang thực thi sứ vụ của mình. Và cũng chính tại đây, chúng ta chứng kiến cảnh người người tuôn đến với Gioan để chịu phép đồng thời nghe ông khuyên dạy.
Chúng ta thấy, khi dân chúng đến xin Gioan chịu phép rửa, ông đã không ngần ngại dùng những lời “thép”, rất cứng rắn để lên án họ (x. 3, 7-9). Thế nhưng lạ một điều là dù Gioan Tẩy giả có nghiêm khắc chỉ trích lối sống của họ thế nào đi nữa, dân chúng vẫn kéo đến với ông để lắng nghe lời ông dạy dỗ. Điều đó đủ cho thấy lòng dân ý thức về niềm tin của mình trước Vị Thẩm phán sắp ngự đến mà Gioan loan báo. Đám đông tuôn đến với Gioan ngoài việc xin lãnh nhận phép rửa- được xem như là bước quyết định để có thể nhận phép rửa trong Thánh Thần vào thời đại của Đấng Mêsia đến, họ còn đến để xin ông dạy học phải làm gì để có thể đón nhận ơn cứu độ.
“Chúng tôi phải làm gì đây?”. Đó là câu hỏi được vang lên từ trong đám đông thuộc đủ mọi lứa tuổi, địa vị trong xã hội. Câu hỏi của họ liên quan đến nền đạo lý, cách đối nhân xử thế trong xã hội. Gioan Tẩy giả đã đưa ra những câu giải đáp rất cụ thể và thích hợp tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người và tuỳ theo từng địa vị của họ.
Với đám đông – những người mà chẳng còn bao lâu nữa, họ cũng sẽ nô nức đến với Chúa Giêsu như hai môn đệ của Gioan Tẩy giả khi được thầy mình giới thiệu : “Đây Chiên Thiên Chúa” đã vội vàng bước theo Chúa(x. Ga, 1,35-39)- Gioan mời gọi họ thực thi việc bác ái cách cụ thể. “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Với những người thu thuế- vốn bị liệt vào hàng tội lỗi, bị thường dân căm ghét vì cộng tác với đế quốc và sách nhiễu dân lành- Gioan không hề yêu cầu họ phải từ bỏ nghề nghiệp mà khuyên nhủ họ hãy hành nghề theo cách thức mới, bác ái hơn, ngay lành hơn. “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”.
Với những anh nhà binh – đây có thể là những anh lính thuộc thành viên quân đội của đế quốc Rôma hoặc thuộc lính đánh thuê cho vua Hêrôđê Antipa lúc bấy giờ. Họ cũng là một trong những thành phần bị dân chúng căm ghét- Gioan cũng không hề bắt buộc họ phải từ bỏ quân ngũ, trở về làm thường dân, thay đổi nghề nghiệp; trái lại ông khuyên răn họ dù sống trong bất cứ địa vị nào, điều quan trọng là hãy bằng lòng với những gì mình có. “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiến người ta, hãy an phận với số lương của mình”.
Như thế, công bình bác ái đối với tha nhân -theo Gioan – là điều trọng yếu nhất cho hành vi sám hối, cho việc hoán cải tâm hồn chứ không phải là việc ăn chay, cầu nguyện lâu giờ hay dâng lễ đền tội.
Đồng thời với việc thực thi công bình bác ái, dân chúng luôn ngóng trông Đấng mà hàng bao thế kỷ nay muôn dân đang mong đợi. Niềm tin mong chờ đó đôi khi được “gán” cho người này, nhân vật nọ mà dân chúng thấy có nhiều điều khác lạ. Gioan Tẩy giả là một điển hình. Nhận định của dân chúng quả không sai. Gioan Tẩy giả đúng là người con của phép lạ mà Thiên Chúa gửi đến cho dân Người ngay từ trong gia đình Dacaria (sự kiện bà Êlisabét đã cao niên mà thụ thai, ông Dacaria bổng dưng bị câm, tên Gioan, Dacaria hết câm,…). Dân chúng luôn tự hỏi có phải Gioan là “Đấng phải đến” chăng? Gioan Tẩy giả đã vội vàng xoá tan ý nghĩ của dân chúng. Đứng trước Đấng Tối Cao và trước mặt dân chúng, ông chỉ dám nhận mình chỉ là người “không đáng cởi quai dép” và vai trò của ông cũng chỉ là người đi trước để dọn đường sửa lối cho Người mà thôi. Đấng đang đến là Đấng quyền thế, chính Người sẽ thực thi công cuộc xét xử muôn dân tuỳ theo công trạng của họ.
“Chúng tôi phải làm gì đây” phải chăng đó cũng là câu hỏi liên quan đến tất cả chúng ta trong thế giới hôm nay? Chúng ta sẽ làm gì để thể hiện sự trở về với Thiên Chúa, để tỏ lòng sám hối ăn năn không chỉ cho chính chúng ta mà thôi, nhưng còn cho chính gia đình, giáo hội và xã hội? Hãy trở về với Thiên Chúa trong công bình và bác ái để có thể lãnh nhận hồng ân cứu rỗi của người trong ngày sau hết.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb