Dẫn nhập: Trong nhiều thế kỷ, người giáo dân đã hiểu sai rằng chỉ các linh mục và tu sĩ mới có Ơn gọi và bổn phận Truyền giáo. Vì thế mà phần đông người giáo dân chỉ biết sống đạo một cách thụ động, không quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng và giúp người lương dân đón nhận và tin thờ Chúa. Rất may là Công đồng Vatican II đã được Thánh Thần hướng dẫn để xác định lại ơn gọi và sứ mạng của Kitô hữu giáo dân trong Giáo hội và thế giới mà truyền giáo là một phần rất quan trọng. Những giáo lý của Công đồng Vatican II về giáo dân đã được Thượng Hội đồng Giám mục về giáo dân năm 1987 xác nhận lại một lần nữa và sau đó đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cô đọng lại trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles Laici) năm 1988.
I. ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
- Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào quyền tư tế, ngôn sứ, vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội, và ở giữa trần gian. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Am và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Am thấm nhuần và kiện toàn những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.
(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 2).
Vì vậy hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Am cứu độ của Chúa.
(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 3).
Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Am và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán:”Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).
Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại vịec làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến Đức Tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn “vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 5,14) và trong lòng mọi người phải vang lời Thánh Tông Đồ :”Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Am” (1 Cr 9,16).
(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, 6).
II. SỰ CỘNG TÁC
- Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Phúc Am là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa, nên Thánh Công Đồng mời gọi mọi người canh tân tự thâm tâm mình, để khi đã tích cực ý thức trách nhiệm riêng trong việc truyền bá Phúc Am, mọi người góp phần vào công cuộc truyền giáo nơi muôn dân.
Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay.
Vì thế, tấ cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Am. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu.
(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Họat động Truyền Giáo của Giáo hội, 35).
- Giáo dân cộng tác vào công cuộc rao giảng Phúc Am của Giáo Hội, đồng thời với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động, họ tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhất là khi họ được Thiên Chúa kêu gọi và được Giám Mục thu nhận làm việc đó.Trong những địa hạt đã theo Kitô giáo, giáo dân tham gia vào việc rao giảng Phúc Am bằng cách tự khuyến khích và khích lệ người khác hiểu biết và yêu mến các xứ truyền giáo, cổ vũ ơn gọi trong gia đình mình, dâng cúng mọi thứ của cải, như thế họ trao tặng kẻ khác ơn đức tin mà họ đã nhận lãnh nhưng không.
(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Họat động Truyền Giáo của Giáo hội, 41).
III. GIÁO DÂN
- Vì ơn gọi đặc thù của họ giữa lòng đời và ở hàng đầu những nhiệm vụ trần thế đa dạng nhất, cho nên các giáo dân cũng phải làm công việc phúc âm hóa theo một cách thức độc đáo.
Nhiệm vụ đầu tiên và tức thời của họ không phải là thiết lập và phát triển cộng đồng Giáo Hội – đó là nhiệm vụ đặc thù của các Chủ Chăn – nhưng là vận dụng tất cả các khả năng Kitô giáo và Tin Mừng còn tiềm ẩn nhưng lại đã có mặt và tác động trong thế sự. Phạm vi dành riêng cho hoạt động phúc âm hóa của họ là thế giới rộng rãi và phức tạp chẳng những của các sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, mà còn của văn hóa, các khoa học và các nghệ thuật, đời sống quốc tế, các phương tiện truyền thông đại chúng, và cũng là một số thực tại khác đang chờ được phúc âm hóa như tình yêu, gia đình, giáo dục trẻ em và thiếu niên, nghề nghiệp, đau khổ. Càng có những giáo dân thấm nhuần Tin Mừng mà có trách nhiệm về các thực tại trên và dấn thân rõ rệt vào đó, có đủ điều kiện để đẩy chúng đi lên và ý thức rằng cần phải vận dụng đầy đủ khả năng Kitô giáo của chúng thường bị chôn vùi và bị ngạt, thì các thực tại ấy tuy không mất đi hay phải hy sinh giá trị nhân văn của chúng, nhưng biểu lộ kích thước siêu việt ít được biết tới và càng có ích cho việc xây dựng Triều Đại Thiên Chúa và ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. (x. Hiến chế tín lý về Giáo hội 31, 33, 34, 35, 36, 41, 48).
(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 70).
IV. HÃY ĐI KHẮP TỨ PHƯƠNG THIÊN HẠ
- Nhận ra rằng hiện nay cần cấp bách phải có một công cuộc Phúc Am Hóa mới. Giáo Hội không thể từ khước sứ vụ trường kỳ là mang Tin Mừng đến cho hàng triệu triệu người nam cũng như nữ, chưa nhận ra Đức Kitô là Đấng cứu độ nhân loại. Đây là công tác truyền giáo đặc trưng nhất mà Đức Giêsu đã và đang mỗi ngày trao phó cho Giáo Hội của Ngài.
Công việc của anh chị em giáo dân, mà không bao giờ thiếu trong lãnh vực này, hiện nay luôn tỏ ra cần thiết hơn và cao cả hơn. Thực vậy, lệnh truyền của Đức Kitô “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” vẫn được rất nhiều giáo dân quảng đại hưởng ứng. Họ sẵn sàng từ giã môi trường sống, công việc làm, quê hương xứ sở mình, để đến những miền truyền giáo, ít là trong một thời gian nhất định. Có cả những đôi vợ chồng Công giáo, noi gương Aquila và Priscilla (Cv 18 ; Rm 16,3) đang cống hiến một chứng từ khích lệ cho thấy một tình yêu thiết tha đối với Đức Kitô và với Giáo Hội bằng sự hiện diện tích cực của họ tại các miền truyền giáo.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, 35).
V. DO BÍ TÍCH THANH TẨY, MỌI GIÁO DÂN ĐỀU LÀ NHÀ TRUYỀN GIÁO
- Trong thời gian gần đây, các Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh nhiều đến vai trò quan trọng của giáo dân trong hoạt động truyền giáo.
Việc tín hữu tham gia vào sứ vụ truyền bá đức tin đã xuất hiện rõ ràng ngay từ những thời kỳ đầu của Kitô giáo, nhờ hoạt động của các tín hữu, các gia đình cũng như toàn thể cộng đoàn. Đức Piô XII đã nhắc lại điều đó trong Thông Điệp đầu tiên của ngài về truyền giáo của giáo dân (Thông Điệp Evangelii Praecones). Sự tham gia tích cực của các nhà truyền giáo giáo dân, namvà nữ, cũng không thiếu trong thời cận đại. Làm sao lại không nhắc đến vai trò quan trọng của các nhà truyền giáo giáo dân, công việc của ho trong gia đình, trong trường học, trong sinh hoạt chính trị, xã hội văn hóa, nhất là việc giảng dạy đạo lý Kitô giáo do họ đảm nhận? Cũng phải nhìn nhận rằng một số Giáo Hội đã được thành lập nhờ hoạt động của các nhà truyền giáo giáo dân, nam cũng như nữ. Và điều đó đem lại vinh dự lớn lao cho họ.
Công đồng Vatican II đã xác nhận truyền thống này qua việc làm sáng tỏ tính cách truyền giáo của toàn thể dân Chúa, nhất là việc tông đồ của giáo dân, đồng thời cũng nhấn mạnh đến đóng góp riêng biệt mà người giáo dân được mời gọi đem lại cho hoạt động truyền giáo. Đối với mỗi tín hữu, sự cần thiết phải chia sẻ một trách nhiệm như thế không phải chỉ là vấn đề hiệu năng tông đồ : đó là một bổn phận và một quyền lợi dựa trên phẩm giá do Bí tích Rửa tội đem lại, nhờ đó, người giáo dân tham dự theo cách thức riêng của mình, vào ba chức vụ của Đức Giêsu Kitô: tư tế, ngôn sứ và vương giả. Bởi vậy họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, làm sao để mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ giáo dân, người ta mới có thể nghe Tin Mừng và biết Đức Kitô”. Ngoài ra vì tính cách trần thế là tính cách riêng biệt của họ, nên họ có ơn gọi đặc biệt “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách xử lý các việc trần thế và điều hợp chúng theo ý Thiên Chúa”.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ Điệp Đấng Cứu Độ, 71).
VI. GIÁO DÂN
- Như Công Đồng Vatican II đã chỉ rõ, do ơn gọi của mình, các giáo dân được đặt một cách vững chắc vào trong thế giới để thi hành những công việc hết sức đa dạng. Chính tại nơi này họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Do ân sủng và do tiếng gọi từ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo ; và địa bàn truyền giáo của họ là những thế giới vô cùng rộng rãi và phức tạp như chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tại nhiều nước Á Châu, người giáo dân đang phục vụ như các nhà truyền giáo chính hiệu, tiếp xúc với những đồng bào Á Châu có thể chưa bao giờ có dịp gặp gỡ các giáo sĩ và tu sĩ. Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo Hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong sinh hoạt và sứ mạng của Dân Chúa, làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt.
Trong lúc làm chứng cho Tin Mừng ở mọi lãnh vực của đời sống trong xã hội, người giáo dân có thể có một vai trò độc nhất vô nhị trong việc nhổ tận rễ những sự bất công và đàn áp, và để làm việc này họ cũng cần được đào tạo thích đáng. Muốn thế, tôi xin hiệp ý với các nghị phụ Thượng Hội Đồng đề nghị thành lập ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo giáo dân, chuẩn bị làm công việc truyền giáo như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Châu Á ngày nay.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, 45a)
VII. PHỤ NỮ
- Các nghị phụ Thượng Hội Đồng tỏ ra quan tâm nhất là làm sao cho Giáo Hội trở thành một Giáo Hội tham gia, trong đó không ai cảm thấy mình bị khai trừ. Các ngài coi việc tham gia rộng rãi hơn của phụ nữ trong sinh hoạt và sứ mạng của Giáo Hội Á Châu là một nhu cầu hết sức cấp bách. “Phụ nữ có một năng khiếu hết sức đặc biệt trong việc truyền đạt đức tin, đến nỗi chính Đức Giêsu cũng đã quan tâm đến những năng khiếu ấy trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Như đã thấy với người phụ nữ Samari sau khi gặp Đức Giêsu tại bờ giếng Giacóp: Ngài chọn chị làm người đầu tiên để quảng bá niềm tin mới trong một miền đất không phải của người Do Thái“. Để đẩy mạnh sự phục vụ của phụ nữ trong Giáo Hội, cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho họ tham dự các lớp thần học và các lãnh vực nghiên cứu khác; nam giới trong các chủng viện và các lớp đào tạo cần được huấn luyện thế nào để biết coi phụ nữ là những cộng sự viên của mình trong việc tông đồ. Cần phải cho phụ nữ tham gia một cách thực sự vào các chương trình mục vụ, trong các hội đồng mục vụ cấp giáo phận và giáo xứ, cũng như trong các hội nghị giáo phận. Phải đánh giá cho hết mức khả năng cũng như những đóng góp của họ trong các ngành y tế, giáo dục, trong việc chuẩn bị các tín hữu lãnh nhận bí tích, xây dựng cộng đoàn và hòa giảu. Như các nghị phụ Thượng Hội Đồng có ghi nhận, sự hiện diện của các phụ nữ trong sứ mạng yêu thương và phục vụ của Giáo Hội sẽ góp phần đáng kể vào việc đưa Đức Giêsu từ bi, chuyên chữa lành và hòa giải, đến với dân Á Châu, nhất là những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, 45c)
VIII. GIA ĐÌNH
- Bên trong việc tông đồ phúc âm hóa của giáo dân, không thể không lưu ý đến hoạt động phúc âm hóa của gia đình. Vào những lúc khác nhau trong lịch sử, gia đình đã rất xứng với danh hiệu đẹp đẽ “Giáo Hội tại gia” đã được Công Đồng Vatican II thừa nhận.
Điều ấy có nghĩa là các khía cạnh này nọ của tìan thể Giáo Hội phải được lập lại trong mỗi gia đình Kitô giáo. Ngoài ra gia đình cũng như Giáo Hội, có nghĩa vụ làm một không gian cho Tin Mừng được truyền đạt tới để Tin Mừng từ đó tỏa ra.
Vậy bên trong mỗi gia đình ý thức về sứ mệnh này, tất cả mọi phần tử của gia đình đều phúc âm hóa. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận được chính Tin Mừng này đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế sẽ phúc âm hóa được nhiều gia đình khác và môi trường chung quanh mình.
Cả những gia đình phát xuất từ một hôn nhân hỗn hợp cũng có bổn phận loan báo Đức Kitô cho con cái mình với tất cả những gì mà bí tích Thánh tẩy chung bao hàm; các gia đình ấy còn có nhiệm vụ khó khăn là phải dựng xây sự hiệp nhất.
(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 71).
Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình ấy sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa; như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia đình, 51).
Như Thượng Hội Đồng Giám Mục đã lập lại theo lời kêu gọi của tôi ở Puebla, tương lai việc Tin mừng hóa tùy thuộc phần lớn nơi Hội Thánh tại gia. Sứ mạng tông đồ ấy của gia đình bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và họ đã nhận được nơi Bí tích Hôn phối một sức đẩy mới để truyền đạt đức tin, để thánh hóa và biến đổi xã hội hiện tại theo ý định của Thiên Chúa.
Gia đình Kitô hữu, nhất là ngày nay, đặc biệt được mời gọi làm chứng cho giao ước phục sinh của Đức Kitô nhờ việc kiên trì tỏa sáng niềm vui tình yêu và sự chắc chắn của lòng trông cậy, mà gia đình phải lưu tâm tới :”Gia đình Kitô hữu lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một cuộc sống hạnh phúc “.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Gia đình, 52).
IX. GIA ĐÌNH Á CHÂU
100. Gia đình là môi trường bình thường cho trẻ em lớn lên, đạt tới sự trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình cũng là nơi cưu mang di sản của chính nhân loại, vì thông qua gia đình, sự sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình chiếm giữ một vị trí hết sức quan trọng trong các nền văn hóa Châu Á. Và như các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã lưu ý, các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, yêu thương và chăm sóc người già và người bệnh, yêu trẻ và sống hòa thuận vẫn đang được quý trọng trong các nền văn hóa và truyền thống tôn giáo Châu Á.
Nhìn bằng cặp mắt người Kitô hữu, gia đình còn là “Giáo Hội tại gia”. Gia đình người Kitô hữu nói riêng, cũng như Giáo Hội nói chung, phải là nơi lấy sự thật của Tin Mừng làm quy luật sống và làm quà tặng của gia đình cho cộng đoàn rộng lớn hơn. Gia đình không phải chỉ là đối tượng cho Giáo Hội chăm sóc về mục vụ, mà còn là một torng các nhân viên đắc dụng nhất trong công cuộc phúc âm hóa. Hiện nay các gia đình người Kitô hữu đang được mời gọi để làm chứng cho Tin Mừng trong những thời thế và hoàn cảnh khó khăn, đó là khi bản thân gia đình cũng đang bị biết bao lực lượng khác đe dọa. Muốn làm nhân viên phúc âm hóa trong một thời đại như thế, gia đình người Kitô hữu cần phải trở thành mộ “Giáo Hội tại gia” chính hiệu, sống trọn ơn gọi Kitô hữu của mình một cách khiêm tốn và đầy yêu thương.
Như các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã chỉ ra, điều ấy có nghĩa là gia đình cần phải tham gia tích cực vào sinh hoạt giáo xứ, tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Sám Hối, dấn thân phục vụ người khác. Điều ấy cũng có nghĩa là các bậc cha mẹ phải cố gắng hiến những giây phút cả gia đình quy tụ bên nhau thành cơ hội để cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, cử hành các nghi thức do chính cha mẹ thực hiện, và giải trí lành mạnh. Tất cả những việc này sẽ giúp làm cho gia đình người Kitô hữu trở thành trọng tâm của công cuộc phúc âm hóa, trong đó ai cũng cảm nghiệm được tình thương của Chúa và chia sẻ cho người khác. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận rằng trẻ em phải có một vai trò trong công cuộc phúc âm hóa, cả trong gia đình lẫn trong các cộng đoàn rộng lớn hơn. Xác tín rằng “tương lai thế giới và Giáo Hội sẽ đi qua gia đình”, một lần nữa xin để nghị mọi người hãy học hỏi và thi hành những gì tôi đã viết về gia đình trong Tông Huấn “Familiaris Consortio”.
(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, 46).
Trao đổi:
1. Bạn hãy rút ra những câu mà bạn cho là hay nhất, quan trọng nhất và đánh động bạn nhất trong các trích đoạn trên thuộc Giáo huấn của Giáo hội về vai trò truyền giáo của: (a) giáo dân, (b) phụ nữ, (c) gia đình và gia đình Á Châu?
2. Để thực thi trách nhiệm truyền giáo của mình, người giáo dân Việt Nam cần được Giáo Hội đào tạo, hướng dẫn và giúp đỡ như thế nào?
3. Để thực thi trách nhiệm truyền giáo của mình, người nữ giáo dân Việt Nam cần được Giáo Hội đào tạo, hướng dẫn và giúp đỡ như thế nào?
4. Để thực thi trách nhiệm truyền giáo của mình, các gia đình Công giáo Việt Nam cần được Giáo Hội đào tạo, hướng dẫn và giúp đỡ như thế nào?