Cuối cùng rồi “Ông Chủ” hay “Vị Vua” trong các dụ ngôn cũng đã hiển thị trước mắt chúng ta qua đoạn Tin Mừng tuần này, tuần cuối cùng của năm phụng vụ. Vị Vua ấy, Ông Chủ ấy chính là Chúa Giêsu và Người đang đề cập đến ngày quang lâm của chính Người. Các dụ ngôn trước đây bỗng trở nên dễ hiểu khi “ẩn số” đã được mạc khải. Ý muốn của Vị Vua ấy cũng đơn giản và không lấy gì làm khó đoán. Ông cũng có phần “ích kỷ” như bao vị Vua khác: Chỉ thưởng cho những ai đã giúp cho chính mình! “Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn…” Có lẽ không còn gì đơn giản hơn! Không cần đánh Nam dẹp Bắc, không cần chinh Đông phạt Tây, không cần viết biên niên sử, không cần soạn phú chiêu binh, không cần xây lăng tẩm, không cần dựng đền đài… Phần thưởng cũng không phải tước hiệu hay huân chương mà chính là cả một Vương quốc. Hậu hĩ quá! Thế nhưng, Vị Vua Giêsu có tài cải trang để vi hành thật tuyệt luân, và điều thú vị là cả hai đối tượng được thưởng và bị phạt đều chưa từng nhìn thấy vị Vua kia trong suốt cuộc đời mình. “Có bao giờ con thấy Chúa…?” Cả hai đều trả lời như thế!
Các “ông vua” trần gian muốn biết thần dân đối với mình ra sao cũng dùng chiến thuật cải trang vi hành này, vì nếu để người dân nhận ra mình thì đâu biết “bụng dạ” thật của họ ra sao? Tôi bỗng nhớ câu chuyện phiếm về một nhà độc tài nọ: “Ông cũng cải trang đi vi hành, mỏi chân, ông ghé vào một rạp xi-nê. Khi bộ phim vừa dứt, quốc ca nổi lên và khuôn mặt nhà độc tài nọ được chiếu to lên trên màn ảnh rộng. Mọi người trong rạp đều đứng nghiêm, đặt tay lên ngực và hát vang bài quốc ca. Riêng ông vẫn ngồi gật gù ra vẻ hài lòng. Bỗng, có một bàn tay phía sau đập lên vai ông, rồi có tiếng thì thào: “Anh bạn ơi, chúng tôi cũng đều nghĩ như anh, nhưng xin anh cứ đứng lên, sẽ an toàn cho anh hơn!”
Vậy đó, sự kính trọng dễ làm giả hơn lòng thương yêu. Thế nên, Vị Vua Giêsu chỉ đòi hỏi lòng thương yêu vì Người chính là Tình Yêu. Người dễ dàng phân biệt Tình Yêu thực thụ và Tình Yêu giả mạo như phân biệt chiên và dê. Cả chiên và dê đều không nhận ra Ông Vua vi hành nhưng chiên biết yêu thực sự trong khi dê thì không. Đã không biết bao nhiêu lần tôi nghe đoạn Tin Mừng trên mà vẫn thấy khó áp dụng trong cuộc sống. Đã được học biết mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng sao vẫn thấy khó chấp nhận:
– Chúa mà là anh chàng hippi tóc tai bù xù, dáng vẻ lười nhác kia sao?
– Chúa mà là cô gái váy ngắn cũn cỡn, mắt quầng thâm mất ngủ kia sao?
– Chúa mà là thằng nhóc “trà đá” bộ mặt gian xảo kia sao?
– Chúa mà là gã xe ôm miệng lưỡi dẻo quẹo kia sao?
– Chúa mà là con mẹ tạp dịch mặt khó đăm đăm, càu nhàu luôn miệng kia sao?
– …
Và cứ thế, cứ thế… Tôi thành dê lúc nào không hay. Tim tôi dần chai cứng, trí óc tôi luôn bận bịu với những luận chứng xã hội học, những diễn giải luân lý, những biện chứng Đức Tin… Tôi cần có một hệ thống hoàn hảo để “nhận diện” Thiên Chúa nên không còn thời gian để tìm hiểu xem Chúa muốn điều gì nơi tôi.
Tôi lại nhớ câu chuyện một ông già sưu tập tranh. Với thời gian, ông cũng có được một bộ sưu tập kha khá những bức tranh đáng giá. Trong chiến tranh, đứa con trai duy nhất của ông gia nhập quân đội và tử trận. Một đồng đội của chàng đã về báo tin cho ông kèm theo một bức tranh chân dung của con trai ông:
– Thưa bác – chàng trai nói – con trai bác đã từng cứu sống cháu, nhưng cháu đã không làm được gì cho anh ấy. Cháu biết bác thích tranh nên đã vẽ lại theo trí nhớ ảnh con trai bác, hy vọng điều đó cũng an ủi bác được phần nào.
Vài năm sau, ông cụ cũng buồn mà qua đời. Sau khi an táng ông xong, luật sư riêng của ông mở cuộc bán đấu giá tranh sưu tập của ông theo di chúc. Nhiều nhà buôn tranh đến tham dự với hy vọng sẽ kiếm được món hời. Vị chủ tọa khởi đầu bằng bức chân dung cậu con trai, nhiều tiếng xì xào nổi lên phản đối vì cái họ đang mong chờ là tranh của Gauguin hay Cézane kia. Tuy nhiên, vị chủ tọa đã long trọng tuyên bố:
– Thể theo yêu cầu của người quá cố, buổi đấu giá sẽ bắt đầu bằng bức chân dung này. Giá khởi điểm là 50 $, ai trả hơn nào?
Im lặng bao trùm thính phòng, một vài cái phẩy tay, dăm cái lắc đầu… Bỗng có một ông cụ đứng lên:
– Thưa quý vị, tôi là hàng xóm của người quá cố, tôi vì tò mò mà sang xem cuộc đấu giá này chứ không có ý định mua bán vì tôi không có tiền. Tôi biết cậu thanh niên trong bức tranh này từ khi cậu ta còn bé, đó là một chàng trai hiền lành và tốt bụng! Nếu quý vị không phiền, xin bán cho tôi bức chân dung này với giá 20$ vì tôi không có nhiều hơn.
Nhiều cử chỉ tỏ vẻ tán đồng. Vị chủ tọa dõng dạc tuyên bố:
– 20$ lần thứ nhất, 20$ lần thứ hai, 20$ lần thứ ba… Xong! Bức chân dung này thuộc về bác, và xin trân trọng thông báo: Buổi đấu giá đến đây chấm dứt.
Nhiều tiếng phản đối nổi lên:
– Sao vậy? Buổi đấu giá còn chưa bắt đầu kia mà! Còn những bức tranh kia thì sao?
Vị chủ tọa ôn tồn giải thích:
– Cũng thể theo yêu cầu của người quá cố, ai mua được bức tranh cậu con trai ông ta thì dĩ nhiên được sở hữu tất cả số tranh còn lại…
Có lẽ những người tham dự đấu giá nọ cũng tiu nghỉu y như những người đứng bên trái: “Có bao giờ con thấy Chúa…” Giá như trước khi đi dự đấu giá, họ thử tìm hiểu ý muốn của ông già kia: Ông cũng như mọi người, muốn để lại tài sản cho đứa con thừa tự duy nhất của mình. Ông sẽ không để con trai ông xa những bức tranh còn lại. Đơn giản vậy mà không ai hiểu ra: Ai có được người con trai (hay hình ảnh của người con), người đó có tất cả! Thiên Chúa cũng thế, ai sở hữu Con Người (hay hình ảnh của Con Người), người đó có cả một Vương quốc ở đời sau.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn nhớ rằng: Mỗi người anh chị em mà chúng con gặp thường ngày đều mang hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con sẽ biết mở rộng con tim và bàn tay với mọi người; không xét nét, không đòi hỏi, không câu nệ… Nhờ đó, chúng con được xếp vào hàng những con chiên bên phải Người trong ngày Người quang lâm. Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo