Còn Anh Em, Anh Em bảo Thầy là ai?

 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B 

Isaia. 50: 5-9a; Tv 59; Giacôbê 2: 14-18; Máccô 8: 27-35

Thắc mắc về thân phận của Đức Giêsu đã được nhắc đến trước đó trong Tin mừng theo thánh Máccô. Đức Giêsu đã gợi lên bao hào hứng, tò mò thắc mắc và chống đối khi Người rảo quanh Galilê để rao giảng và chữa lành. Trong chương 6, người ta đã tranh luận về việc Đức Giêsu là ai và họ đã thốt lên: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy,… là ông Êlia… một ngôn sứ” (Mc 6,14-15). Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai?” Và các môn đệ lặp lại ý kiến đó: “Gioan Tẩy Giả, Êlia…. một trong các ngôn sứ”.

Đức Giêsu đặt câu hỏi về thân phận của Người và nghe lời xầm xì dấy lên từ việc chữa lành và giáo huấn của Người. Một cuộc thảo luận về thân phận Đức Giêsu hẳn sẽ là cuộc trò chuyện thú vị giữa những người đang quây quần trong bữa liên hoan ngoài trời với ly bia trên tay. Câu chuyện sẽ trở nên sôi nổi với những ý kiến trái ngược nhau. Có thể cả nửa trong đám thực khách cũng nóng hùng hực như cục than hồng. Nói về một chuyện như thế có thể khiến cho cuộc trò chuyện thêm thú vị và thậm chí còn gây lên sự tò mò, và ở khía cạnh nào đó còn mang tính học hỏi; có người lấy sách ra kiểm chứng, có người lên mạng tìm câu trả lời. Nói chung là tốt. Nhưng cần một chút gì đó riêng tư hơn.

Trong sự tiến triển của niềm tin, chúng ta cần lắng nghe và học hỏi từ những người khác, nhưng việc lập lại các công thức và ý niệm thôi thì chưa đủ. Đức Giêsu đòi chúng ta phải tận hiến cuộc đời này cho Người và đón nhận cuộc đời của Người như lối sống của chúng ta – dù cho có phải chịu đau khổ và tự hiến vì danh Người. Một người môn đệ phải liên lụy thiết thân với Đức Kitô và có khả năng nói lên niềm tin của mình khi bị thử thách. Dẫu cho không ai thắc mắc về niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu, thì cũng sẽ có những khoảnh khắc quan trọng, vấn nạn đó sẽ được đặt ra cho chúng ta qua những biến cố trong cuộc đời.

Chúng ta sẽ nói gì và làm gì khi: công việc mang lại cho ta một khoản tiềm thêm nếu chúng ta chấp nhận thỏa hiệp; bệnh tật khiến chúng ta và gia đình mình bị xáo trộn; một người bạn chất vấn chúng ta về niềm tin; chúng ta phải đưa ra chọn lựa về ứng cử viên cho cuộc bầu cử; chúng ta cố gắng chuyển trao niềm tin của mình cho con cháu chúng ta; giáo xứ cần thêm người giúp về khoản phục vụ nhà cấp phát lương thực cho người nghèo,…? Trong những khoảnh khắc nhất định đó của đời mình, Đức Giêsu quay về phía chúng ta và hỏi, như Người hỏi các môn đệ xưa rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Và rồi Người sẽ nói thêm, “Vậy thì anh em sẽ làm gì nào?”

Vào những giai đoạn khác nhau trong đời, chúng ta cũng bị chất vấn những câu như thế và chúng ta phải trả lời chứ không chỉ dùng lại công thức tuyên xưng đức tin hay câu trả lời mà chúng ta học được từ các lớp giáo lý khi còn là trẻ con, nhưng phải là câu trả lời từ một đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bài đọc, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa – cũng như những như những gì chúng ta học được từ nỗ lực nhằm trả lời cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta.

Các môn đệ mà Đức Giêsu đặt câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” đã có thời gian học từ Người và nhìn xem Người đối xử với những kẻ nghèo khó thiếu thốn chạy đến với Người ra sao. Các ông được “giáo dục” trong vai trò người môn đệ – chúng ta cũng vậy. Các ông phải học nhiều và sau này, trên đường sứ vụ, câu hỏi đó cứ được lặp lại mãi với các ông, “Anh em bảo Đức Giêsu là ai?” Sự đáp trả của các ông ngày càng tăng, trên hết vì các ông đã cảm nghiệm câu hỏi đó từ lần đầu tiên Đức Giêsu hỏi các ông. Sau này, sau cái chết và phục sinh của Người, các ông có thể trả lời xa hơn, như chúng ta đang học để tự mình trả lời: “Người là Đức Kitô phục sinh!”

Phêrô làm một cú nhảy vọt trong câu trả lời cho Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô” (hay “Đấng Mêssia”). Trong Tin mừng theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu khen ngợi Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,17-18). Nhưng thánh Máccô không giống như thánh Mátthêu, và ngài có mục đích riêng của ngài.

Trong Máccô, Đức Giêsu lệnh cho tất cả các môn đệ không được nói với ai về Người. Các môn đệ trong bài Tin mừng này vẫn khá khờ khạo. Ngay trong đoạn Tin mừng trước bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khuyến cáo họ về “men Pharisêu và men Hêrôđê”. Men là mộ biểu tượng nói đến sự thổi phồng tính kiêu ngạo nhưng, dĩ nhiên, các ông lại hiểu rằng Đức Giêsu đang nói đến việc họ thiếu lương thực. Quý vị hiểu ý tôi không? Khờ khạo!

Các môn đệ, cả chúng ta cũng vậy, còn nhiều thứ phải học trên hành trình làm mộn đệ. Nhưng may cho chúng ta, Đức Giêsu không từ bỏ chúng ta, nhưng còn cho chúng ta thời gian – hết lần này đến lần khác. Vì Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là đấng Mêssia, và vì niềm mong đợi đấng mêssia đến mang theo nhiều thứ, như sự thống trị và giải phóng về mặt chính trị – Phêrô và các môn đệ còn phải học nhiều để biết Đức Giêsu là đấng Mêssia như thế nào. Vì thế, Đức Giêsu cảnh báo họ “đừng nói với ai về Người”.

Bài đọc I là “Bài Ca Người Tôi Trung” thứ ba trích từ sách ngôn sứ Isaia. Bài này có thể giúp cho các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi có được lời giải đáp cho câu hỏi của Đức Giêsu “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Khi trả lời, những tín hữu đầu tiên áp dụng hình ảnh người tôi trung của Isaia để giúp họ hiểu Đức Giêsu là ai và Người đã làm điều gì khác biệt trong cuộc đời họ.

Bài Ca Người Tôi Trung có thể được viết hướng đến lúc kết thúc thời gian lưu đày ở Babylon. Nó diễn tả niềm hy vọng rằng những người bị giam cầm sẽ được quyền năng của Thiên Chúa giải thoát. Đó là điều Thiên Chúa đã làm bằng cách khiến cho vua Kyrô nước Ba Tư trả tự do cho dân lưu đày và cho họ trở về quê cha đất tổ.

Đức Giêsu đang nói về sự đau khổ và cái chết của Người, điều đó sẽ xảy đến vì, như nhân vật của Isaia, Người đã trung tín với sứ vụ. Dù có phải chịu đau đớn và bị từ chối, Người vẫn tin tưởng nơi sự minh xét sau cùng của Thiên Chúa. Cả Đức Giêsu và ngôn sứ Isaia đều mang Tin mừng đến, nhưng cả hai đều bị từ chối.

Khoảnh khắc hỏi và trả lời trong đoạn trích Tin mừng thánh Máccô hôm nay là một điểm xoay chuyển quan trọng. Từ đầu cho đến giờ, chỉ có ma quỷ mới nhận ra Đức Giêsu là ai và Người bắt chúng phải im miệng. Nay, Phêrô gọi đích danh Đức Giêsu là “Đấng Kitô” – Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Trong Tin mừng theo thánh Máccô mà chúng ta theo dõi cho đến nay và sau này chúng ta sẽ thấy căn tính Đức Giêsu dần được hé lộ như Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa, Người là Đấng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta và luôn trung thành với thánh ý của Thiên Chúa – dẫu cho có phải chịu đau khổ và phải chết.

Nhờ con đường Đức Giêsu đã chọn mà chúng ta biết được Thiên Chúa của chúng ta, không phải một Thiên Chúa xa vời, nhưng là Đấng luôn đồng hành cùng với ta hằng ngày, trong niềm vui cũng như trong những thử thách.

Phêrô không muốn nghe gì về việc Con Người phải chịu đau khổ và bị giết chết. Ông vẫn một mực với ý niệm về một Đấng Mêssia mạnh mẽ và chiến thắng, đấng khuất phục mọi quyền lực; chứ không chịu chúng làm cho đau khổ và giết chết. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta được tỏ lộ ra trên thập giá và rồi, được bày tỏ cách trọn vẹn, như Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “sau ba ngày” – khi Người từ cõi chết trỗi dậy.

Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa trong những hành động uy hùng thì chúng ta sẽ thất vọng. Có thể vì chúng ta diễn giải sức mạnh không đúng cách. Đức Giêsu dập tắt niềm hy vọng của Phêrô về một đấng mêssia quyền uy về chính trị và quân sự. Nhưng, Người lại biểu lộ một kiểu sức mạnh khác bằng cách chọn ở lại với chúng ta trong sự mỏng giòn, kiếm tìm và đau khổ, cho chúng ta niềm hy vọng rằng Người có thể nâng chúng ta lên với một đời sống mới.

Kết quả của niềm tin này là, trong sự yếu đuối lại là chính sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta đáp lại bằng cách chọn đứng về phía những người đang gặp khó khăn, đau khổ và trở thành dấu chứng tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa cho họ – như Đức Giêsu đã làm cho chúng ta.

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp