CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
Ga 14, 1-12
Nằm trong bối cảnh diễn từ biệt ly, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta đồng hành với các môn đệ, cùng nhau suy chiêm những huấn từ quý giá mà Chúa Giêsu- cách nào đó, đã muốn đúc kết hoặc cắt nghĩa trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời mà Người trải qua trên trần thế này, trước khi hoàn tất sứ vụ, trở về cùng Chúa Cha.
Đứng trước cảnh biệt ly, không ai tránh khỏi sự buồn phiền, ngậm ngùi và xao xuyến đến rơi lệ. Các môn đệ cũng trải qua trạng thái tâm lý này. Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng bồn chồn, lo lắng của các ông. Chính vì thế, Người ra sức an ủi vỗ về. Người cho các ông biết rằng việc Người ra đi sẽ mang đến cho các ông nhiều mối lợi mà một trong những mối lợi đó là việc Chúa Thánh Thần sẽ đến ở cùng các ông.
Tuy thế, không phải tất cả những giáo huấn của Thầy đều được học trò tiếp thu trọn vẹn. Tin mừng Gioan nhiều lần sử dụng thuật ngữ “Technique of misunderstanding”, điều khiến cho không ít lần các môn đệ cứ hiểu theo một nghĩa khác. Ở đây cũng vậy. Khi Người nói về “đường”, Tôma lại hiểu “đường” theo nghĩa đen, tức là một con đường giao thông bình thường do con người làm ra để kết nối giữa vùng này với cùng kia. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại nói theo nghĩa bóng.
Chúng ta biết trong Cựu ước, nhắc đến lịch sử dân tộc Israel là nhắc đến tiến trình “Xuất hành”, nghĩa là lên đường, bước trên con đường Thánh ý của Giavê Thiên Chúa. Để về đến đích là miền đất hứa, dân Israel không còn cách nào hơn là đi theo đường lối và huấn lệnh của Giavê. Phần thưởng muôn đời của họ sẽ được bảo đảm khi và chỉ khi họ bước trên con đường mà Giavê Thiên Chúa đã vạch ra.
Bên cạnh đó, lịch sử của dân tộc này cũng được xem là lịch sử luôn có mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa qua trung gian của một thủ lãnh vĩ đại là ông Môsê. Khi ban Luật Môsê cho dân, Thiên Chúa muốn cụ thể hoá mối tương quan với dân tộc này. Theo đó, luật Môsê chính là “đường” dẫn dân Israel đến với Giavê Thiên Chúa. Như thế, đường dẫn đến Thiên Chúa không phải do luật được ban hành mà do chính việc dân có thực thi luật đó hay không.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cho biết chính Người là Đường, là trung gian duy nhất để nhân loại nhận biết Chúa Cha. Khi sánh ví mình là Đường, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy con đường mà ngày xưa dân Dothái bước đi trong sa mạc, rồi lề luật để nối kết tình thân với Giavê, nay được thay thế bằng chính sự hiện hữu của Người. Vâng, chính bằng đời sống, lời rao giảng và nhất là cái chết trên thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu là một minh chứng cụ thể, sống động nhất cho chân lý này.
Từ nay, sẽ không có chân lý và cũng sẽ không có sự sống nếu nhân loại không bước trên chính con người Giêsu là Đường. Lý do là vì, theo các nhà chú giải Kinh thánh, “Đường” mới là điều cốt yếu, còn “Chân lý” và “Sự sống” là yếu tố phụ thuộc, nhằm giải thích cho yếu tố đầu. Như thế, chúng ta có thể nói được rằng Chúa Giêsu là Đường bởi vì Người là Chân lý và Sự sống. Do đó, những ai bước theo Chúa Giêsu là Đường thì đương nhiên ở trong Chân lý và Sự sống và không thể khác được.
Câu hỏi của thánh Tôma, vô hình trung, mạc khải cho nhân loại được biết vũ trụ này có một con đường độc nhất vô nhị để đến với Chúa Cha, đó chính là Đức Giêsu Kytô. Vâng, con đường mang tên Giêsu từ nay sẽ là con đường mang nhân loại đến với chân lý vẹn toàn; đem nhân loại đến với sự sống vĩnh cửu; đem nhân loại đến với bình an và hy vọng; đem nhân loại đến với yêu thương và tha thứ; đem nhân loại đến với vâng phục và hiến tế; đem nhân loại đến với công lý và hoà bình; và cuối cùng, đem nhân loại đến với hoà giải và ơn cứu rỗi.
Danh Chúa Cha có tiếp tục được nhân loại tôn vinh, công việc của Chúa Giêsu có tiếp tục sinh hoa kết trái và con đường mang tên Giêsu có được mở rộng hay không, tất cả đều tuỳ thuộc vào đời sống đạo của mỗi Kytô hữu. Ước mong trên con đường ân sủng mang tên Giêsu, mỗi Kytô hữu là những cây số hướng dẫn cho khách bộ hành- những người chưa nhận biết Chúa, tìm đến bến bờ chân lý và sự sống nơi tình yêu của Chúa Cha và tình hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb