CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA – Năm C
1 Samuen 1: 20-22, 24-28; Tvịnh 84; I Gioan 3: 1-2,21-24; Luca 2: 41-52
Quý vị có ngạc nhiên khi thấy đức Maria và thánh Giuse đi cả ngày đường mà không hề biết Đức Giêsu có đi cùng hay không? Tôi nghe nói có nhiều gia đình đi chơi cùng con cái bằng xe ôtô và dừng lại ở một trạm nghỉ. Khi họ quay lại xe thì giật mình nhận ra một trong những đứa trẻ bị lạc. Ngay lập tức họ bủa ra đi tìm đứa trẻ đó. Nhưng đằng này đức Maria và thánh Giuse đi suốt cả ngày rồi mới biết Đức Giêsu vắng mặt! Đức Maria và thánh Giuse đang bận tâm chuyện gì thế? Họ chỉ có mỗi mình trẻ Giêsu thôi mà!
John Pilch thật hữu ích trong việc tìm hiểu về bối cảnh đời thường và phong tục vào thời Đức Giêsu. (x. “The Cultural World of Jesus: Sunday by Sunday.” Collegeville: Liturgical Press, 1997). Ông cho rằng mối tương quan tình cảm mạnh mẽ nhất trong vùng Địa Trung Hải là giữa người mẹ và con trai trưởng. Sự ảnh hưởng của người cha không gây tác động đối với con trai cho đến khi cậu bé đến tuổi dậy thì, khi mà cậu ta “thoát khỏi sự vỗ về của thế giới người nữ để bước vào thế giới hà khắc của đàn ông” (tr. 13).
Trẻ Giêsu đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thế giới của người mẹ và thế giới của người cha. Trong đoàn người hành hương, họ đi theo từng phái, vì xã hội của họ phân chia khắt khe thế. Vì vậy, thánh Giuse thì nghĩ rằng trẻ Giêsu đang trên đường với đức Maria, còn đức Maria thì lại đinh ninh con mình đang đi cùng Giuse. Thế nên, đức Maria đinh ning rằng trẻ Giêsu đang trên hành trình với cánh đàn ông. Trong khi Giuse thì nghĩ rằng trẻ Giêsu về nhà trong vòng tay yêu thương của những phụ nữ. Cả bậc cha mẹ và các cậu thiếu niên đều thừa nhận sự khó khăn này vì trong cuộc đời họ đều phải kinh qua trong giai đoạn chuyển tiếp ấy.
Khi ông bà tìm thấy đức Giêsu ngồi giữa những người đàn ông và các bậc thầy, Pilch cho rằng đức Maria và thánh Giuse lẽ ra nên tự hào mới phải vì đức Giêsu đã chuyển tiếp thành công gia đoạn phát triển của mình. Nhưng trẻ Giêsu vẫn chưa phải là người trưởng thành và đã không báo cho cha mẹ biết về ý định của mình. Vì thế, đức Maria đã quở trách Người. Trong thế giới khép kín của người Địa Trung Hải thì ứng xử như vậy cũng là phải. Điều đó cho thấy rằng nuôi dạy con trẻ thời của Đức Giêsu cũng không hề dễ dàng gì hơn ngày nay.
Khi tôi viết những điều này thì đám tang của các nạn nhân ở Newtown, Connecticut đang diễn ra. Người ta chỉ có thể mường tượng nỗi kinh hoàng và đau khổ của các bậc cha mẹ của những nạn nhân nhỏ bé này. Thêm vào đó, có những cuộc phỏng vấn với cha mẹ, những người vội vã đến trường nhưng không hề hay biết đứa con nhỏ của họ có nằm trong số các nạn nhân hay không. Những người có con sống sót đã tả lại nỗi sợ hãi, nhẹ nhõm và mừng vui như thế nào khi họ ôm chầm lấy những đứa trẻ được tìm thấy. Những cuộc phỏng vấn này giúp chúng ta cảm nhận phần nào tình cảnh mà cha mẹ của đức Giêsu đã phải trải qua khi cuối cùng họ tìm thấy Người.
Nhưng chúng ta không phải dừng lại ở sự cảm thương của câu chuyện hôm nay. Cũng không cần phải nói lời hay ý đẹp về một “gia đình thánh” lý tưởng. Đó không phải là điều mà thánh sử Luca muốn nhấn mạnh. Nhưng, thánh Luca như muốn trình bày về thân thế của Đức Giêsu. Khởi đầu Tin mừng, thánh Luca cho thấy Đức Giêsu là ai và mục đích của Người là gì. Như chúng ta học biết rằng thánh Luca đang trình bày về Kitô học của ngài.
Trong lịch sử của nhưng nhân vật vĩ đại thường có những câu chuyện đáng phi thường từ thuở thiếu thời. Các câu chuyện cho thấy hình ảnh về sự vĩ đại trong tương lai của một người đã được hiển hiện ngay từ thời niên thiếu. Những gì mà nhân vật nổi tiếng làm thời còn niên thiếu cho thấy trước việc đó được thực hiện sau nàykhi lớn lên.
Hầu như những thông tin của Đức Giêsu vào thời niên thiếu đều không ai biết, đó là “cuộc đời ẩn dật” của Người. Có một vài câu chuyện ngụy thư nói về những mầu nhiệm mà trẻ Giêsu thực hiện. Còn việc cha mẹ “tìm gặp” Đức Giêsu hôm nay là câu chuyện duy nhất nói về thời niên thiếu của Đức Giêsu mà chúng ta biết được. Và việc đó tiên báo trẻ Giêsu sẽ trở thành người như thế nào. Đức Giêsu giải thích rằng: “Cha mẹ không biết là con phải có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (từ “biết” ở đây được chia ở chủ từ số nhiều, Đức Giêsu đang nói cho cả Maria và Giuse). Thánh Luca đã làm nổi bật lời tuyên bố của Đức Giêsu. Đó chính là trọng tâm của câu chuyện. “Con phải” là cụm từ mà thánh sử còn dùng cho chỗ khác nữa trong Tin mừng. Đức Giêsu phải bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho chúng ta, vì thế có những điều Người “phải” thực hiện. Cụm từ “nhà Cha” củaCon có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Người phải có “bổn phận” với Thiên Chúa Cha. Thứ hai, “nhà” là bao gồm các thành viên trong đó, các thành viên này làm nên cộng đoàn trong “nhà Cha” của Người.
Những gì đến với độc giả, ngay cả sự hiện diện của cha mẹ của Người, là Đức Giêsu có liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Đó chính là sự ý thức theo Người suốt cuộc đời sứ vụ sau này. Đức Giêsu được sai đến vì một sứ vụ, sứ vụ này sẽ quyết định tất cả những gì Người sẽ nói và sẽ làm. Ngay điểm Tin mừng này cho thấy hai ông bà không “hiểu lời Người vừa nói với họ,” kể dân chúng, thậm chí chính các môn đệ của Người cũng không thể hiểu Đức Giêsu là ai và Người muốn nơi họ điều gì. Những môn đệ đón nhận Đức Giêsu trong suốt cuộc đời sứ vụ ở trần gian này trở thành một phần trong “nhà Cha” của Người.
Câu chuyện bắt đầu với một gia đình tuân giữ tập tục hằng năm hành hương Đền Thánh Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua cùng với những người Dothái khác. Việc nói đến Giêrusalem trong thời gian Lễ Vượt Qua tiên báo hành trình mà Đức Giêsu và các môn đệ của Người sẽ thực hiện sau này. Xuyên suốt Tin mừng, Đức Giêsu sẽ có “bổn phận” trong “nhà Cha” của Người, cho dù điều đó muốn nói đến cái chết của Người. Đức Giêsu chứng tỏ sự khôn ngoan của mình khi còn là một cậu thiếu niên trong Đền thờ và cũng chính Đền thờ là nơi Người sẽ kết thúc sứ vụ giảng dạy của mình (x. Lc 19,41-21,38)
Trong đoạn văn hôm nay còn nhiều gợi ý khác nữa cho toàn bộ trình thuật của Tin mừng. Các bậc thầy đạo đức “kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”. Vì Tin mừng đang trên đà tiến triển, nên nhóm Dothái giáo nhiệt thành chống đối lời giảng dạy của Đức Giêsu. Nhưng dân chúng lại chấp nhận Người và đến Đền Thờ để nghe Người giảng dạy, vì “toàn dân say mê nghe Người” (x. Lc 19,48).
Đức Giêsu không đơn thuần là một cậu bé khôn trước tuổi, sau này lớn lên thành một bậc thầy cuốn hút. Nhưng Người nói về Thiên Chúa, nói thay cho Thiên Chúa với một uy quyền lớn lao còn hơn cả những bậc thầy thông Luật. Nguồn gốc sự khôn ngoan của Đức Giêsu không phải do học hỏi mà có được. Vì Người có một mối quan hệ độc nhất với Thiên Chúa và luôn cư ngụ trong nhà Cha của Người. Nên người giảng dạy và mời gọi những ai nếu chấp nhận bước vào ngôi nhà đó, thì hãy ngồi vào bàn tiệc của sự khôn ngoan để cùng ăn cùng uống bữa tiệc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn.
Vì vậy, câu chuyện Tin mừng hôm nay không phải là một chuyện lạ lùng từ thời niên thiếu của Đức Giêsu. Đó là câu chuyện cho biết về Đức Giêsu trong thời niên thiếu của Người, giúp cho ta biết được Đức Giêsu là ai, và Người sẽ cống hiến cuộc đời vì mục đích gì. Tin mừng không chỉ là một sự lựa chọn trong những miêu tả về cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu. Mà hơn thế nữa, ngay chính lúc khởi đầu của Tin mừng, đã có một trình thuật về kế hoạch mạc khải của Thiên Chúa nhằm đến ơn cứu độ của chúng ta thông qua Đức Giêsu.
Đức Maria và thánh Giuse đã không hiểu được ẩn ý trong câu trả lời của Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu thì lại vâng lời cha mẹ, nhưng cốt chuyện đã mạc khải về mối quan hệ đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha. Dần dần, chúng ta biết nhiều hơn nữa về Đức Giêsu và hiểu ra được ý nghĩa trong cuộc đời của Người. Tin mừng theo thánh Luca lại tiến triển theo mỗi Chúa nhật trong suốt năm phụng vụ này, và vì chúng ta cư ngụ trong “nhà Cha” với Đức Giêsu và cư ngụ với nhau, nên chúng ta sẽ đến để biết Thiên Chúa của chúng ta là ai qua Đức Giêsu, và qua Đức Giêsu chúng ta được kêu gọi để đáp trả những gì Người yêu cầu.
Khi đọc Tin mừng Luca và nghe Tin mừng đó lần lượt được công bố trong năm nay, chúng ta sẽ thừa nhận sự nhầm lẫn của mình và nhận thấy thiếu hiểu biết về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Nhưng đã có Đức Maria là mẫu gương của chúng ta vì người đã lắng nghe suốt quá trình mạc khải. Noi gương Đức Maria, chúng ta kiên nhẫn giữ “tất cả điều này” trong lòng với hy vọng rằng: còn nhiều điều nữa sẽ được mạc khải trên hành trình với Đức Giêsu, cũng như đồng hành với các môn đệ của Người đến Giêrusalem để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua – lễ hiến tế mạng sống mà chính Đức Giêsu sẽ thực hiện.
Cái chết của Đức Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn không phải là hồi kết của câu chuyện. Nhưng vào Ngày Phục Sinh, chúng ta sẽ hiểu đầy đủ hơn Người là ai. Vì vậy, cùng với hai môn đệ tiếp đón người khách lạ trên đường về Emmau, chúng ta cũng sẽ nhận ra Đức Kitô chỗi dậy ở giữa chúng ta, trái tim ta sẽ bừng cháy nhờ Lời của Người, và mắt chúng ta sẽ mở ra khi Người bẻ bánh (x. Lc 24,13-35).
Đức Maria và thánh Giuse đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin. Chúng ta cùng với các ngài có mặt ngay từ khởi đầu của câu chuyện. Nhưng ở đây, tình tiết ngắn ngủi này lại là những hạt mầm của toàn bộ Tin mừng. Chúng ta được mời gọi suy tư không ngừng về khoảnh khắc ngắn ngủi đó, bởi vì nó chiếu soi cho ta biết Đức Kitô là ai. Còn thánh Giuse là mẫu gương về một người công chính, cả cuộc đời chỉ biết vâng phục theo lời mời gọi của Thiên Chúa, dù lúc đầu có ý chống lại kế hoạch ấy. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cùng đi với đức Maria vì người xuất hiện lại trong Tin mừng. Cùng với đức Maria, chúng ta sẽ nhìn thấy và lắng nghe những sự kiện được mạc khải, và cùng tham gia với người khi chúng ta giữ “tất cả điều này” trong lòng.
Câu chuyện Tin mừng này trước hết không nhằm chỉ dạy cho chúng ta về đời sống gia đình Kitô hữu xứng hợp; cũng không phải yêu cầu những đứa trẻ vâng lời cha mẹ. Nhưng, đó là câu chuyện Tin mừng mạc khải cho chúng ta biết về kế hoạch của cứu độ của Thiên Chúa.
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh Em HV. Đaminh Gò Vấp