Mátthêu 3,13-17 – Phép Rửa – A
1.- Ngữ cảnh
Về phương diện lịch sử, kinh nghiệm Đức Giêsu trải qua như bản văn chúng ta đọc hôm nay mô tả, là điều không thể kiểm chứng được. Lần đầu tiên Người hé cho dân chúng thấy được điều gì đó về thân thế của Người là trong cuộc gặp gỡ với Gioan, vị Tiền Hô; chỉ các Tin Mừng mới ghi lại cuộc gặp gỡ này (Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; x. Ga 1,29-34).
Cuộc gặp gỡ Giođan không phải là một cuộc hẹn, cũng chẳng phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ. Đây là tổng hợp những tương quan giữa Đức Giêsu và Gioan. Nếu ta nghĩ rằng đây là cuộc đối thoại đầu tiên hoặc duy nhất, thì ta quên tính cách cách-điệu hoặc hệ-thống-hóa quen thuộc của các Tin Mừng. Hợp lý có lẽ nên giả thiết là đã có những cuộc gặp gỡ trước để trao đổi tầm nhìn, trao đổi các nhận định, và biến cố hôm nay chỉ là kết luận cho các gặp gỡ ấy.
Mẩu đối thoại ở cc. 14-15 chỉ có trong TM Mt, phản ánh một chiều hướng biện giáo. Sự kiện Đức Giêsu được Gioan ban phép rửa đã sớm tạo ra những khó khăn cho các Kitô hữu (so với Lc 3,21t; Ga 1,29-34): (i) Ngược lại với những gì chính Gioan đã loan báo về sự cao cả của Đấng Mêsia, ở đây các vai trò dường như bị đảo lộn; (ii) Phép rửa của Gioan, có kèm theo việc thú tội, được ban cho những người có tội; vậy khi đến nhận phép rửa, dường như Đức Giêsu ý thức mình có tội. Mẩu đối thoại cung cấp câu trả lời cho vấn nạn (i), còn cuộc thần hiển tiếp đó trả lời cho vấn nạn (ii).
Trong bài, có những chi tiết lấy từ các Bài Ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa (Mt 3,17: Is 42,1). Đức Giêsu là Người Tôi Trung đã sẵn sàng đến chia sẻ thân phận khốn cùng của kẻ tội lỗi, khi đến xếp hàng chờ được nhận phép rửa, là nhận lấy những yếu đuối của loài người, như Mt nói sau này (Mt 8,17: Is 53,4). Như thế, tác giả đã kín đáo ám chỉ cuộc Thương Khó (x. Mt 27,45-56).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm hai phần:
1) Phép rửa của Đức Giêsu (3,13-15);
2) Cuộc thần hiển (3,16-17).
3.- Vài điểm chú giải
– chúng ta nên làm như vậy (15): Prepon estin (“nên; điều xứng hợp là”) hầu như tương đương với động từ dei (“phải; cần thiết”), diễn tả nhiệm vụ phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa.
– giữ trọn (15): Trong TM Mt, động từ plêroô, “làm cho đầy; làm trọn” không có nghĩa là chu toàn một lệnh truyền, mà là thực hiện một kế hoạch của Thiên Chúa.
– đức công chính (15): Dikaiosynê không phải là một nhân đức luân lý (“công bình”), nhưng là một lối sống, một cách xử sự tương hợp với kế hoạch và ý muốn của Thiên Chúa. Mt dùng từ ngữ này đặc biệt trong Bài Giảng trên núi. Trong bối cảnh chung của tư tưởng tôn giáo Híp-ri, “đức công chính” đây là việc thực hiện các ý muốn của Thiên Chúa, quy phục Luật Giao ước thật kỹ càng. Mt cũng đứng trong truyền thống thần học này: con người nên công chính khi, nhờ có cảm thức sắc bén về tính siêu việt và sự thánh thiện của Thiên Chúa, họ tìm cách sống hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa đã quy định rằng Đấng Mêsia phải nhận phép rửa của Gioan và xuất hiện ra như một người tội lỗi. Vì sao? Ngữ cảnh không cung cấp một lý do rõ ràng nào giúp giải thích ý muốn này của Thiên Chúa. Nhưng toàn bộ Tân Ước thì cung cấp hai lý do:
(1) Lý do thứ nhất dựa trên Mt 20,28 và 26,28: Đức Giêsu phải tạ tội cho “một số đông” (= muôn người). Cv 8,32-35 (trích Is 53,7-8) cho thấy Đức Giêsu là như Người Tôi Trung của Đức Chúa, chịa đau khổ vì tội lỗi của dân mình, cho dù bản thân Người không có tội. Thánh Phaolô diễn tả rõ ràng: Nhờ việc nhập thể, Đức Giêsu đã “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8,3), Người đã trở nên thành viên và thủ lãnh của một nhân loại tội lỗi. Vậy, mặc dù không có tội, Đức Giêsu đã phải lãnh nhận phép rửa bày tỏ sự thống hối do liên đới với loài người tội lỗi (x. 2 Cr 5,21; Dt 2,14-17).
(2) Lý do thứ hai, tương tự lý do thứ nhất, nhưng nhìn dưới một góc độ khác: không nhìn Đức Giêsu tự đồng hóa với các tội nhân, nhưng tự đồng hóa với những người-tội-lỗi-hoán-cải. Bởi vì khi nhận phép rửa của Gioan, người Do Thái phải đáp ứng một yêu cầu về sự công chính, nghĩa là phải bày tỏ lòng thống hối, ước muốn trở lại với Thiên Chúa và lại sống trung thành với những đòi hỏi của Giao ước. Sự công chính Kitô giáo, theo như Mt hiểu, về cơ bản có một ý nghĩa tương tự sự công chính theo Giao ước cũ (nhưng vượt xa sự công chính này): là trung thành với những đòi hỏi của Giao ước mới, quy phục luật mới do Đức Kitô ban cho (x. ch. 5–7). Như thế, khi Đức Kitô “giữ trọn đức công chính”, Người vừa nhận cho mình thái độ của những người Israel “công chính” trung thành với Giao ước, vừa đưa sự trung thành đó đến mức hoàn hảo cuối cùng. Có lẽ đây đúng là ý nghĩa của phép rửa Đức Giêsu nhận: khi ấy, Người trở nên liên đới với đoàn dân đang quay về để sống trung thành. Khi nhận phép rửa, Đức Kitô lôi kéo theo với Người và trong Người tất cả những người tin, đi vào cuộc quay trở về để sống trung thành, đi vào thái độ vâng phục thảo hiếu đối với Chúa Cha. Và Người sẽ diễn tả thái độ hiếu thảo này ra hết sức rõ ràng trong cuộc Khổ Nạn (x. 26,39), là lúc mà đức công chính được giữ trọn. Lời nói đầu tiên của Đức Giêsu trong TM Mt cũng tóm tắt toàn thể cuộc đời Người.
– các tầng trời mở ra (16): Mt sử dụng cùng một động từ với Is 63,19 LXX, “mở ra” (anoigô), trong khi bản Híp-ri là “xé ra”, qr‘ (“Phải chi Ngài xé trời mà xuống”), nhưng ý nghĩa vẫn là một: niềm hy vọng cánh chung được vị ngôn sứ loan báo, nay đã được thực hiện.
– như chim bồ câu (16): “Như; giống như” (hosei) bổ nghĩa cho động từ “xuống” chứ không phải cho danh từ “Thần Khí”. Trong Do Thái giáo, không bao giờ con chim bồ câu được coi là hình ảnh của Thần Khí cả, nhưng có một vài bản văn so sánh chuyển động của Thần Khí Thiên Chúa với chuyển động của một con chim bồ câu “bay lượn trên đàn con rất gần, mà không chạm vào chúng”. Sách St viết: “Thần khí bay lượn trên nước” (1,2). Hình ảnh này muốn nói: (1) Thần Khí không phải là một sức mạnh phát xuất từ thiên nhiên hay con người, mà là một hữu thể siêu việt; (2) Thần Khí hoạt động vừa dịu dàng vừa gần gũi. Bản văn Mt cũng như Mc không muốn nói đến dáng vẻ bề ngoài (như Lc), mà là cách thức Thần Khí đến và tác động trên Đức Giêsu.
– Đây là Con yêu dấu của Ta (17): Lời Chúa Cha nhắc lại Tv 2,7: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” và Is 42,1: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó”. Có nhiều bản văn Cựu Ước trong đó Thiên Chúa gọi Israel là “con” (x. Xh 4,22; Hs 11,1 …) khiến ta có thể nghĩ rằng ở đây Mt gợi ý Đức Giêsu là “Israel mới”. Câu truyện “Cám dỗ” (4,1-11) sẽ nêu rõ sự song đối này.
Câu nói từ trời được lặp lại y nguyên trong bài tường thuật Hiển Dung (x. 17,5). Hẳn là Mt muốn tạo một tương quan thần học giữa hai biến cố. Cũng như biến cố Hiển Dung báo trước việc Đức Giêsu được tôn vinh khi sống lại (sự tôn vinh này là hoa trái của sự tự hạ trong cuộc Thương Khó), biến cố tiếng nói và Thần Khí xuống cũng loan báo Đức Kitô được tôn vinh; sự tôn vinh không chỉ là hoa trái của Khổ Nạn mà còn của cả cuộc đời tự hạ của Đức Kitô, khởi đầu với sự tự hạ trong phép rửa. Tất cả những điều này xác nhận rằng truyện Phép Rửa đúng là một cuộc thần hiển, như cuộc Hiển Dung, chứ không phải là một thị kiến của riêng Đức Giêsu. Cuộc thần hiển này được ngỏ với các độc giả Tin Mừng, nay đã là môn đệ Đức Giêsu (bởi vì Mt không nhắc tới đám đông dân chúng nào cả), cũng như cuộc Hiển Dung chỉ được ngỏ với ba tông đồ.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bước đầu đưa Đức Giêsu đi vào hoạt động công khai xảy ra trong bối cảnh là phép rửa do Gioan cử hành. Đức Giêsu từ Galilê đến sông Giođan và muốn được Gioan làm phép rửa cho. Chính diễn tiến của phép rửa chỉ được nhắc qua (3,16). Nhưng phép rửa này tạo cơ hội cho Gioan, Đức Giêsu và Thiên Chúa lên tiếng và những phương diện cốt yếu của hoạt động của Đức Giêsu được tỏ bày. Gioan phản đối viẹc Đức Giêsu xin được ban phép rửa, vì ông coi là chuyện không hợp (3,14). Những lời đầu tiên Đức Giêsu nói khẳng định rằng Người có nhiệm vụ đưa trọn ý muốn của Chúa Cha đến chỗ hoàn tất (3,15). Rồi Thiên Chúa nhìn nhận Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài (3,17).
* Phép rửa của Đức Giêsu (13-15)
Bản văn này có giọng tường thuật.
Gioan đã dùng ba cách để tuyên bố Đức Giêsu là Đấng có ưu thế hơn (3,11-12): 1) Người là Đấng mạnh hơn, Người vượt xa Gioan bằng sức mạnh thực thụ. 2) Người có phẩm giá cao vời: ngay đến việc xách dép cho Người, Gioan cũng không xứng đáng. 3) Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, trong khi Gioan chỉ làm phép rửa trong nước. Nước có là gì đâu trước Thần Khí Thiên Chúa, trước sự sống chan hòa của chính Thiên Chúa? trước sinh lực dồi dào và niềm hạnh phúc của Thiên Chúa? Ai là Đấng có thể làm phép rửa với Thánh Thần? Thế mà chính Đấng đã được Gioan loan báo như thế lại muốn được ông làm phép rửa cho. Được làm phép rửa bằng nước có ý nghĩa gì đối với Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần? Xếp hàng nối vào những người không có Thánh Thần có ý nghĩa gì đối với Đấng sẽ thông ban Thánh Thần? Gioan có một ý tưởng khác về điều phù hợp với Đức Giêsu, ông không thấy vị trí của Người bên cạnh những người đến xin ông ban phép rửa. Nhưng ông xin Đức Giêsu giáo huấn mình. Suốt hành trình, Đức Giêsu sẽ bị người ta cật vấn về cách xử sự của Người, đặc biệt là cách xử sự của Người đối với những kẻ tội lỗi (x. 9,11). Các đối thủ của Người sẽ có những ý tưởng sai lạc về những gì xứng hợp với Đấng Thiên Chúa sai đến.
Lời đầu tiên Đức Giêsu nói có một đặc tính căn bản: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (3,15). “Đức công chính” có nghĩa là những gì “công chính” trước mặt Thiên Chúa, những gì tương ứng với ý muốn của Ngài. Chuyện Đức Giêsu được Gioan làm phép rửa cho thuộc về ý muốn của Thiên Chúa. Người làm như thế không phải theo một ý riêng, nhưng bởi vì Thiên Chúa muốn thế. Chính trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà Đức Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho mình và bắt đầu hành trình.
Đức Giêsu nhận biết là ý Thiên Chúa muốn Người hòa mình vào số những người đến xin Gioan làm phép rửa. Họ là những người đã nghe lời kêu gọi hối cải và công khai thú nhận mình là người tội lỗi (3,6). Người không đứng vào hàng ngũ những người chắc chắn về mình, những người nghĩ rằng mình công chính và vô phương trách cứ. Thật ra, Người không phải trách mình về bất cứ tội nào; nhưng quan hệ của Người với Thiên Chúa là thế nào, thì lát nữa chính Thiên Chúa sẽ phải tỏ ra. Đức Giêsu như đang nhắc lại tên của Người: “Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (1,21) và giới thiệu sứ mạng của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (9,13). Người bắt đầu trợ giúp người tội lỗi bằng cách không giữ khoảng cách đối với họ, mà là đến ở giữa họ: như một người trong số họ, Người xin Gioan làm phép rửa cho. Qua hành vi này, Đức Giêsu nhìn nhận giá trị của phép rửa Gioan, nghĩa là Vị Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa không do sáng kiến loài người, nhưng theo nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó (x. 21,25). Đồng thời, Người tỏ thái độ đối với những kẻ mà Người được gửi đến phục vụ: Người ở bên cạnh họ và chăm sóc họ bằng cách sống giữa họ. Toàn thể hoạt động của Người cho đến chết trên thập giá được quy định bởi chiều hướng và sứ mạng này.
Khi tỏ ra liên đới với người tội lỗi, Đức Giêsu phản đối quan niệm của Vị Tẩy Giả về Nước Trời và về Đấng Mêsia: thay vì tự giới thiệu như là Vị Thẩm Phán cánh chung đến quét sạch sân lúa của mình trong Cơn Thịnh Nộ và trong lửa, Đức Giêsu đã trầm mình vào dòng sông Giođan.
* Cuộc thần hiển (16-17)
Bản văn này có giọng điệu khải huyền.
Lời Thiên Chúa phán sau đó cho thấy người hành động như thế là ai và Thiên Chúa ở về phía Người như thế nào: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (3,17). Lời này cũng căn bản và chất chứa cả một chương trình như lời tuyên bố của Đức Giêsu về việc Người vâng theo ý muốn của Chúa Cha (3,15). Đấng vâng phục Thiên Chúa và đứng về phía người tội lỗi chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Tương quan của Người với Thiên Chúa không hề bị tội lỗi làm cho rối loạn. Người đứng bên những kẻ tội lỗi và có thể trợ giúp họ chính là vì Người không phải là một người trong số họ. Thiên Chúa yêu thương Người bằng một tình yêu độc nhất vô nhị, hài lòng về Người, hoàn toàn đồng ý với Người và với cách hành động của Người. Người là Con, được hiệp nhất với Chúa Cha theo cách hoàn toàn đặc biệt; Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Người; Người đầy sức sống và sức mạnh Thiên Chúa; đó là sức tạo thành và làm cho sống.
Bản văn cho hiểu là Chúa Cha chấp nhận sự vâng phục của Đức Giêsu, khi mô tả việc Thần Khí ngự xuống và nhắc đến “tiếng nói từ trời”. Như vậy, phép rửa giống như một lễ tấn phong Đức Giêsu làm Đấng Mêsia (x. 11,2; Ge 3,1-2).
+ Kết luận
Bằng cách đó, Đức Giêsu được chuẩn bị cho sứ mạng Người và có thể đưa phép rửa bằng Chúa Thánh Thần như đã được loan báo đến chỗ được thực hiện. Trong phép rửa của Đức Giêsu, có tỏ hiện những đường nét của toàn thể hoạt động của Người. Người đến không phải cho những người công chính, nhưng đến sống giữa những người tội lỗi. Người làm như thế vì vâng theo thánh ý của Thiên Chúa và trong tư cách Con yêu dấu của Ngài, sống hiệp thông hoàn toàn với Chúa Cha. Điều mà người tội lỗi bị thiếu, thì Đức Giêsu được Thiên Chúa ban cho ở mức hoàn hảo. Như thế, Người có thể tha thứ tội lỗi và đưa người ta đến hiệp thông với Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay, chúng ta được mời gọi nghe tiếng nói từ trời giải thích ý nghĩa những sự việc đang xảy ra tại sông Giođan. Đến lượt Đức Giêsu ra đi dùng cuộc đời, lời nói và các việc làm, mà trở thành tiếng nói của Chúa Cha cho loài người. Rồi Người sẽ gọi một số người, trong đó có chúng ta, nối tiếp Người trong sứ mạng này. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Lâu nay, nghe những lời tôi nói và nhìn cách tôi sống, người khác nhận ra được sứ điệp nào của Chúa Cha?
2. Khi đến xin nhận phép rửa, Đức Giêsu xếp hàng với những người tội lỗi, là những kẻ mà Người đến để tha thứ và cứu độ. Đấy là cách thức làm việc của Người. Người cứu độ bằng cách chia sẻ tình trạng bần khốn, nghèo hèn của nhân loại, để biến đổi nhân loại từ bên trong. Người sẽ đi tới cùng trong lập trường này khi chấp nhận tự hủy trong cái chết trên thập giá. Khi chọn lựa như thế, Đức Giêsu đã phác ra cho các Kitô hữu một phương cách làm việc tông đồ: không phải là đứng từ trên mà phê phán, thống trị, nhưng hòa mình vào để chia sẻ.
3. Khi Đức Giêsu đã phải chọn lựa đứng vào hàng ngũ các tội nhân và trầm mình vào dòng sông Giođan, Người cho hiểu rằng chúng ta đang ở tại đó, tại đáy thẳm cuộc đời, trong tình trạng nghèo hèn, và Người sẵn sàng đến gặp để đưa chúng ta đi lên. Như thế, chẳng ai trong loài người có thể tự hào rằng mình sống xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, mình được chiếu cố vì đã sống ngay chính.
4. Trong bí tích rửa tội, người Kitô hữu được cùng chết với Đức Kitô và cùng sống lại với Người. Khi đó, người ấy như được nghe Chúa Cha nói về mình như đã nói về Đức Giêsu xưa kia: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Nhưng khi đó, người tín hữu cũng hiểu rằng mình phải lên đường đi cứu thế như và cùng với Đức Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha. Trách nhiệm của người Kitô hữu cũng như trách nhiệm của Đức Giêsu, là giới thiệu cho thấy Thiên Chúa là Cha và truyền thông tình yêu của Chúa Cha cho anh chị em mình.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm