CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH C
Bài đọc một trong sách Tông đồ Công vụ hôm nay nhắc tôi nhớ lại bộ phim đó và những lời tường thuật của mấy người bạn về những chuyến đi xuyên quốc gia tương tự. Chúng ta dõi theo những hành trình giảng đạo của Phao-lô và Ba-na-ba, bắt đầu tại thành phố Đéc-bê, sau đó quay trở lại Lýt-ra (một điểm dừng chân khá là táo bạo của Phao-lô vì lần trước ông đã từng bị một nhóm người ném đá gần chết!); Các ông đi đến I-cô-ni-a, An-ti-ô-khi-a, Pi-xi-đi-a, Pam-pi-li-a, Péc-ghê và sau đó trở lại An-ti-ô-khi-a.
Dĩ nhiên Phao-lô và Ba-na-ba không đi theo một “Quyển sách hướng dẫn của Michel về các thành phố lớn trong vùng tiển Á”. Các ông xác tín vào một sự hướng dẫn hoàn toàn khác. Vì khi trở lại An-ti-ô-khi-a và tường thuật về những thành công do sự nỗ lực trong sứ vụ của hai ông, chúng ta được kể lại rằng, “Hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông”. Đó cũng chính là một chủ đề xuyên suốt sách Công vụ – Thánh Thần cùng hoạt động và gia tăng sức mạnh cho các nhà giảng thuyết tiên khởi khi họ nỗ lực rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Phao-lô và Ba-na-ba cũng nói cho các môn đệ tụ họp trong các hội thánh hai ông thăm viếng biết về cái giá phải trả của những nỗ lực bản thân: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”. Các tông đồ đang nói từ chính kinh nghiệm của các ngài.
Vậy thì, các cuộc lữ hành của chúng ta sẽ dẫn chúng ta tới đâu, vì chính chúng ta cũng được trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho thế giới? Có thể chúng ta sẽ không bước vào một hành trình sứ vụ loan báo Tin Mừng đầy sóng gió như hai vị tông đồ điển hình này. Dù vậy, Bí tích Rửa tội đã xức dầu chúng ta trở thành những ngôn sứ trong chính môi trường sống của mình. Không được trốn tránh trách nhiệm đó!
Chúng ta hãy cùng nhau liệt kê “lĩnh vực sứ vụ” của chúng ta: ở bữa ăn sáng, nơi làm việc, giữa những người bạn trong các buổi gặp mặt, trên mạng hay trong siêu thị… Tôi không đề nghị chúng ta đứng ở tiệm xà bông và thuyết giảng; dù cho có xấu hổ ít đi một chút vì đức tin cũng chẳng hề gì. Nhưng những sinh hoạt hằng ngày, lối sống, các giá trị, việc đánh giá của chúng ta phải khơi gợi nên sự tò mò cho những người chung quanh. Ai biết được, biết đâu họ lại tò mò tự đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng: “Điều gì làm cho bạn khác biệt như thế nhỉ?” “Với tất cả những vấn đề đó, làm sao anh có đủ sức mạnh để vượt qua nhỉ?” “Làm sao anh vẫn tràn trề hy vọng như vậy nhỉ?” Khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội thực hiện điều mà chính hai vị tông đồ đã làm – “Công bố Tin Mừng”.
Chúng ta có thể cảm thấy mình không được huấn luyện đủ về mặt thần học, nhưng chúng ta nên nói từ chính hiểu biết, từ trái tim và từ chính cảm nghiệm đức tin của mình. Giống như Phao-lô và Ba-na-ba, chúng ta không đơn độc trên hành trình, vì Thánh Thần sẽ là “người hướng dẫn hành trình” cho chúng ta. Đó cũng chính là điều mà sách Công vụ Tông đồ thực sự nói tới: Thánh Thần hoạt động nơi những con người bình thường giúp họ công bố Tin Mừng và như sách Công Vụ kể, nhận “khá nhiều người làm môn đệ”. Hãy thử xem!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu công bố nhiệm vụ trung tâm của các môn đệ, cho dù chúng ta đang ở trên đường hay ở trong nhà mình. “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em có lòng yêu mến nhau.”
Tình yêu khắc dấu cuộc đời Đức Giêsu. Người đã trao tặng toàn bộ cái tôi của Người vì yêu chúng ta. Con người đã cảm nghiệm tình yêu này bằng nhiều cách. Người bày tỏ tình yêu bạn bè cho những ai gần gũi với Người nhất. Với lòng trắc ẩn, Người chữa lành những ai tìm đến Người với những đau khổ về tinh thần và thể xác. Người diễn tả tình yêu qua việc đón nhận những người tìm kiếm sự công nhận của một xã hội luôn bỏ lơ họ, làm bạn đồng hành và cho cùng ngồi ăn uống với Người. Người nói những lời yêu thương thứ tha cho các tội nhân và thậm chí còn ăn uống với họ nữa. Sau cùng, Người sẽ chẳng bao giờ rút lại thông điệp về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta dù nó dẫn Người đến cây thập giá.
Bài tin mừng hôm nay nằm trong phần mở đầu diễn từ từ biệt của Đức Giêsu đối với các môn đệ (13, 31 – 17, 26) trong bữa Tiệc Ly. Trình thuật bắt đầu bằng việc Giu-đa ra đi để phản bội Đức Giêsu và Đức Giêsu nói những người đồng bàn rằng: giờ báo oán và tôn vinh của Thiên Chúa đã bắt đầu. Điều Đức Giêsu sắp chịu sẽ tôn vinh Thiên Chúa vì nó mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Thời điểm đen tối bắt đầu và thế nhưng một thời của ánh sáng mới cũng sắp được khởi sự vì hành động yêu thương của Đức Giêsu sẽ giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thập giá không phải là một dấu hiệu thất bại đối với Đức Giêsu. Ngược lại, nó biểu lộ sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bóng tối. Chiến thắng đó đã được khởi sự nhưng dưới con mắt của những người quan sát bất cẩn, những gì đang xảy ra cho Đức Giêsu lại có vẻ là sự thất bại. “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người”. Trong Tin Mừng Gio-an, Thiên Chúa luôn được đặt tại vị trí trung tâm, là Nhân Vật chính trong vở kịch. Vì thế, điều sắp xảy đến cho Đức Giê-su sẽ là một mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới.
Dầu vậy, những biến cố sẽ xảy đến vẫn cứ là nguyên nhân gây đau khổ và phá vỡ mọi niềm hy vọng của các môn đệ. Đức Giê-su sẽ bị tách ra khỏi họ. Chỉ dẫn của Người trước lúc ra đi là họ phải yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương họ; tình yêu thương của họ sẽ là dấu hiệu cho mọi người biết họ là môn đệ của Đức Giê-su.
Những lời trăng trối của các bậc vĩ nhân không bao giờ nhắm những chuyện nhỏ nhặt, vặt rãnh. Đúng hơn, chúng thường là những giáo huấn cốt lõi tóm lược toàn bộ cuộc đời của những vĩ nhân đó. Vì vậy, những lời từ biệt của Đức Giê-su cũng là những lời trọng tâm – đó là điều Người muốn các môn đệ nhớ về Người và tiếp tục thực hiện trong danh Người. Người nói với các môn đệ rằng, cái chết của Người sẽ tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Khi đó, chúng ta phải phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và bằng việc yêu thương nhau, tất cả mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Giê-su.
Dân It-ra-en đã được lệnh là phải yêu thương nhau; nhưng họ không bị yêu cầu phải yêu thương kẻ thù. Tình yêu của Đức Giêsu đã vượt qua mọi ranh giới quốc gia và văn hoá. Người dạy chúng ta phải yêu thương dù là ta thấy người khác đáng yêu hay không. Người dạy về một tình yêu hiến tế mang lại hoà bình cho nhân loại và lôi kéo mọi người đến với nhau thành một cộng đoàn yêu thương. Sau đó, trong bữa ăn Người sẽ minh chứng một cách thức của tình yêu qua việc rửa chân cho các môn đệ. Người làm chủ phải trở nên người phục vụ kẻ khác.
Đức Giê-su đặt quy định đầu tiên cho cộng đoàn của Người, là phải yêu thương và phục vụ. Cộng đoàn phải là nơi phản ánh và là khuôn mẫu của tình yêu mà Đức Giê-su đã sống và dạy các môn đệ Người. Còn dấu hiệu nào hùng hồn hơn một cộng đoàn yêu thương trong thế giới này! Một cộng đoàn với những dấu hiệu phân biệt: Tha thứ lẫn nhau; săn sóc, thậm chí quan tâm đặc biệt, các thành viên nhỏ nhất; chia sẻ đồ dùng; sẵn sàng phục vụ nhau…Một cộng đoàn yêu thương như thế sẽ từng ngày thu hút người khác đế gia nhập với chúng ta. Tình yêu này sẽ lôi kéo người khác vì, liệu ai có thể chống cưỡng lại được một nhóm người yêu thương nhau như thế trong ‘cái thế giới chẳng còn mấy ai biết yêu thương’ này?
Dẫu sao, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều để có thể trở thành những cộng đoàn phản ánh tình yêu Đức Giêsu cho thế giới! Không những vậy, ngày càng có nhiều người rời bỏ các cộng đoàn Kitô hữu vì, như họ nói, họ không cảm nghiệm được tình yêu đó trong các giáo hội của họ do tình trạng bè phái, chia rẽ giữa các thành viên. Thay vì một tinh thần hăng say lên đường, nhập cuộc như chúng ta đọc trong sách Công vụ hôm nay, họ lại chỉ cảm thấy sự cô lập và não trạng co cụm, phòng thủ. Chẳng phải mấy năm gần đây nhiều người đã rút lui khỏi các cộng đoàn Công Giáo vì những cớ gây vấp phạm của chúng ta sao? Chẳng phải họ bỏ đi vì thế gian lôi kéo họ mạnh hơn chúng ta sao? Chẳng phải đó là do họ chưa thấy giáo xứ của chúng ta thực sự là một cộng đoàn cởi mở, yêu thương, đón nhận sự đa dạng của mọi thành viên sao?
Cho dù là lý do gì đi nữa thì chúng ta vẫn có nhiều việc phải làm nếu chúng ta muốn nỗ lực hàn gắn những chia rẽ, tha thứ những xúc phạm, săn sóc người nghèo khổ và chào đón những người mới vào sống trong cộng đoàn của chúng ta. Ước gì công việc này của chúng ta sẽ luôn được nâng đỡ nhờ lời nguyện mà chúng ta đọc trong thánh lễ này: “Lạy Chúa Kitô đầy lòng lân tuất, xin hãy biến chúng con thành một cộng đoàn phản ánh tình yêu của Ngài ngõ hầu chúng con trở thành dấu hiệu cho sự hiện diện phục sinh của Ngài trong thế giới hôm nay.”